uỷ ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY
Duyệt quy hoạch phát triển du lịch khu vực hồ Quan Sơn huyện Mỹ Đức đến 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc ban hành và bổ sung, sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 05/1999/TT-BKH ngày 11/11/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý các dự án quy hoạch;
Hội nghị Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh họp ngày 15/10/2002 có sự tham gia của các Ngành liên quan đã thông qua;
Xét báo cáo số 22-BCTĐ/KHĐT-QH ngày 25/01/2002 của Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định quy hoạch phát triển du lịch khu vực hồ Quan Sơn huyện Mỹ Đức đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Duyệt quy hoạch phát triển du lịch khu vực hồ Quan Sơn huyện Mỹ Đức đến năm 2010 như sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng điểm du lịch hồ Quan Sơn thành điểm du lịch lớn trong tổng thể du lịch của tỉnh.
Phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng cảnh quan, kiến trúc địa lý của khu vực, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, các di tích lịch sử văn hoá, các công trình an ninh quốc phòng
II. CHỨC NĂNG ĐIỂM DU LỊCH QUAN SƠN:
Là điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch Hà Nội - Hà Đông - Khu vực Hương Sơn Mỹ Đức; điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Hà Tây và khu vực phụ cận.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:
Phát triển cảnh quan du lịch môi trường sinh thái.
Phát triển du lịch nghỉ ngơi cuối tuần.
Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên nguyên tắc giữ gìn sinh thái, cảnh quan môi trường.
IV. QUY HOẠCH PHÂN KHU CHỨC NĂNG:
Tổng thể khu du lịch được phân chia thành 2 khu chức năng:
Khu vực I: Khu vực Quan Sơn (xã Hợp Tiến)
Khu vực II: Vĩnh An (xã Hồng Sơn)
1. Khu vực Quan Sơn:
Diện tích khoảng 361,24 ha, bao gồm:
Văn phòng Công ty thuỷ sản và dịch vụ: 5,3 ha
Khu hồ Giang Nội: 83,9 ha
Khu Hồ Sông: diện tích mặt nước sử dụng 110 ha
Khu núi từ núi đá Bạc ven theo hồ Giang Nội đến Thung Voi, mặt nước cắt ngang sang điểm gianh giới ba xã Hợp Tiến, Hồng Sơn - Cao Dương và Thung Mơ do xã Hợp Tiến quản lý, diện tích núi đá 113 ha, diện tích trồng trọt 24 ha, diện tích đất chuyên dùng 25 ha.
Mục tiêu:
Phát triển thành một trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí mặt hồ, ven núi đá và trên cạn trên cơ sở kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản và cung cấp nước cho nông nghiệp.
Tổ chức không gian:
Phần diện tích Văn phòng công ty thuỷ sản và dịch vụ du lịch dự kiến xây dựng các công trình: Bến xe, cửa hàng dịch vụ, hội trường, văn phòng làm việc, nhà nghỉ CBNV, khu công viên văn hoá, sân thể thao.
Phần diện tích hồ Giang Nội và hồ Sông: Xây dựng âu thuyền, nhà thuyền, nhà thuỷ toạ, trạm cứu nạn, khu vực thể thao nước, các hệ thống chiếu sáng mặt hồ và ven núi.
Khu vực núi Thung Mơ, núi rừng xã Hợp Tiến: Xây đựng cầu phà lối lên, lối xuống, khu dịch vụ, khu thể thao, xây dựng các khuôn viên nhỏ (nhà nghỉ, vườn hoa...) và hệ thống chiếu sáng.
2. Khu vực Vĩnh An:
Diện tích khoảng 833 ha, bao gồm: Diện tích của công ty thuỷ sản và dịch vụ du lịch: 7,7 ha; phần mở rộng khu núi mối Hồng Sơn 25 ha; Hồ Ngái 200 ha; khu vực Thung Cống: 30 ha; Núi Đá: 427 ha; Đất lâm nghiệp: 194 ha; Đất chuyên dùng: 22ha; Đất chưa sử dụng: 76ha
Mục tiêu: Phát triển khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu, trồng rừng môi sinh, trồng dược liệu trên cơ sở kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản và cung cấp nước cho nông nghiệp.
Tổ chức không gian: Phần diện tích công ty thuỷ sản và dịch vụ du lịch, diện tích núi Mối dự kiến xây dựng bến xe, phòng chỉ dẫn, hội trường, văn phòng làm việc, nhà nghỉ CBCNV, khu dịch vụ, công trình thể thao, hệ thống giao thông và chiếu sáng.
Phần diện tích mặt nước hồ Ngái: Xây dựng âu thuyền, cầu qua đập tràn, công viên văn hoá, vườn dược liệu, rừng môi sinh, cáp trượt và hệ thống đường điện.
V. QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG:
1. Giao thông
Nâng cấp nhựa hoá đường giao thông ngoại tuyến từ Tế Tiêu đi Phúc Lâm.
Cải tạo tuyến đê bờ hồ từ Hợp Tiến đến núi Mối Hồng Sơn theo tiên chuẩn cấp 5 đồng bằng.
Xây dựng bến đỗ xe tập trung tại khu vực Quan Sơn và khu vực Vĩnh An.
Xây dựng mới các âu thuyền, bến phà, nhà thuyền lại khu vực I và Khu vực II. Mở đường dạo men theo chân núi ở cả hai khu vực.
2. Điện:
Nguồn điện: Được lấy từ đường 35KV gần điểm du lịch.
Lưới điện: Hệ thống đường dây được bố trí liên hoàn theo các phân khu chức năng, dây dẫn được bọc nhựa hoặc cáp ngầm.
3. Nước:
Xây dựng trạm cung cấp nước độc lập. Nguồn nước lấy từ nguồn nước ngầm.
4. Xử lý chất thải:
Chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng công nghệ lò đốt công suất nhỏ.
Chất thải lỏng: Xây dựng hệ thống đường dẫn và xử lý theo từng khu vực.
VI. QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT:
Định hướng sử dụng đất đến năm 2010 như sau:
Tổng diện tích quy hoạch: 1.343 ha
Diện tích núi đá: 540 ha
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản: 356 ha
Diện tích đất lâm nghiệp: 194 ha
Diện tích đất chưa sử dụng: 76 ha
Diện tích đất chuyên dùng: 177 ha
Trong đó:
Diện tích các công trình du lịch: 130 ha
Giao thông: 25 ha
Trồng cây dược liệu, rừng môi sinh, vườn thú: 50 ha
Công viên: 30 ha
Công trình xây dựng: 25 ha
VII. ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ:
Tổng vốn đầu tư dự kiến 46.380 triệu đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên cho phát triển các công trình cơ sở hạ tầng đến khu du lịch, công trình kết hợp phục vụ du lịch với phát triển kinh tế - xã hội địa phương (Giao thông, điện...). Các công trình dịch vụ phục vụ du lịch chủ yếu huy động từ các doanh nghiệp muốn đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Quy hoạch phát triển du lịch khu vực hồ Quan Sơn làm cơ sở lập các dự án đầu tư phát triển. Giao UBND huyện Mỹ Đức chủ trì phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Điều 2: Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Thủ trưởng các Ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp - PTNT, Du lịch, Địa chính, Tài chính - Vật giá, Xây dựng, giao thông - Vận tải Khoa học công nghệ - Môi trường, Điện lực, Văn hoá - Thông tin và Ngành liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.