Văn bản pháp luật: Quyết định 307/QĐ-UB

Hồ Xuân Hùng
Nghệ An
STP tỉnh Nghệ An;
Quyết định 307/QĐ-UB
Quyết định
20/01/1998
20/01/1998

Tóm tắt nội dung

về cơ chế quản lý và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1998.

Chủ tịch
1.998
UBND tỉnh Nghệ An

Toàn văn

quyết định của UBND tỉnh Nghệ An

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN

Về cơ chế quản lý và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1998

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994,

Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIII ngày 17/01/1998 về nhiệm vụ năm 1998;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư;

 

QUYẾT ĐỊNH:

I. Tăng cường quản lý và chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu:

Điều 1: Lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn:

1. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lao động nông thôn theo hướng coi trọng sản xuất, chất lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích, phát triển kinh tế hàng hóa, tăng nhanh nông sản xuất khẩu. Giao ngành công nghiệp và thủy sản tập trung cho công tác giống, đảm bảo đủ giống có chất lượng bán cho nông thôn, tập trung vào một số cây trồng và vật nuôi chủ yếu, lúa, lạc, chè, cà phê, quế, cây ăn quả, tôm, cua...

2. Phấn đấu trong năm 1998 làm xong việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP cho hộ nông dân trong toàn tỉnh và hoàn thành việc giao đất khoán rừng theo Nghị định 02/CP ở các huyện đồng bằng và miền núi thấp. UBND tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế cho phép các hộ nông dân được chuyển được chuyển đổi chuyển nhượng ruộng đất cho nhau khi cần thiết, được cấp giấy phép xây dựng các trang trại trồng cây công nghiệp dài ngày và trồng rừng theo quy hoạch với quy mô thích hợp.

3. Trong đầu tư xây dựng theo các chương trình xóa đói giảm nghèo (có cả ĐCĐC và hỗ trợ đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn), chương trình 327/CT và phát triển kinh tế - xã hội miền núi cần tăng cường hỗ trợ xây dựng hồ đập nhỏ nhằm tạo điều kiện khuyến khích đồng bào các dân tộc tận dụng hết diện tích khai hoang trồng lúa có thêm lương thực tại chỗ cho dân ăn để phát triển nghề rừng.

4. Tiếp tục cơ chế cho vay ưu đãi để mua sắm và đóng mới tàu đánh cá có công suất lớn ra khơi đánh bắt, được dùng tài sản mới hình thành từ nguồn vốn vay để thế chấp.

5. Thực hiện cơ chế trích nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa để lại để trợ giá giống lúa, giống ngô có năng suất và chất lượng cao, tiếp tục chính sách trợ giá giống gốc vật nuôi, trợ giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào miền núi.

6. Phát huy tác dụng đầu tư các dự án 327, 773 điện khí hóa nông thôn. Tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, trồng mới cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê, cao su, quế...) và nuôi trồng thủy sản (tôm, cua).

7. Ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng người nghèo cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dân vay để đầu tư sản xuất. Gắn với đổi mới phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng HTX; khuyến khích các cơ sở lập các quỹ bảo hiểm sản xuất dưới nhiều hình thức thích hợp.

8. Phát triển hình thức hợp tác giữa tổ chức kinh tế Nhà nước - Hợp tác xã - Hộ gia đình. Nông lâm trường làm dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế hoàn toàn tự nguyện, làm dịch vụ "đầu vào, đầu ra" cho hộ dân. Khoán ổn định lâu dài vườn cây đồi rừng... cho hộ công nhân và nông dân trong vùng.

Điều 2: Lĩnh vực công nghiệp - TTCN.

1. Kiên trì thực hiện các mục tiêu trọng điểm trong công nghiệp mà Đại hội tỉnh đảng bộ khóa XIV đã đề ra. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông hải sản, vật liệu xây dựng (chè, mía, đường, dầu thực vật, cà phê, cao su, tôm, cá, thịt, muối Iốt, bia, xi măng, gạch, ngói, đá...) là ngành tỉnh ta có tiền năng lớn gắn sản xuất với thị trường có giải pháp phù hợp tạo khả năng cạnh tranh mở rộng thị trường và tăng cường công tác tiếp thị đối với doanh nghiệp.

2. Tăng cường chấn chỉnh công tác quản trị kinh doanh của doanh nghiệp đúng hướng, tiếp tục đổi mới công nghệ, coi trọng đầu tư chiều sâu, tập trung đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề và cán bộ quản lý, tạo nhiều hàng hóa có chất lượng cao, giá thành hạ, tiêu thụ nhanh trên thị trường trong tỉnh trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh việc củng cố các doanh nghiệp Nhà nước hiện có, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý trong nội bộ doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh bằng các giải pháp tổ chức theo các Nghị định 50/CP, 38/CP, và 56/CP của Chính phủ. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh thua lỗ kéo dài mà không cần thiết duy trì sở hữu Nhà nước thì tiến hành sát nhập, bán hoặc đấu thầu cho tập thể hoặc cá nhân thuê, khoán kinh doanh, giải thể hoặc cho phá sản theo luật.

3. Tiếp tục chính sách động viên khuyến khích các doanh nghiệp tự bổ sung vốn lưu động và có kế hoạch với Chính phủ cấp thêm vốn lưu động cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và các doanh nghiệp mới. Trong trường hợp đặc biệt giành một khoản ngân sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

4. Giành một khoản hợp lý trong ngân sách 1998 để hỗ trợ đầu tư một số chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh.

5. Tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ hàng công nghiệp địa phương và công nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh, ổn định phát triển thị trường địa phương, trước hết là xi măng, gạch ngói và xây lắp công trình... bằng các nội dung sau đây:

Bảo hộ về pháp lý: Ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp địa phương làm ăn đúng đắn, có hiệu quả, nhất thời gặp một số khó khăn do cơ chế thị trường tác động khách quan. Trong công nghiệp xây dựng: tăng điểm ưu tiên trong đấu thầu, giảm các khoản đóng góp lệ phí, tiền đặt cọc (nếu có).

Khuyến khích công tác tiếp thị để tìm kiếm mở rộng thị trường. Được hạch toán trong giá thành và phí lưu thông các phí khuyến mãi theo chế độ quy định. trong trường hợp đặc biệt UBND tỉnh xét và giải quyết riêng. Thực hiện giảm (30-50%) giá thuê quảng cáo thông tin qua hệ thống phát thanh, truyền hình tỉnh.

Bằng nhiều biện pháp tích cực tiêu thụ hết sản phẩm có chất lượng sản xuất trong tỉnh. Khuyến khích dùng sản phẩm địa phương trong chữa bệnh, tiêu dùng hàng ngày và tiếp khách. Các công trình xây dựng trên địa bàn nhất thiết phải có kế hoạch sử dụng vật liệu địa phương (xi măng, gạch ngói, sắt thép, chất lợp...) ngay từ khi lập, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán, đến phâ duyệt đấu thầu. Hỗ trợ đầu tư theo cơ chế của tỉnh đối với các công trình bê tông hóa kênh mương, giao thông nông thôn, trạm xá, trường học... được chỉ định cấp bằng hiện vật (xi măng, gạch địa phương sản xuất), nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ sẽ được UBND các huyện, thành phố, thị xã cấp và thanh toán qua các Xí nghiệp sản xuất vật liệu của Nhà nước.

Ưu tiên đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu (kể cả thuốc chữa bệnh), hàng xuất khẩu và công nghiệp xây dựng của tỉnh để tăng sức cạnh tranh với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước.

6. Tất cả các công trình công nghiệp mới hoặc mở rộng cơ sở cũ trên địa bàn Vinh và vùng phụ cận nhất thiết phải được xem xét bố trí tập trung vào khu công nghiệp Bắc Vinh để phối hợp và tiết kiệm đầu tư kết cấu hạ tầng.

7. Tích cực chống buôn lậu trên biển, biên giới và nội địa. Chống gian lận thương mại. Tịch thu tất cả các hàng hóa nhập ngoại không nộp thuế, không rõ nguồn gốc hợp pháp và 3 loại hàng đã dán tem mà bán không có tem.

8. Cấp giấy phép ưu đãi, giảm giá hoặc miễn giảm thu tiền thuê đất trong một thời gian nhất định (3-5 năm đầu) cho các doanh nghiệp mới thành lập theo dự án đầu tư có hiệu quả cao (trong một số lĩnh vực: phủ xanh đồi trọc, làm hàng xuất khẩu, tạo nhiều việc làm từ 300 lao động trở lên...)

9. Tỉnh có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (đường, điện, nước...) đồng bộ với quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp (như đường giao thông trong vùng mía, khu công nghiệp Bắc Vinh, Hoàng Mai...)

Điều 3: Lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ:

1. Kiểm điểm và có biện pháp thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết 12 Bộ chính trị (khóa VIII) và Nghị quyết 01 thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường chỉ đạo; có các giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu và kiểm soát được nhập xuất, và đẩy mạnh thương nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống, tiêu thụ nông lâm hải sản trước hết là vùng nông thôn và miền núi. Tổ chức rà soát đăng ký ngành hàng kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ đạo thực hiện đúng nhiệm vụ chính và có kế hoạch hợp đồng thu mua sản phẩm từ đầu vụ, đầu năm sản xuất.

2. Tổ chức thông tin thị trường kịp thời hàng ngày đến tận cơ sở sản xuất kinh doanh, coi trọng liên doanh liên kết với các ngành hàng trung ương và các tỉnh bạn, trước hết là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ sản phẩm địa phương và đáp ứng nhu cầu vật tư phục vụ sản xuất , xây dựng và đời sống nhân dân trong tỉnh.

3. Tăng cường chỉ đạo công tác du lịch để thu hút khách thập phương và nước ngoài vào kinh doanh có hiệu quả.

4. Tổ chức màng lưới dịch vụ bằng các hình thức liên kết giữa các Công ty thương nghiệp quốc doanh với thương nghiệp nhỏ vàtư nhân vệ tinh theo chiều dọc, xóa hình thức tổ chức căn cứ để tăng sức cạnh tranh, gắn đi sâu ngành hàng và kinh doanh tổng hợp, ưu tiên đối với vùng miền núi và dân tộc.

5. Trích từ nguồn thu ngân sách do trung ương thưởng vượt thu thuế XNK lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu để trợ giúp người sản xuất hàng hóa xuất khẩu khi có biến động bất lợi của thị trường.

II. Dân chủ và công khai tài chính tập trung huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Điều 4: Về huy động vốn trong tỉnh:

Coi "vốn trong nước là quyết định, vốn ngoài nước là quan trọng". Các giải pháp huy động vốn để tập trung thể hiện trên các mặt:

1. Đa dạng hóa các hình thức và và công cụ huy động như mở rộng liên doanh liên kết, phát hành trái phiếu xây dựng công trình, góp quỹ bảo hiểm, mạng dạn thực hiện hình thức BOT và BT.

2. Quán triệt chủ trương, làm thông suốt tư tưởng, kiên quyết triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả cổ phần hóa một số DNNN trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại. Trước mắt là Công ty vận tải hành khách, Khách sạn Thái Bình Dương và Khách sạn Hữu Nghị (Công ty Hữu nghị).

3. Tiếp tục thực hiện bán khoán vườn cây kinh doanh cho các hộ nông trường viên, cho thuê đất trồng, đất rừng; bán hoặc cho thuê cơ sở sản xuất công nghiệp làm ăn kém hiệu quả cho các tổ chức kinh tế tư nhân, Công ty TNHH... tăng thêm vốn để đầu tư các dự án mới và tăng vốn lưu động cho các doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát các nông, lâm trường có vườn cây công nghiệp, ăn quả dài ngày đã đến kỳ thanh lý để có giải pháp phù hợp đảm bảo tái tạo vườn cây có hiệu quả kinh tế và môi trường.

4. Rà soát quy hoạch đô thị trước hết là thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các thị trấn và ven các trục đường chính... quy vùng dân cư, hạ giá đất để giải quyết đất ở cho dân và cho các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, với thủ tục đơn giản nhất... để nhanh chóng tăng thêm cơ sở hạ tầng. Giành một số lô đất để giao và cho thuê lâu dài tạo nguồn ngân sách đầu tư cho các công trình bức xúc.

5. Mở rộng các hình thức huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn và đô thị (điện, đường, trường, trạm, kênh mương...) thông qua việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, huy động xây dựng trường học theo quy định tại quyết định 3841/QĐUB ngày 22/9/1997 của UBND tỉnh; phân công cho các tổ chức kinh tế - xã hội đóng trên trên địa bàn nghĩa vụ đóng góp xây dựng cơ sở công ích. Trình HĐND tỉnh quyết nghị thêm thu phí, lệ phí, phụ thu... hợp lý; gắn thu với việc đầu tư các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn để dân được hưởng lợi trực tiếp từ các khoản đóng góp.

6. Nguồn tiền thu cấp quyền sử dụng đất phải nộp 100% vào Kho bạc Nhà nước và được phên chia theo tỷ lệ sau:

Trích 10% vào ngân sách tỉnh để làm công tác quy hoạch đất đai, 90% để lại đầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương huyện, thành phố, thị xã và phường, xã, trong đó huyện (thành, thị) 60%, xã (phường, thị trấn 30%).

Đối với các lô đất giành riêng để giao hoặc cho thuê tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình bức xúc của tỉnh thì chỉ giải quyết cho ngân sách cho ngân sách phường, xã 10%, còn 90% là của ngân sách tỉnh (trong đó có 10% quỹ địa chính). Riêng các khu đất giành để tạo công xây dựng Công viên trung tâm ở thành phố Vinh thì được phân chia như sau: 10% ngân sách phường, xã, 10% quỹ địa chính tỉnh, 80% ngân sách thành phố để chi trả đầu tư công viên.

Các tổ chức kinh tế có một phần đất dư thừa được phép chuyển nhượng để giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì giải quyết như sau: Tỉnh 10% giành cho quỹ địa chính, 10% cho phường, xã, 80% còn lại nộp ngân sách tỉnh để xem xét giải quyết hợp lý giữa đơn vị kinh tế và ngân sách tỉnh theo từng trường hợp cụ thể do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

7. UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò phải ưu tiên giành tiền thu cấp quyền sử dụng đất và thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa được tỉnh để lại để trả nợ các công trình trong kế hoạch 1997 của huyện đã hoàn thành và cấp có thẩm quyền đã phê duyệt quyết toán.

8. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm trong chi thường xuyên (trừ lưng và các khoản có tính chất lương, chi thường xuyên từ nguồn vốn vay và viện trợ) và trong các công trình đầu tư xây dựng chỉ định thầu ở mức 5% (chỉ tính phần xây lắp và kiến thiết cơ bản khác).

Điều 5: Huy động vốn từ bên ngoài:

1. Tích cực thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI bằng cơ chế phù hợp tùy trường hợp mà giảm giá thuê đất, cho thuê đất lâu dài 30-50 năm, cho phép doanh nghiệp của tất cả các thành phần kinh tế đều được liên doanh với nước ngoài, tạo thuận lợi về thủ tục, môi trường đầu tư... thực sự ưu đãi và hấp dẫn.

2. Ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA đã có và lo đủ nguồn vốn đảm bảo tỷ lệ góp vốn trong liên doanh thúc đẩy các dự án FDI triển khai đúng tiến độ xây dựng.

3. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các tỉnh bạn trong nước trực tiếp hoặc liên doanh với nước ngoài phối hợp đầu tư vào Nghệ An để tăng nhanh năng lực sản xuất mới.

Điều 6: Lĩnh vực đầu tư phát triển:

1. Hướng dẫn đầu tư tập trung năm 1998 là:

Coi trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng miền núi, dân tộc, vùng chuyên sản xuất hàng hóa xuất, đẩy mạnh khai thác kinh tế biển.

Tăng cường đầu tư xây dựng đường giao thông, điện, cấp và thoát nước trong các khu công nghiệp và đô thị.

Tiếp tục đầu tư cho giáo dục đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và khoa học công nghệ, thực hiện tốt Nghị định TW2, trước hết là xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, xóa điểm trắng về y tế xã, đào tạo nhân tài và giải quyết việc làm...

Tạo điều kiện bồi dưỡng và tăng nguồn thu lâu dài cho ngân sách, giành đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, FDI đã có cam kết của tỉnh để mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài.

2. Hết sức chăm lo các biện pháp cụ thể xã hội hóa trong đầu tư, trước hết là lĩnh vực giáo dục, y tế, tạo việc làm, giao thông thủy lợi nông thôn... năm 1998, các huyện, thành thị được giành phần lớn tiền thu cấp quyền sử dụng đất và thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa được để lại, trả nợ các công trình XDCB cần thiết (như quy định ở khoản 7 điều 4 trên đây), giành 10-12% (riêng thành phố Vinh không dưới 5%) nguồn kinh phí này để thực hiện chính sách đối với các đối tượng chính sách theo Quyết định 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3514/QĐUB ngày 24/9/1996 của UBND tỉnh. Phần còn lại cá huyện, thành phố, thị xã tự cân đối để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương. Riêng đối với 6 huyện vùng núi cao ngân sách tỉnh sẽ cân đối một khoản hợp lý để bố trí hỗ trợ đầu tư trực tiếp làm giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương theo cơ chế đã ban hành.

3. Trong đầu tư hết sức chú ý đến lợi ích lâu dài, toàn cục, bố trí vốn tập trung dứt điểm các công trình trọng điểm, đưa nhanh vào khai thác sử dụng. Đồng thời cần giành một tỷ lệ để đầu tư cho các cơ sở đáp ứng yêu cầu trước mắt.

Bố trí vốn đầu tư Nhà nước năm 1998 theo trật tự ưu tiên là: trả nợ các công trình đã hoàn thành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán các công trình đã có quyết định ứng vốn triển khai trong năm 1997, vốn đối ứng với các dự án ODA (đã có cam kết), tiếp tục các công trình dở dang đã bố trí trong kế hoạch năm 1997, đầu tư một số công trình trọng điểm bức xúc, nếu còn nguồn mới bố trí công trình mới (từ công trình trọng điểm). Cương quyết đình hoãn hoặc không bố trí đầu tư những công trình chưa bức bách, chưa bảo đảm nguồn vốn cân đối, chưa đầy đủ các thủ tục theo quy định của Nghị định 42/CP, 43/CP, 92/CP, 93/CP của Chính phủ quyết định UBND tỉnh.

4. Tiếp tục hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước và ngoài quốc doanh vay vốn của ngân hàng thương mại để đầu tư phát triển sản xuất theo dự án được duyệt. UBND tỉnh sẽ ban hành cơ chế khuyến khích ưu tiên cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như về thuê đất, thuê địa điểm...

5. y quyền cho Chủ tịch UBND huyện, Thị xã Cửa Lò phê duyệt các dự án đầu tư, kể cả thiết kế kỹ thuật và TDT, các nội dung đấu thầu và quyết toán công trình sử dụng tất cả các nguồn vốn được tỉnh phân cấp cho huyện (thành, thị) quản lý, có tổng khía toán đầu tư toàn bộ dự án dưới 500 triệu đồng, riêng thành phố Vinh dưới 1 tỷ đồng. Giám đốc Sở xây dựng và xây dựng chuyên ngành (giao thông, thủy lợi, điện, an ninh quốc phòng...) phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các dự án chuyên ngành có tổng vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng (trừ công trình của thành pis Vinh).

III. Đổi mới phân công phân cấp và quản lý điều hành ngân sách Nhà nước.

Điều 7: Thực hiện đầy đủ cơ chế thu và chi ngân sách theo đúng quy định của Luật ngân sách Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ và Thông tư 09/TC-NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ tài chính... đối với tất cả các cấp ngân sách tỉnh, huyện (thành phố, thị xã) xã (phường, thị trấn).

Mọi khoản thu chi ngân sách theo sự phân công, phân cấp nhất thiết phải thể hiện đầy đủ và đúng khoản mục trong gân sách các cấp. Tập trung chỉ đạo thu đúng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao và thực hiện chi theo dự toán được duyệt; nghiêm cấm thu chi sai chế độ.

UBND tỉnh có quyết định riêng về phân công, phân cấp và quản lý điều hành ngân sách năm 1998. Trong đó có một số điểm cần chú ý là:

1. Các khoản đóng góp của dân và huy động thực hiện theo quy định của Nhà nước, phải được dân chủ công khai cho dân biết, được phản ánh vào ngân sách xã (phường) trong cân đối thu chi. Tuyệt đối không lập quỹ riêng để toạ chi và phải được kiểm soát chặt chẽ.

Các khoản thu phí và lệ phí (ngoài thuế) nhất thiết phải đưa vào cân đối ngana sách các cấp theo quy định. Tất cả các loại quỹ (BHYT, xóa đói giảm nghèo...) nhất thiết phải có hội đồng quản trị và hàng quý, 6 tháng phải được thanh tra kiểm tra và báo cáo công khai trước cấp ủy và HĐND cùng cấp.

2. Năm 1998, chi đầu tư phát triển (XDCB) được bố trí và điều hành từ nguồn sau đây:

* Vốn đầu tư tập trung cho ngân sách Nhà nước hỗ trợ (gồm vốn trong nước và vốn vay nước ngoài) trung ương thông báo hạn mức vốn, cơ cấu, doanh mục công trình khởi công mới và danh mục công trình hoàn thành trong năm.

* Vốn từ nguồn thu được để lại địa phương (50% thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa sau khi đã trừ phần trích để hõ trợ giống lúa lai, ngô lai, cấp 1 hóa; tiền thuê đất 100%, 90% tiền sử dụng đất; 100% thu sản xuất kỹ thuật; 100% thu quảng cáo phát thanh truyền hình, 100% tiền bán nhà sỡ hữu Nhà nước, 100% thuế tài nguyên).

3. Chi đầu tư các chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia thực hiện theo cơ chế đã quy định tại quyết định 531/TTg ngày 08/8/1996 của Chính phủ. Kinh phí chương trình được cấp đầu tư cho từng dự án, từng công trình theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Chi trợ giá, trợ cước các mặt hàng chính sách miền núi là kinh phí ủy quyền, giao trưởng ban dân tộc và miền núi chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn tổ chức theo chỉ tiêu kế hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

IV. Đổi mới và tăng cường quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng xã hội, tiếp tục ổn định chính trị, thiết lập trật tự kỷ cương.

Điều 8: 1. Tích cực giải quyết vấn đề lao động, việc làm theo hướng Nhà nước tạo cơ hội cho mọi người dân tự chăm lo lấy việc làm gắn chương trình phát triển kinh tế - xã hội với chính sách giải quyết việc làm ngay từ cơ sở.

Trước hết phải có kế hoạch và biện pháp sử dụng có hiệu quả cao nhất các chương trình quốc gia giải quyết việc làm (NQ 120), chương trình xóa đói giảm nghèo, kết hợp với chương trình 327, 773, ĐCĐC và các dự án kinh tế như mía đường, xi măng, chế biến thủy sản, trồng cây công nghiệp dài ngày...

Khuyến khích mở các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo việc làm mới và khôi phục các làng nghề truyền thống (thủ công mỹ nghệ, chế biến nước mắm, chế biến nông sản...) để giải quyết việc làm tại chỗ.

Nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách huy động lao động và xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh và những lúc nông nhàn.

Khuyến khích các trung tâm xúc tiến việc làm và dạy nghề ở các cấp, ở tất cả các thành phần kinh tế để tăng cường thông tin, tư vấn, dịch vụ giới thiệu việc làm và đào tạo nghề chuyên môn kỹ thuật...

Tiếp tục trao đổi việc mở rộng tăng cường hợp tác với Thái Lan, Lào... để xuất khẩu lao động.

2. Đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp, tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo và gặp hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình quốc gia và chương trình mục tiêu, tập trung đồng bộ cho xóa đói giảm nghèo gồm cả ĐCĐC và hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, gắn sự hỗ trợ vốn qua ngân hàng người nghèo, cho các hộ nghèo với chương trình khuyến nông, dạy nghề... thực hiện chính sách BHYT đối với người nghèo.

Điều 9: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tằn cường công tác quản lý Nhà nước có hiệu lực và hiệu quả.

1. Đổi mới cơ chế điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và dự án ngân sách 1998 theo hướng tăng cường công tác quản lý Nhà nước vừa trực tiếp vừa gián tiếp (bằng cơ chế và kế hoạch), thực sự bình đẳng đối với mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế; phân cấp mạnh mẽ cho huyện và cơ sở đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường công tác giám sát và thanh tra thực hiện các quyết định.

2. Kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, ưu tiên việc tổ chức xây dựng và ban hành sớm các quy định cụ thể (cho từng lĩnh vực và từng địa bàn) tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, công khai dân chủ huy động nguồn lực trong dân, tạo lòng tin cho dân yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh lâu dài...

3. Thực hiện Nghị quyết trung ương 3 khóa VIII, tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo nội dung: 1 cửa, một dấu, đơn giản thủ tục, bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước, năm 1998 tỉnh tập trung chỉ đạo trọng điểm là Sở Lao động TBXH, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở địa chính, Sở xây dựng, UBND thành phố Vinh và một số lĩnh vực khác (sẽ có kế hoạch sau).

4. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý và công nhân kỹ thuật bậc cao, tạo nhiều chuyên gia đầu ngành và những cán bộ quản trị kinh doanh giỏi... đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

V. Đổi mới cơ chế kế hoạch hóa.

Điều 10: Hệ thống chi tiêu giao kế hoạch:

1. Chỉ tiêu pháp lệnh bao gồm:

Thu ngân sách, các quỹ (quỹ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em và quỹ công ích.

Chi ngân sách: Bao gồm: Chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển (có ghi rõ danh mục các công trình XDCB được đầu tư trong năm 1998 bằng các nguồn vốn).

Giảm tỷ lệ tăng dân số, giảm tỷ lệ sinh (100%).

2. Chỉ tiêu hướng dẫn:

Các chỉ tiêu (tuỳ từng ngành) nhằm làm rõ giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội năm 1998.

Điều 11: Phân cấp và đối tượng giao kế hoạch:

1. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1998 chi tiết đã được trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 7 vàhoàn thành việc giao chỉ tiêu kế hoạch cho Chủ tịch UBND huyện (thành phố, thị xã), Giám đốc các Sở, Giám đốc các doanh nghiệp sau khi có quyết định của HĐND tỉnh với các nội dung:

Kế hoạch và phát triển kinh tế xã hội.

Dự toán thu - chi ngân sách.

Kế hoạch đầu tư phát triển.

2. Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu pháp lệnh cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Giám đốc các Sở, ngành cấp tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh quản lý và chỉ tiêu thu ngân sách đối với các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, quyết định các danh mục các công trình đầu tư khởi công mới và danh mục công trình hoàn thành trong năm 1998.

3. Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã giao chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu hướng dẫn cho UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện quản lý.

4. Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư căn cứ chỉ tiêu pháp lệnh thông báo chỉ tiêu hướng dẫn cho UBND các huyện (thành phố, thị xã) và các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh quản lý và thông báo chỉ tiêu kế hoạch theo ngành kinh tế quốc dân và lãnh thổ cho Giám đốc các Sở, ban, ngành và UBND huyện (thành phố, thị xã) thông báo chi tiết cho các dự án thuộc các chương trình quốc gia và chương trình mục tiêu do tinhr quản lý theo quy định của Chính phủ.

5. Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá căn cứ chỉ tiêu pháp lệnh thông báo chỉ tiêu dự toán chi ngân sách huyện (thành, thị) ngành các đơn vị được giao kế hoạch chi, các hoạt động sự nghiệp... và hướng dẫn huyện (thành, thị) giao kế hoạch thu chi ngân sách cho các xã (phường, thị trấn) theo luật ngân sách.

6. Cục trưởng Cục thuế Nhà nước căn cứ chỉ tiêu pháp lệnh thông báo chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách đến tất cả các đối tượng được giao kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện theo luật định.

7. Giám đốc các Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được phân công giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 1998, thường xuyên kiểm tra giám sát và đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch.

Điều 12: Cơ chế và điều hành thực hiện kế hoạch:

1. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành chế độ về thu một số khoản phí, lệ phí theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ. Một số quy định về huy động sự đóng góp của nhân dân có hiệu quả nhằm xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở và phúc lợi của địa phương. Quyết định các khoản vay lớn để đáp ứng nhu cầu XDCB cấp bách khi chưa có nguồn thu.

2. Thực hiện cơ chế giao kế hoạch đầu tư năm 1998 như sau:

Cụ thể hóa Nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết định tổng mức và cơ cấu đầu tư các công trình giao chủ tịch UBND huyện (thành, thị) trực tiếp quản lý và hạn chế mức đầu tư từng công trình do tỉnh trực tiếp quản lý. Chủ tịch UBND huyện (thành phố, thị xã) quyết định đầu tư từng công trình thuộc các nguồn vốn do ngân sách huyện (thành, thị) chỉ phải đăng ký danh mục công trình với Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư. Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch XDCB hàng năm của UBND tỉnh là căn cứ để cấp phát vốn theo chế độ quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành của Nhà nước (bỏ cơ chế thông báo chỉ tiêu chi tiết xây dựng cơ bản của Sở Kế hoạch - đầu tư).

3. Đối với các chương trình quốc gia và chương trình mục tiêu, UBND tỉnh giao Sở kế hoạch và đầu tư là thường trực ủy ban chỉ đạo chương trình quốc gia, làm đầu mối lồng ghép các chương trình trên địa bàn tham mưu cho UBND tỉnh quyết định và chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch ở cấp huyện, sẽ tập trung vào đầu mối là UBND huyện, chỉ đạo thực hiện như một chương trình trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước: Giám đốc Sở và Chủ tịch UBND huyện, (thành phố, thị xã) không được trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mà thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của địa phương mình, ngành mình.

5. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế Nghệ An, Sở xây dựng, Cục đầu tư phát triển, Cục quản lý vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban chỉ đạo chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu và các Sở quản lý Nhà nước chuyên ngành, thực hiện chế độ giao ban định kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch; cùng với Cục thống kê nắm bắt tông tin kịp thời và tổng hợp báo cáo cho UBND tỉnh xử lý nhanh, nhạy, hiệu quả và hiệu lực.

VI. Điều khoản thi hành

Điều 13: Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch HĐND và UBND huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Các quy trình trước đây trái với quyết định này đều không có hiệu lực thực hiện./.


Nguồn: vbpl.vn/nghean/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=5023&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận