QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 20 tháng 03 năm 1993 và Pháp lệnh Phòng chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 08 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn ngày 02 tháng 12 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 24/CP ngày 19 tháng 03 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn;
Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.
Về lũ quét: các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện Chỉ thị số 32/2004/CT-TTg ngày 17 tháng 09 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp phòng tránh lũ quét ở các tỉnh miền núi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 307/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.
Mọi quy định trước đây về chế độ trách nhiệm báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006
của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; được áp dụng đối với:
a) Những cơn áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông và các cơn áp thấp nhiệt đới, bão phát sinh từ phía đông kinh tuyến 120o Đông, phía nam vĩ tuyến 05o Bắc và phía bắc vĩ tuyến 22o Bắc nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong khoảng từ 12 giờ đến 24 giờ tới (Phụ lục I);
b) Lũ trên các sông chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam (Phụ lục II).
2. Nội dung công tác báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ quy định trong Quy chế này bao gồm việc thường xuyên theo dõi, thu thập, xử lý thông tin để ra các thông báo dự báo về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và truyền phát kịp thời các tin đó đến các cơ quan lãnh đạo, các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế, xã hội và toàn thể cộng đồng nhằm phục vụ tốt công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
3. Các hoạt động dự báo khí tượng thuỷ văn phục vụ cho các chuyên ngành, lĩnh vực đặc thù (gọi chung là chuyên ngành), do từng ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nội dung dự báo chuyên ngành, phù hợp với mục đích quản lý và khai thác của mình.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy, đường kính có thể tới hàng trăm km, hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.
2. Tâm xoáy thuận nhiệt đới là nơi có trị số khí áp thấp nhất trong xoáy thuận nhiệt đới, nơi hội tụ của các luồng gió xoáy từ xung quanh thổi vào.
3. Sức gió mạnh nhất trong xoáy thuận nhiệt đới là tốc độ gió trung bình lớn nhất xác định trong thời gian 2 phút quan trắc (tính bằng cấp gió Bô-pho).
4. Gió giật là tốc độ gió tăng lên tức thời được xác định trong khoảng 2 giây.
5. Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật.
6. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão từ cấp 10 đến cấp 11 được gọi là bão mạnh; từ cấp 12 trở lên được gọi là bão rất mạnh (Phụ lục III).
7. Bão đổ bộ là khi tâm bão đã vào đất liền.
8. Bão tan là bão đã suy yếu thành vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.
9. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc áp thấp nhiệt đới là vùng có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra.
10. Nước dâng là hiện tượng nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do ảnh hưởng của bão.
11. Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống và được phân thành các loại sau đây:
a) Lũ nhỏ là lũ có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;
b) Lũ vừa là lũ có đỉnh lũ tương đương mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;
c) Lũ lớn là lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;
d) Lũ đặc biệt lớn là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc;
đ) Lũ lịch sử là lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.
12. Đỉnh lũ là mực nước cao nhất quan trắc được trong một trận lũ tại một tuyến đo. Đỉnh lũ năm là đỉnh lũ cao nhất trong năm. Đỉnh lũ trung bình nhiều năm là trị số trung bình của các đỉnh lũ năm trong thời kỳ quan trắc.
13. Biên độ lũ là trị số chênh lệch mực nước giữa đỉnh lũ và mực nước ngay trước lúc lũ lên.
14. Cường suất lũ là trị số biến đổi mực nước lũ trong một đơn vị thời gian.
15. Mùa lũ là thời gian thường xuất hiện lũ, được quy định như sau:
a) Trên các sông thuộc Bắc Bộ từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 15 tháng 10;
b) Trên các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 15 tháng 11;
c) Trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12;
d) Trên các sông thuộc Bình Thuận, Nam Bộ và Tây Nguyên từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11.
Điều 3. Trách nhiệm thực hiện công tác báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.
2. Các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam phải được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Các cơ quan nhà nước, các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức, cá nhân, khi truyền phát tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ phải theo đúng nội dung của các tin do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp.
Chương II
CHẾ ĐỘ BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO, LŨ
Điều 4. Phát tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ
Khi phát hiện có áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phát tin theo quy định tại Quy chế này.
Điều 5. Báo áp thấp nhiệt đới
1. Tin áp thấp nhiệt đới xa
Khi áp thấp nhiệt đới hoạt động ở phía đông kinh tuyến 120o Đông, phía nam vĩ tuyến 05o Bắc và phía bắc vĩ tuyến 22o Bắc nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 24 giờ tới thì phát "Tin áp thấp nhiệt đới xa".
2. Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Khi áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta trên 500 km hoặc khi vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ tới thì phát "Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông".
3. Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ
Khi vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta dưới 300 km, hoặc khi vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500 km nhưng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ tới thì phát "Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ".
4. Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền
Khi bão hoặc áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào đất liền nhưng sức gió mạnh nhất vẫn còn cấp 6, cấp 7 thì phát "Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền".
5. Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới
Khi áp thấp nhiệt đới đã tan hoặc không còn khả năng ảnh hưởng đến nước ta thì phát "Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới".
Điều 6. Báo bão
1. Tin bão xa
Khi bão hoạt động ở phía đông kinh tuyến 120o Đông, phía nam vĩ tuyến 05o Bắc và phía bắc vĩ tuyến 22o Bắc nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 24 giờ tới thì phát "Tin bão xa".
2. Tin bão trên Biển Đông
Khi tâm bão vượt qua kinh tuyến 120o Đông, vĩ tuyến 05o Bắc và vĩ tuyến 22o Bắc vào Biển Đông hoặc bão phát sinh trên Biển Đông, có vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta trên 1.000 km, hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1.000 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới thì phát "Tin bão trên Biển Đông".
3. Tin bão gần bờ
Khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 500 đến 1.000 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới, hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến dưới 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới thì phát "Tin bão gần bờ".
4. Tin bão khẩn cấp
"Tin bão khẩn cấp" được phát khi:
a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300 đến 500 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới hoặc khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta dưới 300 km;
b) Bão đã đổ bộ vào đất liền nước ta và sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên, hoặc khi bão đã đổ bộ vào nước khác nhưng sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ đến 48 giờ tới.
5. Tin cuối cùng về cơn bão
Khi bão đã tan, hoặc bão di chuyển ra ngoài Biển Đông nhưng không có khả năng quay trở lại Biển Đông trong 24 giờ tới, hoặc bão đã đổ bộ vào nước khác và không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta thì phát "Tin cuối cùng về cơn bão".
Điều 7. Báo lũ
1. Thông báo lũ
Khi mực nước lũ trong sông có khả năng lên mức báo động III thì phát "Thông báo lũ".
2. Thông báo lũ khẩn cấp
Khi mực nước lũ trong sông trên mức báo động III và có khả năng tiếp tục lên cao thì phát "Thông báo lũ khẩn cấp".
Điều 8. Nội dung tin áp thấp nhiệt đới
Nội dung tin áp thấp nhiệt đới bao gồm:
1. Tiêu đề tin áp thấp nhiệt đới được xác định theo loại tin áp thấp nhiệt đới quy định tại Điều 5 Quy chế này. Không đặt số hiệu cho các cơn áp thấp nhiệt đới.
2. Thực trạng áp thấp nhiệt đới dựa theo số liệu có được tại thời điểm gần nhất với các yếu tố cụ thể như quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế này.
3. Dự báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới gồm các yếu tố cụ thể như quy định tại khoản 3 Điều 9 Quy chế này. Trường hợp "Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ" có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ tới thì phải dự báo thêm về thời gian và khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp, khả năng gây gió mạnh, mưa vừa, mưa to (Phụ lục III và Phụ lục IV).
Điều 9. Nội dung tin bão
Nội dung tin bão bao gồm:
1. Tiêu đề tin bão được xác định theo loại tin bão quy định tại Điều 6 Quy chế này kèm theo số hiệu cơn bão được xác định theo thứ tự các cơn bão hoạt động trên Biển Đông trong năm. Không đặt số hiệu cho những cơn bão xa.
2. Thực trạng của bão dựa theo số liệu có được tại thời điểm gần nhất với các yếu tố cụ thể sau đây:
a) Diễn biến của cơn bão trong 12 giờ hoặc 24 giờ qua về hướng và tốc độ di chuyển (đổi hướng, nhanh, chậm, dừng), cường độ bão (mạnh lên, yếu đi...) nếu có;
b) Vị trí tâm bão (xác định theo toạ độ kinh, vĩ với độ chính xác đến 1/10 độ). Khi không có điều kiện định vị tâm bão tại một điểm toạ độ thì xác định vị trí tâm bão trong ô vuông, mỗi cạnh bằng 1 độ kinh, vĩ. Trong "Tin bão trên Biển Đông", ngoài vị trí tâm bão xác định theo toạ độ, phải ghi thêm khoảng cách từ vị trí tâm bão đến đảo chính thuộc một trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong "Tin bão khẩn cấp", ngoài vị trí tâm bão xác định theo toạ độ, phải ghi thêm khoảng cách từ vị trí tâm bão đến điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta;
c) Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão, kèm theo gió giật, nếu có (Phụ lục III).
3. Dự báo diễn biến của bão trong 24 giờ tới bao gồm các yếu tố cụ thể sau đây:
a) Hướng di chuyển của bão ghi theo 1 trong 16 hướng chính hoặc giữa 2 hướng chính. Các hướng chính là Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc;
b) Tốc độ di chuyển của bão;
c) Nhận định khả năng diễn biến về cường độ của bão trong 24 giờ tới.
d) Đối với "Tin bão khẩn cấp", ngoài các yếu tố dự báo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này, nếu bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong 24 giờ tới thì phải dự báo thêm:
- Thời gian và khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp;
- Khả năng gây gió mạnh ở một số vùng;
- Khả năng gây mưa vừa, mưa to (Phụ lục IV);
- Khả năng nước biển dâng và độ cao nước biển dâng (m).
4. Cảnh báo khả năng diễn biễn của bão trong 48 giờ tới với nội dung
Nhận định khả năng diễn biễn về hướng và tốc độ di chuyển của bão trong 48 giờ tới.
Điều 10. Nội dung thông báo lũ
Nội dung thông báo lũ:
1. Tiêu đề thông báo lũ được xác định theo loại thông báo lũ quy định tại Điều 7 Quy chế này kèm theo tên sông và tên địa điểm được thông báo lũ quy định tại Phụ lục II.
2. Thực trạng diễn biến lũ trong 24 giờ qua và số liệu thực đo về mực nước tại thời điểm gần nhất.
3. Nhận định khả năng, mức độ diễn biến lũ trong thời gian dự kiến, trong đó có dự báo mực nước tại địa điểm thông báo lũ; so sánh trị số mực nước dự báo với trị số mực nước các cấp báo động hoặc các trận lũ đặc biệt lớn.
Điều 11. Chế độ phát tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ
1. Tin áp thấp nhiệt đới xa, tin bão xa
Mỗi ngày phát 2 tin vào 9 giờ 30 và 14 giờ30.
2. Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông:
a) Mỗi ngày phát 4 tin chính vào 3 giờ 30, 9 giờ 30, 14 giờ 30 và 21 giờ 30;
b) Trường hợp áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp, ngoài 4 tin chính, khi cần thiết có thể phát một số tin bổ sung xen kẽ giữa các tin chính.
3. Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão trên Biển Đông, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp
Mỗi ngày phát 8 tin chính vào 03 giờ 30, 05 giờ 30, 09 giờ 30, 11 giờ 30, 14 giờ 30, 17 giờ 30, 21 giờ 30 và 23 giờ 30.
4. Thông báo lũ:
a) Lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình mỗi ngày phát 1 tin vào 10 giờ 30. Trường hợp lũ diễn biến phức tạp thì phát thêm 1 tin bổ sung vào 21giờ;
b) Lũ trên sông Tiền, sông Hậu, 5 ngày phát 1 tin vào 10 giờ 30;
c) Lũ trên các sông khác tại Phụ lục số 2, thời gian phát tin là thời điểm nhận định được khả năng lũ lên mức báo động III.
5. Thông báo lũ khẩn cấp:
a) Lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình mỗi ngày phát 2 tin chính vào 10 giờ 30 và 21 giờ 00. Trường hợp lũ đặc biệt lớn hoặc khi lũ diễn biến phức tạp, ngoài 2 tin chính, mỗi ngày phát một số tin bổ sung xen kẽ giữa các tin chính;
b) Lũ trên sông Tiền, sông Hậu, 5 ngày phát 1 tin vào 10 giờ 30. Trong trường hợp lũ diễn biến phức tạp, phát tin bổ sung xen kẽ giữa các tin chính;
c) Lũ trên các sông khác tại Phụ lục II, thời gian phát tin là thời điểm lũ trên mức báo động III và còn tiếp tục lên cao.
Chương III
TRÁCH NHIỆM BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO, LŨ
Điều 12. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp và các cơ quan thông tin, báo chí
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia thuộc Bộ tổ chức theo dõi thường xuyên tình hình khí tượng, thuỷ văn, tham khảo các thông tin thời tiết của các cơ quan khí tượng thuỷ văn trong nước và quốc tế có liên quan, phát các tin chính thức về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các sông chính trong cả nước theo quy định tại Chương II Quy chế này và cung cấp các tin đó cho các cơ quan được quy định tại Phụ lục V.
b) Chủ trì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bão, áp thấp nhiệt đới, lũ và hướng dẫn sử dụng tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương tổ chức nghiên cứu hoàn thiện các nội dung liên quan đến quy chế báo lũ trên hệ thống sông cả nước;
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định ban hành những nội dung bổ sung về báo lũ trên hệ thống sông cả nước trước tháng 12 năm 2007;
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng đề án đầu tư cấp bách tăng cường năng lực dự báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phòng chống thiên tai, trọng tâm là công tác dự báo bão nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; trình duyệt theo quy định hiện hành trước tháng 12 năm 2006.
2. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương:
a) Tiếp nhận và xử lý theo chức năng, nhiệm vụ các tin báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp;
b) Cung cấp kịp thời thông tin thực tế liên quan về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn:
a) Tiếp nhận, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ các tin báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp;
b) Cung cấp kịp thời thông tin thực tế liên quan về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Đài Tiếng nói Việt Nam:
a) Khi nhận được "Tin áp thấp nhiệt đới xa", "Tin bão xa" phải tổ chức phát tin 4 giờ 1 lần vào đầu giờ, liên tục cả ngày và đêm trên các hệ phát sóng của Đài. Khi chưa nhận được tin mới thì tiếp tục phát lại tin cũ gần nhất;
b) Khi nhận được"Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông", "Tin bão trên Biển Đông", "Tin bão gần bờ" và "Thông báo lũ", phải tổ chức phát tin 2 giờ 1 lần vào đầu giờ, liên tục cả ngày và đêm trên các hệ phát sóng của Đài. Khi chưa nhận được tin mới thì tiếp tục phát lại tin cũ gần nhất;
c) Khi nhận được "Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ", "Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền", "Tin bão khẩn cấp", "Thông báo lũ khẩn cấp", Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, phải tổ chức phát ngay (đọc 2 lần), sau đó cứ mỗi giờ phát lại 1 lần vào đầu giờ, liên tục cả ngày và đêm trên các hệ phát sóng của Đài cho đến khi nhận được tin mới, hoặc khi có yêu cầu thay đổi thời gian phát tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn;
d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đài phát thanh địa phương liên quan thực hiện nghiêm chỉnh những quy định Quy chế này.
5. Đài Truyền hình Việt Nam:
a) Khi nhận được "Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông", "Tin bão trên Biển Đông", "Tin bão gần bờ" và "Thông báo lũ", phải tổ chức phát tin vào các buổi truyền hình thời sự gần nhất trên các kênh của Đài;
b) Khi nhận được "Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ", "Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền", "Tin bão khẩn cấp", "Thông báo lũ khẩn cấp", Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, phải tổ chức phát ngay trên các kênh của Đài và sau 2 giờ phát lại 1 lần cho đến khi có tin mới hoặc khi có yêu cầu thay đổi thời gian phát tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đài truyền hình địa phương liên quan thực hiện nghiêm chỉnh những quy định Quy chế này.
6. Các báo ra hàng ngày ở Trung ương và địa phương
Khi nhận được tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quy định tại các Điều 5, 6 và 7 Quy chế này, thông tin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm - Cứu nạn các cấp, các báo ra hàng ngày ở Trung ương và địa phương liên quan phải đăng ngay trên số báo phát hành sớm nhất.
7. Bộ Văn hóa - Thông tin :
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trong cả nước để các thông tin báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, thông tấn được bảo đảm chất lượng: nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, tuân theo những nội dung liên quan thuộc Nghị định của Chính phủ số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2002 Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
b) Phối hợp cùng các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan văn hoá - thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và hướng dẫn sử dụng tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
8. Bộ Bưu chính, Viễn thông
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các doanh nghiệp bưu chính,viễn thông, các mạng bưu chính, viễn thông chuyên dùng và dùng riêng phối hợp với cơ quan thông tin chuyên ngành của các Bộ, ngành dành ưu tiên cao nhất cho việc thu, nhận và chuyển tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, thông tin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm - Cứu nạn các cấp liên quan tới các ngành, các cấp, các địa phương, các tàu thuyền hoạt động trên biển, các cộng đồng dân cư để chủ động phòng, tránh.
9. Bộ Quốc phòng:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan chọn địa điểm bắn pháo hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão; tổ chức thực hiện việc bắn pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới theo quy định (Phụ lục IX);
b) Xây dựng quản lý và chỉ đạo sử dụng hệ thống các cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, cột mốc báo lũ tại các khu vực quân sự, quân cảng, hải đảo do Bộ quản lý; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc treo tín hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới trên các tàu thuyền thuộc lực lượng quốc phòng;
c) Tổ chức các chuyến bay quan sát, thông báo, bắn pháo hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương tổ chức nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp khoa học, công nghệ để việc bắn pháo hiệu bảo đảm độ cao, độ sáng, thời gian chiếu sáng.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và sau khi thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng triển khai phương án bắn pháo hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão trước tháng 12 năm 2007.
10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Xây dựng, quản lý và chỉ đạo sử dụng hệ thống cột mốc báo lũ tại những vùng thường xuyên bị ngập lụt và những địa điểm cần thiết khác trên các sông trong cả nước.
11. Bộ Thuỷ sản:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc treo tín hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới trên các tầu cá của ngư dân, tàu kiểm ngư, tàu cá của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ trong cả nước;
b) Xây dựng, quản lý và chỉ đạo sử dụng hệ thống cột tín hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới tại các bến cá, cảng cá ven sông, ven biển, hải đảo trên cả nước.
12. Bộ Giao thông vận tải:
a) Xây dựng, quản lý và chỉ đạo sử dụng hệ thống cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ tại các trạm hải đăng, cảng sông, cảng biển do Bộ quản lý; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc treo tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão trên các tàu, thuyền vận tải của dân và của các doanh nghiệp thuộc Bộ trong cả nước;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam thực hiện việc phát tin áp thấp nhiệt đới, bão trên các kênh thông tin của hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam cho các tàu, thuyền hoạt động trên biển theo chế độ.
Tin áp thấp nhiệt đới xa, tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão xa, tin bão trên Biển Đông, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp, mỗi ngày phát 132 phiên, trong đó:
Trên kênh tần số 7906 KHz phát 96 phiên một ngày.
Trên kênh tần số 8294 KHz phát 36 phiên một ngày.
13. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giành ưu tiên cao nhất cho việc bảo đảm kế hoạch và tài chính, đầu tư trước một bước cho các cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành khí tượng, thuỷ văn và các hoạt động thực hiện Quy chế này, góp phần thực sự có hiệu quả việc phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Điều 13. Trách nhiệm của các Bộ, ngành ở trung ương
Khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, các Bộ, ngành ở Trung ương phải tổ chức thông báo ngay và sau đó chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tới tận cơ sở các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình nằm trong vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, lũ để kịp thời triển khai công tác phòng, chống.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo Đài Phát thanh, Truyền hình địa phương, các cơ quan chức năng truyền đạt kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân trong tỉnh các thông tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quy định tại Điều 11 Quy chế này, tin do các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở địa phương (các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực hoặc các Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh) cung cấp, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, các Bộ, ngành.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và quản lý các cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cột mốc báo lũ tại địa bàn phụ trách; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chọn địa điểm xây dựng, quản lý và chỉ đạo sử dụng hệ thống cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cột mốc báo lũ thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ theo quy định tại các khoản 8, 9, 10 và 11 thuộc Điều 12 Quy chế này.
3. Giành ưu tiên cao nhất bảo đảm kế hoạch và tài chính, đầu tư đi trước một bước cho các cơ sở vật chất kỹ thuật và các hoạt động thực hiện đầy đủ nhiệm vụ báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ theo Quy chế này tại địa phương mình để chủ động phòng tránh, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc cản trở việc thi hành Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi cả nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Quy chế và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung cần thiết./.