Văn bản pháp luật: Quyết định 1961/QĐ-UB

Lê Ất Hợi
Thành Phố Hà Nội
Quyết định 1961/QĐ-UB
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
12/09/1994
12/09/1994

Tóm tắt nội dung

v/v năm 1994 ban hành quy định xử lý nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại thành phố Hà Nội của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Chủ tịch
1.994
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

 QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VI PHẠM HÀNH LANG BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định 70/HÐBT ngày 30-4-1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;
Căn cứ Quyết định 106/QÐ-ÐT ngày 20-6-1992 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Ðiều lệ Quản lý xây dựng tại thành phố Hà Nội,
Căn cứ Nghị quyết liên tịch 283/NL-UB/GSÐN ngày 19-12-1993 của Bộ Năng lượng và UBND Thành phố Hà Nội về việc lập lại trật tự kỷ cương trong cung ứng và sử dụng điện;
Theo đề nghị của Ban chỉ đạo xử lý nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp Thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH:

Ðiều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bảng Quy định xử lý nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp Thành phố Hà Nội.

Ðiều 2: Quy định này có hiệu lực thi hành trong toàn Thành phố Hà nội kể từ ngày ký

Ðiều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Ban chỉ đạo xử lý nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp Thành phố Hà Nội, Công ty Ðiện lực I, Sở Ðiện lực Hà Nội, kiến trúc sư trưởng Thành phố, Sở Xây dựng, Công an Thành phố, Sở Nhà đất, Sở Quản lý ruộng đất và đo đạc, UBND các quận, huyện, tổ chức và các nhân cư trú trên địa bàn Thành phố Hà Nội có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 QUY ĐỊNH

XỬ LÝ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VI PHẠM HÀNH LANG BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP THÀNH PHỐ HÀ NỘI

(Ban hành theo Quyết định 1961/QÐ-UB ngày 12-9-1994 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

 

A. XỬ LÝ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH ĐÃ XÂY DỰNG VÀ ĐANG XÂY DỰNG VI PHẠM HÀNH LANG BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP.

I. NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH ĐÃ XÂY DỰNG TRONG HÀNH LANG BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP.

Ðiều 1: Nhà ở, công trình xây dựng nằm trong hành lang bảo vệ an toàn trạm điện, gây trở ngại đường ra vào trạm, gây trở ngại việc kiểm tra, sửa chữa, vận chuyển thiết bị, cứu hoả trạm điện, nếu chủ công trình tự ý xây dựng không phép hoặc sai phép được cấp thì UBND quận, huyện ra quyết định dỡ bỏ phần vi phạm.

Ðiều 2: Nhà ở, công trình xây dựng do chủ công trình tự ý xây dựng đè lên cáp ngầm điện lực, UBND quận, huyện ra quyết định dỡ bỏ phần vi phạm. Trình tự thực hiện như điều 1.

Trường hợp có thể di chuyển cáp lực, Sở Ðiện lực Hà Nội lập phương án di chuyển, Chủ công trình vi phạm làm giấy cam kết để chủ công trình điện làm thủ tục xin phép thành phố duyệt. Chủ công trình chịu chi phí di chuyển cáp lực.

Ðiều 3: Nhà ở, công trình xây dựng có giấy phép trên đất ở hợp pháp, xây dựng trước khi có công trình điện cao áp đến 110kV thì:

a. Chủ đầu tư công trình điện phải chịu chi phí thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn về điện, về xây dựng.

b. Nhà ở, công trình được xây dựng hợp pháp trước khi xây dựng công trình điện, không phải di chuyển ra khỏi hành lang an toàn đường dây điện cao áp đến 110kV nhưng phải đảm bảo thực hiện 4 điều kiện sau đây:

b1- Nhà ở, công trình phải làm bằng vật liệu không cháy (gạch, ngói, bê tông cốt thép).

b2- Kết cấu kim loại phải được nối đất theo hướng dẫn của Sở Ðiện lực

b3- Khoảng cách thẳng đứng từ dây dẫn (khi dây đứng im) đến bất kỳ bộ phận nào của nhà và công trình ở mọi vị trí tương ứng không được nhỏ hơn:

- 3m đối với đường dây trên không đến 35kV

- 4m đối với đường dây trên không đến 110kV

b4- Chủ công trình nhà ỏ phải giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới thêm, không được sử dụng nóc nhà, sân thượng, ban công ... phần công trình nằm trong hành lang bảo vệ đường dây trên không vào bất cứ việc gì (phơi phóng, xây bể nước, lắp đặt ăng ten thu hình ...)

Khi cần sửa chữa nóc nhà, sân thượng, ban công trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thì chủ nhà phải báo trước cho Sở Ðiện lực 10 ngày để có biện pháp bảo đảm an toàn về điện. Khi Sở Ðiện lực có giải pháp an toàn điện mới được sửa chữa.

- Nếu phải thực hiện như điều b1, b2 thì kinh phí do chủ công trình điện chịu.

- Trường hợp phải dỡ bỏ tầng trên của nhà ở, công trình để đảm bảo như điểm b3 thì chủ đầu tư công trình điện phải bồi thường phần kinh phí do mất diện sử dụng, kinh phí phá dỡ, kinh phí hoàn thiện lại mái nhà ở, công trình.

Trường hợp phải di chuyển toàn bộ ngôi nhà thì chủ công trình điện phải bồi thường thiệt hại về nhà ở, công trình kiến trúc phải dỡ bỏ, thiệt hại về tài sản, hoa mầu theo Nghị định 90/CP ngày 17-8-1994 của Chính phủ.

Ðiều 4: Nhà ở, công trình của cơ quan, tập thể và cá nhân xây dựng không hợp pháp trước và sau có đường dây cao áp đến 110kV thì giải quyết như sau:

a. Ðội quản lý trật tự xây dựng Ðô thị quận, huyện chủ trì phối hợp với Sở Ðiện lực Hà Nội, UBND phường, xã, thị trấn kiểm tra, lập biên bản, phân loại để xử lý theo quy định hiện hành của UBND Thành phố về việc xây dựng nhà ở và xử lý xây dựng trái phép.

b. Trong khi chờ xử lý theo quy định hiện hành thì đối với các công trình kiến trúc đã xây dựng không hợp pháp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường dây trên không đến 110kV không đảm bảo như điểm b3, UBND quận, huyện ra quyết định dỡ bỏ ngay phần nhà ở, công trình vi phạm các điều kiện nêu trên

c. Ðối với nhà ở, công trình đã xây dựng không hợp pháp gây trở ngại cho việc quản lý, vận hành, xử lý sự cố cột điện cao thế, UBND quận, huyện ra quyết định dỡ bỏ ngay nhà ở, công trình trong  phạm vi từ mép ngoài móng cột điện về hai phía, mỗi bên 2 m.

d. Nhà ở, công trình không hợp pháp nằm trong hành lang bảo vệ đường dây 220kV, UBND quận, huyện ra quyết định dỡ bỏ phần vi phạm theo trình tự như điều 1. Kinh phí do đối tượng vi phạm chịu.

Ðiều 5: Nhà ở, công trình của cơ quan, tập thể và cá nhân đã xây dựng hợp pháp trước khi có đường dây cao thế đến 220kV:

a. Chủ đầu tư công trình điện phải chịu kinh phí bồi thường thiệt hại theo Nghị định 90/CP ngày 17-8-1994 của Chính phủ, để dỡ bỏ, di chuyển nhà ở, công trình ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây cao áp đến 200kV.

b. Nếu công trình không có người ở, công trình có người làm việc không thường xuyên thì không phải dỡ bỏ, di chuyển, nhưng phải cải tạo công trình đảm bảo 4 điều kiện tại điểm b, điều 3, riêng mục b3, khoảng cách không được nhỏ hơn 5m đối với ÐDK 220kV. Kinh phí do chủ đầu tư công trình điện chịu.

II. NHÀ Ở VÀ CÔNG TRÌNH ĐANG XÂY DỰNG

Ðiều 6: Nghiêm cấm xây dựng mới nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (kể cả trên không và cáp ngầm).

a. Nhà ở, công trình của cơ quan, tập thể và cá nhân đang xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp vi phạm Nghị định 70/HÐBT, vi phạm quy định hiện hành của UBND Thành phố thì UBND quận, huyện ra quyết định dỡ bỏ ngay phần vi phạm đã nói ở điều 1.

b. Khi xây dựng nhà ở, công trình, chủ công trình đã dùng các hình thức như: sào tre, cọc gỗ, ống nhựa, dây buộc ... chống đẩy, kéo dây điện để xây dựng, đe doạ an toàn vận hành và sự cố lưới điện, tai nạn cho người ... thì Sở Ðiện lực, đội Quản lý trật tự xây dựng Ðô thị quận, huyện tổ chức lực lượng dỡ bỏ ngay phần vi phạm, trả lại nguyên trạng theo Quyết định 677/QÐ-UB ngày 26-4-1994 của UBND thành phố Hà Nội.

B. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ðiều 7: Thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp Thành phố.

a. Các thành viên ban chỉ đạo Thành phố

- Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách quản lý xây dựng Ðô thị làm Trưởng ban

- Giám đốc Công ty Ðiện lực I được Bộ trưởng Bộ Năng lượng uỷ quyền thay mặt Bộ Năng lượng làm Phó trưởng ban.

- Giám đốc Sở Ðiện lực Hà Nội làm Phó trưởng ban Thường trực.

- Giám đốc Công an Thành phố - Phó trưởng ban

- Các uỷ viên khác gồm:

+ Ðại diện các ngành: Nhà đất, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Xây dựng, Quản lý ruộng đất, Giao thông công chính.

+ Ðại diện UBND quận, huyện, đội trưởng (hoặc đội phó) Ðội Quản lý trật tự xây dựng Ðô thị quận, huyện.

b. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo TP

- Ban chỉ đạo Thành phố làm chức năng tham mưu cho UBND Thành phố và Bộ Năng lượng về việc xử lý nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn Thành phố.

- Ðôn đốc và kiểm tra việc xử lý vi phạm tại các quận, huyện đã được Bộ Năng lượng và UBND Thành phố phê duyệt.

- Ðề xuất với UBND Thành phố và Bộ Năng lượng xử lý trường hợp khó khăn, phức tạp vượt quá thẩm quyền các quận, huyện.

- Ban chỉ đạo Thành phố mỗi quý họp định kỳ 1 lần để kiểm điểm việc xử lý vi phạm trong quý và kế hoạch thực hiện quý sau. Khi cần thiết Ban chỉ đạo họp bất thường để giải quyết các trường hợp đặc biệt, các yêu cầu của quận, huyện.

Ðiều 8: Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLÐCA).

a. Các thành viên Hội đồng xử lý cấp quận, huyện:

- Chủ tịch UBND quận, huyện là Chủ tịch Hội đồng

- Ðội trưởng Ðội quản lý trật tự xây dựng Ðô thị (QLTTXDÐT) quận, huyện làm uỷ viên.

- Ðại diện Sở Ðiện lực Hà Nội, Sở Truyền tải điện làm uỷ viên thường trực

- Ðại điện phòng Xây dựng quận, huyện - uỷ viên

- Ðội trưởng, hoặc đội phó cảnh sát trật tự quận, huyện - uỷ viên.

b. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng xử lý

- Hội đồng xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp quận, huyện là tổ chức có quyền xử lý vi phạm để Chủ tịch UBND quận, huyện ra quyết định xử lý.

- Hội đồng xử lý vi phạm có nhiệm vụ tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện đúng Nghị định 70/HÐBT về việc bảo vệ an toàn bảo vệ lưới điện, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

- Hội đồng xử lý vi phạm họp mỗi tháng 1 lần tại UBND quận, huyện để kiểm điểm tình hình xử lý vi phạm trong tháng và lập kế hoạch cụ thể , biện pháp thực hiện trong tháng sau.

C. TRÌNH TỰ XỬ LÝ VI PHẠM

Ðiều 9: Sở Ðiện lực Hà Nội là cơ quan quản lý đường dây và trạm và là thường trực cho ban chỉ đạo Thành phố và Hội đồng xử lý quận huyện, thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra lưới điện, các thiết bị điện và báo cáo Hội đồng nhân dân cấp quận huyện về mức độ và tính chất vi phạm.

Căn cứ đề nghị của Sở Ðiện lực, Ðội trưởng Ðội Quản lý trật tự xây dựng Ðô thị quận, huyện chủ trì cùng các thành viên khác lập biên bản vi phạm, báo cáo Hội đồng quận, huyện chủ trương xử lý. Trường hợp phức tạp vượt quá thẩm quyền thì Hội đồng quận, huyện báo cáo Ban chỉ đạo Thành phố chỉ đạo xử lý.

Ðiều 10: Sau khi có quyết định xử lý của Chủ tịch Hội đồng quận, huyện, Ðội trưởng Ðội Quản lý trật tự xây dựng Ðô thị căn cứ nhiệm vụ được giao, tổ chức lực lượng dỡ bỏ phần vi phạm. Sở Ðiện lực chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn về điện khi tổ chức phá dỡ nhà ở, công trình.

Ðiều 11: Việc xử lý vi phạm phải đảm bảo công khai và đúng pháp luật. Quyết định xử lý của UBND quận, huyện hoặc UBND Thành phố phải công bố cho chủ vi phạm biết trước ngày phải thực hiện là 15 ngày và quy định rõ thời hạn phải thực hiện xong. Nếu quá thời hạn quy định phải thực hiện xong mà chủ vi phạm cố tình không thực hiện thì UBND quận, huyện tổ chức cưỡng chế theo đúng trình tự và quy định hiện hành của Nhà nước. Kinh phí thực hiện cưỡng chế do chủ công trình vi phạm chịu.

Ðiều 12: Nếu quyết định vi phạm không được thực hiện, để xảy ra tai nạn cho người và sự cố lưới điện thì chủ công trình vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định tại điều 27 khoản 1 Nghị định 70/HÐBT./.


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=30800&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận