QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
Ban hành Quy định về kiểm định
công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông
BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định thi hành một số điều chi tiết của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Xét Tờ trình số 29/QLCL-CLDV ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.
Điều 3. Chánh văn phòng, Chánh thanh tra, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin, Giám đốc các Sở Bưu chính, Viễn thông, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2006/QĐ-BBCVT
ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này điều chỉnh các hoạt động về kiểm định và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với Công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông.
Việc quản lý đầu tư, xây dựng công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông được thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
Trong văn bản này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông (sau đây gọi chung là Công trình viễn thông): là tập hợp các thiết bị, hệ thống thiết bị viễn thông liên kết với nhau theo thiết kế, bao gồm nguồn điện, hệ thống chống sét, tiếp đất và linh kiện, phụ kiện kèm theo.
2. Thiết bị viễn thông: là các phương tiện kỹ thuật, bao gồm phần cứng và phần mềm được dùng để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
3. Hệ thống thiết bị viễn thông: là tập hợp các thiết bị viễn thông kết nối với nhau để đáp ứng những yêu cầu của mạng viễn thông.
4. Kiểm định công trình viễn thông: là hoạt động đo kiểm định và chứng nhận công trình viễn thông phù hợp với yêu cầu của các tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng.
Việc kiểm định công trình viễn thông không thay thế và không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng đối với chất lượng, an toàn công trình viễn thông theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kiểm định công trình viễn thông (sau đây gọi chung là Cơ quan quản lý nhà nước)
1. Cục quản lý chất lượng Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin (sau đây viết chung là Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT) là Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm định công trình viễn thông trong phạm vi cả nước theo các quy định tại văn bản này và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Sở Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm phối hợp với Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiểm định công trình viễn thông trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý theo quy định tại văn bản này.
Điều 4. Tổ chức kiểm định công trình viễn thông (sau đây gọi chung là Tổ chức kiểm định) là đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông và được Bộ Bưu chính, Viễn thông giao nhiệm vụ kiểm định công trình viễn thông.
Điều 5. Đơn vị đo kiểm định về lĩnh vực kiểm định công trình viễn thông là đơn vị được thành lập theo quy định của pháp luật, có năng lực thực hiện được việc đo kiểm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng. Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố danh sách Đơn vị đo kiểm định về lĩnh vực kiểm định công trình viễn thông.
Điều 6. Chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình viễn thông phải duy trì và bảo đảm công trình tuân thủ theo các tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng sau khi được kiểm định.
Điều 7. Theo từng thời kỳ Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định và công bố "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" phù hợp với chính sách của Nhà nước và thực tế phát triển cơ sở hạ tầng chuyên ngành viễn thông.
Công trình viễn thông bắt buộc kiểm định là các công trình hoặc hạng mục công trình khi đưa vào sử dụng có thể làm ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích của cộng đồng.
Chương II
KIỂM ĐỊNH CÔNG TRÌNH VIỄN THÔNG
Điều 8. Chủ đầu tư chỉ được phép đưa vào sử dụng hạng mục công trình, công trình viễn thông thuộc "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" sau khi được Tổ chức Kiểm định cấp Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông.
Điều 9. Đối với các hạng mục công trình, công trình viễn thông không thuộc "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định", chủ đầu tư phải tiến hành đo kiểm, công bố trước khi đưa vào sử dụng, đồng thời phải duy trì và bảo đảm công trình tuân thủ theo các tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn khác tự nguyện áp dụng.
Điều 10. Nội dung kiểm định
Nội dung kiểm định là các yêu cầu về an toàn chuyên ngành kỹ thuật viễn thông được quy định tại các tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng, bao gồm: an toàn tiếp đất bảo vệ, tiếp đất chống sét; an toàn chống sét; an toàn trong trường bức xạ tần số radio và các tiêu chí an toàn khác theo quy định.
Điều 11. Công trình viễn thông thuộc "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" phải kiểm định trong các trường hợp sau:
1. Lắp đặt mới trước khi đưa vào sử dụng.
2. Đã được kiểm định và đưa vào sử dụng nhưng đã có thay đổi thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện hoặc điểm tiếp đất hoặc địa điểm lắp đặt của công trình.
3. Hết thời hạn Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông.
4. Đã đưa vào sử dụng trước thời điểm "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" có hiệu lực.
Điều 12. Các bước kiểm định
1. Đo kiểm định công trình viễn thông.
2. Thẩm định, đánh giá sự phù hợp của tài liệu và Kết quả đo kiểm định công trình viễn thông.
3. Cấp Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông.
Điều 13. Thủ tục kiểm định
1. Hồ sơ xin kiểm định công trình viễn thông gồm:
a) Đơn xin kiểm định công trình viễn thông (theo mẫu tại phụ lục I của quy định này);
b) Kết quả đo kiểm định còn giá trị;
c) Tài liệu kèm theo đối với từng trường hợp cụ thể được quy định như sau:
- Đối với trường hợp lắp đặt mới trước khi đưa vào sử dụng nêu tại khoản 1 Điều 11 quy định này gồm: Biên bản nghiệm thu hạng mục hoặc hoàn thành công trình;
- Đối với trường hợp thay đổi thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện, điểm tiếp đất hoặc vị trí lắp đặt của công trình nêu tại khoản 2 Điều 11 quy định này gồm: Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông và báo cáo phần thay đổi thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện, điểm tiếp đất hoặc vị trí lắp đặt của công trình;
- Đối với trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông hết hạn nêu tại khoản 3 Điều 11 quy định này gồm: Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông;
- Đối với trường hợp công trình viễn thông đã đưa vào sử dụng trước thời điểm "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" có hiệu lực nêu tại khoản 4 Điều 11 quy định này gồm: Báo cáo mô tả kỹ thuật cơ bản theo mẫu tại phụ lục II;
d) Các tài liệu có liên quan cần bổ sung theo yêu cầu của Tổ chức Kiểm định trong trường hợp cần thiết.
2. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Tổ chức kiểm định
a) Khu vực miền bắc: 18 Nguyễn Du - thành phố Hà Nội;
b) Khu vực miền nam: 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm - thành phố Hồ Chí Minh;
c) Khu vực miền trung: 42 Trần Quốc Toản - thành phố Đà Nẵng.
3. Sau khi tiếp nhận đủ Hồ sơ hợp lệ như nêu tại khoản 1 điều này, Tổ chức Kiểm định phải có giấy tiếp nhận cho chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng. Mẫu giấy tiếp nhận tại phụ lục III.
4. Thời gian thẩm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông là mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
5. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông, Tổ chức Kiểm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do gửi chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng để hoàn thiện hồ sơ hoặc có biện pháp khắc phục những điểm chưa phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng.
Trong thời hạn bốn mươi (40) ngày kể từ ngày phát hành văn bản thông báo nêu trên, Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng phải hoàn thiện hồ sơ, khắc phục các tồn tại, đo kiểm định lại phần chưa phù hợp tiêu chuẩn theo yêu cầu của Tổ chức Kiểm định.
6. Khi hồ sơ hợp lệ được chấp nhận, chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng phải trả cho Tổ chức Kiểm định phí thẩm định và lệ phí cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 14. Đo kiểm định
1. Công trình viễn thông thuộc "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" phải kiểm định theo quy định tại điều 11 của quy định này. Trước khi nộp hồ sơ xin kiểm định chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình phải đề nghị Đơn vị đo kiểm định được quy định tại Điều 5 quy định này, tiến hành đo kiểm định công trình theo các tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng. Kết quả đo kiểm do Đơn vị đo kiểm định lập được gọi là Kết quả đo kiểm định.
Đơn vị đo kiểm định phải độc lập, khách quan với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình viễn thông.
2. Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT hướng dẫn chi tiết mẫu Kết quả đo kiểm định.
3. Kết quả đo kiểm định có giá trị trong chín mươi (90) ngày kể từ ngày đo kiểm định công trình viễn thông.
4. Đơn vị đo kiểm định phải lưu trữ tài liệu, kết quả đo kiểm định trong thời hạn tối thiểu là bốn (04) năm kể từ ngày cấp Kết quả đo kiểm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của Kết quả đo kiểm định.
5. Chi phí đo kiểm định do chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình viễn thông thanh toán cho Đơn vị đo kiểm định được lấy từ chi phí quản lý dự án đầu tư hoặc các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Trường hợp kết quả đo kiểm định lại theo quy định tại khoản 5 điều 13 không phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng hoặc đã quá thời hạn bốn mươi (40) ngày theo quy định tại khoản 5 Điều 13 mà chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng không hoàn thiện thủ tục kiểm định, Tổ chức Kiểm định có trách nhiệm:
1. Thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng xin kiểm định. Khi nhận được văn bản thông báo nêu trên, chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng không được phép đưa công trình vào sử dụng đối với trường hợp công trình lắp đặt mới theo quy định tại khoản 1 Điều 11 và ngừng sử dụng đối với trường hợp công trình đang hoạt động theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 quy định này.
2. Tổng hợp báo cáo Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT danh sách các công trình đã thông báo theo quy định tại khoản 1 điều này.
Điều 16. Trường hợp công trình viễn thông đã đưa vào sử dụng trước thời điểm "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" có hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 11 quy định này, công tác kiểm định thực hiện như sau:
1. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ thời điểm "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" có hiệu lực, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình phải có báo cáo thống kê gửi về Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT đầy đủ danh sách các công trình thuộc "Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định" đã đưa vào sử dụng trước thời điểm danh mục này có hiệu lực và chưa được kiểm định. Mẫu báo cáo thực hiện theo phụ lục IV.
2. Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT căn cứ vào tính chất công trình, yêu cầu về an toàn của công trình, năng lực của các Đơn vị đo kiểm, năng lực của Tổ chức Kiểm định, khả năng của chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng, quyết định phương án kiểm định để trong thời gian sớm nhất có thể hoàn thành việc kiểm định toàn bộ các công trình.
Chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải nghiêm túc thực hiện việc kiểm định công trình viễn thông theo phương án nêu trên với đầy đủ thủ tục theo quy định tại Điều 13 của quy định này.
3. Trường hợp kết quả đo kiểm định không phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải có văn bản gửi Cục quản lý chất lượng BCVT và CNTT xin cho phép tiếp tục sử dụng công trình viễn thông. Văn bản xin cho phép tiếp tục sử dụng phải nêu rõ thời hạn và phương án khắc phục.
Trên cơ sở văn bản xin cho phép tiếp tục sử dụng, Cục quản lý chất lượng BCVT và CNTT tổng hợp báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định thời hạn được phép tiếp tục sử dụng hoặc ngừng sử dụng công trình.
Khi kết thúc thời hạn được phép sử dụng công trình viễn thông, nếu tiếp tục sử dụng, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải thực hiện việc kiểm định công trình với đầy đủ thủ tục theo quy định tại điều 13 của quy định này.
Chương III
KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 17. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định kiểm định công trình viễn thông
1. Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT chủ trì kiểm tra việc tuân thủ các quy định kiểm định công trình viễn thông của Tổ chức kiểm định, Đơn vị đo kiểm định, chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng cụng trình viễn thông trong phạm vi cả nước.
2. Các Sở Bưu chính, Viễn thông:
Phối hợp với Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT trong công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định kiểm định công trình viễn thông.
Chủ trì kiểm tra việc tuân thủ các quy định kiểm định công trình viễn thông của chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình viễn thông trong địa bàn quản lý.
Điều 18. Thanh tra việc thực hiện các quy định kiểm định công trình viễn thông
1. Thanh tra chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định về kiểm định công trình viễn thông theo các quy định của Pháp luật.
2. Các tổ chức cá nhân được thanh tra phải cung cấp những thông tin, tài liệu cần thiết; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Các hành vi vi phạm quy định kiểm định công trình viễn thông tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 20. Mọi khiếu nại, tố cáo của các tổ chức cá nhân liên quan đến kiểm định công trình viễn thông được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng
1. Thực hiện đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tuân thủ quy định kiểm định công trình viễn thông.
2. Báo cáo với Cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến công tác kiểm định công trình viễn thông khi có yêu cầu của Cơ quan quản lý Nhà nước.
Điều 22. Cục quản lý chất lượng BCVT và CNTT
1. Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra Tổ chức Kiểm định, các Đơn vị đo kiểm định và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện văn bản này.
2. Chủ trì hướng dẫn các Sở Bưu chính, Viễn thông thực hiện văn bản này.
3. Tổng hợp và báo cáo về Bộ Bưu chính, Viễn thông tình hình triển khai công tác kiểm định công trình viễn thông trong phạm vi cả nước.
4. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Bưu chính, Viễn thông những chính sách phù hợp liên quan đến kiểm định công trình viễn thông.
Điều 23. Các Sở Bưu chính, Viễn thông
1. Phối hợp với Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT trong việc quản lý nhà nước về kiểm định công trình viễn thông trong địa bàn quản lý.
2. Chủ trì nội dung báo cáo, kiểm tra đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình viễn thông trong địa bàn quản lý.
3. Tháng một hàng năm tổng hợp và gửi báo cáo tình hình triển khai và kết quả công tác kiểm tra đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình viễn thông về Cục quản lý chất lượng BCVT và CNNT.
4. Phát hiện và phản ánh các vấn đề về an toàn kỹ thuật chuyên ngành viễn thông, báo cáo và đề xuất với Bộ Bưu chính, Viễn thông các biện pháp quản lý.
Điều 24. Tổ chức Kiểm định
1. Thực hiện thẩm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông theo quy định tại văn bản này và các quy định có liên quan của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định.
3. Xây dựng cơ sở dữ liệu và danh sách công trình được cấp Giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông cung cấp trên trang tin điện tử (website) của Cục quản lý chất lượng BCVT và CNTT.
4. Hàng quý tổng hợp báo cáo Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT tình hình triển khai công tác kiểm định công trình viễn thông. Mẫu báo cáo hàng quý tại phụ lục V.
5. Báo cáo đột xuất các nội dung có liên quan trong công tác kiểm định công trình viễn thông theo yêu cầu của Cục quản lý chất lượng BCVT và CNTT.
6. Triển khai các nội dung khác theo quy định của Bộ Bưu chính, Viễn thông và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 25. Trong quá trình thực hiện quy định này nếu có vướng mắc cần kịp thời phản ánh về Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét điều chỉnh./.