Văn bản pháp luật: Quyết định 27/2008/QĐ-BVHTTDL

Hoàng Tuấn Anh
Toàn quốc
Công báo số 219 + 220, năm 2008
Quyết định 27/2008/QĐ-BVHTTDL
Quyết định
29/04/2008
31/03/2008

Tóm tắt nội dung

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa

Bộ trưởng
2.008
 

Toàn văn

 

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP, ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Di sản văn hóa là cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa, được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong phạm vi cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Cục Di sản văn hóa có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc nhà nước.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tham gia dự thảo, đàm phán điều ước quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

2. Trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn và hàng năm về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

3. Tổ chức thực hiện, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công ước quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.

4. Hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cho các tổ chức, cá nhân trong cả nước.

5. Phối hợp với các Cục, Vụ chức năng hướng dẫn hoạt động lễ hội truyền thống, tín ngưỡng gắn với di tích và nhân vật lịch sử.

6. Về bảo tàng:

a) Thẩm định trình Bộ trưởng quyết định xếp hạng, hủy bỏ xếp hạng bảo tàng hạng I và thỏa thuận xếp hạng bảo tàng hạng II, III.

b) Thẩm định trình Bộ trưởng xác nhận điều kiện thành lập bảo tàng quốc gia và bảo tàng chuyên ngành.

c) Thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc thỏa thuận theo thẩm quyền dự án xây dựng và các dự án hoạt động chuyên môn của bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành.

d) Thẩm định trình Bộ trưởng việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài và làm bản sao di vật, bảo vật quốc gia thuộc bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành.

đ) Thẩm định dự án chuyên môn thuộc các lĩnh vực hoạt động của bảo tàng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.

7. Về di tích:

a) Thẩm định trình Bộ trưởng quyết định việc đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc công nhận di tích tiêu biểu của Việt Nam là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

b) Thẩm định trình Bộ trưởng quyết định xếp hạng, hủy bỏ xếp hạng di tích quốc gia, điều chỉnh khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia và việc xếp hạng, hủy bỏ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, điều chỉnh khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật.

c) Trình Bộ trưởng phương án xử lý đối với tài sản là di sản văn hóa vật thể theo quy định của pháp luật.

d) Thẩm định trình Bộ trưởng quyết định việc giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, thu giữ và giao nộp cho bảo tàng nhà nước có chức năng thích hợp.

đ) Thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc thỏa thuận quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới; các dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích theo quy định của pháp luật.

e) Thẩm định trình Bộ trưởng quyết định cấp phép, thăm dò, khai quật khảo cổ.

g) Phối hợp thẩm định trình Bộ trưởng thỏa thuận quy hoạch, các dự án phát triển kinh tế- xã hội có liên quan đến di sản văn hóa.

h) Thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật của các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

i) Thường trực Hội đồng giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng định giá bảo vật quốc gia; hướng dẫn nghiệp vụ cho Hội đồng giám định di vật, cổ vật và Hội đồng định giá di vật, cổ vật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

8. Về di sản văn hóa phi vật thể:

a) Thẩm định trình Bộ trưởng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đăng ký với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại.

b) Thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc thỏa thuận các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

c) Thẩm định hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự cho cá nhân, tập thể có công gìn giữ, trình diễn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể.

d) Trình Bộ trưởng quyết định việc cho phép người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

đ) Thường trực Hội đồng tư vấn về di sản văn hóa phi vật thể.

9. Về thông tin-tư liệu:

a) Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

b) Tổ chức xuất bản, phát hành Tạp chí Di sản văn hóa và phát triển hoạt động Trang tin điện tử Cục Di sản văn hóa.

c) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa.

d) Bảo quản hồ sơ tư liệu khoa học và pháp lý về di sản văn hóa.

10. Trình Bộ trưởng quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hóa; kiểm tra, phối hợp thanh tra ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hóa theo thẩm quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

11. Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

12. Chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng trình Bộ trưởng ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các chức danh, định mức khoa học, kinh tế-kỹ thuật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

13. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

14. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

15. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

16. Đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

17. Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước nội dung hoạt động của các Hội, tổ chức phi Chính phủ về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

18. Tổ chức, thực hiện cải cách hành chính tại đơn vị theo chương trình, kế hoạch của Bộ.

19. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chính sách, chế độ đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục; quản lý và sử dụng tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật.

20. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.

2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

- Văn phòng;

- Phòng Quản lý di tích;

- Phòng Quản lý bảo tàng;

- Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể;

- Phòng Thông tin - Tư liệu.

3. Tổ chức sự nghiệp trực thuộc:

- Tạp chí Di sản văn hóa

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm bố trí, sắp xếp công chức, viên chức và người lao động theo cơ cấu chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ, quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các phòng và tổ chức trực thuộc; xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Cục.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Quyết định số 43/2004/QĐ-BVHTT, ngày 28 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn hóa.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=24334&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận