Văn bản pháp luật: Quyết định 200/2004/QĐ-TTg

Phan Văn Khải
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 200/2004/QĐ-TTg
Quyết định
25/12/2004
03/12/2004

Tóm tắt nội dung

Về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ

Thủ tướng
2.004
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của

Ban Xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 18/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại Vụ Pháp chế của Văn phòng Chính phủ.

Điều 2. Ban Xây dựng pháp luật là tổ chức thuộc Văn phòng Chính phủ có chức năng giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ trưởng, Chủ nhiệm) tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổ chức thẩm tra dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Ban Xây dựng pháp luật có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm trong việc:

1. Tham mưu, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về định hướng, mục tiêu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thẩm tra tờ trình về lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ của Chính phủ và hàng năm để trình Chính phủ xem xét thông qua, trình ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định.

2. Tham mưu, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân công cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cả khoá và hàng năm.

3. Đôn đốc các Ban soạn thảo thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình công tác của Chính phủ (phần công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật); phối hợp với Ban soạn thảo xây dựng các dự án luật, pháp lệnh quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Ban soạn thảo về quan điểm, nội dung, ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

5. Phối hợp với Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh tổ chức giới thiệu nội dung các dự án luật, pháp lệnh cho Bộ, ngành, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia tham gia ý kiến để tiếp thu, hoàn chỉnh tờ trình và dự thảo luật, pháp lệnh trước khi trình Chính phủ.

6. Phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất hướng xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự án luật, pháp lệnh để đưa ra Chính phủ thảo luận, quyết định. Tổng hợp và đề xuất hướng xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các thành viên Chính phủ trong nội dung dự thảo luật, pháp lệnh để Bộ trưởng, Chủ nhiệm báo cáo trước phiên họp Chính phủ và chuẩn bị những nội dung quan trọng trong dự thảo luật, pháp lệnh để Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thảo luận và kết luận tại phiên họp Chính phủ.

7. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Văn phòng Chính phủ, các Ban soạn thảo thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về quy trình, hồ sơ thủ tục, tính hợp pháp, sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phân tích, tổng hợp, có ý kiến đánh giá độc lập về nội dung các dự án luật, pháp lệnh để Bộ trưởng, Chủ nhiệm trình Chính phủ xem xét, thông qua, trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tham gia ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức khác hoặc đại biểu Quốc hội gửi xin ý kiến Chính phủ trước khi trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội.

8. Phối hợp với Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh tờ trình và dự án luật, pháp lệnh sau khi Chính phủ cho ý kiến hoặc thông qua để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội.

9. Theo dõi việc Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua các dự án luật, pháp lệnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì hoặc phối hợp với các Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan giúp Chính phủ chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

10. Phối hợp với các cơ quan liên quan, Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án luật, pháp lệnh trong quá trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình. Nếu có ý kiến khác với dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ đã trình thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

11. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Văn phòng Chính phủ trong lập Chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có Chương trình xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật); đôn đốc việc thực hiện chương trình đó để bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

12. Thẩm tra lần cuối về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm ký tắt và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

13. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác cải cách tư pháp (phần liên quan đến nhiệm vụ của Chính phủ khi được Thủ tướng Chính phủ giao).

14. Chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh mà Văn phòng Chính phủ được phân công chủ trì, xây dựng; thực hiện những nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao.

Điều 4. Ban Xây dựng pháp luật có Trưởng ban và một số Phó Trưởng ban. Trưởng ban tương đương cấp Thứ trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.

Các Phó Trưởng ban do Bộ trưởng, Chủ nhiệm bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định cơ cấu tổ chức, biên chế và Quy chế hoạt động của Ban Xây dựng pháp luật.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Xây dựng pháp luật và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18714&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận