QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1)
và đại dịch cúm A (H5N1) ở người
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;
Căn cứ Chỉ thị số 53/CT-TW ngày 28/10/2005 của Ban Bí thư Trương ương Đảng về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP ngày 4/11/2005 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người;
Căn cứ Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người";
Theo đề nghị của Vụ Chính sách thị trường trong nước và Cục Quản lý thị trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người (kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Thương mại, Sở Thương mại và du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP CỦA BỘ THƯƠNG MẠI
KHI XẢY RA DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI
(Ban hành theo Quyết định số 3024/2005/QĐ-BTM ngày 07/12/2005
của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
Thực hiện Chỉ thị số 53/CT-TW ngày 28/10/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP ngày 04/11/2005 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người.
Căn cứ vào Kế hoạch hành động khẩn cấp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ Thương mại xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người thuộc lĩnh vực thương mại như sau:
A. MỤC TIÊU CHUNG:
- Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động quản lý thị trường nhằm tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người (H5N1), bảo vệ tốt sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
- Phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo QGPCDCGC.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm soát thị trường nhằm hạn chế tối đa biến động giá trên thị trường, đặc biệt là giá các mặt hàng thực phẩm.
B. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
I. GIAI ĐOẠN I: (tương ứng với Pha 1, 2, 3 của WTO): Dịch cúm gia cầm đã xảy ra và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, tương ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay ở nước ta.
Thời gian vừa qua, nước ta đã trải qua dịch cúm gia cầm tương ứng với Pha 1, 2, 3. Để kịp thời hạn chế dịch, Bộ Thương mại đã có những biện pháp ứng phó sau:
1. Văn bản chỉ đạo
- Công điện khẩn (số 08/BTM-QLTT ngày 20/01/2004) gửi Giám đốc Sở Thương mại và Sở Thương mại và du lịch phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra ngăn chặn việc vận chuyển gà ra khỏi vùng dịch; bắt giữ, tiêu hủy theo quy định số gia cầm mắc bệnh.
- Và các công văn số: 0460/TM-CSTTTN ngày 06/02/2004; 5609/TM-TTTN ngày 08/11/2004; 0293/TM-TTTN ngày 19/01/2005; 1056/TM-TTTN ngày 08/03/2005; 3504/BCĐ-TW ngày 22/07/2005; 3754/TM-TTTN ngày 08/08/2005 với nội dung là phối hợp với các lực lượng hữu quan kiểm soát việc chăn nuôi, giết mổ, chế biến và lưu thông sản phẩm gia cầm; tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong khâu lưu thông nội địa; ngăn chặn việc vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm; phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành quy hoạch xây dựng các lò mổ tập trung, chuyển hoạt động buôn bán vào chợ có sự kiểm tra, kiểm dịch của cơ quan chuyên môn.
- Chỉ thị số 20/2005/BTM-QLTT ngày 18/11/2005 "về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người".
2. Tổ chức thực hiện
- Tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra tại các địa phương về an toàn thực phẩm và dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Ất Dậu.
- Chi cục Quản lý thị trường các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thuộc các tỉnh, thành phố thành lập các chốt kiểm tra và tham gia kiểm tra trong thời gian có dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
- Thi hành Công điện số 13/BNN-CĐ ngày 16/11/2005 của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm "về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm", Bộ Thương mại chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & PTNT đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm của 4 tỉnh Tây Nguyên.
- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người do Thứ trưởng Bộ Thương mại làm trưởng ban, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường làm phó ban, thành viên Ban Chỉ đạo là thủ trưởng các đơn vị liên quan gồm:
1. Vụ Chính sách thị trường trong nước
2. Cục Quản lý thị trường
3. Vụ Kế hoạch
4. Vụ Xuất nhập khẩu
Trong đó, Cục Quản lý thị trường là đơn vị thường trực giúp Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp của Bộ.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ:
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm.
b) Xây dựng các phương án ứng phó với đại dịch và kiểm soát, xử lý việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm theo quy định.
c) Phối hợp với UBND cấp tỉnh
+ Tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia.
+ Huy động nguồn lực hiện có, bảo đảm sẵn sàng tự chủ và phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm trên thị trường.
3. Phân công thực hiện trực tiếp
a) Cục Quản lý thị trường
- Thiết lập đường dây nóng tại các Chi cục Quản lý thị trường, thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp thương mại và người dân nhằm phát hiện việc bán các gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch đưa vào lưu thông để xử lý kịp thời.
- Chỉ đạo, đôn đốc các Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát bảo đảm thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Thương mại về việc vận chuyển buôn bán, chế biến gia cầm, sản phẩm gia cầm bảo đảm khống chế bao vây, dập tắt ổ dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh biên giới kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm lệnh cấm nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm của Thủ tướng Chính phủ được thực thi triệt để.
- Xử lý nghiêm theo quy định hiện hành các trường hợp cố tình bán chạy gia cầm bị nhiễm bệnh làm phát tán dịch bệnh.
- Làm đầu mối cung cấp thông tin, trao đổi thông tin với Ban Chỉ đạo quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương về tình hình lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm trên thị trường.
- Thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo của Bộ về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.
b) Sở Thương mại
- Kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để họ chấp hành, bố trí lực lượng và tổ chức tham gia công tác phòng, chống dịch theo chỉ thị của Bộ Thương mại và chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh, thành phố.
- Chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, sân bay, bến cảng (24/24giờ) nhằm ngăn chặn không cho dịch xâm nhập vào nước ta.
- Xây dựng kế hoạch hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm chuyển sang kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thay thế khác.
- Một tuần một lần báo cáo về Ban Chỉ đạo của Bộ (qua Cục QLTT và Vụ Chính sách TTTN) tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch; biến động giá cả thị trường và nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm tại các tỉnh.
- Phối hợp với các ngành chức năng quy hoạch lò giết mổ gia cầm tập trung; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ gia cầm, hạn chế tối thiểu việc giết mổ gia cầm nhỏ lẻ.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại chuyển đổi, mở rộng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thay thế khác. Và tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm đó giữa các vùng, các miền, đặc biệt là vào các thành phố, thị xã, khu công nghiệp.
- Kiểm tra, kiểm soát nhằm ổn định thị trường, hạn chế tối đa biến động giá cả do dịch cúm gia cầm làm mất đi một phần thực phẩm cung ứng cho thị trường. Mặt khác, để ngăn ngừa việc lợi dụng dịch cúm gia cầm để tùy tiện tăng giá các mặt hàng thực phẩm khác, đồng thời kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh về giá.
II. GIAI ĐOẠN II: Giả định dịch cúm gia cầm gây bệnh cho người và xác định được dịch lây lan từ người sang người (tương ứng với Pha 4, 5 của WTO):
1. Tình huống 1: Dịch xảy ra ở các nước khác:
1.1. Mục tiêu
Đây là giai đoạn phòng dịch bệnh từ xa, do vậy phải chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam; không để biến động giá cả thị trường đột biến nhất là các mặt hàng thực phẩm, hạn chế tối đa dịch bệnh có thể thâm nhập.
1.2. Biện pháp ứng phó
a) Ban chỉ đạo của Bộ Thương mại có trách nhiệm:
- Huy động và điều phối lực lượng tham gia thực hiện các phương án cụ thể để ngăn chặn sự lây lan dịch bằng con đường nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường tại các khu vực có dịch và các vùng phụ cận.
- Thiết lập đường dây nóng để kịp thời thu thập, xử lý thông tin về đại dịch và chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch.
b) Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Chi cục QLTT tăng cường lực lượng để:
- Phối hợp với các ngành chức năng liên quan tham gia các đội kiểm tra lưu động và các chốt kiểm dịch tại địa phương.
- Kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán gia cầm tại các chợ, siêu thị, nhà hàng ăn uống và các quán bình dân.
2. Tình huống 2 (tương ứng với Pha 4 của WTO): dịch đã xuất hiện tại Việt Nam; dịch xảy ra trên diện hẹp ở một trong các tỉnh, thành phố (1 - 25 người mắc bệnh):
2.1. Sự phát triển của dịch:
- Vi rút có thể xâm nhập vào Việt Nam từ nước bị dịch bệnh.
- Vi rút biến đổi gen lây bệnh cho người và lây từ người sang người tại Việt Nam.
- Xuất hiện ban đầu một vài người bị nhiễm cúm A (H5N1), sau đó lây lan sang một số người khác nhưng trên phạm vi hẹp.
2.2. Mục tiêu
- Đây là giai đoạn phòng ngừa tích cực, hoạt động thương mại, dịch vụ phải góp phần tích cực vào việc giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch cúm tới kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân tại địa bàn xảy ra dịch.
2.3. Biện pháp ứng phó:
Sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của Bộ ban bố tình trạng khẩn cấp tiếp tục áp dụng như tình huống 1, đồng thời:
a) Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường:
- Tăng cường lực lượng để duy trì và tham gia các chốt kiểm tra do địa phương lập thêm, đội kiểm tra lưu động.
b) Sở Thương mại
- Tăng cường việc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm chuyển dần sang sản xuất hoặc nhập khẩu những sản phẩm thực phẩm thay thế khác.
3. Tình huống 3 (tương ứng với Pha 5 của WHO): dịch xảy ra trên diện hẹp ở một trong các tỉnh, thành phố (26 - 50 người mắc bệnh):
3.1. Mục tiêu
- Không để lây bệnh thông qua việc buôn bán, vận chuyển.
- Khuyến khích việc kinh doanh thực phẩm thay thế, tránh để biến động thị trường giá cả tăng cao.
- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân.
3.2. Biện pháp ứng phó: (thực hiện như tình huống 2)
III. GIAI ĐOẠN III: Giả định giai đoạn đại dịch (tương ứng với Pha 6 của WHO):
1. Tình huống 1:
1.1. Đặc điểm:
Ở giai đoạn này, dịch bệnh đã phát triển ra nhiều vùng khác nhau trong phạm vi rộng hơn, khó kiểm soát, số người bị dịch tăng đột biến và Chính phủ công bố tình trạng khẩn cấp.
1.2. Mục tiêu
Hạn chế đến mức thấp nhất biến động của thị trường và giá cả, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
1.3. Biện pháp ứng phó
Thực hiện như trong tình huống 2 - GIAI ĐOẠN II, đồng thời:
- Cấm vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các tỉnh, thành phố xảy ra đại dịch.
- Đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm chuyển đổi sang những mặt hàng thay thế khác nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
2. Tình huống 2: Đại dịch đang xảy ra trong cả nước
2.1. Đặc điểm
Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc: Dịch lây lan trên diện rộng ở nhiều địa phương của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
2.2. Mục tiêu
- Hạn chế tối đa việc thiếu thực phẩm thay thế.
- Không để giá cả tăng quá cao.
- Bảo đảm cho việc sản xuất kinh doanh bình thường trên thị trường tránh ảnh hưởng đến đời sống.
2.3. Biện pháp ứng phó
Ngoài các biện pháp trên, cần áp dụng:
- Huy động lực lượng tối đa để hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lưu thông gia súc gia cầm và các mặt hàng thực phẩm trên thị trường.
- Cấm vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm.
- Đề nghị chính quyền các vùng có ổ dịch tạm thời cấm họp chợ, tổ chức mua bán hàng thiết yếu bằng phương tiện thích hợp./.