QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Ban hành Chương trình dạy tiếng Việt
cho người Việt Nam ở nước ngoài
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 22 tháng 03 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài;
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày 05 tháng 03 năm 2006;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm:
1. Chương trình dạy tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở đang học tiếng Việt như một môn học trong hệ thống nhà trường của nước sở tại hoặc trong các lớp học do các hội đoàn Việt kiều tổ chức (sau đây gọi là Chương trình dành cho thanh, thiếu niên),
2. Chương trình dạy tiếng Việt dành cho những người có nhu cầu học tiếng Việt nhưng không có điều kiện học trong hệ thống các nhà trường hoặc lớp học nêu trên (sau đây gọi là Chương trình dành cho người lớn).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Chương trình ban hành kèm theo Quyết định này làm cơ sở cho việc biên soạn các tài liệu hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
CHƯƠNG TRÌNH DẠY TIẾNG VIỆT
CHO NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2006/QĐ-BGDĐT ngày 27/06/2006
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình dạy tiếng
Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài)
I. ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG VÀ MỤC TIÊU
CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình dạy tiếng Việt dành cho những người có nhu cầu học tiếng Việt nhưng không có điều kiện học trong hệ thống các nhà trường của nước sở tại hoặc lớp học do các hội đoàn Việt kiều tổ chức gọi là Chương trình dành cho người lớn hướng đến các đối tượng là người Việt (người lớn) ở nước ngoài, có nhu cầu học tiếng Việt để giao tiếp, sinh hoạt, buôn bán làm ăn hoặc chuẩn bị điều kiện để đi sâu nghiên cứu về Việt Nam.
Mục tiêu của Chương trình dành cho người lớn (sau đây gọi tắt là Chương trình):
1. Hình thành, phát triển các kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) bằng tiếng Việt trong phạm vi gia đình, cộng đồng và công việc.
2. Cung cấp những kiến thức cơ bản về văn hóa Việt Nam nhằm củng cố tình cảm hướng về cội nguồn.
II. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Chú trọng phát triển các kỹ năng giao tiếp
a) Về nội dung, chương trình tổ chức các bài học theo tinh thần rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua hệ thống chủ đề. Mỗi chủ đề gắn với một tình huống giao tiếp cụ thể để người học phát triển vốn từ và các kỹ năng sử dụng tiếng Việt. Mỗi loại bài luyện (luyện nghe, luyện nói, luyện đọc, luyện viết) đều nhằm phát triển những kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói, và giúp người học có kiến thức nhất định về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
b) Về phương pháp dạy học, các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết được dạy thông qua những tình huống giao tiếp cụ thể.
2. Nhấn mạnh nguyên tắc tích hợp
a) Kết hợp giữa yêu cầu cung cấp kiến thức tiếng Việt với các kiến thức về văn hóa Việt Nam và thế giới; giữa việc cung cấp kiến thức với rèn luyện kỹ năng; giữa các nội dung rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với nhau. Hướng tích hợp này được thực hiện thông qua hệ thống chủ đề học tập trong chương trình.
b) Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nội dung học tập, rèn luyện ở các giai đoạn học tập và các bài học khác nhau theo nguyên tắc đồng tâm, trong đó kiến thức và kỹ năng của giai đoạn sau, bài học sau có liên quan đến kiến thức và kỹ năng của giai đoạn trước, bài học trước nhưng cao hơn và sâu hơn.
3. Quán triệt tính thực tiễn
Đối tượng thụ hưởng của chương trình rất đa dạng về trình độ, nhu cầu, điều kiện dạy học và sử dụng tiếng Việt. Chính vì vậy chương trình được thiết kế một cách mềm dẻo để thích hợp với sự đa dạng về đối tượng dạy học và điều kiện học tập. Tùy từng trường hợp cụ thể, người dạy và người học có thể quyết định bắt đầu từ trình độ nào, học cả 4 kỹ năng hay chỉ tập trung vào những kỹ năng còn yếu.
4. Sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ giải thích trong giáo trình
Ngôn ngữ giải thích trong giáo trình là tiếng Việt vì người học thuộc nhiều quốc gia khác nhau, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, không thể chọn bất kì một ngoại ngữ nào làm ngôn ngữ giải thích chung cho tất cả mọi người.
III. KẾ HOẠCH DẠY HỌC
Để tạo điều kiện cho người học lựa chọn nội dung học tập phù hợp với trình độ tiếng Việt của mình, chương trình được thiết kế theo ba giai đoạn với sáu trình độ (A1, A2, B1 , B2, C1, C2).
- Giai đoạn 1: trình độ A1, A2 - thực hiện được một số yêu cầu giao tiếp tối thiểu.
- Giai đoạn 2: trình độ B1, B2 - thực hiện được các giao tiếp thông thường.
- Giai đoạn 3: trình độ C1, C2 - giao tiếp tương đối vững vàng.
Với một cấu trúc như trên, thời lượng dành cho mỗi trình độ học 120 giờ. Tổng thời lượng thực hiện chương trình là 720 giờ.
IV. YÊU CẦU CƠ BẢN CẦN ĐẠT ĐỐI VỚI TỪNG TRÌNH ĐỘ
1. Trình độ A1
1.1. Về kỹ năng
- Nghe - hiểu được những câu đơn giản trong một số tình huống giao tiếp thông thường, hiểu ý chính của mẩu tin, mẩu chuyện được nghe.
- Biết sử dụng một số nghi thức giao tiếp: chào hỏi, làm quen, cảm ơn, xin lỗi; biết giới thiệu đơn giản về bản thân, gia đình; trả lời được câu hỏi về nội dung mẩu tin, mẩu chuyện đã nghe.
- Đọc được đoạn hội thoại, đoạn văn khoảng 100 từ; hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, đoạn.
- Viết được bài chính tả khoảng 50 từ; viết được đoạn văn khoảng 50 từ có nội dung phù hợp với chủ đề đã học.
1.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Nhớ được bảng chữ cái tiếng Việt, nhớ được hệ thống thanh điệu tiếng Việt và cách phát âm những từ được học.
- Nắm được khoảng 600 từ theo các chủ đề được học.
- Có hiểu biết sơ giản về loại từ ("cái", "con"), về sự không biến hình của từ và trật tự từ tiếng Việt.
- Có hiểu biết sơ giản về một số kiểu câu đơn cơ bản và câu hỏi với một số đại từ nghi vấn thường gặp; nắm được cách hỏi và trả lời về thời gian: giờ, ngày, tháng, năm.
- Nhớ và sử dụng được số đếm, số thứ tự.
b) Kiến thức văn hóa:
- Có hiểu biết về một số cách xưng hô cơ bản của người Việt; nắm được những đặc trưng văn hóa trong cách chào hỏi, làm quen, xin lỗi, cảm ơn của người Việt.
- Có một số hiểu biết về gia đình người Việt Nam, món ăn Việt Nam.
2. Trình độ A2
2.1. Về kỹ năng
- Nghe - hiểu ý kiến của người đối thoại trong một số tình huống giao tiếp mở rộng hơn; hiểu nội dung mẩu tin, mẩu chuyện được nghe.
- Đặt được câu hỏi về những nội dung gắn với chủ đề được học; thuật lại, kể lại được mẩu tin, mẩu chuyện đã nghe, đã đọc; biết sử dụng các nghi thức giao tiếp: mời, nhờ, đề nghị, đồng ý, không đồng ý; biết giới thiệu về bản thân, gia đình, công việc, bạn bè.
- Đọc - hiểu bài hội thoại, bài văn khoảng 150 từ; hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, đoạn, bài.
- Viết được bài chính tả khoảng 70 từ; biết điền thông tin cá nhân vào những mẫu đơn; viết được đoạn văn khoảng 80 từ về chủ đề được học.
2.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Củng cố vốn từ đã học ở trình độ A1 và nắm thêm được 400 từ mới theo các chủ đề.
- Sử dụng được các loại từ "quyển", "bức", "tấm", "tờ" và một số mẫu câu ghép đơn giản.
b) Kiến thức văn hóa:
- Có hiểu biết nhất định về giao tiếp trong gia đình, cộng đồng người Việt.
- Nắm được đôi nét sơ lược về địa lí Việt Nam, về thủ đô Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, về âm nhạc và thể thao.
3. Trình độ B1
3.1. Về kỹ năng
- Nghe - hiểu ý kiến trao đổi của người đối thoại trong một số tình huống giao tiếp phong phú hơn; hiểu bản tin, câu chuyện, bài văn thuyết minh đơn giản được nghe; bước đầu biết ghi lại ý chính của văn bản tự sự khi nghe.
- Biết trao đổi về những nội dung được học; thuật lại được ý chính của bản tin, bài thuyết minh; kể lại được nội dung chính những câu chuyện đã nghe, đã đọc, những sự việc đơn giản đã chứng kiến, tham gia; biết nói theo những nội dung gắn với chủ đề học tập.
- Đọc được tương đối trôi chảy bài hội thoại, bài văn khoảng 200 từ; hiểu từ ngữ trong bài, nội dung đoạn, bài.
- Viết được bài chính tả khoảng 80 từ; biết viết tin nhắn, bưu thiếp, viết thư thăm hỏi đơn giản; viết được đoạn văn tự sự, thuyết minh đơn giản khoảng 100 từ theo chủ đề đã học.
3.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Củng cố vốn từ đã học ở trình độ A2 và nắm thêm được 300 từ mới theo các chủ đề.
- Biết cách mở rộng các thành phần câu bằng từ ngữ phụ thuộc; nắm được các phương thức biểu thị không gian và thời gian; biết cách sử dụng một số loại câu ghép liên hợp, các câu hỏi về thời gian, không gian, trạng thái và tính chất.
- Nắm được một số mẫu câu liên quan đến cách hỏi đường, hỏi về các phương tiện giao thông.
b) Kiến thức văn hóa:
- Nắm được nghi thức giao tiếp công sở.
- Có hiểu biết sơ bộ về phong tục, tập quán của người Việt, bổ sung thêm một số kiến thức về âm nhạc, thể thao Việt Nam và thế giới.
4. Trình độ B2
4.1. Về kỹ năng
- Nghe - hiểu ý kiến người đối thoại về nội dung những bài học liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam và thế giới; hiểu được những đoạn đối thoại ngắn qua điện thoại và những thông tin đơn giản trên các phương tiện thông tin đại chúng; hiểu bản tin, câu chuyện, bài văn thuyết minh gắn với chủ đề được học; ghi lại được ý chính của văn bản tự sự đã nghe.
- Có khả năng trao đổi tương đối lâu về những vấn đề được học; thuật lại, kể lại khá mạch lạc những tin tức, bài viết, câu chuyện đã nghe, đã đọc, những sự việc đơn giản đã chứng kiến; biết nói theo những nội dung gắn với chủ đề học tập.
- Đọc khá trôi chảy bài hội thoại, bài văn thuyết minh, mẩu chuyện khoảng 250 từ; hiểu từ ngữ trong bài, hiểu nội dung đoạn, bài.
- Viết được bài chính tả khoảng 90 từ, biết viết thư ngắn trao đổi tin tức; viết đơn; viết đoạn văn, bài văn thuật thuật việc, kể chuyện; viết bài giới thiệu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với độ dài khoảng 120 từ.
4.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Củng cố vốn từ đã học ở trình độ B1 và nắm thêm được 250 từ mới theo các chủ đề.
- Nắm được một số phương thức danh từ hoá, câu hỏi có từ để hỏi ở cuối câu, nắm thêm một số mẫu câu ghép phụ thuộc.
- Nắm được một số mẫu câu liên quan đến những giao dịch ở bưu điện (gửi thư, gọi điện...), ngân hàng (đổi tiền, chuyển tiền, mở tài khoản,...), bệnh viện (khám bệnh, mua thuốc,..).
b) Kiến thức văn hoá
- Có sự hiểu biết nhất định về các nghi thức giao tiếp xã hội.
- Nắm được nội dung chủ yếu của một số truyện cổ tích, truyện cười, nắm được nội dung một số bài về di sản văn hoá Việt Nam và thế giới.
5. Trình độ C1
5.1. Về kỹ năng
- Nghe - hiểu ý kiến người đối thoại về những vấn đề có tính xã hội rộng lớn hơn; hiểu nội dung tin tức, câu chuyện, bài thuyết minh khoảng 150 từ; ghi lại được ý chính của văn bản tự sự, thuyết minh khi nghe.
- Tham gia tích cực cuộc trao đổi về các đề tài được học; nêu được tương đối rõ ràng ý kiến cá nhân; kể lại, thuật lại được ý chính những văn bản tự sự, thuyết minh đã nghe, đã đọc, những sự việc đơn giản đã chứng kiến, tham gia; biết giới thiệu ngắn về các nhà văn, danh nhân văn hoá Việt Nam.
- Đọc khá thành thạo và hiểu các bài hội thoại, bản tin, bài thuyết minh, bài viết có độ dài khoảng 300 từ về các nhà văn, các danh nhân văn hóa.
- Viết tương đối tốt bài chính tả khoảng 100 từ; viết bức thư ngắn trao đổi công việc; viết đơn, viết báo cáo đơn giản; viết được đoạn văn, bài văn tự sự, thuyết minh khoảng 150 từ về các chủ đề đang học.
5.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Củng cố vốn từ đã học ở trình độ B2 và nắm thêm được 200 từ mới theo các chủ đề.
- Nắm được các phương thức biểu cảm cơ bản trong câu tiếng Việt.
- Nắm được hệ thống câu ghép liên hợp, phụ thuộc và một số loại câu hỏi đặc thù của tiếng Việt.
- Nắm được đặc trưng của câu có các thành phần cơ bản là một mệnh đề.
b) Kiến thức văn hóa:
- Có hiểu biết nhất định về một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.
- Nắm được nội dung chủ yếu của một số bài về các danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới.
- Nắm được đôi nét về giáo dục ở Việt Nam.
6. Trình độ C2
6.1. Về kỹ năng
- Nghe - hiểu tương đối tốt ý kiến của người đối thoại về các vấn đề kinh tế - xã hội rộng rãi; hiểu được nội dung tin tức, câu chuyện, bài thuyết minh, bài thường thức khoa học với độ dài khoảng 200 từ; nghe và ghi lại được nội dung các văn bản tự sự, thuyết minh.
- Tổ chức được các cuộc trao đổi có tính chính thức; phát biểu khá mạch lạc ý kiến cá nhân; kể lại, thuật lại được nội dung của những văn bản đã nghe, những sự việc đã chứng kiến, tham gia; giới thiệu được vài nét về văn hóa các dân tộc thiểu số, văn học - nghệ thuật Việt Nam.
- Đọc khá thành thạo và hiểu nội dung các bài hội thoại, bản tin, văn bản thường thức khoa học, các trích đoạn văn học khoảng 350 từ.
- Viết khá thành thạo bài chính tả khoảng 120 từ; viết được thư trao đổi công việc; viết báo cáo; viết bài văn về các chủ đề đã học với độ dài khoảng 200 từ.
6.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Củng cố vốn từ đã học ở trình độ C1 và nắm thêm được 150 từ mới theo các chủ đề.
- Nắm và sử dụng được hệ thống các trợ từ, có kiến thức về các hiện tượng danh từ hóa, động từ hóa, nắm được cấu trúc cụm động từ, cụm tính từ phức tạp.
- Có kiến thức cơ bản về đặc trưng cấu trúc và ngữ nghĩa một văn bản hoàn chỉnh.
- Nắm được các nghi thức giao tiếp mang tính khoa học chuyên ngành, chuyên môn.
b) Kiến thức văn hóa.
- Có được những hiểu biết nhất định về văn hóa một số dân tộc thiểu số, về một số môn nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam.
- Nắm được nội dung chính của một số tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại.
- Biết được đôi nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và một số vấn đề mang tính toàn cầu.
V. NỘI DUNG DẠY HỌC TỪNG TRÌNH ĐỘ
1. Trình độ A1
1.1. Về kỹ năng
Nghe
- Phân biệt các thanh điệu tiếng Việt.
- Nghe hỏi về nội dung bài học.
- Nghe những câu đơn giản (câu hỏi, câu trả lời, yêu cầu, đề nghị) của người đối thoại trong một số tình huống giao tiếp thông thường.
- Nghe mẩu tin, mẩu chuyện.
- Nghe - viết bài chính tả khoảng 50 từ.
Nói
- Phát âm các từ ngữ trong bài đọc.
- Trả lời câu hỏi về nội dung bài, nội dung mẩu tin, mẩu chuyện đã nghe.
- Sử dụng nghi thức lời nói: chào hỏi, làm quen, cảm ơn, xin lỗi.
- Hỏi và trả lời câu hỏi đơn giản về bản thân, gia đình, về thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), về các mùa trong năm.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm từ, câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn đã học.
- Tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, chuỗi câu, đoạn văn.
Viết
- Viết chính tả đoạn văn ngắn (nghe - viết).
- Viết câu chào hỏi, tự giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi.
- Viết câu trả lời, viết chuỗi câu chứa các từ đã học.
- Viết đoạn văn khoảng 50 từ về bản thân, gia đình, thời gian.
1.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Bảng chữ cái tiếng Việt
- Hệ thống thanh điệu tiếng Việt
- Số đếm, số thứ tự
- Từ xưng hô thông thường
- Từ ngữ chỉ quan hệ gia đình, thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), các mùa trong năm
- Loại từ "cái" và "con"
- Một số kiểu câu đơn cơ bản: Câu có hệ từ "là", câu biểu thị hành động, trạng thái
- Các từ nghi vấn thường gặp (Ai? Cái gì? Con gì? Ở đâu? Như thế nào?) b) Kiến thức văn hóa:
- Cách xưng hô của người Việt
- Một số nghi thức giao tiếp: chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi
- Gia đình Việt Nam
- Một số món ăn Việt Nam
- Ảnh minh họa một số đồ vật, con vật và một số món ăn tiêu biểu
2. Trình độ A2
2.1. Về kỹ năng
Nghe
- Nghe hỏi về nội dung bài học.
- Nghe ý kiến trao đổi về những đề tài gần gũi (gia đình, bạn bè, công việc, mua bán).
- Nghe mẩu tin, mẩu chuyện.
- Nghe - viết bài chính tả khoảng 70 từ.
Nói
- Đặt và trả lời câu hỏi về nội dung bài học, về những đề tài gần gũi.
- Thuật lại, kể lại nội dung bản tin, mẩu chuyện đã nghe, đã đọc.
- Sử dụng nghi thức lời nói: mời, nhờ, đề nghị, đồng ý, không đồng ý.
- Giới thiệu về bản thân, gia đình, bạn bè, công việc.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm đoạn hội thoại, đoạn văn, bài văn về gia đình, bạn bè, công việc, mua bán.
- Tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, đoạn, bài.
Viết
- Viết chính tả đoạn văn (nghe - viết).
- Điền thông tin cá nhân vào những mẫu đơn (điện báo, tờ khai visa, tờ khai xuất nhập cảnh).
- Viết câu mời, nhờ, đề nghị, đồng ý, không đồng ý.
- Viết đoạn văn khoảng 80 từ giới thiệu về bản thân, gia đình, bạn bè, công việc.
2.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Vốn từ ngữ cơ bản thuộc các chủ đề sinh hoạt gia đình, địa lí, âm nhạc, thể thao
- Một số kiểu câu ghép đơn giản
- Các mẫu câu khẳng định, phủ định và cầu khiến
- Giới từ chỉ không gian và thời gian
- Các loại từ "quyển", "bức", "tấm", "tờ"
- Một số mẫu đơn thông dụng
b) Kiến thức văn hóa:
- Sơ lược về địa lí Việt Nam, về Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
- Một số kiến thức về âm nhạc và thể thao
- Ảnh minh họa: Bản đồ Việt Nam, một số ảnh về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
3. Trình độ B1
3.1. Về kỹ năng
Nghe
- Nghe ý kiến trao đổi về nội dung bài học, về những chủ đề như mua bán, sở thích, âm nhạc, thể thao, giao thông, du lịch.
- Nghe bản tin, mẩu chuyện, câu chuyện, bài thuyết minh đơn giản.
- Ghi lại ý chính của văn bản tự sự đã nghe.
- Nghe - viết bài chính tả khoảng 80 từ.
Nói
- Đặt và trả lời câu hỏi về bài học; trao đổi, trình bày ý kiến cá nhân về những vấn đề đã nêu.
- Thuật lại ý chính của bản tin, bài văn thuyết minh,
- Kể lại mẩu chuyện, câu chuyện đã nghe, đã đọc và những sự việc đơn giản đã chứng kiến, tham gia gắn với chủ đề học tập.
- Giới thiệu về bản thân (sở thích, hứng thú); nói được về giao thông, tin tức thể thao, mua bán.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm đoạn hội thoại, đoạn văn, bài văn về mua bán, giao thông, âm nhạc, thể thao, du lịch.
- Tìm hiểu nghĩa của từ ngữ, nội dung của câu, đoạn, bài.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết tin nhắn, bưu thiếp, thư thăm hỏi đơn giản.
- Viết đoạn văn, bài văn khoảng 100 từ có nội dung phù hợp với chủ đề đã học.
3.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Vốn từ ngữ cơ bản thuộc các lĩnh vực sở thích, mua bán, đi lại, vui chơi giải trí
- Các phương thức biểu thị không gian và thời gian
- Các câu hỏi về không gian, thời gian, trạng thái, tính chất
- Mở rộng các thành phần câu bằng từ ngữ phụ thuộc
- Câu ghép chính phụ, liên hợp
b) Kiến thức văn hóa:
- Một số hoạt động vui chơi giải trí, du lịch
- Một số phong tục, tập quán của Việt Nam
- Mẫu bưu thiếp, thư từ
- Ảnh minh họa: Giao thông, một số điểm vui chơi giải trí, du lịch.
4. Trình độ B2
4.1. Về kỹ năng
Nghe
- Nghe ý kiến trao đổi về nội dung bài học, về các chủ đề: văn hóa dân gian Việt Nam, di sản văn hóa Việt Nam và thế giới.
- Nghe đọc, nghe qua phương tiện thông tin đại chúng bản tin (dự báo thời tiết, tin tức văn hóa - xã hội); nghe điện thoại; nghe văn bản thuyết minh, mẩu chuyện, câu chuyện.
- Ghi lại ý chính của văn bản tự sự đã nghe.
- Nghe - viết bài chính tả khoảng 90 từ.
Nói
- Trao đổi, trình bày ý kiến cá nhân về nội dung bài học, về những vấn đề đã nêu.
- Thuật lại, kể lại tin tức, câu chuyện, bài viết được nghe, được đọc.
- Kể lại những sự việc đơn giản đã chứng kiến, tham gia.
- Giới thiệu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm bài hội thoại, bài viết về văn hóa dân gian Việt Nam, di sản văn hóa Việt Nam và thế giới.
- Tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung văn bản đã đọc.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết đơn
- Viết thư ngắn thăm hỏi, trao đổi tin tức.
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn thuật việc, kể chuyện.
- Viết đoạn văn, bài thuyết minh khoảng 120 từ có nội dung phù hợp với chủ đề được học.
4.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Viết:
- Vốn từ cơ bản liên quan đến văn hóa và những từ được dùng trong một số dịch vụ (bưu điện, ngân hàng, khám chữa bệnh).
- Một số phương thức danh từ hóa
- Động từ chỉ trạng thái tâm lí, trạng thái sinh lí
- Câu ghép phụ thuộc, câu có định ngữ là một mệnh đề
- Câu hỏi có từ để hỏi ở cuối câu
- Câu trực tiếp và câu gián tiếp
b) Kiến thức văn hóa:
- Văn hóa trong cách nói chuyện điện thoại
- Văn hóa dân gian Việt Nam (truyện cổ tích, truyện cười)
- Di sản văn hóa Việt Nam và thế giới
- Ảnh minh họa: Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, tháp Chăm,...
5. Trình độ C1
5.1.Về kỹ năng
Nghe
- Nghe ý kiến trao đổi về nội dung của bài học, về một số vấn đề thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội Việt Nam, nhà văn Việt Nam, danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới.
- Nghe tin tức, mẩu chuyện, câu chuyện, bài thuyết minh về các chủ đề nêu trên.
- Ghi lại ý chính của văn bản đã nghe.
- Nghe - viết bài chính tả khoảng 100 từ.
Nói
- Trao đổi ý kiến về nội dung của bài học, về các đề tài văn hóa, kinh tế, xã hội đã nêu.
- Thuật lại, kể lại câu chuyện, tin tức, bài viết về các nhà văn, danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới đã nghe, đã đọc.
- Kể lại sự việc được chứng kiến, tham gia.
- Giới thiệu nhà văn Việt Nam, danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm bài hội thoại, bài viết về văn hóa, kinh tế, xã hội Việt Nam, về các nhà văn và danh nhân văn hóa.
- Tìm hiểu từ ngữ, nội dung, ý nghĩa của bài đọc.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết báo cáo đơn giản.
- Viết thư trao đổi công việc.
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn thuật việc, kể chuyện đã nghe, đã đọc, đã chứng kiến, tham gia.
- Viết đoạn văn, bài văn khoảng 150 từ giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, về các nhà văn hoặc danh nhân văn hóa của Việt Nam hoặc nước sở tại.
5.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Vốn từ cơ bản tối thiểu thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật
- Câu có chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ là một mệnh đề
- Hệ thống câu ghép liên hợp, phụ thuộc
- Một số loại câu hỏi đặc thù của tiếng Việt
- Cách tổ chức đoạn văn, mẫu một bài văn trần thuật
b) Kiến thức văn hóa:
- Danh nhân văn hóa Việt Nam (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,...) và thế giới (Victor Hugo, MarTwain, Hemingway,...)
- Trích đoạn một số bài viết về các nhà văn, nhà thơ Việt Nam
- Sơ lược về tình hình giáo dục ở Việt Nam
- Ảnh minh họa: ảnh Nguyễn Du, ảnh một số danh nhân văn hóa thế giới.
6. Trình độ C2
6.1. Về kỹ năng
Nghe
- Nghe ý kiến trao đổi về các chủ đề kinh tế - xã hội Việt Nam, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn học - nghệ thuật Việt Nam.
- Nghe qua đĩa, băng cát xét những tin tức, câu chuyện, bài thuyết minh, bài thường thức khoa học gắn với các chủ đề trên.
- Ghi lại ý chính của văn bản tự sự, thuyết minh được nghe.
- Nghe - viết bài chính tả khoảng 150 từ.
Nói
- Trao đổi ý kiến về các đề tài đã nêu; phát biểu ý kiến trong một số tình huống giao tiếp chính thức.
- Thuật lại, kể lại nội dung chính của văn bản tự sự, thuyết minh gắn với chủ đề được học.
- Kể lại sự việc được chứng kiến, tham gia.
- Giới thiệu vài nét về văn hóa các dân tộc thiểu số, văn học - nghệ thuật Việt Nam.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm bài hội thoại, bài đọc về các chủ đề kinh tế - xã hội, văn hóa các dân tộc thiểu số, văn học - nghệ thuật Việt Nam.
- Tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của văn bản đã đọc.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết đoạn văn, bài văn thuật việc, kể chuyện đã nghe, đã đọc, đã chứng kiến, tham gia.
- Viết đoạn văn, bài văn về văn hóa các dân tộc thiểu số, về một số vấn đề mang tính toàn cầu.
6.2. Về kiến thức
a) Kiến thức tiếng Việt:
- Vốn từ cơ bản về văn hóa, xã hội, kinh tế
- Danh từ chỉ người, chỉ công cụ; danh từ hóa, động từ hóa
- Trợ từ tình thái cuối câu, từ cảm thán
- Cách tổ chức một văn bản hoàn chỉnh
- Các nghi thức giao tiếp mang tính khoa học chuyên ngành, chuyên môn
b) Kiến thức văn hóa:
- Văn hóa các dân tộc thiểu số (chợ tình Sapa, rượu cần,...), một số môn nghệ thuật tiêu biểu (nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên,...)
- Trích đoạn một số tác phẩm văn học Việt Nam
- Một số vấn đề mang tính toàn cầu (ô nhiễm môi trường, xóa đói giảm nghèo, HIV Aids, tai nạn giao thông,...)
- Sơ lược về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam.
- Ảnh minh họa: cảnh uống rượu cần, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên,...
VI. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Đặc điểm của chương trình
Trên cơ sở quán triệt quan điểm tích hợp, chương trình được thiết kế theo các chủ đề nội dung nhằm cung cấp cho người học những kiến thức phổ thông về tiếng Việt và về văn hóa Việt Nam. Tất nhiên kiến thức về văn hóa chỉ có tính chất bổ trợ. Mục tiêu chính là dạy tiếng Việt chứ không phải cung cấp đầy đủ và hệ thống mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.
Trong chương trình, các kiến thức về tiếng Việt được thiết kế theo nguyên tắc đồng tâm, có lặp lại và nâng cao qua từng trình độ. Các kiến thức và kỹ năng còn được dạy theo nguyên tắc đồng quy, lấy văn bản (bài đọc, bài hội thoại) làm trục chính để kết nối và triển khai các nội dung về kỹ năng, về kiến thức ngôn ngữ và văn hóa.
Vì những người học khác nhau về trình độ tiếng Việt (chưa biết hoặc biết chưa tốt) và về điều kiện học tập, chương trình được thiết kế linh hoạt theo hướng mô đun hóa (với 6 trình độ A1 , A2, B1 , B2, C1, C2). Người học tùy theo năng lực và điều kiện có thể bắt đầu từ trình độ thích hợp.
2. Bài học và nội dung các phần của bài học
Để tăng cường tính thực hành ứng dụng, chương trình lấy các bài học (bài đọc, bài hội thoại) làm cơ sở để rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và dạy các kiến thức ngôn ngữ, văn hóa. Mỗi bài học ứng với một chủ điểm về nội dung và gồm các phần luyện như sau: luyện đọc, từ ngữ - ngữ pháp, luyện nghe - luyện nói, luyện viết. Các phần này liên kết với nhau qua chủ điểm, lấy bài học làm gốc. Có thể minh họa tính liên kết nêu trên qua ví dụ dưới đây.
Chủ đề: Gia đình người Việt Nam
Bài học số.... |
Bài đọc - Luyện đọc | Từ ngữ - ngữ pháp | Luyện nghe - luyện nói | Luyện viết |
Hội thoại - Luyện phát âm đúng các âm, thanh điệu, các từ và câu trong bài. Hiểu nội dung đoạn hội thoại. | - Từ ngữ về gia đình - Từ xưng hô - Hỏi và trả lời câu hỏi Ai?, Là gì?, Bao nhiêu? | - Bài đọc - Trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc - Chào hỏi - Giới thiệu về gia đình | - Tập viết chữ - Viết chính tả |
Bài học được cấu trúc thành 5 phần. Mỗi phần của bài học có nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Bài đọc: rèn cho người học kỹ năng đọc (kết hợp nghe và nói), đồng thời cung cấp vốn từ, tăng cường khả năng diễn đạt, cung cấp những hiểu biết cần thiết về đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam.
- Từ ngữ - ngữ pháp: giúp người học mở rộng vốn từ, trang bị những kiến thức cơ bản, tối thiểu về từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, làm nền cho việc rèn luyện kỹ năng dùng từ, đặt câu.
- Luyện nghe: rèn cho người học kỹ năng nghe thông qua các hình thức nghe đọc, nghe kể chuyện, nghe câu hỏi, nghe ý kiến trao đổi của giáo viên, của học viên cùng lớp.
- Luyện nói: rèn cho người học kỹ năng nói thông qua các hình thức trả lời câu hỏi; nói theo chủ đề.
- Luyện viết: rèn kỹ năng viết chữ; viết chính tả câu văn, đoạn văn; viết thư, mẩu tin, đoạn văn tự sự, thuyết minh,... đơn giản.
3. Ngữ liệu
Ngữ liệu dùng trong chương trình là những bài hội thoại, bài đọc được sưu tầm và biên soạn theo các chủ đề nội dung. Những bài đọc này là những bài văn miêu tả, chuyện kể, tin tức, các văn bản phù hợp với đời sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, quan điểm đạo đức, thẩm mỹ... của người Việt ở nước ngoài nói riêng và của cộng đồng người Việt Nam nói chung.
Các bài học (bài hội thoại, bài đọc) được thiết kế theo các chủ đề. Mỗi chủ đề lớn có thể bao hàm một số chủ đề nhỏ. Một chủ đề có thể phân bố ở nhiều trình độ khác nhau, phát triển theo nguyên tắc đồng tâm, càng về sau càng phong phú và phức tạp hơn.
Dưới đây là phác thảo bước đầu về một số chủ đề sẽ được đề cập đến trong giáo trình:
1. Bản thân:
- Chào hỏi, giới thiệu, làm quen
- Sở thích
2. Gia đình:
- Gia cảnh
- Hôn nhân
- Các quan hệ và tình cảm gia đình, họ hàng
3. Cộng đồng:
- Các quan hệ và tình cảm láng giềng, bạn bè
4. Thời gian và mùa trong năm:
- Thời gian, ngày, tháng, năm
- Thời tiết và các mùa trong năm
5. Dịch vụ:
- Bưu điện
- Ngân hàng
6. Công việc, nghề nghiệp:
- Nói chuyện về nghề nghiệp
- Nói chuyện về công việc ở nơi làm việc
- Xin việc làm
- Một số nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam
7. Giao thông - đi lại:
- Hỏi đường
- Các thủ tục ở sân bay, nhà ga, bến ôtô
- Các phương tiện giao thông
- Đi tham quan
8. Mua sắm:
- Giá cả và mặc cả
9. Ẩm thực:
- Các món ăn Việt Nam và thế giới
- Văn hóa ăn uống của người Việt
- Giao tiếp tại nhà hàng ăn uống
10. Phong tục tập quán của Việt Nam:
- Cưới xin
- Ma chay
11. Sức khỏe:
- Nói chuyện về sức khỏe
- Đi khám bác sĩ
12. Thể thao:
- Các môn thể thao
- Các vận động viên thể thao tiêu biểu
- Sự tham gia của Việt Nam vào thể thao quốc tế và khu vực
13. Âm nhạc:
- Các thể loại nhạc dân tộc và hiện đại
- Các ca sĩ nổi tiếng
14. Lễ hội:
- Tết cổ truyền của Việt Nam
- Một số lễ hội dân gian của Việt Nam và các nước khác
15. Danh lam thắng cảnh:
- Một số thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam
- Các di sản văn hóa vật thể của Việt Nam và thế giới
16. Nghệ thuật:
- Thăm triển lãm
- Các loại hình nghệ thuật dân tộc của Việt Nam
- Một số nghệ nhân nổi tiếng
17. Địa lí:
- Sơ lược về địa lí Việt Nam
- Sơ lược về địa lí thế giới
18. Văn học :
- Truyện cười, Truyện dân gian Việt Nam
- Một số trích đoạn tác phẩm văn học tiêu biểu
- Một số nhà văn của Việt Nam và thế giới
19. Kinh tế:
- Kinh tế của Việt Nam và thế giới
- Hợp tác kinh tế của Việt Nam với các nước
20. Môi trường:
- Thiên tai
- Những vấn đề môi trường toàn cầu
21. Khoa học:
- Khoa học thường thức, một số thành tựu khoa học nổi bật của thế giới - Một số tấm gương khoa học
22. Giáo dục
- Giới thiệu về hệ thống giáo dục Việt Nam
- Giáo dục Việt Nam trong thời kì hội nhập
23. Bức khảm văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
24. Danh nhân văn hóa của Việt Nam và thế giới
4. Tài liệu dạy học
Tài liệu dạy học có thể gồm những loại dưới dây:
- Giáo trình
- Tài liệu cho giáo viên
- Sách bài tập
- Tranh ảnh
- Băng ghi âm, ghi hình.
- Phần mềm dạy học từ xa qua mạng internet hoặc phần mềm dạy học tự động qua computer.
5. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
Dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai có nhiều phương pháp, tùy từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn cho thích hợp. Giáo viên cũng có thể kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình giảng dạy.
Nguyên tắc chung là tổ chức dạy sao cho phát huy được tối đa tính tích cực, chủ động của người học. Muốn vậy, các hoạt động học tập của học viên cần được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau: làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, làm việc theo lớp. Ngoài ra cần khuyến khích học viên kết hợp việc học ở trường với việc thực hành giao tiếp trong cộng đồng người Việt, tham gia các sinh hoạt cộng đồng, đọc sách báo, xem phim, xem truyền hình Việt Nam,...
6. Đánh giá kết quả học tập
Để đảm bảo mục tiêu đào tạo, việc đánh giá kết quả học tập chương trình tiếng Việt cho đối tượng người Việt đang định cư ở nước ngoài cần đảm bảo các yêu cầu cụ thể sau đây.
6.1. Về phương thức đánh giá
Việc đánh giá kết quả học tập của người học chủ yếu thông qua kết quả kiểm tra trên lớp, coi trọng kết quả học tập được thể hiện qua những tình huống giao tiếp gần gũi với người học. Duy trì các phương thức đánh giá:
- Đánh giá thường xuyên (kiểm tra 4 kỹ năng trong mỗi giờ học).
- Đánh giá định kì (bài kiểm tra tổng hợp 4 kỹ năng cuối cụm bài, cuối mỗi giai đoạn học tập).
- Đánh giá cuối khóa (bài kiểm tra tổng hợp 4 kỹ năng khi kết thúc khóa học).
6.2. Về nguyên tắc đánh giá
- Đánh giá toàn diện kết quả học tập các nội dung kiến thức văn hóa - ngôn ngữ và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt của người học theo chuẩn yêu cầu kiến thức, kỹ năng đã được nêu trong chương trình.
- Đánh giá dựa theo nguyên tắc tích hợp của chương trình: tích hợp giữa kiến thức tiếng Việt với kiến thức văn hóa; giữa kiến thức với kỹ năng; giữa kiến thức tiếng Việt với các kiến thức liên ngành KHXH, KHTN khác.
- Việc đánh giá kết quả học tập chủ yếu dựa vào kết quả thực hành và tính tích cực, chủ động của người học trong quá trình học tập thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tuy nhiên kỹ năng nghe và nói cần được đánh giá nhiều hơn, thường xuyên hơn.
- Đảm bảo tính khách quan, chính xác, độ tin cậy, tính hiệu lực và tính khả thi trong đánh giá.
- Kết hợp giữa đánh giá của người dạy với việc tự đánh giá của người học, tạo điều kiện để người học có cơ hội tự đánh giá kết quả học tập của mình, của người cùng học.
- Tăng cường kiểm tra đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau, đa dạng hóa công cụ đánh giá. Tùy thuộc vào các nội dung có thể sử dụng các loại công cụ sau đây: kết hợp đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan với tự luận, đánh giá bằng quan sát, phỏng vấn trực tiếp của giáo viên,...
- Cách kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với từng kỹ năng, gắn với những ngữ cảnh giao tiếp cụ thể:
+ Các kỹ năng đọc thành tiếng, nghe và nói được đánh giá qua hoạt động thực hành nghe, nói của từng người học.
+ Các kỹ năng đọc - hiểu, dùng từ, đặt câu được đánh giá qua thực hành nghe, nói, đọc, viết.
+ Các kỹ năng viết chữ, viết chính tả được đánh giá qua bài viết.
+ Các kỹ năng viết đoạn văn, bài văn được đánh giá qua bài viết tự luận. Bài tự luận không nên viết dài mà cần có giới hạn dung lượng và gắn với những ngữ cảnh giao tiếp thông dụng, thường nhật.
6.3. Về cấp chứng chỉ
Cuối mỗi giai đoạn học tập, những người học đạt yêu cầu học tập được cấp chứng chỉ tương ứng. Việc xét kết quả học tập cuối khóa để cấp chứng chỉ cho người học cần dựa trên kết quả của cả quá trình học tập (kết quả của từng giai đoạn) và kết quả kì thi cuối khóa.
Cơ sở tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ cho học viên./.
CHƯƠNG TRÌNH DẠY TIẾNG VIỆT
CHO NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2006/QĐ-BGDĐT ngày 27/06/2006
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình dạy tiếng
Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài)
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình dạy tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở đang học tiếng Việt như một môn học trong hệ thống nhà trường của nước sở tại hoặc trong các lớp học do các hội đoàn Việt kiều tổ chức gọi là Chương trình dành cho thanh, thiếu niên nhằm giúp thanh, thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài:
1. Hình thành, phát triển các kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) bằng tiếng Việt.
2. Nắm được một số kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, qua đó bồi dưỡng ý thức về cội nguồn và tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân tộc
II. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Giao tiếp
Để thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết), Chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Chương trình) lấy nguyên tắc giao tiếp làm định hướng cơ bản.
Nguyên tắc dạy giao tiếp được thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và phương pháp dạy học.
Về nội dung, Chương trình xác định những yêu cầu cần đạt về từng kỹ năng giao tiếp ở mỗi giai đoạn học tập và kế hoạch, nội dung học tập, rèn luyện cụ thể để đạt được những yêu cầu đó. Chương trình không cấu tạo theo hệ thống kiến thức lý thuyết mà theo hệ thống chủ điểm. Mỗi chủ điểm học tập của Chương trình tạo một môi trường giao tiếp để học sinh phát triển vốn từ và các kỹ năng sử dụng tiếng Việt.
Về phương pháp dạy học, các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết được dạy thông qua nhiều bài tập mang tính tình huống, phù hợp với những tình huống giao tiếp tự nhiên.
2. Tích hợp
Tích hợp được hiểu là sự kết hợp hữu cơ giữa các mảng kiến thức, kỹ năng khác nhau và sự liên kết chặt chẽ giữa các giai đoạn học tập nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục và tiết kiệm thời gian học tập cho người học. Xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài theo nguyên tắc tích hợp là nhằm giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử dân tộc và bồi dưỡng ở các em ý thức về cội nguồn, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân tộc, như mục tiêu môn học đã đề ra.
Có thể thực hiện tích hợp theo chiều ngang và chiều dọc.
Tích hợp theo chiều ngang là tích hợp kiến thức tiếng Việt với các mảng kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán và con người Việt Nam theo nguyên tắc đồng quy. Hướng tích hợp này được thực hiện thông qua hệ thống chủ điểm học tập với trọng tâm là các bài hội thoại, bài đọc. Theo nguyên tắc tích hợp, các nhiệm vụ trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng cũng gắn bó chặt chẽ với nhau.
Tích hợp theo chiều dọc là tích hợp ở một đơn vị kiến thức và kỹ năng mới những kiến thức và kỹ năng đã học trước đó theo nguyên tắc đồng tâm (còn gọi là đồng trục hay vòng tròn xoáy trôn ốc). Cụ thể là kiến thức và kỹ năng của bài học sau bao hàm kiến thức và kỹ năng của bài học trước nhưng cao hơn, sâu hơn bài học trước.
3. Phù hợp với đối tượng
Đối tượng tiếp nhận Chương trình là con em kiều bào ta ở nước ngoài, độ tuổi từ 6 đến 18. Các em có trình độ tiếng Việt, hoàn cảnh sống, giao tiếp và học tập rất khác nhau. Chính vì vậy, Chương trình được thiết kế một cách mềm dẻo để thích hợp với sự đa dạng về đối tượng và điều kiện học tập. Tùy trường hợp cụ thể, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh có thể quyết định học sinh bắt đầu học từ trình độ nào, chủ điểm nào, học cả bốn kỹ năng hay chỉ tập trung vào những kỹ năng còn yếu.
III. KẾ HOẠCH DẠY HỌC CHUNG
1. Để tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn nội dung học tập phù hợp với trình độ tiếng Việt của mình, Chương trình được thiết kế theo ba giai đoạn, với 6 trình độ (A1, A2, B1, B2, C1, C2):
- Giai đoạn 1: trình độ A1, A2 (thực hiện được một số giao tiếp tối thiểu).
- Giai đoạn 2: trình độ B1, B2 (thực hiện được các giao tiếp thông thường).
- Giai đoạn 3: trình độ C1, C2 (giao tiếp tương đối vững vàng).
2. Thời lượng dạy học môn Tiếng Việt
- Mỗi trình độ học khoảng 120 giờ.
- Tổng thời lượng thực hiện Chương trình khoảng 720 giờ. Dành thời lượng ưu tiên cho nội dung luyện nghe, nói.
IV. YÊU CẦU CƠ BẢN CẦN ĐẠT ĐỐI VỚI TỪNG TRÌNH ĐỘ
1.Trình độ A1
1.1. Nghe: Hiểu câu hỏi, câu trả lời và yêu cầu đơn giản của người đối thoại trong một số tình huống giao tiếp thông thường; hiểu mẩu chuyện đơn giản (có kèm tranh minh họa và lời gợi ý dưới tranh).
1.2. Nói: Biết nói lời chào hỏi, tự giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi. Trả lời được câu hỏi đơn giản về bản thân, sức khỏe, gia đình, trường học, thời gian,... Trả lời được câu hỏi về nội dung mẩu chuyện đã nghe.
1.3. Đọc: Đọc được chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn (khoảng 80 chữ), tốc độ khoảng 30 chữ/phút; hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn.
1.4. Viết: Chép đúng hoặc viết được bài chính tả (khoảng 30 chữ), tốc độ khoảng 30 chữ/15 phút. Viết được đoạn văn đơn giản (3, 4 câu) theo câu hỏi gợi ý.
1.5. Kiến thức tiếng Việt:
- Nắm được bảng chữ cái, hệ thống thanh điệu tiếng Việt.
- Biết khoảng 500 từ cơ bản: từ xưng hô thông thường; từ ngữ về quan hệ gia đình, một số bộ phận cơ thể, một số sự vật, hoạt động, tính chất thông thường, thời gian; số đếm tự nhiên từ 1 đến 100.
- Biết các mẫu câu đơn Danh - là - danh, Danh - động, Danh - tính với các thành phần chính là từ hoặc cụm từ có cấu tạo đơn giản.
1.6. Kiến thức văn hóa:
- Nắm được một số nghi thức giao tiếp thông thường: chào hỏi, tự giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi.
- Bước đầu có một số hiểu biết về gia đình của người Việt Nam.
2. Trình độ A2
2.1. Nghe: Hiểu ý kiến của người đối thoại trong một số tình huống giao tiếp thông thường; hiểu mẩu chuyện đơn giản (có kèm tranh minh họa và lời gợi ý dưới tranh).
2.2. Nói: Đặt được câu hỏi về nội dung bài học, về một số đề tài gần gũi với đời sống hằng ngày. Kể lại được mẩu chuyện đơn giản đã nghe. Biết nói lời mời, nhờ, đề nghị, đồng ý, không đồng ý. Biết giới thiệu về bản thân, sở thích, gia đình, bạn bè, trường học, ...
2.3. Đọc: Đọc được đoạn hội thoại, đoạn văn (khoảng 120 chữ), tốc độ khoảng 50 chữ/phút. Hiểu nghĩa của từ, câu, nội dung của đoạn.
2.4. Viết: Chép đúng hoặc viết được bài chính tả (khoảng 50 chữ), tốc độ khoảng 50 chữ/15 phút. Biết viết bưu thiếp hoặc lời nhắn tin đơn giản. Viết được đoạn văn giới thiệu về bản thân, sở thích, gia đình, bạn bè, trường học,... (5, 6 câu).
2.5. Kiến thức tiếng Việt:
- Biết thêm khoảng 500 từ ngữ về năng lực và sở thích cá nhân; học tập và vui chơi; gia đình và cộng đồng; thời tiết và mùa trong năm; sức khỏe và rèn luyện sức khỏe; thiên nhiên và địa lí Việt Nam; số đếm tự nhiên trên 100.
- Biết các mẫu câu đơn Danh - là - danh, Danh - động, Danh - tính với trạng ngữ có cấu tạo đơn giản.
2.6. Kiến thức văn hóa:
- Nắm được thêm một số nghi thức giao tiếp trong nhà trường và cộng đồng: mời, nhờ, yêu cầu, đề nghị, từ chối,...
- Có một số hiểu biết ban đầu về địa lý Việt Nam: vị trí, diện tích, dân số, khí hậu.
3. Trình độ B1
3.1. Nghe: Hiểu ý kiến của người đối thoại về một số vấn đề gần gũi; hiểu nội dung mẩu tin, câu chuyện đơn giản được nghe.
3.2. Nói: Có khả năng tham gia những cuộc trao đổi về đề tài được học. Thuật lại được mẩu tin; kể lại được tương đối mạch lạc từng đoạn câu chuyện đã nghe, đã đọc; biết giới thiệu về trường lớp, địa phương mình sinh sống,...
3.3. Đọc: Đọc rõ ràng, tương đối lưu loát bài hội thoại, bài văn (khoảng 150 chữ), tốc độ khoảng 70 chữ/phút; hiểu nghĩa của từ, câu, nội dung của đoạn, bài.
3.4. Viết: Viết được bài chính tả (khoảng 70 chữ), tốc độ khoảng 70 chữ/15 phút. Biết viết tờ khai xin visa, tờ khai xuất nhập cảnh, giấy gửi bưu phẩm,... Viết được đoạn văn giới thiệu về trường lớp, địa phương mình sinh sống,... (7, 8 câu).
3.5. Kiến thức tiếng Việt:
- Biết thêm khoảng 400 từ ngữ về sinh hoạt và tình cảm cộng đồng, các dân tộc ở Việt Nam, về giao thông, chăm sóc sức khỏe, các môn thể thao, nghệ thuật, một số thành phố lớn và danh lam thắng cảnh,...
- Biết cách dùng danh từ, vị từ và một số quan hệ từ. Biết cách mở rộng các thành phần câu bằng cụm từ.
3.6. Kiến thức văn hóa:
- Có một số hiểu biết về các dân tộc ở Việt Nam, một số thành phố lớn và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam.
- Biết một số bài hát thiếu nhi.
4. Trình độ B2
4.1. Nghe: Hiểu ý kiến người đối thoại trong những tình huống giao tiếp mở rộng hơn. Hiểu nội dung chính của tin tức, câu chuyện có nội dung tương đối phong phú. Bước đầu có khả năng ghi lại được ý chính của văn bản tự sự khi nghe.
4.2. Nói: Có khả năng tham gia và thể hiện sự chủ động, tự tin trong những cuộc trao đổi tương đối lâu về đề tài được học. Thuật lại, kể lại được tương đối mạch lạc tin tức, câu chuyện đã nghe, đã đọc. Giới thiệu được những hoạt động của bản thân, gia đình, trường lớp.
4.3. Đọc: Đọc khá trôi chảy bài hội thoại, bản tin, văn bản thuyết minh, mẫu chuyện lịch sử, trích đoạn truyện, kịch (khoảng 200 chữ), tốc độ khoảng 100 chữ/phút. Biết giải nghĩa các từ ngữ đơn giản trong bài. Hiểu nội dung, ý nghĩa của bài.
4.4. Viết: Viết được bài chính tả (khoảng 80 chữ), tốc độ nhanh hơn trình độ B1. Viết được những bức thư ngắn, những đoạn văn, bài văn tự sự, thuyết minh đơn giản có nội dung phù hợp với chủ điểm đã học.
4.5. Kiến thức tiếng Việt:
- Biết thêm khoảng 400 từ ngữ về giáo dục, bình đẳng giới, thể thao, nghệ thuật, một số di tích văn hóa - lịch sử, giao thông, nghệ thuật ẩm thực, đấu tranh chống thiên tai,...
- Biết cách mở rộng các thành phần câu bằng cụm từ. Nắm được cấu tạo và cách dùng các kiểu câu cầu khiến và cảm thán; cách dùng tình thái từ và thán từ.
4.6. Kiến thức văn hóa:
- Có hiểu biết ban đầu về giáo dục, một số di tích văn hóa - lịch sử, nghệ thuật ẩm thực ở Việt Nam. Biết một số mẩu chuyện lịch sử.
- Biết thêm một số bài hát thiếu nhi.
5. Trình độ C1
5.1. Nghe: Hiểu nội dung câu chuyện, tin tức, bài văn thuyết minh, bài thường thức khoa học (khoảng 200 chữ); ghi lại được nội dung chính của văn bản tự sự, thuyết minh khi nghe.
5.2. Nói: Có khả năng khởi xướng, duy trì và tham gia các cuộc trao đổi về những nội dung gắn với chủ điểm được học. Trình bày được ý kiến cá nhân. Kể lại được câu chuyện đã nghe, đã đọc; sự việc đơn giản đã chứng kiến, tham gia. Thuật lại được nội dung chính của bản tin, văn bản thuyết minh khi nghe.
5.3. Đọc: Đọc khá thành thạo và hiểu nội dung bài hội thoại, bản tin, văn bản thường thức khoa học, văn bản thuyết minh, mẩu chuyện lịch sử, trích đoạn truyện, kịch,... (khoảng 250 chữ).
5.4. Viết: Viết tương đối thành thạo bài chính tả (khoảng 90 chữ). Viết được những bức thư ngắn; đoạn văn, bài văn tự sự, thuyết minh đơn giản (khoảng 150 chữ) có nội dung phù hợp với chủ điểm đã học.
5.5. Kiến thức tiếng Việt:
- Biết thêm khoảng 400 từ ngữ về giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, du lịch - thám hiểm, nghệ thuật ẩm thực, mua sắm, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường,...
- Biết cách cấu tạo câu ghép.
5.6. Kiến thức văn hóa:
- Có thêm hiểu biết về giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Biết thêm một số mẩu chuyện lịch sử.
- Biết hát một vài bài dân ca.
6. Trình độ C2
6.1. Nghe: Hiểu nội dung câu chuyện, tin tức, văn bản thường thức khoa học, văn bản thuyết minh (khoảng 250 chữ). Ghi lại được nội dung chính của văn bản tự sự, thuyết minh khi nghe.
6.2. Nói: Có khả năng khởi xướng, duy trì và tham gia các cuộc trao đổi chính thức. Trình bày được rõ ràng, rành mạch ý kiến cá nhân về những vấn đề mình quan tâm. Kể lại được nội dung câu chuyện đã nghe, đã đọc; sự việc đã chứng kiến, tham gia. Thuật lại được nội dung chính của văn bản tự sự, thuyết minh.
6.3. Đọc: Đọc thành thạo và hiểu nội dung bài hội thoại, bản tin, văn bản thường thức khoa học, văn bản thuyết minh, mẩu chuyện lịch sử, trích đoạn truyện, kịch (khoảng 300 chữ).
6.4. Viết: Viết tương đối thành thạo bài chính tả (khoảng 100 chữ). Viết được thư trao đổi tin tức, công việc. Biết viết một số loại đơn. Viết được bài văn tự sự, thuyết minh (khoảng 200 chữ) có nội dung phù hợp với chủ điểm đã học.
6.5. Kiến thức tiếng Việt:
- Biết khoảng 400 từ ngữ về thể thao, lễ hội, trang phục, nghệ thuật ẩm thực, kinh tế, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường,...
- Biết cách mở rộng thành phần câu bằng cụm chủ - vị.
6.6. Kiến thức văn hóa
- Biết một số trích đoạn tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam, một số di tích lịch sử và lễ hội của Việt Nam, một số mẩu chuyện về các nhà văn, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân Việt Nam thành đạt.
- Biết hát một số bài dân ca.
V. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
A. NỘI DUNG DẠY HỌC CHO TỪNG TRÌNH ĐỘ
1. Trình độ A1
11. Rèn luyện kỹ năng
Nghe
- Phân biệt các âm, vần, thanh.
- Nghe hỏi về nội dung bài học.
- Nghe câu hỏi, câu trả lời và yêu cầu đơn giản của người đối thoại trong một số tình huống giao tiếp thông thường.
- Nghe mẩu chuyện đơn giản (có kèm tranh minh họa và lời gợi ý dưới tranh).
- Nghe - viết chính tả chuỗi câu, đoạn văn (khoảng 30 chữ).
Nói
- Trả lời câu hỏi về nội dung bài học.
- Trả lời câu hỏi về nội dung mẩu chuyện đã nghe.
- Nói lời chào hỏi, tự giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi.
- Hỏi và trả lời câu hỏi đơn giản về bản thân, gia đình, trường học,...
Đọc
- Phát âm các từ ngữ trong bài đọc.
- Đọc thành tiếng, đọc thầm từ, câu, chuỗi câu đơn giản, đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn chứa các âm, vần, chữ đã học.
- Tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn đã đọc
Viết
- Viết chữ thường, chữ hoa.
- Viết chính tả câu, chuỗi câu, đoạn văn ngắn (nhìn - viết, nghe - viết).
- Viết câu chào hỏi, tự giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi.
- Viết câu trả lời; viết chuỗi câu, đoạn văn đơn giản (3, 4 câu) theo câu hỏi gợi ý.
1.2. Trang bị kiến thức
Kiến thức tiếng Việt
- Chữ và dấu thanh.
- Từ ngữ: từ xưng hô thông thường; từ ngữ về quan hệ gia đình, một số bộ phận cơ thể, một số sự vật, hoạt động, tính chất thông thường, thời gian; số đếm tự nhiên từ 1 đến 100.
- Các mẫu câu đơn Danh - là - danh, Danh - động, Danh - tính với các thành phần chính là từ hoặc cụm từ có cấu tạo đơn giản.
Kiến thức văn hóa
- Một số nghi thức giao tiếp thông thường: chào hỏi, tự giới thiệu, cảm ơn, xin lỗi.
- Gia đình Việt Nam.
2. Trình độ A2
2.1. Rèn luyện kỹ năng
Nghe
- Nghe hỏi về nội dung bài học.
- Nghe ý kiến của người đối thoại về những đề tài gần gũi với lứa tuổi (học tập, vui chơi, sức khỏe, sở thích cá nhân,...)
- Nghe mẩu chuyện đơn giản (có kèm tranh minh họa và lời gợi ý dưới tranh).
- Nghe - viết chính tả đoạn văn (khoảng 50 chữ).
Nói
- Trả lời câu hỏi về nội dung bài học.
- Trả lời câu hỏi hoặc kể lại nội dung mẩu chuyện đã nghe.
- Thuật lại sự việc đơn giản theo câu hỏi và tranh minh họa.
- Nói lời mời, nhờ, đề nghị, đồng ý, không đồng ý.
- Hỏi và trả lời câu hỏi về một số đề tài gần gũi.
- Giới thiệu về bản thân, gia đình, bạn bè, trường học,...
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn về năng lực và sở thích cá nhân; học tập và vui chơi; gia đình và cộng đồng; thời tiết và mùa trong năm; sức khỏe và rèn luyện sức khỏe; thiên nhiên và địa lý Việt Nam.
- Tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, đoạn đã đọc.
Viết
- Viết chính tả đoạn văn ngắn (nhìn - viết, nghe - viết).
- Viết bưu thiếp, nhắn tin.
- Viết câu mời, nhờ, đề nghị, đồng ý, không đồng ý.
- Viết đoạn văn (5, 6 câu) giới thiệu về bản thân, gia đình, bạn bè, trường học,...
2.2. Trang bị kiến thức
Kiến thức tiếng việt
- Từ ngữ: từ ngữ về năng lực và sở thích cá nhân; học tập và vui chơi; gia đình và cộng đồng; thời tiết và mùa trong năm; sức khỏe và rèn luyện sức khỏe; thiên nhiên và địa lý Việt Nam,...; số đếm tự nhiên trên 100.
- Các mẫu câu đơn Danh - là - danh, Danh - động, Danh - tính với trạng ngữ có cấu tạo đơn giản.
- Câu hỏi Ai?, Làm gì?, Thế nào?, ở đâu?, Bao giờ?
Kiến thức văn hóa
- Một số nghi thức giao tiếp trong nhà trường và cộng đồng: mời, nhờ, yêu cầu, đề nghị, đồng ý, không đồng ý.
- Một số hiểu biết ban đầu về địa lí Việt Nam: vị trí, diện tích, dân số, khí hậu.
3. Trình độ B1
3.1. Rèn luyện kỹ năng
Nghe
- Nghe hỏi về nội dung bài học.
- Nghe ý kiến trao đổi của người đối thoại về một số vấn đề gần gũi (học tập, sức khỏe, thể thao, sinh hoạt và tình cảm cộng đồng,...).
- Nghe mẩu tin, mẩu chuyện, câu chuyện đơn giản.
- Nghe - viết bài chính tả (khoảng 70 chữ).
Nói
- Trả lời câu hỏi về nội dung bài học.
- Trao đổi ý kiến về một số vấn đề gần gũi.
- Thuật lại mẩu tin; kể lại mẩu chuyện hoặc kể từng đoạn câu chuyện đã nghe, đã đọc.
- Giới thiệu về trường lớp, địa phương đang sinh sống,...
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm đoạn hội thoại, đoạn văn, bài văn về sinh hoạt và tình cảm cộng đồng, các dân tộc ở Việt Nam, giao thông, chăm sóc sức khỏe, các môn thể thao, nghệ thuật, một số thành phố lớn và danh lam thắng cảnh,...
- Tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu, của đoạn, bài đã đọc.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết tờ khai xin visa, tờ khai xuất nhập cảnh, giấy gửi bưu phẩm,...
- Viết đoạn văn (7, 8 câu) giới thiệu về trường lớp, địa phương đang sinh sống,...
3.2. Trang bị kiến thức
Kiến thức về tiếng Việt
- Từ ngữ về sinh hoạt và tình cảm cộng đồng, các dân tộc ở Việt Nam, về giao thông, chăm sóc sức khỏe, các môn thể thao, nghệ thuật, một số thành phố lớn và danh lam thắng cảnh;....
- Danh từ và mở rộng thành phần câu bằng cụm danh từ.
- Vị trí (động từ, tính từ) và mở rộng thành phần câu bằng cụm vị từ.
- Câu hỏi Bằng gì?, Vì sao?, Để làm gì?
- Cách dùng một số quan hệ từ.
Kiến thức văn hoá
- Các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ
- Một số thành phố lớn và danh lam, thắng cảnh
- Một số môn thể thao truyền thống.
- Một số bài hát thiếu nhi.
4. Trình độ B2
4.1. Rèn luyện kỹ năng
Nghe
- Nghe ý kiến trao đổi về nội dung bài học, về một số đề tài mở rộng hơn, như: giáo dục, bình đẳng giới, di tích văn hoá - lịch sử, giao thông,..
- Nghe bản tin, mẩu chuyện, câu chuyện.
- Tập ghi lại ý chính của bản tin, mẩu chuyện, câu chuyện được nghe.
- Nghe - viết bài chính tả (khoảng 80 chữ).
Nói
- Trao đổi ý kiến về nội dung bài học, về một số đề tài gần gũi với lứa tuổi.
- Thuật lại, kể lại tin tức, mẩu chuyện, câu chuyện đã nghe, đã đọc.
- Giới thiệu một số hoạt động của bản thân, gia đình, trường lớp gắn với chủ điểm đã học.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm bài hội thoại, bài viết về giáo dục, bình đẳng giới, thể thao, một số loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam (múa rối nước, chèo, tuồng,...), một số di tích văn hoá - lịch sử, giao thông, nghệ thuật ẩm thực, chống thiên tai,...; mẩu chuyện lịch sử; trích đoạn truyện, kịch.
- Tìm hiểu từ ngữ trong bài, nội dung của văn bản đã đọc.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết thư ngắn thăm hỏi, trao đổi tin tức
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn thuật việc, kể chuyện.
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn giới thiệu về trường lớp, về địa phương đang sinh sống (giáo dục, thể thao, giao thông,...),...
4.2. Trang bị kiến thức
Kiến thức tiếng Việt
- Từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ) về giáo dục, bình đẳng giới, thể thao, nghệ thuật, một số di tích văn hóa - lịch sử, giao thông, nghệ thuật ẩm thực, chống thiên tai,.....
- Mở rộng thành phần câu bằng cụm danh từ, cụm vị từ.
- Tình thái từ (à, ư, nhỉ, nhé,.....), thán từ (ôi, ôi chao, eo ơi,...).
- Cấu tạo và cách dùng các kiểu câu cầu khiến, cảm thán.
Kiến thức văn hóa
- Một số loại hình nghệ thuật truyền thống, di tích văn hóa - lịch sử, nghệ thuật ẩm thực ở Việt Nam.
- Một số truyền thuyết và mẩu chuyện lịch sử: Sơn Tinh - Thủy Tinh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền phá quân Nam Hán, Lê Hoàn phá Tống, Sự tích Hồ Gươm.
- Một số bài hát thiếu nhi.
5. Trình độ C1
5.1. Rèn luyện kỹ năng
Nghe
- Nghe ý kiến trao đổi về nội dung của bài học, về một số đề tài như: giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, du lịch - thám hiểm, ăn mặc, mua sắm, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường,...
- Nghe mẩu chuyện, câu chuyện, tin tức, bài thuyết minh, bài thường thức khoa học về các đề tài trên.
- Tập ghi lại mẩu chuyện, tin tức hoặc nội dung chính của bài được nghe.
- Nghe - viết bài chính tả (khoảng 90 chữ).
Nói
- Trao đổi ý kiến về nội dung của bài học, về những đề tài được nghe.
- Kể lại, thuật lại mẩu chuyện, câu chuyện, tin tức, nội dung chính của bài viết.
- Kể lại sự việc đơn giản đã chứng kiến, tham gia.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm bài hội thoại, bài viết về giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, du lịch - thám hiểm, ăn mặc, mua sắm, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường,...; mẩu chuyện lịch sử; trích đoạn truyện, kịch.
- Tìm hiểu nội dung của văn bản đã đọc.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết thư ngắn thăm hỏi, trao đổi tin tức
- Viết bài văn ngắn kể lại câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn kể sự việc đã chứng kiến, tham gia.
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, loại hình nghệ thuật, món ăn dân tộc Việt Nam,...
5.2. Trang bị kiến thức
Kiến thức tiếng Việt
- Từ ngữ (gồm cả thành ngữ, tục ngữ) về giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, du lịch - thám hiểm, ăn mặc, mua sắm, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường,...
- Câu ghép và cách nối các vế câu ghép (nối trực tiếp, nối bằng quan hệ từ hoặc cặp quan hệ từ, nối bằng cặp từ hô ứng).
Kiến thức văn hóa
- Một số hiểu biết về lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, làng nghề truyền thống ở Việt Nam.
- Một số mẩu chuyện lịch sử: Ba lần thắng quân Nguyên, Quang Trung đại phá quân Thanh.
- Một số truyện dân gian: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn; trích đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du (tả mùa xuân, mùa thu, đêm trăng, tiếng đàn...); một số bài thơ hoặc trích đoạn thơ liên quan đến các danh lam thắng cảnh và thiên nhiên Việt Nam như: Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Thu vịnh (Nguyễn Khuyến), Trưa hè (Anh Thơ), Mưa xuân (Nguyễn Bính), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử),...
- Một vài bài dân ca tiêu biểu của ba miền.
6. Trình độ C2
6.1. Rèn luyện kỹ năng
Nghe
- Nghe ý kiến trao đổi về nội dung của bài học, về một số đề tài như: giáo dục, thể thao, lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, kinh tế, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường,...
- Nghe mẩu chuyện, câu chuyện, tin tức, bài thuyết minh, bài thường thức khoa học gắn với những đề tài trên.
- Tập ghi lại mẩu chuyện, tin tức, nội dung chính của bài được nghe.
- Nghe - viết bài chính tả (khoảng 100 chữ).
Nói
- Trao đổi ý kiến về nội dung của bài học, về một số đề tài như: các môn thể thao yêu thích, các món ăn Việt Nam, sở thích cá nhân về ăn mặc, vui chơi, giải trí, mua sắm,...
- Phát biểu ý kiến trong một số tình huống giao tiếp chính thức.
- Kể lại, thuật lại mẩu chuyện, câu chuyện, tin tức, bài viết về các đề tài trên.
- Kể lại sự việc được chứng kiến, tham gia.
Đọc
- Đọc thành tiếng, đọc thầm bài hội thoại, bài viết về giáo dục, thể thao, lễ hội, trang phục, nghệ thuật ẩm thực, kinh tế, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường; mẩu chuyện lịch sử, trích đoạn truyện, kịch.
- Tìm hiểu nội dung của văn bản đã đọc.
Viết
- Viết chính tả (nghe - viết).
- Viết đơn
- Viết thư trao đổi tin tức, công việc.
- Viết bài văn ngắn kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc.
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn kể sự việc đã chứng kiến, tham gia.
- Viết đoạn văn, bài văn ngắn giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, môn thể thao, món ăn dân tộc Việt Nam, ...
6.2. Trang bị kiến thức
Kiến thức tiếng Việt
- Từ ngữ (bao gồm cả thành ngữ, tục ngữ) về giáo dục, thể thao, lễ hội, trang phục, nghệ thuật ẩm thực, kinh tế, làng nghề truyền thống, bảo vệ môi trường,...
- Mở rộng thành phần câu bằng cụm chủ - vị.
- Một số mẫu đơn.
Kiến thức văn hóa
- Một số mẩu chuyện về các nhà khoa bảng, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, doanh nhân Việt Nam qua các thời đại (Nguyễn Hiền, Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Giang Văn Minh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Tôn Thất Tùng, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Văn Cao,...).
- Trích đoạn truyện, kịch của một số nhà văn hiện đại (Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi,...).
- Một số bài dân ca tiêu biểu của ba miền.
B. NGỮ LIỆU
1. Các kiểu văn bản
Ngữ liệu dùng trong Chương trình là các bài hội thoại; bài viết về địa lý, phong tục tập quán, lễ hội của Việt Nam; những mẩu chuyện lịch sử về nguồn gốc dân tộc, truyền thống hiếu học, yêu nước và lòng nhân ái của dân tộc ta; chuyện về danh nhân; thành ngữ, tục ngữ, đồng dao, ca dao; một số lượng hạn chế các trích đoạn truyện, kịch, thơ của Việt Nam và thế giới; những mẩu chuyện vui; các bài thường thức khoa học, bài giới thiệu về một số nước trên thế giới.
2. Hệ thống chủ điểm và nội dung bài đọc (gợi ý):
2.1. Bản thân
- Chào hỏi, làm quen, tự giới thiệu
- Năng lực, sở thích cá nhân
2.2. Gia đình, họ hàng
- Những người trong gia đình
- Họ hàng
- Quan hệ và tình cảm gia đình, họ hàng
- Nhà cửa và đồ dùng gia đình
2.3. Trường học
- Trường lớp
- Thầy cô
- Bạn bè
- Học tập và vui chơi
- Giáo dục Việt Nam
- Một số nhà khoa học, nhà giáo tiêu biểu
2.4. Cộng đồng
- Làng xóm, phố phường
- Sinh hoạt và tình cảm cộng đồng
2.5. Thời gian, thời tiết
- Giờ, ngày, tháng, năm
- Thời tiết, mùa trong năm
2.6. Giao thông
- Hỏi đường
- Sân bay, nhà ga, bến ôtô
- Các phương tiện giao thông
2.7. Mua sắm
- Hàng hóa
- Giá cả và mặc cả
2.8. Trang phục và nghệ thuật ẩm thực
- Trang phục
- Nghệ thuật ẩm thực (món ăn, nghệ thuật nấu nướng và ăn uống)
2.9. Sức khỏe, y tế
- Thân thể, sức khỏe
- Chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh
2.10. Thể thao
- Các vận động
- Các môn thể thao
- Các vận động viên thể thao
- Thế vận hội, Á vận hội, SEAGAMES
2.11. Lễ hội
- Tết Nguyên đán, Lễ Giáng sinh
- Một số lễ hội dân gian
2.12. Nghệ thuật
- Đi nhà hát (xem hát, kịch, chèo, rối nước,...)
- Thăm triển lãm tranh
- Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng
2.13. Du lịch và thám hiểm
- Cắm trại
- Việt Nam: vị trí địa lí, diện tích, khí hậu, dân số, dân tộc
- Một số thành phố lớn và thắng cảnh nổi tiếng
- Một số di tích văn hóa, lịch sử
- Một số nghề và làng nghề truyền thống
- Một số nhà thám hiểm nổi tiếng
2.14. Kinh tế
- Kinh tế Việt Nam (số liệu, nông nghiệp, công nghiệp)
- Một số doanh nhân tiêu biểu
2.15. Thiên nhiên, môi trường
- Thiên nhiên
- Thiên tai
- Những vấn đề môi trường toàn cầu
2.16. Các vấn đề xã hội
- Giới và bình đẳng giới
- Một số nhân vật nữ tiêu biểu
- Quyền trẻ em
C. LIÊN KẾT NỘI DUNG VÀ NGỮ LIỆU DẠY HỌC
1. Chương trình liên kết nội dung và ngữ liệu dạy học theo hướng lấy chủ điểm học tập làm khung, bài hội thoại, bài đọc làm cơ sở để xây dựng các bài học có nội dung tích hợp: Luyện đọc, Từ ngữ - ngữ pháp, Luyện nghe - luyện nói, Luyện viết. Dưới đây là ví dụ về một mô hình liên kết nhằm đảm bảo tính tích hợp và tính thực hành của Chương trình:
Chủ điểm Du lịch
Luyện đọc | Từ ngữ - ngữ pháp | Luyện nghe - nói | Luyện viết |
Bài đọc: Thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Luyện đọc đúng từ và câu trong bài. - Tìm hiểu nội dung bài. | - Từ ngữ về du lịch. - Câu trần thuật. | - Trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc. - Nghe - kể chuyện Trên sông Bạch Đằng. - Thuật lại một buổi tham quan di tích lịch sử hoặc thắng cảnh ở nước sở tại. | - Viết chính tả: Thăm Văn Miếu -Quốc Tử Giám. - Thuật lại một buổi tham quan di tích lịch sử hoặc thắng cảnh ở nước sở tại. |
2. Các chủ điểm học tập, nội dung rèn luyện kỹ năng và trang bị kiến thức của Chương trình được thiết kế theo nguyên tắc đồng tâm - trình độ sau có nội dung lặp lại trình độ trước nhưng mở rộng và nâng cao hơn.
VI. GIẢI THÍCH - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Về nội dung bài học
Mỗi phần trong bài học có nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Luyện đọc: rèn cho học sinh kỹ năng đọc (kết hợp nghe và nói), đồng thời cung cấp vốn từ, tăng cường khả năng diễn đạt, trang bị cho học sinh những hiểu biết cần thiết về đất nước, con người Việt Nam.
- Từ ngữ - ngữ pháp: giúp học sinh mở rộng vốn từ, trang bị những kiến thức sơ giản về từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, làm nền cho việc rèn luyện kỹ năng dùng từ, đặt câu
- Luyện nghe: rèn cho học sinh kỹ năng nghe thông qua các hình thức nghe đọc, nghe kể chuyện, nghe câu hỏi, nghe ý kiến trao đổi của giáo viên và học sinh cùng lớp,...
- Luyện nói: rèn cho học sinh kỹ năng nói thông qua các hình thức trả lời câu hỏi; nói theo đề tài,..
- Luyện viết: rèn kỹ năng viết chữ; viết chính tả câu văn, đoạn văn ngắn; viết bức thư ngắn, mẩu tin, đoạn văn tự sự, thuyết minh,... đơn giản.
2. Tài liệu dạy học
Tài liệu dạy học có thể gồm hai loại sau:
2.1. Tài liệu dạy học truyền thống:
- Sách giáo khoa
- Sách giáo viên
- Sách bổ trợ (sách bài tập, truyện tranh, truyện đọc...)
- Băng ghi âm, băng hình
2.2. Tài liệu dạy học hiện đại: phần mềm dạy học từ xa qua mạng internet hoặc phần mềm dạy học tự động qua máy vi tính.
Tùy điều kiện và phương thức học tập của mình (học ở trường lớp của nhà trường nước sở tại, học ở hội đoàn, tự học có hướng dẫn), học sinh có thể chọn loại tài liệu thích hợp.
3. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
Để việc dạy học đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng và có hiệu quả, giáo viên cần vận dụng phương pháp tổ chức hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; chú ý các biện pháp dạy học đặc trưng của môn học như rèn luyện theo mẫu, thực hành giao tiếp, phân tích ngôn ngữ,...
Hoạt động học tập của học sinh được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau: làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, làm việc theo lớp. Hình thức học theo lớp được áp dụng chủ yếu trong trường hợp học sinh nghe giáo viên giải thích, hướng dẫn, làm mẫu,... Hình thức học theo nhóm nhỏ được áp dụng trong trường hợp học sinh cần phải hợp tác với bạn để cùng thực hiện nhiệm vụ học tập như: cùng đóng vai, tham gia trò chơi học tập, thảo luận,... Hình thức học cá nhân được áp dụng trong trường hợp học sinh tự rèn luyện các kỹ năng nghe, viết, đọc thầm.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của lớp học và yêu cầu của từng bài học, giáo viên cần phối hợp hợp lý, đúng lúc đúng chỗ các phương pháp, biện pháp dạy học và hình thức tổ chức học tập, kết hợp sử dụng các phương tiện trực quan nghe - nhìn. Đặc biệt, cần khuyến khích học sinh kết hợp việc học trên lớp với thực hành giao tiếp trong cộng đồng người Việt; tham gia các sinh hoạt của cộng đồng; xem phim và sách báo, truyền hình Việt Nam,...
4. Đánh giá kết quả học tập của học sinh
Việc đánh giá kết quả học tập cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
4.1. Đánh giá toàn diện
Đánh giá toàn diện là đánh giá đầy đủ kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu cơ bản cần đạt nêu trong chương trình.
Căn cứ mục tiêu chính của Chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam ở nước ngoài là hình thành, phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt, yêu cầu đánh giá toàn diện được hiểu là đánh giá đầy đủ cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh.
4.2. Đánh giá chính xác
Đánh giá chính xác có nghĩa là kết quả của việc đánh giá cần phản ánh đúng trình độ của từng học sinh ở từng lĩnh vực được đánh giá.
Để việc đánh giá được chính xác, có độ tin cậy cao, cần có công cụ đánh giá đảm bảo tính khách quan và phù hợp với từng kỹ năng sử dụng ngôn ngữ: Các kỹ năng nghe, nói, đọc thành tiếng được đánh giá bằng hình thức vấn đáp từng học sinh.
- Các kỹ năng dùng từ, đặt câu, đọc - hiểu được đánh giá bằng những câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi mở.
- Các kỹ năng viết chữ, viết chính tả được đánh giá bằng bài viết.
- Kỹ năng viết đoạn văn, văn bản được đánh giá bằng bài viết tự luận.
4.3. Đánh giá liên tục
Đánh giá liên tục có nghĩa là việc đánh giá được tổ chức thường xuyên để phản ánh kết quả học tập của học sinh trong từng phần của Chương trình.
Theo nguyên tắc này, việc đánh giá bao gồm ba phương thức như sau:
- Đánh giá thường xuyên (trong mỗi giờ lên lớp)
- Đánh giá định kì (cuối mỗi bài, cụm bài,...).
- Đánh giá cuối khóa.
5. Cấp chứng chỉ
- Cuối khóa học, những học sinh đạt yêu cầu học tập được cấp chứng chỉ.
- Việc xét kết quả học tập để cấp chứng chỉ cho học sinh cần dựa trên kết quả của cả quá trình học tập và kì thi cuối khóa.
6. Các loại hình đào tạo
6.1. Học tập trung tại các lớp học ở trường phổ thông nước sở tại hoặc ở hội đoàn người Việt theo thời gian quy định trong Chương trình. Kết thúc khóa học, học sinh dự thi và nhận chứng chỉ.
6.2. Học tập trung nhiều đợt, mỗi đợt hoàn thành một phần nội dung quy định cho mỗi trình độ. Kết thúc khóa học, học sinh dự thi và nhận chứng chỉ.
6.3. Tự học có hướng dẫn: Học sinh tự học qua tài liệu với sự giúp đỡ của giáo viên hoặc người thân trong gia đình. Kết thúc khóa học, học sinh dự thi và nhận chứng chỉ.
7. Điều kiện thực hiện Chương trình
Để thực hiện Chương trình có hiệu quả, cần bảo đảm một số điều kiện cơ bản sau:
- Có giáo viên dạy tiếng Việt.
- Có cơ sở vật chất cần và đủ.
- Có tài liệu học tập cho học sinh, tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên.
Tùy điều kiện, có thể trang bị cho lớp học các phương tiện nghe - nhìn, các loại sách bổ trợ (truyện đọc, thơ, kịch,... bằng tiếng Việt), sách công cụ (từ điển đối chiếu tiếng Việt và tiếng nước ngoài, từ điển tường giải tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt,. ) nhằm tăng hiệu quả giảng dạy và học tập./.