QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Về việc phê duyệt Điều lệ Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/05/1957 quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Xét đề nghị của Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á và của Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam đã được Đại Hội lần thứ II thông qua ngày 21 tháng 12 năm 2004.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ Chức phi chính phủ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
ĐIỀU LỆ (sửa đổi)
Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam
(kèm theo Quyết định số 30/2005/QĐ-BNV do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ngày 04/03/2005
phê duyệt Điều lệ Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam)
Chương I
TÊN HỘI - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH
Điều 1. Tên Hội: Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam (Gọi tắt là Hội khoa học Đông Nam Á - Việt Nam).
- Tên giao dịch quốc tế: Southeast Asian Research Association of Vietnam
- Tên viết tắt (SEARAV).
Điều 2.
- Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của những công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và thực hiện những công việc chuyên môn và nghề nghiệp về Đông Nam Á.
- Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết những người làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và những người quan tâm đến những lĩnh vực chung về Đông Nam Á và ASEAN - nhằm giúp đỡ nhau tiến hành các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và tăng cường sự hợp tác quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và Thế giới vì một Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững.
Điều 3. Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài sản và tài chính riêng, hoạt động trên phạm vi cả nước. Trụ sở chính của Trung ương Hội đặt tại Hà Nội. Khi có nhu cầu cần thiết, Hội được phép đặt Văn phòng đại diện tại các địa phương trong nước và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Chương II
NHIỆM VỤ
Điều 4. Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á - Việt Nam có các nhiệm vụ sau:
1. Tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp và tất cả những ai quan tâm đến khu vực Đông Nam Á một cách tự nguyện để cùng nhau nghiên cứu, trao đổi thông tin và hợp tác phát triển trên các lĩnh vực lịch sử văn hóa, luật pháp, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, sinh thái môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Phòng chống HIV - AIDS, sức khỏe sinh sản...).
* Hội hoan nghênh những người Việt Nam ở nước ngoài và những người nước ngoài cộng tác với Hội dưới các hình thức thích hợp theo tôn chỉ mục đích của Hội theo quy định.
2. Hội là trung tâm đoàn kết giúp Hội viên xây dựng các quan hệ rộng rãi trong nước và quốc tế nhằm giúp đỡ nhau nâng cao trình độ nghiệp vụ, cổ vũ và tạo cơ hội thuận lợi để các Hội viên có điều kiện thực hiện nguyện vọng hoạt động sáng tạo của mình.
3. Nghiên cứu các mối quan hệ, các xu hướng Hội nhập Thế giới trên các bình diện, đặc biệt là sự hợp tác phát triển bền vững của Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
4. Phổ biến kiến thức và những thông tin về Đông Nam Á trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới. Đào tạo và hợp tác liên kết đào tạo với các cơ quan, các trường học, các trung tâm giáo dục ở các tỉnh và các cơ sở đào tạo khác ở trong và ngoài nước góp phần nâng cao dân trí, năng lực cộng đồng và đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.
5. Tư vấn, tham gia ý kiến và thực hiện công tác phản biện, giám định xã hội về những vấn đề có liên quan đến khu vực Đông Nam Á và ASEAN cho các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước (nếu có yêu cầu).
6. Tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các Hội viên và cộng đồng. Tổ chức, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tham gia các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác theo quy định của pháp luật.
7. Phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với các Hội, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy khu vực Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới theo quy định của luật pháp hiện hành nhằm xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và phối hợp hành động vì một thế giới hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển bền vững.
8. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên.
9. Thực hiện các hoạt động dịch vụ, kinh doanh khác theo quy định của pháp luật để phục vụ Hội viên và hoạt động của Hội.
Chương III
HỘI VIÊN
Điều 5. Công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy và những người có chuyên môn và nghề nghiệp về Đông Nam Á, tán thành điều lệ của Hội, tự nguyện hoạt động cho tổ chức của Hội đều có thể được kết nạp là Hội viên chính thức của Hội.
Những người có đóng góp tích cực cho Hội thì có thể được kết nạp là Hội viên danh dự hay Hội viên liên kết của Hội.
Điều 6. Những tập thể và các cá nhân muốn vào Hội phải viết đơn xin gia nhập Hội. Việc kết nạp Hội viên do Ban chấp hành Chi Hội hoặc do Ban chấp hành Trung ương Hội quyết định dưới hai hình thức Hội viên tập thể và Hội viên cá nhân.
Điều 7. Hội viên chính thức của Hội có quyền lợi:
1. Đề xuất kiến nghị, thảo luận và biểu quyết mọi công việc của Hội, bầu cử và ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội.
2. Tham gia các tổ chức và các hoạt động của Hội.
3. Được Hội hỗ trợ, khuyến khích và theo Điều 4 Chương II bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.
Điều 8. Hội viên có nhiệm vụ:
1. Chấp hành luật pháp của Nhà nước.
Tôn trọng điều lệ của Hội, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Hội.
2. Tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng và uy tín của Hội, đóng Hội phí.
Chương IV
TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 9. Tổ chức của Hội gồm Trung ương Hội, các Chi Hội được tổ chức ở cơ sở gồm các Viện, Trường, các cơ quan nghiên cứu khoa học về các nước Đông Nam Á, các Liên hiệp, các công ty thành viên là đầu mối trực thuộc Trung ương Hội. Hội có cơ quan báo chí, xuất bản và trường học hoạt động theo pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Điều 10. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại Hội đại biểu toàn quốc của Hội, 5 năm họp một lần. Trường hợp cần thiết sẽ tổ chức Đại Hội bất thường khi có trên 2/3 số ủy viên Ban chấp hành yêu cầu hoặc trên 1/2 số Hội viên yêu cầu hoặc do các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Đại Hội đại biểu toàn quốc có nhiệm vụ thông qua báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội.
- Quyết định chủ trương, nhiệm vụ, phương hướng công tác và các tổ chức của Hội.
- Quyết định việc bổ sung và sửa đổi điều lệ Hội.
- Bầu Ban chấp hành Trung ương Hội.
Điều 11. Ban chấp hành Trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội giữa 2 kỳ Đại Hội đại biểu toàn quốc: Có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại Hội, có quyền miễn nhiệm và bổ sung ủy viên Ban chấp hành khi xét thấy nhu cầu cần thiết và được 2/3 tổng số ủy viên tán thành. Số ủy viên thay thế không được quá 1/3 tổng số ủy viên do Đại Hội bầu.
Ban chấp hành Trung ương Hội mỗi năm họp 2 lần, do Ban thường vụ triệu tập và có thể họp bất thường khi Ban thường vụ xét thấy cần thiết, hoặc trên 1/2 tổng số uỷ viên Ban chấp hành yêu cầu.
Điều 12. Ban chấp hành Trung ương Hội bầu ra Ban thường vụ gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Tổng thư ký và các ủy viên thường vụ. Ban thường vụ là cơ quan thường trực của Ban chấp hành trung ương, có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động của Hội giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành.
- Ban thường vụ Trung ương Hội có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội điều hành công việc chung. Tổng thư ký chịu trách nhiệm điều hành công việc hàng ngày của Hội. Giúp việc cho Tổng thư ký có các Phó Tổng Thư ký. Các ủy viên Ban Thư ký do Tổng Thư ký đề cử, Chủ tịch Hội bổ nhiệm.
- Tùy theo tình hình, Ban thường vụ có thể lập các Ban chuyên môn phụ trách từng mặt công tác và tổ chức các hoạt động dịch vụ của Hội.
- Ban kiểm tra do Đại Hội ủy quyền cho Ban chấp hành bầu. Ban kiểm tra có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện và điều lệ vào những hoạt động của Hội viên, các đơn vị trực thuộc, đề xuất, kiến nghị các hình thức xử lý để Ban Chấp hành (hoặc Hội đồng kỷ luật do Ban Chấp hành thành lập) theo Điều lệ và pháp luật.
Điều 13.
- Đại Hội của các Chi Hội hai năm rưỡi họp một lần.
- Đại Hội bầu các Chi Hội trưởng và các Chi Hội phó.
Chương V
TÀI CHÍNH
Điều 14. Tài chính của Hội gồm có:
- Hội phí.
- Tài trợ của các cơ quan bảo trợ Hội.
- Các tặng phẩm hợp pháp của các cá nhân, các cơ quan và tổ chức ở trong và ngoài nước.
- Các khoản thu hợp pháp do hoạt động của Hội mang lại.
Điều 15. Tài sản của Hội gồm:
- Nhà, phương tiện làm việc của Hội.
- Ban chấp hành Trung ương Hội quy định nguyên tắc, chế độ quản lý, sử dụng nguồn tài chính, tài sản của Hội. Nguồn tài chính của cấp nào do cấp đó quản lý.
Điều 16. Tài chính của Hội được quản lý và sử dụng theo quy định về thể lệ tài chính của Nhà nước.
Chương VI
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
Điều 17. Hội viên hoặc tổ chức có thành tích trong công tác của Hội thì được các cơ quan của Hội khen thưởng, hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khen thưởng.
Điều 18. Hội viên hoặc tổ chức vi phạm pháp luật, Điều lệ của Hội hoặc có hành vi làm tổn hại đến uy tín của Hội thì tùy mức độ sai phạm mà bị một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ nếu là Hội viên, cảnh cáo hoặc giải thể nếu là Chi Hội hoặc Phân chi Hội. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo các quy định hiện hành.
Chương VII
HIỆU LỰC VÀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ HỘI
Điều 19. Chỉ có Đại Hội Đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi và bổ sung điều lệ của Hội. Khi xét bổ sung phải có mặt ít nhất 2/3 số đại biểu của Đại Hội. Những quyết định bổ sung, sửa đổi Điều lệ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 20. Điều lệ gồm 7 chương và 20 điều đã được Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ II - Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 12 năm 2004./.