Điều 1: Phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn Phú Thọ đến 2010 do Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp lập với các nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu chủ yếu cần đạt được đến 2010:
- Nhịp độ tăng GDP bình quân trong nông lâm nghiệp 4-5% năm, giảm tỷ trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế tỉnh từ 30,4% hiện nay, xuống 17-18% vào năm 2010.
- Cơ cấu kinh tế trong ngành nông lâm nghiệp: giảm tỷ trọng ngành trồng trọt từ 68,7% hiện nay xuống 58% vào 2010, trong trồng trọt giảm tỷ trọng cây lương thực và tăng tỷ trọng cây có sản phẩm hàng hoá (như chè), tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 26,7% hiện nay lên 34% vào 2010. Mục tiêu một số ngành cụ thể như sau:
- Lương thực: Phấn đấu đạt sản lượng lương thực 480-500 ngàn tấn, đảm bảo bình quân đầu người 320-340 kg/năm vào 2010.
- Phát triển và mở rộng các nông sản hàng hoá xuất khẩu: chè đạt 80.000 tấn chè búp tươi và xuất khẩu 13-15 ngàn tấn chè khô vào 2010, chăn nuôi chế biến xuất khẩu 1500 - 2000 tấn thịt và 300-500 tấn lợn sữa.
- Lâm nghiệp: Phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng độ che phủ bằng rừng từ 32,8% hiện nay lên trên 50% vào 2010. Phát triển rừng nguyên liệu giấy cung cấp cho chế biến giấy.
- Lao động, việc làm: giảm thời gian lao động nông nhàn từ 28% hiện nay xuống dưới 15% vào 2010, tạo thêm việc làm cho 12-14 vạn lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn.
II. Quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn đến 2010.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nông nghiệp - nông thôn tỉnh Phú Thọ đến 2010 xác định có 8 chương trình phát triển, trong đó có 5 chương trình kinh tế trọng điểm là:
1. Chương trình an ninh lương thực:
- Mục tiêu: Phấn đấu năm 2010 đạt sản lượng lương thực 480-500 ngàn tấn, bình quân đầu người 340 kg/người/năm.
- Bố trí sản xuất: Năm 2010 đảm bảo diện tích cây lương thực đạt 106.200 ha, trong đó:
+ Lúa 72.200 ha
+ Hoa màu: 34.000 ha (trong đó ngô 20.000ha)
- Giải pháp chủ yếu:
+ Giữ vững đất lúa hiện có, đảm bảo tưới tiêu để tăng chuyển vụ, mở rộng diện tích gieo trồng cây lương thực.
+ áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, cơ cấu mùa vụ. Đưa nhanh lúa lai vào sản xuất từ 30% vào 2010. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ: vụ chiêm xuân, trà xuân sớm và muộn chiếm trên 90%, vụ mùa: mùa sớm 56 - 60% diện tích.
+ Đầu tư chiều sâu 8 -9 ngàn ha canh tác vùng trọng điểm thâm canh, bố trí 2 vụ lúa 1 vụ đông, phấn đấu đạt năng suất lúa bình quân 60 - 70 tạ/ha, ngô trên 40 tạ/ha vào năm 2010.
+ Tăng khả năng tiếp cận lương thực cho vùng có nguy cơ mất an ninh lương thực
+ Có chính sách khuến khích phát triển sản xuất lương thực là vùng đặc biệt khó khăn.
- Dự án ưu tiên:
+ Dự án sản xuất giống lua lai, ngô lai
+ Dự án đầu tư vật chất cho sản xuất giống
+ Dự án bảo quản chế biến lương thực sau thu hoạch.
2. Chương trình phát triển chè
- Mục tiêu: Năm 2010 phấn đấu đưa quy mô chè lên 13 ngàn ha, đạt sản lượng 20 -22 ngàn tấn chè khô, xuất khẩu 13- 15 ngàn tấn.
- Bố trí sản xuất: Quy mô diện tích chè toàn tỉnh năm 2010 đạt 12 ngàn ha, trong đó vùng chè tập trung 10 ngàn ha (chủ yếu phân bổ ở Thanh Sơn, Yên Lập, Sông Thao, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng).
- Giải pháp:
+ Kỹ thật nông nghiệp: Cải tạo và đầu tư thâm canh chè hiện có.Đối với diện tích trồng dặm và trồng mới sử dụng giống mới có năng suất chất lượng cao. Trồng, chăm sóc chè đảm bảo đúng kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
+ Chế biến: Cải tiến công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng thành phẩm, đa dạng hoá sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất.
+ Tổ chức ngành chè: phối hợp với Bộ nông nghiệp - PTNT tổ chức lại sản xuất và đổi mới quản lý ngành chè trên địa bàn tỉnh.
+ Chính sách: Có chính sách đầu tư và tiêu thụ sản phẩm hợp lý, khuyến khích người sản xuất.
- Dự án ưu tiên:
+ Dự án đầu tư trồng chè vay vốn AFD
+ Dự án đầu tư trồng chè vốn liên quan Iraq, liên doanh Phú Bền
3. Chương trình phát triển lâm nghiệp
- Mục tiêu
+ Năm 2010 nâng độ che phủ rừng lên trên 50%.
+ Tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp với tốc độ bình quân từ 0,6% năm hiện nay lên 8,5% vào 2010.
+ Mỗi năm trồng thêm 6.300 ha, trong đó chủ yếu rừng nguyên liệu giấy.
+ Cung cấp nguyên liệu cho chế biến giấy đạt trên 60% so với nhu cầu
- Bố trí sản xuất:
Năm 2010 phấn đấu tổng diện tích có rừng 195.106 ha, trong đó:
+ Rừng tự nhiên 73.511 ha (trong đó phòng hộ, đặc dụng 64.121 ha, rừng sản xuất 9.390 ha)
+ Rừng trồng 121.595 ha trong đó phòng hộ, đặc dụng 42.210 ha; rừng sản xuất 79.385 ha).
- Giải pháp:
+ Đẩy mạnh tiến độ giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và các tổ chức kinh tế quản lý, sử dụng. Đầu tư vốn bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng.
+ Xúc tiến các hoạt động lâm sinh: khoanh nuôi, dòng dưỡng có trồng dăm. Trồng chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, thâm canh để rừng có năng suất cao. Xác định cơ cấu giống cây trồng thích hợp cho từng loại rừng áp dụng các biện pháp tiên tiến để dự báo phòng cháy rừng, trừ sâu hại bằng biện pháp sinh học.
+ Tổ chức khai thác có kế hoạch, theo quy trình.
+ Khuyến khích phát triển hình thức vườn rừng, trại rừng quy mô lớn.
+ Đẩy mạnh công tác khuyến lâm, đưa TBKT vào sản xuất và sản xuất nông lâm và lâm nông kết hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
+ Đổi mới các doanh nghiệp lâm nghiệp thực sự là nòng cốt, vươn lên làm dịch vụ lâm nghiệp và bao tiêu lâm sản trên địa bàn. Phối hợp với Tổng công ty giấu Việt Nam quản lý tốt về mặt Nhà nước đối với các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn.
- Dự án ưu tiên:
+ Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bứa, ngòi Giành, Ao châu
+ Dự án phát triển cây nguyên liệu giấy
+ Dự án đầu tư cơ sở vật chất vườn ươm.
4. Chương trình phát triển chăn nuôi
- Mục tiêu:
+ Đưa chăn nuôi trở thành ngành chính, năm 2010 tỷ trọng giá trị sản lượng chăn nuôi đạt 34%
+ Đầu tư phát triển gia súc chủ yếu là bò, lợn và gia cầm (chủ yếu gà), vùng ven đô thị và khu công nghiệp chú trọng nuôi bò sữa. Năm 2010 phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 50 ngàn tấn (trong đó thịt lợn 35 ngàn tấn) và chế biến xuất khẩu 1500 - 2000 tấn thịt các loại 300 - 500 tấn lợn sữa.
- Bố trí sản xuất: Quy mô đàn gia súc năm 2010 đạt.
+ Đàn bò 138.100 con
+ Đàn lợn 723.300 con
+ Đàn gia cầm 16.000.000 con.
- Giải pháp:
+ Nâng cao chất lượng con giống, cải tạo đàn bò theo hướng sind hoá, đàn lợn theo hướng nạc hoá, ...
+ Thức ăn: ngoài thức ăn bột, xanh, khuyến khích sản xuất và nhập thức ăn tinh (bột cá, đạm), tận dụng phế phụ phẩm để chế biến thức ăn cho chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp nhập thiết bị công nghệ mới để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
+ Tích cực triển khai công tác phòng trừ dịch bệnh: tiêm phòng bắt buộc đối với dịch tả ở lợn, tụ huyết trùng, đóng dấu (đạt 90 - 95%), kiểm dịch động vật chặt chẽ. Tăng cường công tác quản lý giết mổ trên địa bàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường
+ Có chính sách thích hợp khuyến khích phát triển chăn nuôi.
- Dự án ưu tiên.
+ Dự án đầu tư cơ sở vật chất Trung tâm giống gia súc.
+ Dự án đầu tư phát triển nuôi bò sữa ven đô thị và khu công nghiệp.
5. Chương trình phát triển cây ăn quả:
- Mục tiêu
+ Tốc độ tăng giá trị sản lượng cây ăn quả bình quân 6%, năm 2010 đạt 260 tỷ đồng.
+ Quy mô cây ăn quả năm 2010 đạt 9000 ha (trong đó cây chủ lực: chuối, hồng, nhãn, vải), sản lượng 130-140 ngàn tấn và tiến tới có chế biến xuất khẩu.
- Bố trí sản xuất năm 2010:
Tổng diện tích cây ăn quả 9.000 ha, trong đó cây chủ yếu:
+ Chuối 2.000 ha
+ Hồng, nhãn, vải 4.000 ha
+ Dứa 1.000 ha
+ Bưởi 1.000 ha
+ Cây khác 1.000 ha
- Giải pháp:
+ Giống: phối hợp Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phú Hộ tuyển chọn lai tạo giống có năng suất, chất lượng cao và xác định tập đoàn và cơ cấu giống thích hợp từng vùng sinh thái.
+ Kỹ thuật: Tổ chức thử nghiệm và xây dựng các mô hình trình diễn đại diện các vùng với các cây chủ lực, qua đó chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất. Trồng và chăm sóc theo quy định kỹ thuật, cây ăn quả trên đồi phải có thiết kế đồi nương, canh tác theo phương thức nông lâm kết hợp gắn với cải tạo, bảo vệ đất.
+ Bảo quản chế biến: kết hợp phương pháp truyền thống với hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm.
+ Có chính khuyến khích đầu tư phát triển cây ăn quả.
- Dự án ưu tiên:
+ Dự án sản xuất giống cây ăn quả.
+ Mô hình trình diễn cây ăn quả theo 3 vùng sinh thái.
III. Tổng hợp vốn đầu tư và giải pháp thực hiện
1. Tổng hợp vốn đầu tư:
1.1. Ước tính vốn đầu tư:
- Ước tính vốn đầu tư đến 2010: 3.647.720 triệu đ
Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương và địa phương: 592.113 triệu đ
+ Vay ưu đãi 1.659.556 triệu đ
+ Huy động dân 1.396.051 triệu đ
1.2. Phân kỳ đầu tư:
+ Giai đoạn 2000-2005: 2.094.772 triệu đ
+ Giai đoạn 2006-2010: 1.552.948 triêu đ
2. Giải pháp thực hiện:
Ngoài các chính sách, giải pháp đã áp dụng trong sản xuất nông lâm nghiệp thì một số chính sách giải pháp cụ thể cần bổ sung như:
+ Đầu tư chiểu sâu vào các khâu trọng điểm bứt phá.
+ Đẩy mạnh tốc độ phát triển các chương trình kinh tế trọng điểm
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, chú trọng kinh tế trang trại.
+ Đa dạng hoá phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả dụng đất.
+ Giải pháp huy động vốn:
- Liên doanh, liên kết, gọi vốn đầu tư nước ngoài như tranh thủ nguốn vốn của Pháp và Iraq để phát triển cây công nghiệp chủ yếu chè: nguồn vốn ADB (ngân hàng Châu á) để xây dựng cơ sở hạ tầng: như thuỷ lợi, giao thông.. nguồn vốn WB để phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư cho 40 xã khu vực 3 phục vụ xoá đói giảm nghèo.
- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình phát triển thuỷ lợi phục vụ phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.
- Huy động nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện và cơ sở) và sự đóng đóng góp của dân vào chương trình, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Điều 2: Phân công trách nhiệm:
- Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn: căn cứ vào quy hoạch tổ chức triển khai quy hoạch chi tiết phát triển các chương cây - con mũi nhọn. Chỉ đạo huyện điểm rà soát lại quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn cấp huyện trên cơ sở đó rút kinh nghiệm hướng dẫn các huyện, thị khác rà soát lại quy hoạch cấp huyện. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chỉ đạo hướng dẫn sản xuất có trọng tâm, trọng điểm theo chương trình mục tiêu.
- Sở Địa chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện thị ra soát lại quy hoạch sử dụng đất, đẩy nhanh giao đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, hướng dẫn tổ chức dồn đổi ruộng đất để tạo ra vùng tập trung sản xuất có quy mô hàng hoá lớn.
- Sở Khoa học công nghệ và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thử nghiệm, thuần hoá khu vực các giống cây con có năng suất, chất lượng cao thích hợp từng vùng sinh thái.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện thị tổ chức lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư các chương trình trọng điểm, đầu tư chiều sâu.
- Sở Tài chính vật giá phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hệ thống chính sách đòn bẩy khuyến khích phát triển nông lâm nghiệp.
- Sở Thương mại: Tổ chức hệ thống tiếp thị, thu thập và cung cấp thông tin thị trường, cung cấp cho nông dân làm cơ sở phát triển sản xuất. Tổ chức tốt mạng lưới thương nghiệp ở nông thôn để dịch vụ sản xuất tiêu thụ nông lâm sản cho nông dân.
- Sở Lao động Thương binh Xã hội: làm đầu mối chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chương trình giải quyết việc làm, tổ chức các trung tâm đào tạo nghề phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
- Sở Công nghiệp: Nghiên cứu và chỉ đạo hướng dẫn công nghiệp ở nông thôn phát triển tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí sửa chữa và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND huyện, thành, thị căn cứ quyết định thi hành.