Văn bản pháp luật: Quyết định 28/2006/QĐ-TTg

Phan Văn Khải
Toàn quốc
Công báo số 25+26, năm 2006
Quyết định 28/2006/QĐ-TTg
Quyết định
26/02/2006
28/01/2006

Tóm tắt nội dung

Phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục phát luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010

Thủ tướng
2.006
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục phát luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010

________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ vào Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chư­ơng trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 thực hiện trong hai giai đoạn: từ năm 2005 đến năm 2007 và từ năm 2008 đến năm 2010 (kèm theo Quyết định này) cụ thể như sau:

1. Đề án thứ nhất: Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá thông tin ở xã, phường, thị trấn.

a) Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá - Thông tin.

b) Nội dung Đề án: phổ biến kịp thời quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trong cả nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá - thông tin cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật đến cán bộ, nhân dân ở cơ sở một cách thường xuyên và có hiệu quả.

2. Đề án thứ hai: Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.

a) Cơ quan chủ trì: Ủy ban Trung ư­ơng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

b) Nội dung Đề án: tập trung vào việc tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng các điểm sáng trong chấp hành pháp luật; thu hút, vận động nhân dân tham gia các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư­; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; hoạt động hoà giải ở cơ sở và thực hiện hư­ơng ư­ớc, quy ­ước ở cộng đồng dân cư­.

3. Đề án thứ ba: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn.

a) Cơ quan chủ trì: Thanh tra Chính phủ.

b) Nội dung Đề án: tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn bằng nhiều hình thức thiết thực; bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo thông qua xuất bản, biên dịch các tài liệu liên quan phù hợp với ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc; xây dựng quy chế phối hợp giữa Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn với chính quyền cấp xã trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở các xã, phường, thị trấn.

4. Đề án thứ tư: Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

a) Cơ quan chủ trì: Bộ Tư­ pháp

b) Nội dung Đề án: tập trung khai thác có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư pháp ở xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc thù từng loại hoạt động tư pháp; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Trách nhiệm thực hiện

1. Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Đề án chi tiết, định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Các Bộ, ngành, đoàn thể được giao chủ trì các Đề án có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các Đề án chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Các Bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện Đề án, căn cứ vào mục tiêu, nội dung Đề án chi tiết, lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ, ngành.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16780&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận