Văn bản pháp luật: Quyết định 33/2005/QĐ-BGTVT

Đào Đình Bình
Toàn quốc
Công báo số 36 & 37 - 07/2005;
Quyết định 33/2005/QĐ-BGTVT
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
15/08/2005
21/07/2005

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy định tạm thời về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

Bộ trưởng
2.005
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ban hành Quy định tạm thời về tổ chức, hoạt

động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả


BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

Về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2005/QĐ-BGTVT ngày 21/07/2005

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)      

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả; sự phối hợp giữa lực lượng bảo vệ trên tàu hoả và bảo vệ ga, giữa lực lượng bảo vệ trên tàu hoả, thanh tra đường sắt và lực lượng công an, chính quyền địa phương các cấp nơi có ga, tuyến đường sắt đi qua.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia hoặc có hoạt động liên quan đến đường sắt quốc gia.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoã xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Quy định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

1. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả là lực lượng thuộc bộ máy tổ chức và quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, bao gồm cán bộ, viên chức, nhân viên đảm nhiệm công việc liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của doanh nghiệp, của người thuê vận tải và của hành khách đi tàu. Việc tổ chức lực lượng bảo vệ trên tàu hoả do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Việc trang bị, quản lý trang phục, phù hiệu, thiết bị và công cụ hỗ trợ cần thiết cho lực lượng bảo vệ trên tàu hoả phải được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Thông tư số 10/2002/TT-BCA(A11) ngày 26 tháng 8 năm 2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2001; Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 4. Trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh  vận tải đường sắt

1. Chịu trách nhiệm về hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả trong phạm vi quản lý của mình. Chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ trên các chuyến tàu.

2. Căn cứ vào tính chất, tình hình cụ thể để quyết định hình thức tổ chức, bố trí lực lượng, kế hoạch huấn luyện và trang bị thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ trên tàu hoả theo quy định của pháp luật.

3. Chủ trì, phối hợp với thanh tra đường sắt, các lực lượng công an, chính quyền địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật đường sắt nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho các chuyến tàu, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của hành khách, hành lý và hàng hoá.

4. Tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác bảo vệ của Bộ Công an.

5. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả.

Điều 5. Tiêu chuẩn nhân viên thuộc lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

1. Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, đạo đức tốt, có trình độ văn hoá phổ thông trung học và đủ sức khoẻ đáp ứng nhiệm vụ.

2. Đã qua đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn một ngành nghề đường sắt và có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn.

3. Đã qua huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ do Công an cấp tỉnh trở lên tổ chức và cấp giấy chứng nhận.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC PHỐI HỢP VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ TRÊN TÀU HOẢ

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

1. Phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, gây rối trật tự, an toàn và các hành vi khác vi phạm pháp luật xảy ra trên tàu; tạm giữ theo thủ tục hành chính và dẫn giải người vi phạm giao cho trưởng ga, cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi thuận tiện nhất;

2.  Đối với người có hành vi ngăn cản việc chạy tàu trái pháp luật, ném đất, đá hoặc các vật khác làm hư hỏng, mất vệ sinh cho tàu thì lực lượng bảo vệ trên tàu hoả có quyền ngăn chặn, tiến hành các biện pháp cưỡng chế; tạm giữ theo thủ tục hành chính và dẫn giải người vi phạm giao cho trưởng ga, cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương khi tàu dừng tại ga gần nhất;

3. Phối hợp với cán bộ, công nhân viên công tác trên tàu và các lực lượng liên quan giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật;

4. Thực hiện các quy định về công tác phòng chống cháy nổ trên tàu. Quản lý thiết bị, công cụ hỗ trợ được giao theo quy định của pháp luật;

5. Trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện các việc sau đây:

a) Kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên công tác trên tàu, người thuê vận tải,  hành khách đi tàu thực hiện đúng các quy định, quy trình, quy phạm, thể lệ vận chuyển, nội quy đi tàu của ngành đường sắt thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao;

b) Kiểm tra giấy tờ, người, hàng hoá trên tàu nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về việc làm của mình;

c) Sử dụng thiết bị, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để can thiệp, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, gây rối trật tự, an toàn và các hành vi khác vi phạm pháp luật xảy ra trên tàu.

Điều 7. Phối hợp giữa lực lượng bảo vệ trên tàu hoả và bảo vệ dưới ga

1. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả và lực lượng bảo vệ dưới ga, dù thuộc một hoặc nhiều đơn vị đường sắt khác nhau, đều phải phối hợp chặt chẽ trong khi thực hiện nhiệm vụ.

2. Khi lực lượng bảo vệ trên tàu hoả cần sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ dưới ga thì phải thông báo kịp thời cho lực lượng bảo vệ dưới ga về tên, số hiệu tàu; nơi đi, nơi đến, nơi cần lực lượng bảo vệ dưới ga đến hỗ trợ; tình hình, hình thức hỗ trợ.

3. Khi nhận được yêu cầu của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả, lực lượng bảo vệ dưới ga có trách nhiệm chuẩn bị, bố trí lực lượng hỗ trợ; trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan công an, chính quyền địa phương chi viện;

4. Sau khi thực hiện xong công việc, các lực lượng bảo vệ có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho cơ quan cấp trên.

5. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả khi dẫn giải người có hành vi vi phạm giao cho trưởng ga, cơ quan công an, chính quyền địa phương hoặc bảo vệ dưới ga khi tàu dừng lại tại ga gần nhất phải lập biên bản bàn giao theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm phối hợp với công an của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi có ga, tuyến đường sắt đi qua trong việc tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho các chuyến tàu; xây dựng chương trình, kế hoạch, hình thức, cơ chế phối hợp, biện pháp thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp và báo cáo doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phê duyệt để thực hiện.

Điều 9. Trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của Uỷ ban nhân dân các cấp

Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có ga, tuyến đường sắt đi qua có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an, chính quyền cấp dưới và nhân dân địa phương phối hợp với lực lượng thanh tra đường sắt, các lực lượng bảo vệ của ngành đường sắt để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện đường sắt và các hành vi khác vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải đường sắt.

Điều 10. Tổ chức lực lượng bảo vệ đường sắt trên tàu hoả

1. Hệ thống lực lượng bảo vệ đường sắt được tổ chức theo ngành dọc trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

2. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả thuộc doanh nghiệp nào thì phải chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu doanh nghiệp đó, đồng thời chịu chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ của tổ chức bảo vệ cấp trên và của cơ quan công an có liên quan.

Điều 11. Chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ trên tàu hoả

1. Được hưởng lương, thưởng, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động và của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

2. Được trang bị thiết bị, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu, biển hiệu riêng theo quy định của pháp luật và của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ và chuyên môn kỹ thuật thuộc lĩnh vực công tác đảm nhiệm.

4. Cán bộ, công nhân viên thuộc lực lượng bảo vệ trên tàu hoả trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương, hy sinh thì được áp dụng tiêu chuẩn xác nhận là thương binh, liệt sỹ và được hưởng chính sách như thương binh, liệt sỹ theo quy định của pháp luật.         

5. Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. 

Chương III

KHEN THƯỞNG,  KỶ LUẬT

Điều 12. Khen thưởng

Tập thể, cá nhân thuộc lực lượng bảo vệ trên tàu hoả có thành tích hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong công tác bảo vệ được giao và trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được khen thưởng theo quy định của Nhà nước, của ngành giao thông vận tải và của ngành công an.

Điều 13. Kỷ luật

Tập thể, cá nhân thuộc lực lượng bảo vệ trên tàu hoả lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam

1. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để hướng dẫn, giám sát việc

thực hiện Quy định này.

2. Chủ động khảo sát, nghiên cứu, đề xuất kịp thời với lãnh đạo Bộ các biện pháp phù hợp nhằm tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.

3. Chỉ đạo thanh tra đường sắt phối hợp với lực lượng bảo vệ trên tàu hoả, chính quyền địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt. 

Điều 15. Trách nhiệm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

1. Quán triệt, phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong phạm vi quản lý để thực hiện có hiệu quả Quy định này.

2. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ trên các chuyến tàu.

3. Phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất kịp thời các giải pháp, biện pháp hữu hiệu trong việc bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18002&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận