chính phủQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999 - 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999 - 2010 với nội dung chủ yếu sau:
I. Phương hướng, mục tiêu:
1. Phương hướng.
- Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh nhằm khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, sinh thái đa dạng (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới) của các vùng, để sản xuất thực phẩm có giá trị dinh dưỡng đa sinh tố cho người, góp phần giải quyết việc làm, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo cảnh quan môi trường;
- Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh phải gắn với nhu cầu của thị trường, có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước, thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới, cả trước mắt và lâu dài;
- Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh ở các vùng trong cả nước, trong đó cần quan tâm phát triển ở một số vùng có điều kiện sinh thái đặc biệt như: đồng bằng sông Cửu Long, Lâm Đồng, đồng bằng sông Hồng (nhất là cây vụ đông), vùng cao miền núi phía Bắc; kết hợp cải tạo vườn tạp, thâm canh vườn cây hiện có với trồng mới theo hướng: vừa phát triển rộng rãi trong dân, vừa phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây chủ lực, được thâm canh, từng bước hiện đại hoá; sử dụng công nghệ truyền thống và công nghệ sạch để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ và đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng hàng hoá xuất khẩu.
2. Mục tiêu.
- Nhanh chóng thoả mãn nhu cầu đời sống nhân dân về rau, quả và hoa cây cảnh (thông thường và cao cấp), trong đó đẩy mạnh sản xuất, chế biến nước quả với giá rẻ để từng bước thay thế nước uống có cồn hiện nay;
- Tạo thêm việc làm cho khoảng 5,0 triệu người;
- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 1,0 tỷ đô la Mỹ/năm.
II. Về giải pháp:
1. Định hướng quy hoạch vùng sản xuất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại quy hoạch sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng; gắn phát triển vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến; sản phẩm sản xuất ra phải xuất phát từ nhu cầu thị trường (trong nước và xuất khẩu) để quy hoạch, xây dựng kế hoạch sản xuất từng loại sản phẩm, không để nông dân sản xuất tự phát dẫn đến tình trạng khi thừa, khi thiếu gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Trước mắt, tập trung đầu tư cải tạo vườn tạp, xây dựng vùng chuyên canh tập trung, thâm canh một số cây trồng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh được ở trong nước và ngoài nước như: dứa, chuối, nhãn, vải, xoài, cây có múi, thanh long, rau cao cấp, măng tây, hồ tiêu, hoa, cây cảnh...
2. Khoa học và công nghệ.
a) Giống: cần phải có các bộ giống tốt có năng suất cao để thay thế giống năng suất thấp, chất lượng kém hiện nay theo hướng: tuyển chọn giống sẵn có, nhập khẩu, lai tạo những giống mới năng suất cao, chất lượng tốt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Viện nghiên cứu rau quả, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam giúp các tỉnh về kỹ thuật để các tỉnh đều có vườn giống đầu dòng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nhân dân lai ghép, tạo giống tốt cung cấp cho nhu cầu của người trồng rau, quả và hoa, cây cảnh.
Trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học của Bộ, cần có kế hoạch đầu tư Viện nghiên cứu rau quả thuộc Tổng công ty rau quả Việt Nam hiện nay cùng với Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam trở thành các Viện nghiên cứu vùng về rau, quả và hoa, cây cảnh.
b) Nhanh chóng áp dụng và thực hiện quy trình sản xuất bằng công nghệ sạch (dùng phân vi sinh, thuốc vi sinh bảo vệ thực vật...), công nghệ tưới tiêu, công nghệ bảo quản, chế biến tiên tiến, hiện đại để trong thời gian ngắn công nghệ sản xuất bảo quản, chế biến rau quả của Việt Nam sánh kịp các nước trong khu vực.
3. Chế biến.
a) Trên cơ sở quy hoạch vùng chuyên canh tập trung, vùng đã có sản phẩm phải được đầu tư cơ sở chế biến phù hợp giữa công suất chế biến với nguồn nguyên liệu. Việc nhập khẩu thiết bị chế biến phải đảm bảo yêu cầu về công nghệ tiên tiến và hiện đại phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng.
b) Hoàn thành đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nước quả, đồ hộp ở một số vùng, nghiên cứu đầu tư chế biến nước quả đối với một số quả đặc sản có hương vị riêng của Việt Nam.
Trước mắt ở một số tỉnh đã trồng dứa như: Kiên Giang, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình (Đồng Giao), Bắc Giang và một số địa phương khác cần sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mới hoặc đầu tư cải tạo, đổi mới thiết bị đối với nhà máy hiện có để tiêu thụ hết dứa cho người trồng dứa nhưng phải đảm bảo có thị trường tiêu thụ.
4. Thị trường.
Bộ Thương mại chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp hỗ trợ xuất khẩu rau, quả vào các thị trường lớn và mới trong đó có Mỹ, Nga, nhằm giải quyết ổn định đầu ra cho sản xuất rau, quả trước mắt và lâu dài. Tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp về kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế, tiếp thị để tìm kiếm thị trường.
5. Về thuế:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) được quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 Quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10.
Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết việc áp dụng suất thuế ưu đãi nhất trong khung thuế hiện hành đối với các cơ sở sản xuất, chế biến rau, quả và hoa, cây cảnh.
6. Đầu tư và tín dụng.
a) Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho các công việc: nghiên cứu khoa học và công nghệ; nhập khẩu, tạo giống đầu dòng; khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về cây rau, quả và hoa, cây cảnh; đào tạo cán bộ.
b) Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đối với các dự án cải tạo đổi mới công nghệ, thiết bị và đầu tư mới cho chế biến; trồng cây ăn quả theo các dự án.
c) Vốn tín dụng ngân hàng: bảo đảm vốn cho nhu cầu của người trồng rau, quả và hoa, cây cảnh.
d) Vốn thuộc Chương trình giải quyết việc làm, vốn Ngân hàng phục vụ người nghèo, nếu thuộc vùng khó khăn.
7. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh, nhất là mô hình kinh tế trang trại gia đình, trang trại tư nhân đầu tư trồng rau, quả và hoa, cây cảnh và công nghiệp chế biến.
8. Đào tạo cán bộ và huấn luyện kỹ thuật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hơn nữa công tác khuyến nông, khuyến lâm để huấn luyện nông dân về kỹ thuật trồng trọt cây rau, quả và hoa, cây cảnh, nhất là hướng dẫn việc áp dụng công nghệ sạch, không sử dụng hoá chất thuốc trừ sâu độc hại trong sản xuất rau, quả và hoa, cây cảnh; phát huy vai trò tích cực của kinh tế hợp tác và hợp tác xã về phòng trừ sâu bệnh.
Có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, trước hết là giám đốc các doanh nghiệp để nâng cao kiến thức về kỹ thuật và quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo cán bộ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.