QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy định về quản lý và sử dụng biển hiệu quản lý thị trường, thẻ kiểm tra thị trường và vũ khí quân dụng trong lực lượng quản lý thị trường
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 95-CP ngày 4-12-1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định số 10-CP ngày 23-1-1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường;
Căn cứ Nghị định số 175-CP ngày 11-12-1964, số 94/HĐBT ngày 2-7-1984 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.-
Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý và sử dụng biển hiệu Quản lý thị trường, thẻ kiểm tra thị trường và vũ khí quân dụng trong lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Điều 2.- Bản Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tài chính kế toán, Giám đốc Sở Thương mại và Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BIỂN HIỆU QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, THẺ KIỂM TRA THỊ TRƯỜNG VÀ VŨ KHÍ QUÂN DỤNG TRONG LỰC LƯỢNG KIỂM TRA,
KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 269-TM/QLTT ngày 30-3-1995
của Bộ Thương mại)
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.-
Biển hiệu Quản lý thị trường, thẻ kiểm tra thị trường và vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường chỉ được sử dụng trong khi thi hành công vụ.
Điều 2.- Công chức Quản lý thị trường khi được cấp biển hiệu Quản lý thị trường, thẻ kiểm tra thị trường và được giao trách nhiệm quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng và các trang bị khác phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật và các quy định của Nhà nước, của Bộ Thương mại.
Điều 3.- Nghiêm cấm việc sử dụng trái mục đích đã quy định (như cho mượn, dùng thẻ và vũ khí hăm doạ người khác, mua bán, đối chác, dùng vũ khí săn bắn, hoặc gây tiếng nổ thay pháo vui chơi trong dịp tết, lễ...).
Người vi phạm, tuỳ theo mức độ sai phạm mà xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời phải bồi thường thiệt hại về vật chất của hanh động đã gây ra cho đương sự.
II. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BIỂN HIỆU QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, THẺ KIỂM TRA THỊ TRƯỜNG.
Điều 4.-
Công chức Quản lý thị trường đến cơ quan làm việc, đi công tác, hội họp hoặc thi hành nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường phải mặc trang phục và đeo biển hiệu Quản lý thị trường. Khi tiến hành kiểm tra hoạt động của đơn vị hoặc cá nhân kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường phải xuất trình thẻ kiểm tra cùng các giấy tờ cần thiết khác (lệnh kiểm tra...) với đơn vị và cá nhân bị kiểm tra.
Điều 5.- Biển hiệu Quản lý thị trường cấp cho tất cả công chức làm công tác Quản lý thị tường ở Trung ương và địa phương. Riêng thẻ kiểm tra thị trường chỉ cấp cho công chức được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, kiểm soát thị trường nếu có đủ các điều kiện dưới đây:
1. Là cán bộ, nhân viên trong biên chế Nhà nước được xếp lương vào ngạch kiểm soát viên thị trường và đủ tiêu chuẩn quy định của Nhà nước;
Trừ những người bị đình chỉ công tác, đang trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Được phân công làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Điều 6.- Biển hiệu Quản lý thị trường, thẻ kiểm tra thị trường (theo mẫu đã ban hành kèm theo Nghị định số 10-CP ngày 23-1-1995 của Chính phủ) Bộ trưởng Bộ Thương mại uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý thị trường phát hành thống nhất trong cả nước như sau:
1. Cục Quản lý thị trường căn cứ vào mẫu Chính phủ đã quy định để in và thay mặt Bộ xét duyệt, cấp phát cho công chức làm công tác Quản lý thị trường ở Trung ương và địa phương. Báo cáo kết quả cấp phát với lãnh đạo Bộ.
2. Thủ tục xin cấp biển hiệu và thẻ kiểm tra:
Cá nhân làm bản tự khai sơ yếu lý lịch có dán ảnh (theo mẫu) và 4 ảnh mầu cỡ 4 x 6 gửi cho Chi cục.
Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tổng hợp thành danh sách trích ngang (theo mẫu). Chi cục quản lý sơ yếu lý lịch của công chức, còn danh sách trích ngang và 4 ảnh kèm công văn xin cấp thẻ kiểm tra thị trường và biển hiệu gửi về Cục Quản lý thị trường.
Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý thị tường sẽ xem xét cấp thẻ kiểm tra và biển hiệu Quản lý thị trường theo danh sách công chức mà Chi cục Quản lý thị trường địa phương đã đề nghị.
Điều 7.- Khi làm thủ tục cấp biển hiệu và thẻ kiểm tra, các chữ ghi trên biển hiệu Quản lý thị trường phải bằng chữ in và các chữ ghi trên thẻ kiểm tra phải được đánh máy; không được viết tay, tẩy xoá hoặc sửa chữa.
Cục Quản lý thị trường phải mở sổ sách theo dõi việc cấp biển hiệu và thẻ kiểm tra; sổ này phải được quản lý và lưu giữ chặt chẽ.
Điều 8.- Chỉ những công chức đã được cấp thẻ kiểm tra mới được quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường và được xử lý các vi phạm theo thẩm quyền mà luật pháp đã quy định.
Trước khi cấp thẻ kiểm tra thị trường cho công chức ở đơn vị mình, Chi cục Quản lý thị trường phải phổ biến quán triệt quy chế quản lý và sử dụng thẻ kiểm tra đến từng người; phải thu hồi thẻ kiểm tra cũ trước khi cấp cái mới.
Thẻ kiểm tra quy định thời hạn sử dụng trong 2 năm, khi chuyển công tác khác, nghỉ hưu hoặc bị thi hành kỷ luật thì Cục phải thu hồi thẻ kiểm tra, báo cáo về Cục và lưu giữ, bảo quản chặt chẽ để xuất trình Chi cục kiểm tra.
Điều 9.- Thẻ kiểm tra và biển hiệu phải được giữ gìn cẩn thận. Trong quá trình sử dụng nếu bị rách nát được đổi thẻ hoặc biển hiệu mới nhưng phải thu hồi cái cũ. Trường hợp thẻ kiểm tra bị mất thì phải có đơn trình bày lý do mất và báo ngay với Thủ trưởng đơn vị và cơ quan Công an sở tại biết để tìm lại, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để tránh bị lợi dụng. Sau một tháng nếu không tìm lại được thẻ kiểm tra bị mất, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố làm hồ sơ gửi về Cục xin xét cấp thẻ khác. Trường hợp biển hiệu bi mất thì Chi cục có công văn kèm đơn trình bày của công chức gửi về Cục Quản lý thị trường xin cấp biển hiệu mới.
III. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VŨ KHÍ QUÂN DỤNG.
Điều 10.-
Vũ khí quân dụng Nhà nước trang bị cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường gồm súng AK, súng ngắn, roi điện, bình xịt, mặt nạ, máy bộ đàm nhằm mục đích để tự vệ trong khi thi hành công vụ.
Bộ giao cho Cục Quản lý thị trường thay mặt Bộ liên hệ với Bộ Quốc phòng để có kế hoạch trang bị các vũ khí quân dụng nói trên cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường trong cả nước, liên hệ với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc cấp giấy phép sử dụng cho các vũ khí quân dụng đã được trang cấp.
Điều 11.- Sau khi tiếp nhận vũ khí quân dụng (bất kể từ nguồn nào) chậm nhất là 10 ngày, Chi cục Quản lý thị trường phải đến Công an tỉnh, thành phố làm thủ tục kê khai xin giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng đã được cấp.
Chi cục Quản lý thị trường phải mở sổ sách theo dõi từng loại và chỉ sau khi được cấp giấy phép sử dụng mới giao cho cá nhân sử dụng theo đúng các quy định tại Điều 12 của bản Quy định này.
Trường hợp vũ khí còn để trong kho thì phải phân công người có trách nhiệm bảo quản. Kho tàng để vũ khí quân dụng có đầy đủ các thiết bị bảo vệ an toàn.
Điều 12.- Việc quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước, cụ thể là:
1. Sau khi tiếp nhận vũ khí quân dụng, đơn vị phải tổ chức học tập quán triệt các quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ về sử dụng, quản lý, bảo quản, vận chuyển vũ khí và sử dụng thành thạo vũ khí quân dụng đã được trang bị.
2. Vũ khí quân dụng phải để tập trung tại cơ quan. Khi đi công tác cần thiết phải mang theo vũ khí thì Thủ trưởng cơ quan phải cấp giấy chứng nhận và người được giao sử dụng vũ khí phải mang theo các giấy tờ cần thiết như công lệnh, giấy phép sử dụng vũ khí của Công an tỉnh, thành phố cấp, thẻ kiểm tra và các giấy tờ khác để xuất trình khi các lực lượng có thẩm quyền yêu kiểm tra việc sử dụng vũ khí.
3. Vũ khí phải luôn luôn giữ bên người, súng ngắn không được để trong cặp công tác, trong ba lô, túi xách hoặc buộc sau xe đạp, xe máy.
4. Không sử dụng vũ khí tuỳ tiện, trái quy định và mục đích trang bị.
5. Thường xuyên lau chùi sạch sẽ, kiểm tra an toàn, bảo quản cẩn thận; kiểm tra kỹ trước khi sử dụng.
Người được giao bảo quản và sử dụng vũ khí hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng, cháy nổ, thất lạc. Trường hợp bị mất vũ khí, phải có đơn trình báo cho Thủ trưởng cơ quan của mình và cơ quan Công an (nơi cấp giấy phép sử dụng) về lý do mất vũ khí; nếu bị mất trên đường đi công tác thì phải báo cho Công an nơi gần nhất để có biện pháp truy tìm, thu hồi lại vũ khí đã bị mất.
6. Thủ trưởng đơn vị phải thường xuyên kiểm tra việc bảo quản, sử dụng và chấp hành quy chế sử dụng vũ khí quân dụng của đơn vị mình. Định kỳ (6 tháng và hết năm) báo cáo tình hình vũ khí quân dụng bằng văn bản với cơ quan Công an tỉnh, thành phố.
7. Khi chuyển công tác khác, nghỉ hưu, bị thi hành kỷ luật thì người được giao bảo quản và sử dụng vũ khí của đơn vị phải giao nộp lại vũ khí cùng giấy phép sử dụng vũ khí và các giấy tờ đã cấp cho cơ quan; việc giao nhận vũ khí phải chu đáo cẩn thận và làm thành biên bản giao nhận.
Điều 13.- Quy định về nổ súng khi cần thiết (trích phần II, Điều 1 Nghị định số 95-HĐBT ngày 2-7-1984 của Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ):
"Trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, người được giao sử dụng vũ khí chỉ được nổ súng vào các đối tượng nói dưới đây khi đã có lệnh bắn cảnh cáo mà đối tượng không tuân lệnh, trừ trường hợp thật đặc biệt cấp bách không có biện pháp nào khác để ngăn chặn ngay đối tượng đang thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thực hiện quyền tự vệ chính đáng theo luật định:
1. Những kẻ đang dùng vũ lực gây bạo loạn, đang phá hoại hoặc đang hành hung cán bộ, chiến sĩ bảo vệ, đang tấn công đối tượng hoặc mục tiêu bảo vệ.
2. Những kẻ đang phá hoại trại giam, cướp phạm nhân; những kẻ đang nổi loạn, cướp vũ khí, phá hoại trại giam hoặc dùng vũ lực uy hiếp tính mạng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, canh gác, dẫn giải tội phạm; những kẻ phạm tội nguy hiểm đang bị giam giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang có lệnh bắt giữ mà chạy trốn.
3. Những kẻ không tuân lệnh của cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, canh gác, khám, lại dùng vũ lực chống lại, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng cán bộ thừa hành nhiệm vụ hoặc tính mạng nhân dân.
4. Bọn lưu manh côn đồ đang giết người, hiếp dâm, gây rối trật tự nghiêm trọng, đang dùng vũ lực cướp phá tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tài sản công dân.
5. Những người điều khiển phương tiện không tuân lệnh, cố tình chạy trốn khi người điều khiển giao thông vận tải ra lệnh và đã biết rõ phương tiện đó có vũ khí hoặc tài liệu phản động, có tài liệu bí mật quốc gia, có tài sản đặc biệt quý giá của Nhà nước; hoặc có bọn phạm tội, có bọn lưu manh côn đồ đang sử dụng phương tiện để chạy trốn thì được phép bắn hỏng phương tiện để bắt giữ đối tượng.
Phải xử lý hết sức thận trọng khi trên phương tiện hoặc xung quanh có nhân dân.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14.-
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố khi về Cục (hoặc đại diện của Cục tại thành phố Hồ Chí Minh) nhận biển hiệu Quản lý thị trường, thẻ kiểm tra thị trường phải nộp chi phí làm biển hiệu và thẻ kiểm tra cho Cục. Chi phí này lấy từ nguồn kinh phí tài chính cấp cho đơn vị hoạt động.
Điều 15.- Kinh phí mua sắm vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường do ngân sách Nhà nước đài thọ.
Mức trang bị vũ khí, giải quyết mua sắm áp dụng theo Thông tư liên Bộ Tài chính - Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương số 206- TT/LB ngày 23-6-1993.
Điều 16.- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì phản ánh về Bộ để xem xét giải quyết./.