Văn bản pháp luật: Quyết định 205/QĐ-THA

Nguyễn Đình Lộc
Toàn quốc
Sách-Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia;
Quyết định 205/QĐ-THA
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
25/06/1993
10/06/1993

Tóm tắt nội dung

Về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 266-TTg ngày 02/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ

Bộ trưởng
1.993
Bộ Tư pháp

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH

Về kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 266-TTG ngày 2- 6 -1993 của Thủ tướng Chính phủ

 

Để thực hiện hiện Chỉ thị số 266/TTg ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp hướng dẫn kế hoạch triển khai như sau:

 

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Nhanh chóng thành lập, sớm ổn định tổ chức Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đội thi hành án thuộc các Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong tháng 6 năm 1993 để sẵn sàng tiếp nhận việc bàn giao công tác thi hành án dân sự.

2. Tập trung chỉ đạo Phòng thi hành án và các Đội thi hành án rà soát, phân loại các vụ án dân sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành, huy động lực lượng và phương tiện cần thiết để tiến hành một đợt thi hành án dân sự trong từng địa phương, nhằm thi hành dứt điểm một số bản án, quyết định dân sự có khả năng thi hành án mà để tồn đọng từ trước đến nay chưa được thi hành hoặc thi hành dây dưa, kéo dài; kịp thời tổ chức thi hành những bản án, quyết định dân sự mới trong thời hạn do pháp luật quy định, phấn đấu giảm đáng kể tỉ lệ án tồn đọng.

3. Chấn chỉnh một bước cơ bản công tác thi hành dân sự, tạo đà cho những năm tiếp theo, góp phần lập lại kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Về triển khai việc bàn giao công tác thi hành án dân sự.

Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các ngành hữu quan ở địa phương để kịp thời triển khai thực hiện Nghị định 30-CP, Nghị định 38-CP. Chỉ thị 266-TTg của thủ tướng chính phủ, Thông tư liên ngành số 01-TT/LN ngày 26 tháng 5 năm 1993, các thông tư, quyết định của Bộ Tư pháp hướng dẫn các vấn đề về bàn giao công tác thi hành án dân sự, đồng thời báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo bàn giao công tác thi hành án dân sự ở địa phương để chỉ đạo, giám sát, bảo đảm cho việc bàn giao đạt kết quả và đúng thời hạn quy định.

2. Về tăng cường công tác thi hành án dân sự trong 6 tháng cuối năm 1993.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm 1993 sẽ tiến hành một đợt thi hành án dân sự trong cả nước gồm hai bước:

a) Bước 1 được triển khai vào quý III năm 1993 tập trung thực hiện các việc sau đây:

Rà soát toàn bộ các loại bản án,quyết định tồn đọng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xem xét, kiểm tra, xác minh cụ thể để phân loại bản án, quyết định có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện hoặc không có điều kiện thi hành;

Đối với những bản án, quyết định có điều kiện thi hành, thì phải kiên quyết tổ chức việc thi hành án ; nếu đương sự cố tình lẩn tránh, chây ỳ hoặc tìm cách chống đối việc thi hành án, thì kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh những người có hành vi chống đối, cản trở việc thi hành án; nếu có vi phạm nghiêm trọng thì xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự;

Đối với những bản án,quyết định không có hoặc chưa có điều kiện thi hành, thì cần xem xét, ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự;

Đối với những bản án,quyết định không có điều kiện thi hành mà cũng không có căn cứ để hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự, thì xử lý như sau:

Đối với bản án, quyết định có tài sản hoặc số lượng tiền mà mỗi đương sự phải thi hành để thu cho Ngân sách Nhà nước có giá trị từ 3000 đồng trở xuống, nếu xét thấy số tiền phải thu không đủ bù đắp chi phí cho việc tiến hành các thủ tục thi hành án, thì cơ quan thi hành án vận dụng quy định của Thông tư liên ngành số 01-TT/LN ngày 10 tháng 1 năm 1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để lập danh sách những người phải thi hành án có sự kiểm tra, xác nhận của Thủ trưởng cơ quan thi hành án và đưa ra ngoài số thụ lý thi hành án. Bản sao danh sách phải gửi cho Toà án và Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong trường hợp người có tên trong danh sách này tự nguyện nộp tiền thi hành án, thì cơ quan thi hành án vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục thi hành án để thu khoản tiền đó nộp vào Ngân sách Nhà nước;

Đối với các trường hợp còn lại, các cơ quan thi hành án cần lập bảng kê các vụ, việc cụ thể, lấy ý kiến tham gia của Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan tài chính cùng cấp ở địa phương để kiến nghị Bộ Tư pháp và các ngành hữu quan chỉ đạo hướng dẫn giải quyết thích hợp.

Vào cuối quý III năm 1993 các địa phương tổ chức sơ kết bước 1 để rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện bước 2 của đợt thi hành án, gửi báo cáo sơ kết về Bộ Tư pháp chậm nhất đến ngày 15 tháng 8 năm 1993.

b) Bước 2 được triển khai vào quý IV năm 1993, trên cơ sở tổng rà soát, phân loại bản án, quyết định và rút kinh nghiệm của bước 1 và phải đạt mục tiêu giảm đáng kể số lượng bản án, quyết định tồn đọng.

Chậm nhất đến ngày 20 tháng 12 năm 1993, các địa phương phải tổng kết đợt thi hành án, gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để Bộ kịp thời tổng hợp để làm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 1993.

3. Về tổ chức, chỉ đạo.

a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Bộ để triển khai thực hiện Chỉ định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng ban và lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan của Bộ làm thành viên;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ định của Thủ tướng chính phủ ở địa phương mình.

 

III. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tư pháp quyết định chọn các địa phương sau đây làm điểm tiến hành đợt thi hành theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ:

Thành phố Hà Nội.

Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵmg.

Tỉnh Lâm Đồng.

Tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh Cần Thơ.

Tỉnh Nghệ An.

Tỉnh Thái Bình.

Tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Lạng Sơn.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh làm điểm mở đợt thi hành án. Danh sách các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dự kiến chọn làm điểm phải được gửi về Bộ Tư pháp chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 1993.

Bộ Tư pháp kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương đã được chọn làm điểm mở đợt thi hành án, khi cần thiết có thể cử cán bộ về phối hợp cùng với địa phương trong việc chỉ đạo điểm. Định kỳ hàng tháng, các địa phương được chọn làm điểm báo cáo về Bộ Tư pháp tình hình thực hiện đợt thi hành án.

2. Các địa phương cần có kế hoạch triển khai cụ thể, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đề ra.

3. Phải kiên quyết, thống nhất trong việc chỉ đạo, tập trung lực lượng, phương tiện cần thiết, triển khai đồng bộ, vững chắc: bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành, đoàn thể hữu quan, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

4. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để tuyên truyền sâu rộng về phương pháp thi hành án, kịp thời nêu gương những điển hình tốt, phê phán nghiêm khắc những hành vi can thiệp, chống đối, cản trở việc thi hành án.

5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc điều động một lực lượng cảnh sát nhân dân thường trực phối hợp với các cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành án.

6. Cần lựa chọn một số vụ, việc mà đương sự có điều kiện thi hành án nhưng chây ỳ, chống đối việc thi hành án để tập chung chỉ đạo, tổ chức tốt việc cưỡng chế, đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử lưu động một số vụ chống đối, cản trở công việc thi hành án và tổ chức tuyên truyền rộng rãi để làm gương cho những đối tượng khác.

7. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tạo điều kiện về phương tiện và kinh phí cần thiết cho việc thi hành án ở địa phương.

8. Bộ Tư pháp, sở Tư pháp kịp thời tổ chức việc ra bản tin (định kỳ ít nhất 2 tuần 1 số) về tình hình bàn giao công tác thi hành án, về tiến hành đợt thi hành án dân sự.

9. Đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp kịp thời phản ánh, báo cáo về tình hình triển khai việc chuyển giao thi hành án, những vấn đề phát sinh, vướng mắc và kiến nghị để Bộ kịp thời có văn bản hướng dẫn và cử cán bộ về giải quyết tại chỗ./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=10508&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận