Văn bản pháp luật: Quyết định 19/2005/QÐ-BTS

Nguyễn Việt Thắng
Toàn quốc
Công báo số 01 - 06/2005;
Quyết định 19/2005/QÐ-BTS
Quyết định
16/06/2005
16/05/2005

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế tạm thời về Kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc

Thứ trưởng
2.005
Bộ Thuỷ sản

Toàn văn

QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG B? THU? S?N

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Về việc ban hành Quy chế tạm thời về Kiểm soát,

chứng nhận nước mắm  mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 2/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1/2/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Công văn số 5651/VPCP-KG ngày 17/11/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng được mang tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý hàng hoá;

Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.  Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tạm thời về Kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3.  Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ Khoa học Công nghệ, Kế hoạch Tài chính, Pháp chế, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, An toàn Vệ sinh và Thú y Thủy sản, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản, Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý Thuỷ sản và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

QUY CHẾ TẠM VỀ THỜI KIỂM SOÁT, CHỨNG NHẬN

NƯỚC MẮM  MANG TÊN  GỌI XUẤT XỨ  PHÚ QUỐC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2005/QĐ-BTS

ngày16/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy chế này quy định thẩm quyền, thủ tục xác nhận Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc; cơ quan kiểm soát, chứng nhận; trình tự, thủ tục kiểm soát và cấp Giấy chứng nhận cho nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc; quyền hạn và trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc kiểm soát và cấp Giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc.

2. Quy chế này áp dụng đối với mọi  tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc  bao gồm: đánh bắt cá cơm, muối cá cơm, ủ chượp, đóng gói, bán sỉ/đại lý, bán lẻ nước mắm Phú Quốc.

Điều 2.  Giải thích thuật ngữ

Trong Quy chế này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:                

1. Nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc (dưới đây gọi tắt là nước mắm Phú Quốc): là nước mắm được sản xuất theo Quy định tạm thời về sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc ban hành kèm theo Quyết định số 18/2005/QĐ-BTS ngày 16 tháng 5 năm 2005 (sau đây gọi tắt là Quy định về sản xuất nước mắm Phú Quốc) .

2. Lô hàng là một lượng nước mắm Phú Quốc đã được đóng gói, có thể cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng và được cấp cùng một Giấy chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc.

Điều 3.  Cơ quan kiểm soát, chứng nhận nước mắm Phú Quốc

1. Ban Kiểm soát tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc (dưới đây gọi tắt là Ban Kiểm soát) là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Kiểm tra và xác nhận quyền nộp Đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ  nước mắm Phú Quốc theo Quy định tại Điểm 9 Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ)

b) Kiểm soát và cấp Giấy chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc (dưới đây gọi tắt là Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc) theo quy định tại Quy chế này.

2. Ban Kiểm soát  là tổ chức do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Sở Thuỷ sản Kiên Giang, gồm có Trưởng Ban, Phó Trưởng ban, các kiểm soát viên, trong đó phải có ít nhất phải có 2 cán bộ có đủ năng lực kiểm tra chất lượng nước mắm của Sở Thuỷ sản Kiên Giang.

3. Ban Kiểm soát có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động phi lợi nhuận. Việc thu phí kiểm tra, kiểm soát và lệ phí cấp Giấy Chứng nhận nước mắm Phú Quốc thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Để giúp cho Ban Kiểm soát trong việc đánh giá chất lượng nước mắm bằng cảm quan được chính xác, Hiệp Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc lập và phê duyệt một danh sách gồm những nhà sản xuất và kinh doanh nước mắm có kinh nghiệm đánh giá cảm quan chất lượng nước mắm. Khi cần thiết, Ban Kiểm soát có quyền mời một nhóm gồm từ 5-7 người trong danh sách này để tiến hành đánh giá cảm quan cho lô hàng và phải giữ bí mật về danh sách những người được mời đánh giá cảm quan cho lô hàng cụ thể.

5. Hiệp Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc đề xuất số lượng kiểm soát viên và danh sách cán bộ và nhân viên của Ban Kiểm soát trình Sở Thủy sản Kiên Giang xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh  ra quyết định thành lập.

6. Thành viên Ban Kiểm soát phải là người đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Không được phép tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc và không có bất kỳ quyền lợi riêng nào đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc.

b) Đã được tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra chất lượng và kiểm soát, chứng nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc.

Điều 4. Xác nhận quyền nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ

1. Tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc quy định tại Thông tư số 3055/TT-SHCN  ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) là các tổ chức, cá nhân chế biến, đóng gói nước mắm Phú Quốc có năng lực tuân thủ Quy định về sản xuất nước mắm Phú Quốc  .

2. Ban Kiểm soát xác nhận quyền nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ  nước mắm Phú Quốc theo yêu cầu của những tổ chức, cá nhân qui định tại khoản 1 Điều này  sau khi xét thấy tổ chức, cá nhân nộp đơn đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu theo quy định của Bộ Thủy sản cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

CHƯƠNG II

KIỂM SOÁT, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN TÊN GỌI XUẤT XỨ NƯỚC MẮM PHÚ QUỐC

Điều 5. Kê khai về sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc phải tiến hành tự kê khai hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình theo các quy định sau:

1. Các tàu đánh bắt và muối cá cơm làm chượp để chế biến nước mắm Phú Quốc phải kê khai lượng cá cơm đánh bắt, lượng muối sử dụng, thời gian đánh bắt và muối cá, tên các nhà thùng mua cá muối của tàu theo mẫu TGXX/NM- 01 BTS  tại Phụ lục của Quy chế này.

2. Các nhà thùng phải kê khai: số lượng thùng chượp cá, khối lượng chượp, thời gian bắt đầu muối của từng thùng, sản lượng nước mắm các loại được sản xuất trong năm, lượng nước mắm xuất bán, tên và địa chỉ người mua theo mẫu TGXX/NM- 02 BTS  tại Phụ lục của Quy chế này.

3. Các cơ sở đóng gói phải tiến hành kê khai lượng nước mắm đóng gói tại cơ sở, lượng hàng cơ sở mua và bán, tên và địa chỉ người bán, người mua nước mắm Phú Quốc theo mẫu TGXX/NM- 03 BTS  tại Phụ lục của Quy chế này. Ngoài yêu cầu trên, Cơ sở đóng gói nước mắm Phú Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh phải có Biên bản cam kết không thực hiện hành vi pha đấu hoặc các hành vi tương tự khác làm thay đổi tính chất đặc trưng của nước mắm Phú Quốc trong quá trình vận chuyển và đóng gói tại thành phố Hồ Chí Minh được ký giữa chủ cơ sở với Ban Kiểm soát theo mẫu TGXX/NM- 06 BTS tại Phụ lục của Quy chế này. Biên bản làm thành 2 bản giao Ban Kiểm soát và cơ sở lưu.

4. Các cơ sở phải nộp tờ kê khai như đã nêu tại mục 1, 2, 3 của Điều này cho Ban Kiểm soát lần đầu, ngay sau khi Quy chế này có hiệu lực. Việc nộp các tờ kê khai sẽ được thực hiện tiếp theo vào các thời điểm do Ban Kiểm soát  quy định, tuỳ theo tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế.

Điều 6.  Lập và lưu trữ hồ sơ sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc.

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc phải xây dựng và lưu giữ hồ sơ về quá trình sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc của mình để xuất trình theo yêu cầu của Ban Kiểm soát.

2. Hồ sơ nêu tại khoản 1, Điều này bao gồm:

a) Tờ khai về sản xuất  kinh doanh nước mắm quy định tại Điều 5 Quy chế này.

b) Sổ sách ghi chép tình hình sản xuất kinh doanh hàng ngày của cơ sở, ít nhất phải thể hiện các nội dung yêu cầu tại điểm a khoản này.

c) Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc theo quy định tại khoản 3 Điều này

3. Cơ sở đóng gói, kinh doanh nước mắm Phú Quốc phải lưu giữ Giấy Chứng nhận nước mắm Phú Quốc theo quy định sau:

a) Cơ sở đóng gói nước mắm Phú Quốc phải lưu bản sao Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc cho lô hàng, giao bản chính cho người mua (cơ sở bán sỉ/đại lý) kèm theo lô hàng để xuất trình  trong quá trình vận chuyển và bán hàng. Cơ sở đóng gói nước mắm Phú Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh phải lưu Biên bản cam kết nêu tại khoản 3 Điều 5 Quy chế này.

b) Cơ sở bán sỉ/đại lý nước mắm Phú Quốc phải lưu bản chính Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc và hoá đơn xuất hàng của cơ sở đóng gói, trong đó có ghi đầy đủ số lượng, loại bao gói và chất lượng hàng xuất bán do cơ sở đóng gói giao cùng lô hàng.

c) Cơ sở bán lẻ nước mắm Phú Quốc phải lưu bản sao Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc do cơ sở bán sỉ/đại lý ký xác nhận và giao kèm theo hoá đơn xuất hàng, trong đó có ghi đầy đủ số lượng, loại chai, can và chất lượng hàng xuất bán.

4. Hồ sơ của cơ sở phải được lưu giữ  2 năm và luôn sẵn sàng cung cấp cho kiểm soát viên, các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Điều 7. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc

1. Chủ lô hàng muốn được cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc cho lô hàng phải điền đầy đủ và nộp cho Ban Kiểm soát Giấy đăng ký  kiểm tra, chứng nhận nước mắm Phú Quốc theo mẫu TGXX/NM-05 BTS tại Phụ lục Quy chế này.

2. Ban Kiểm soát phải xem xét hồ sơ khai báo về sản xuất kinh doanh nước mắm, kiểm tra việc tuân thủ Quy định về sản xuất nước mắm Phú Quốc của cơ sở sản xuất kinh doanh của chủ lô hàng, kiểm tra số lượng nước mắm đóng gói thực tế, lấy mẫu sản phẩm trong lô hàng đánh giá các chỉ tiêu cảm quan, hoá học và vi sinh của lô hàng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Thuỷ sản.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy đăng ký kiểm tra, chứng nhận nước mắm Phú Quốc theo mẫu TGXX/NM-05BTS Ban kiểm soát phải thực hiện các thủ tục sau đây:

a)  Nếu lô hàng được kiểm tra đạt yêu cầu quy định, Ban Kiểm soát  cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc cho lô hàng.

b) Nếu lô hàng không đạt yêu cầu theo quy định, Ban Kiểm soát thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc và nêu rõ lý do bằng văn bản cho người đăng ký.

4. Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc được cấp 01 bản chính để giao cho các cơ sở bán sỉ/đại lý và 01 bản sao để lưu tại cơ sở đóng gói; số bản sao khác sẽ được chủ cơ sở bán sỉ/đại lý  ký, đóng dấu xác nhận  để chuyển cho chủ cơ sở bán lẻ kèm theo hoá đơn bán hàng như quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

CHƯƠNG III.

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN

 Điều 8. Nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc

1. Tàu đánh cá, nhà thùng phải tuân thủ các yêu cầu Quy định về sản xuất nước mắm Phú Quốc, thực hiện việc kê khai theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này; chịu sự kiểm  tra, giám sát của Ban Kiểm soát theo quy định tại Quy chế này.

2. Cơ sở đóng gói nước mắm Phú Quốc (độc lập hoặc thuộc các nhà thùng) phải tuân thủ các quy định về kê khai sản lượng, và phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này. Chỉ những lô hàng có Giấy chứng nhận  nước mắm Phú Quốc do Ban Kiểm soát cấp đi kèm theo, mới được coi là hợp lệ.

3. Các cơ sở đóng gói nước mắm Phú Quốc tại thành phố Hồ chí Minh không được phép thực hiện hành vi pha đấu hoặc các hành vi tương tự khác làm giảm chất lượng, thay đổi tính chất đặc thù của nước mắm Phú Quốc trong quá trình vận chuyển, đóng gói nước mắm Phú Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh.

4. Các cơ sở bán sỉ/đại lý, bán lẻ, vận chuyển nước mắm Phú Quốc phải có bản chính hoặc bản sao Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc và hoá đơn bán hàng kèm theo lô hàng được bày bán hoặc vận chuyển. Trong quá trình phân phối nước mắm Phú Quốc các cơ sở bán sỉ/đại lý, bán lẻ phải có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng, để xuất trình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

5. Các cơ sở sản xuất kinh doanh nước mắm Phú Quốc phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Ban Kiểm soát theo Quy định của Quy chế này và nộp phí kiểm tra, kiểm soát cho Ban Kiểm soát theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy chế này. 

Điều 9. Quyền hạn và trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang

1. Ra quyết định thành lập Ban kiểm soát, hỗ trợ Hiệp Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc các hoạt động kiểm tra giám sát có liên quan đến tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc.

2. Chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan trong tỉnh tổ chức và giám sát việc thực hiện Quy chế này và các quy định pháp luật về tên gọi xuất xứ trên địa bàn tỉnh.  

3. Xây dựng các quy định khác có liên quan đến kiểm soát và chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc;

Điều 10. Quyền hạn và trách nhiệm của Sở Thủy sản Kiên Giang

1. Xem xét và trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ban Kiểm soát gồm  trưởng ban, phó ban và các kiểm soát viên  do Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc đề xuất theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

2. Chỉ đạo và giám sát hoạt động của Ban Kiểm soát

Điều 11. Quyền hạn và trách nhiệm của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản 

Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản (QLCL,ATVS& TYTS) chỉ đạo các trung tâm thuộc Cục:

1. Thực hiện giám định chất lượng nước mắm Phú Quốc lưu thông trên thị trường nhằm phục vụ cho công tác chống hàng giả.

2. Tổ chức tập huấn và cấp Chứng chỉ về nghiệp vụ kiểm tra chất lượng nước mắm Phú Quốc khi có yêu cầu.

Điều 12. Quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra chuyên ngành thuỷ sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành y tế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các lực lượng có chức năng khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm soát việc sản xuất và lưu thông nước mắm Phú Quốc theo thẩm quyền trên địa bàn quản lý.

2. Khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về tên gọi xuất xứ, tiến hành kiểm soát hồ sơ, lấy mẫu và gửi trưng cầu giám định của Cục QLCL,ATVS&TYTS. Nếu có đủ căn cứ xác định được cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm, cơ sở sẽ phải chịu mọi phí tổn, kể cả chi phí phân tích mẫu và bị xử phạt vi phạm theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này. 

Điều 13. Quyền hạn và trách nhiệm của Hiệp Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc

1. Đề xuất trưởng ban, phó ban và danh sách các kiểm soát viên của Ban Kiểm soát, danh sách các chuyên gia đánh giá cảm quan nước mắm Phú Quốc, trình Sở Thủy sản Kiên Giang  xem xét kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định thành lập.

2. Giám sát hoạt động của Ban Kiểm soát  và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ban Kiểm soát  làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 14. Quyền hạn và trách nhiệm của Ban Kiểm soát

1. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc tuân thủ các quy định của Bộ Thủy sản và các quy định khác của pháp luật về tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc.

2. Thực hiện kiểm soát và cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc cho những lô hàng đáp ứng đầy đủ các quy định.

3. Báo cáo, chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Hàng tháng, gửi thông báo bằng văn bản cho các Sở Thủy sản hoặc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn có quản lý thủy sản, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về số lượng, chất lượng nước mắm, tên cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc được chuyển đến lưu thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thông báo cho Tổng cục Hải quan, các Trung tâm QLCL,ATVS&TYTS các vùng về số lượng, chất lượng và tên cơ sở xuất khẩu nước mắm Phú Quốc.

5. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ kiểm soát, cấp Giấy chứng nhận; định kỳ 6 tháng lập và gửi báo cáo về kiểm soát, chứng nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc tới Hiệp Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc, Sở Thủy sản Kiên Giang, Bộ Thuỷ sản.

6. Phối hợp Hiệp Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc Xây dựng quy chế làm việc của Ban Kiểm soát  trình UBND tỉnh Kiên Giang  phê duyệt.

Điều 15. Quyền và trách nhiệm của kiểm soát viên

1. Thi hành nhiệm vụ theo Quyết định của trưởng Ban Kiểm soát.

2. Có quyền kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đóng gói, lưu trữ hoặc buôn bán nước mắm Phú Quốc trên địa bàn huyện Phú Quốc .

3. Có quyền yêu cầu người sản xuất cung cấp tất cả các tài liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc, có quyền phô tô các tài liệu liên quan đến lô hàng đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận khi cần thiết. Khi lấy tài liệu phô tô copy, kiểm soát viên phải lập biên bản giao nhận tài liệu với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm.

4. Có quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận nước mắm Phú Quốc cho các lô hàng không tuân thủ các quy định của pháp luật về tên gọi xuất xứ.

5. Có quyền lấy mẫu, đánh giá chất lượng theo quy định của tiêu chuẩn ngành về nước mắm Phú Quốc.

6. Có trách nhiệm bảo mật các thông tin của mỗi nhà sản xuất, thống kê lượng hàng sản xuất, lưu thông. 

CHƯƠNG IV

KHIẾU NẠI VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM

Điều 16. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Mọi khiếu nại và giải quyết khiếu nại về hoạt động kiểm soát, chứng nhận nước mắm Phú Quốc thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 17. Xử phạt

 Mọi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc  vi phạm các quy định của Quy chế này sẽ bị xử phạt theo quy định của Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ Khoa học Công nghệ, Kế hoạch Tài chính, Pháp chế; Chánh Thanh tra Bộ; Cục trưởng các Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản, Quản lý Chất lượng An toàn Vệ sinh và Thú y Thuỷ sản; UBND tỉnh Kiên Giang; Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý Thủy sản và các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất nước mắm Phú Quốc chịu trách nhiệm thi hành Quy chế tạm thời này.

Điều 19: Điều khoản thi hành

Mọi bổ sung, sửa đổi của Quy chế tạm thời này sẽ do Bộ trưởng Bộ Thủy sản xem xét và quyết định bằng văn bản./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18240&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận