Văn bản pháp luật: Quyết định 24/2011/QĐ-TTg

Nguyễn Tấn Dũng
Toàn quốc
Công báo số 231+232, năm 2011
Quyết định 24/2011/QĐ-TTg
Quyết định
01/06/2011
15/04/2011

Tóm tắt nội dung

Về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường

Thủ tướng
2.011
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

Về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường

__________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;

Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26 tháng 4 năm 2002; Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá; Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giá bán điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1 kWh điện thương phẩm, bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; sau đây gọi là giá bán điện.

2. Giá bán điện hiện hành là giá bán điện đang được áp dụng để làm căn cứ tính toán cho lần điều chỉnh tiếp theo.

3. Quỹ bình ổn giá điện là quỹ được lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá bán điện.

4. Thông số đầu vào cơ bản là các yếu tố có tác động trực tiếp đến chi phí phát điện mà đơn vị phát điện không có khả năng kiểm soát, bao gồm: Giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát.

Điều 4. Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường

1. Trong năm tài chính, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Các thông số đầu vào khác của giá bán điện chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định.

2. Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng.

3. Việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường phải được thực hiện công khai, minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Điều 5. Cơ chế và thẩm quyền điều chỉnh giá bán điện

1. Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

2. Trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt, làm giá bán điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành tăng với mức:

a) 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời gian 5 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Trường hợp sau 5 ngày làm việc mà Bộ Công Thương chưa có ý kiến trả lời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện 5% và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

b) Trên 5% thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được Tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định đến Bộ Công Thương. Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

3. Hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán độc lập theo quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và giá bán điện của năm tài chính.

4. Căn cứ số liệu quyết toán, kiểm toán và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, xác nhận giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm tài chính và công bố công khai kết quả thực hiện. Trên cơ sở số liệu này, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định việc điều chỉnh giá bán điện và trích Quỹ bình ổn giá điện theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Quỹ bình ổn giá điện

1. Quỹ bình ổn giá điện được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá bán điện.

2. Nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Điều 7. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện

1. Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạm dừng việc tăng giá bán điện hoặc hiệu chỉnh cho lần điều chỉnh kế tiếp. Bộ Công Thương được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện.

2. Bộ Tài chính theo dõi việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện; tham gia, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra các khoản chênh lệch chi phí hợp lý, hợp lệ so với số liệu tính toán trong phương án giá bán điện sau khi có số liệu quyết toán, kiểm toán.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn thực hiện biểu giá bán điện chi tiết cho các nhóm đối tượng khách hàng.

b) Phê duyệt kế hoạch sản xuất điện và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật hàng năm.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định về chi phí điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm.

d) Giám đốc theo thẩm quyền các vướng mắc trong quá trình xây dựng, điều chỉnh và thực hiện giá bán điện.

đ) Hướng dẫn tính toán giá bán điện theo các thông số đầu vào cơ bản.

e) Hướng dẫn lập, phê duyệt hồ sơ tính toán điều chỉnh giá bán điện.

g) Ban hành các hướng dẫn cần thiết khác để thực hiện Quyết định này.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện.

b) Thẩm định phương án điều chỉnh giá bán điện theo quy định tại Điều 5 Quyết định này.

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:

a) Thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện theo đúng thẩm quyền và đúng quy định tại Khoản 1 Điều 5, Điểm a Khoản 2 Điều 5 Quyết định này.

b) Báo cáo Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh giá bán điện theo đúng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Quyết định này.

c) Báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính giá thành sản xuất kinh doanh điện, giá bán điện theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 5 Quyết định này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2011.

2. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Quyết định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu các đơn vị điện lực và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26474&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận