Uỷ ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể
phát triển thủy sản Hải Phòng thời kỳ 2001 - 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Chỉ thị số 32 /1998/CT-TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 1554/1999/QĐ-UB ngày 03/9/1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt đề cương quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Hải Phòng đến năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 533 /TT-QH ngày 28/5/2001 và Sở Thủy sản tại Tờ trình số 297 /TS-KHĐT ngày 25/7/2001 về việc xin phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Hải Phòng thời kỳ 2001 - 2010 và biên bản thẩm định số 489 /TĐ-QH ngày 22/5/2001 của Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Hải Phòng thời kỳ 2001 - 2010 với nội dung sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.
Đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, phát triển trên quan điểm toàn diện hiệu quả và liên ngành gắn với bảo vệ nguồn lợi môi trường và cân bằng sinh thái, bảo đảm hài hoà lợi ích kinh tế với bảo vệ an ninh quốc phòng. Chuyển dịch cơ cấu ngành Thuỷ sản theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu nhằm đưa Hải Phòng trở thành một trung tâm thủy sản phát triển với tốc độ nhanh và bền vững.
II. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:
Ngành Thủy sản phát triển với cơ cấu nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa; khu vực thuỷ sản ngoài Nhà nước là động lực quan trọng phát triển gắn với việc nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tập trung chủ động tạo nguồn nguyên liệu và cung cấp các dịch vụ, hậu cần cho phát triển ngành Thuỷ sản.
Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng nhanh lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, chế biến xuất khẩu đồng thời nâng cao hiệu quả lĩnh vực khai thác trên cơ sở phát huy nguồn lực trong nước tạo thế chủ động hội nhập khu vực.
Trên cơ sở quy hoạch tiến hành tổ chức lại sản xuất trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, thương mại và dịch vụ hậu cần với mô hình thích hợp để đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và quản lý nhằm khai thác tốt nhất lợi thế về tài nguyên, vị thế, đất, mặt nước và lao động.
III. PHÁT TRIỂN CÁC LĨNH VỰC.
1. Về khai thác thủy sản.
Chuyển dịch cơ cấu nghề khai thác theo hướng ổn định nghề lộng với sản lượng như hiện nay, phát triển nghề khơi trên cơ sở củng cố các doanh nghiệp Nhà nước tạo nòng cốt phát triển nghề cá nhân dân hướng vào các mục tiêu:
Đổi mới phương tiện đánh bắt tạo điều kiện bám biển dài ngày, từng bước vươn ra ngư trường xa bờ.
Phát huy nghề truyền thống, phát triển đa nghề trên 1 phương tiện đánh bắt.
Nâng cấp và đầu tư đồng bộ hệ thống hậu cần dịch vụ với quy mô cung cấp các dịch vụ cho nghề cá vịnh Bắc Bộ.
Phát triển chợ cá trên biển, chợ bán buôn thủy sản nhằm thu hút tàu đánh cá trong vịnh Bắc Bộ.
Đến năm 2010 sản lượng khai thác thuỷ sản đạt trên 30.000 tấn - 32.000 tấn với cơ cấu nghề khơi chiếm tỷ trọng 60 - 65% sản lượng.
2. Về nuôi trồng thuỷ sản.
Phát triển toàn diện nghề nuôi trồng thủy sản trên các mặt nước ngọt, nước lợ, nước mặn theo hướng sinh thái, đồng bộ với đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống, thức ăn, phòng chống dịch bệnh tạo cơ sở chuyển mạnh sang nuôi công nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản trên cơ sở chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi thủy sản nước ngọt, khai thác vùng triều thấp nuôi các loại nhuyễn thể; khu vực eo, vụng, vịnh quanh đảo nuôi đặc hải sản nước mặn.
Đối với vùng triều, vùng nước mặn sử dụng để nuôi thuỷ sản phải trên cơ sở xử lý tốt mối quan hệ ảnh hưởng liên ngành (với trồng cây nước mặn, phát triển đô thị, du lịch, cảng và công nghiệp vùng ven biển) để bố trí sản xuất găn với bảo vệ tài nguyên nuôi trồng, với hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo vùng sinh thái, để tăng nhanh diện tích nuôi công nghiệp với các giống thủy sản có giá trị kinh tế (tôm, cá, rong câu, cua) tạo năng xuất cao và bền vững.
Đến năm 2010 sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt trên 120.000 tấn.
3. Về chế biến.
Găn với mở rộng sản xuất và thương mại thủy sản để thu hút nguồn nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến. Sử dụng công nghệ cao trong công nghệ chế biến và trong khâu bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng tạo sức cạnh tranh mạnh của các sản phẩm chế biến. Mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở chế biến các loại sản phẩm ăn liền, các sản phẩm có thời gian bảo quản lâu dài (hàng khô, nước mắm các loại).
Đến năm 2010, quy mô chế biến trên 20 vạn tấn nguyên liệu thủy hải sản cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ngày càng nhiều sang thị trường EU và Bắc Mỹ theo tiêu chuẩn HACCP, giá trị xuất khẩu đạt trên 240 triệu USD (2005 đạt trên 90 triệu USD).
4. Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần và thương mại thủy sản. Trên cơ sở tập trung thực hiện các dự án ưu tiên sau:
Xây dựng chợ cá trên đảo Cát Bà, Bạch Long Vỹ và Trung tâm Thương mại thủy sản Máy Chai (trên địa bàn Tổng Công ty Thủy sản Hạ Long).
Đầu tư đồng bộ (khu neo đậu tàu thuyền, thông tin liên lạc, thông tin kinh tế,...) cho khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cát Bà, Bạch Long Vỹ, nâng cấp cơ sở hạ tầng các bến cá Ngọc Hải - Đồ Sơn, Mắt Rồng - Thuỷ Nguyên, xây dựng mới các bến cá quy mô nhỏ gắn với xây dựng trù phú các làng cá hiện có nhằm nâng cao mức sống cộng đồng đân cư ven biển phát triển sản xuất đồng thời làm tốt công tác quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự trên biển và ven biển.
Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống sản xuất giống thuỷ sản, thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản công nghiệp đảm bảo cung cấp đủ với chất lượng cao cho nhu cầu thành phố và cung cấp cho các tỉnh vùng Duyên Hải Bắc Bộ.
5. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến ngư và bảo vệ nguồn lợi:
Sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, đội ngũ thuyền viên và lực lượng lao động khai thác thuỷ sản giỏi. Kết hợp phương thức đào tạo dài hạn với đào tạo ngắn hạn thông qua khuyến ngư đưa các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Đổi mới công tác khuyến ngư cung cấp các dịch vụ kỹ thuật thông tin thị trường và xây dựng điểm trình diễn theo các vùng sinh thái để hướng dẫn sự phát triển thuỷ sản theo quy hoạch. Tăng cường mối quan hê liên ngành, nâng cao hiệu lực của các tổ chức Nhà nước trong các lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi, quản lý chất lượng con giống, sản xuất thức ăn và sử dụng thuốc phòng trừ dịch bệnh nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.
Để thực hiện quy hoạch ngành cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách để huy động nguồn vốn trong dân, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng thị trường có hiệu quả. Cụ thể hoá các dự án ưu tiên đầu tư (theo vùng sinh thái ở các lĩnh vực) nhằm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Điều 2: Sở Thuỷ sản là cơ quan chủ quản quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt Sở Thuỷ sản phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, các huyện, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức, phổ biến kịp thời cho dân biết để thực hiện.
Các ngành, các huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cho Sở Thuỷ sản thực hiện quy hoạch đảm bảo sự thống nhất liên ngành, giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, sau 3 - 5 năm căn cứ vào điều kiện cụ thể giao cho Sở Thủy sản đánh giá rà soát lại việc thực hiện quy hoạch, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế và bổ sung những biện pháp thích hợp nhằm phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành Trung tâm thủy sản các tỉnh phía Bắc.
Điều 3: Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thuỷ sản, Thủ trưởng các Ban, ngành, quận, huyện, thị xã có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký./.