QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc sắp xếp lại và thí điểm chuyển Tổng công ty Thủy sản Việt Nam
sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ban Kinh tế Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án sắp xếp lại và thí điểm chuyển Tổng công ty Thủy sản Việt Nam thuộc Bộ Thủy sản sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu: Thí điểm đổi mới tổ chức quản lý, chuyển từ liên kết hành chính giữa Tổng công ty Thủy sản với các doanh nghiệp thành viên sang cơ chế đầu tư tài chính là chủ yếu; tạo ra sự liên kết chặt chẽ, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm về vốn và lợi ích kinh tế giữa các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; cung cấp tốt hơn các dịch vụ thông tin, tiếp thị, tiêu thụ, cung ứng, nghiên cứu, đào tạo cho các đơn vị thành viên; tạo điều kiện tăng cường năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp để hình thành một tổng công ty mạnh, đa sở hữu, kinh doanh đa ngành, mà trọng tâm là chế biến và xuất khẩu các mặt hàng Thủy sản.
2. Nội dung chính của Đề án:
a) Tổng công ty Thủy sản Việt Nam được sắp xếp lại và chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con như sau:
Công ty mẹ (Tổng công ty Thủy sản Việt Nam) là doanh nghiệp nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng; trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và có vốn đầu tư vào các Công ty con; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Công ty mẹ và vốn đầu tư vào các Công ty con.
Tên giao dịch quốc tế là Viet nam National Seaproducts Corporation
Viết tắt: Seaprodex.
Trụ sở chính: Số 2 - 4 - 6 Đồng khởi, Quận I, thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty mẹ được hình thành trên cơ sở Văn phòng Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc và Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty mẹ bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc.
Công ty con: có tư cách pháp nhân, có tài sản, tên gọi, bộ máy quản lý riêng, tự chịu trách nhiệm dân sự trong phạm vi số tài sản của doanh nghiệp; được tổ chức và hoạt động theo các quy định pháp luật tương ứng với hình thức pháp lý của công ty con.
Công ty con có thể là doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên mà công ty mẹ giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối (trên 50% vốn điều lệ).
b) Cơ cấu vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh của Công ty mẹ và Công ty con; tổ chức, quản lý Công ty mẹ; quan hệ giữa Công ty mẹ với chủ sở hữu Nhà nước và với các Công ty con được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ.
c) Công ty mẹ có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.
d) Lộ trình sắp xếp lại và chuyển Tổng công ty Thủy sản Việt Nam sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con như Phụ lục kèm theo.
Điều 2.
1. Giao Bộ trưởng Bộ Thủy sản:
a) Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án thí điểm này.
b) Quyết định thành lập Công ty mẹ, Công ty con nói tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này theo quy định hiện hành.
c) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ.
d) Chỉ đạo việc tiếp nhận một số doanh nghiệp khác trong, ngoài Bộ để nâng cao năng lực hoạt động của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, tiến tới hình thành Tập đoàn Thủy sản mạnh.
đ) Theo dõi tình hình hoạt động của mô hình thí điểm này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần uốn nắn.
2. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Quy chế Tài chính của Công ty mẹ và theo dõi việc thực hiện chế độ quản lý tài chính, hạch toán kinh doanh, công khai tài chính của Công ty mẹ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các Bộ: Thủy sản, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Phụ lục
Sắp xếp lại và thí điểm chuyển Tổng công ty Thủy sản Việt Nam
sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con
(Ban hành kèm theo Quyết định số 243/2003/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ).
- Hình thành Công ty mẹ năm 2003, gồm:
Văn phòng Tổng công ty Thủy sản Việt Nam,
Trung tâm Xuất khẩu,
Trung tâm Nhập khẩu,
Công ty Du lịch và Dịch vụ tổng hợp,
Trung tâm Dịch vụ thương mại Seaprodex,
Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản thành phố Hồ Chí Minh
(chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc).
2. Các Công ty con:
a) Doanh nghiệp nhà nước (giữ nguyên pháp nhân):
Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung,
Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội.
b) Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá năm 2004:
Công ty Vật tư,
Công ty Xuất nhập khẩu và Chế biến Thủy sản số 5.
c) Công ty cổ phần đã được thành lập:
Công ty cổ phần Thủy sản Năm Căn,
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Vũng Tàu,
Công ty cổ phần Thủy sản Bình Đại Bến Tre,
Công ty cổ phần Bao bì Seaprodex.
3. Các Doanh nghiệp mà Công ty mẹ có cổ phần hoặc vốn góp thấp (dưới 50% vốn điều lệ):
a) Doanh nghiệp đã cổ phần hoá:
Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ long,
Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh,
Công ty cổ phần Thủy sản số 1,
Công ty cổ phần Thủy sản số 9,
Công ty cổ phần Thủy sản số 4,
Công ty cổ phần Xây dựng - Du lịch - Thương mại Seaprodex,
Công ty cổ phần Thuỷ đặc sản,
Công ty cổ phần Thủy sản Minh hải.
b) Doanh nghiệp liên doanh:
Công ty liên doanh Pronconco,
Xí nghiệp liên doanh nuôi tôm thực nghiệm Cỏ may,
Liên doanh Nhà hàng đặc sản biển Seaprodex.
c) Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá năm 2004:
Công ty Xuất nhập khẩu và Chế biến Thủy sản số 3,
Công ty Thông tin- Dịch vụ và Quảng cáo,
Công ty Thủy sản khu vực 1,
Công ty Thủy sản và Dịch vụ tổng hợp.
Công ty Cơ khí tàu thuyền Hà nội.
d) Chuyển doanh nghiệp liên doanh thành công ty cổ phần năm 2004:
Công ty liên doanh Seaprimfico,
Công ty liên doanh Hải sơn.
4. Chuyển doanh nghiệp liên doanh thành công ty cổ phần năm 2004:
Công ty liên doanh Seasafico.
5. Doanh nghiệp chuyển về Bộ Thủy sản và cổ phần hoá năm 2005:
Công ty Cơ khí đóng tàu thuyền Thủy sản Hải phòng.
6. Doanh nghiệp giải thể năm 2003:
Công ty Cơ khí Thủy sản 2,
Công ty liên doanh Primseaco,
Xí nghiệp Khai thác đặc sản biển,
Chi nhánh Seaprodex Cần thơ.
7. Doanh nghiệp phá sản năm 2004:
Công ty Nuôi trồng Thủy sản,
Công ty Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Seaprodex,
Công ty Cung ứng Vật tư và Dịch vụ nuôi tôm xuất khẩu,
Công ty Thủy sản khu vực 2./.