Xét đề nghị của Tổng cục Du lịch (Công văn số 988/TCDL/KH ngày 15/8/1987 và Tờ trình số 1031/DL, ngày 1/9/1987) về việc thực hiện quyền tự chủ tài chính theo qui định của Nghị quyết số 63/HĐBT ngày 11/4/1987 của Hội đồng Bộ trưởng sau khi có ý kiến tham gia của các ngành hữu quan, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định:
1. Các đơn vị kinh doanh, dịch vụ trong ngành Du lịch kết hối cho quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước như sau:
a) Về ngoại tệ tư bản chủ nghĩa (đôla): (USD).
Kết hối 20% doanh thu về các dịch vụ du lịch như ăn, uống, buồng, vận tải... mà các chi phí gốc bằng đồng Việt Nam.
Riêng ngoại tệ thu trọn gói của khách du lịch (kể cả Việt Kiều) thì kết hối 20% sau khi chi trả cước phí vận chuyển và chi phí khác ở trong nước (nếu có) bằng ngoại tệ.
- Ngoại tệ thu về bán hàng, tái xuất và các dịch vụ khác cho khách du lịch kể cả việc bán hàng lấy hoa hồng, làm đại lý uỷ thác mà các đơn vị kinh doanh du lịch phải bỏ vốn ngoại tệ (kể cả vốn vay) để nhập khẩu và trả các chi phí (vận chuyển, nộp thuế, bảo hiểm) thì kết hối 20%, sau khi trừ vốn và các chi phí bằng ngoại tệ.
- Ngoại tệ thu về xuất khẩu do liên doanh, liên kết thì kết hối theo quy định hiện hành của Hội đồng Bộ trưởng.
b) Về ngoại tệ xã hội chủ nghĩa kết hối 100% doanh thu quy ra Rúp chuyển nhượng, kể cả doanh thu phục vụ chuyên gia dầu khí theo tỷ giá khoán cho kinh doanh du lịch.
2. Về quyền sử dụng ngoại tệ:
a) Đối với ngoại tệ tư bản, sau khi đã kết hối cho quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước, các đơn vị kinh doanh du lịch được quyền chủ động sử dụng số ngoại tệ còn lại để tái sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh du lịch theo đúng kế hoạch và chính sách chế độ của Nhà nước.
b) Đối với ngoại tệ xã hội chủ nghĩa (kể cả doanh thu ngoại tệ phục vụ chuyên gia dầu khí) hàng năm trên cơ sở kế hoạch thu chi ngoại tệ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ưu tiên cân đối cho ngành Du lịch các loại vật tư, hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo điều kiện cho ngành Du lịch kinh doanh không bị lỗ và khuyến khích mở rộng các loại hình kinh doanh, dịch vụ để tăng thu ngoại tệ Rúp chuyển nhượng.
Ngoài những vật tư hàng hoá cần ưu tiên cân đối cho kinh doanh du lịch nêu trên, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Ngoại thương bố trí đưa khoảng 20% doanh thu Rúp chuyển nhượng của ngành Du lịch vào Nghị định thu hàng năm để nhập các loại vật tư, thiết bị chuyên dùng cho ngành Du lịch đáp ứng kế hoạch bảo trì, phục hồi, cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm yêu cầu mở rộng và phát triển công tác du lịch như Nghị quyết số 63/HĐBT đã quy định.
Đối với người Việt Nam đi du lịch các nước xã hội chủ nghĩa, ngành Du lịch sẽ thu của họ bằng đô la, vàng hay đá quý... nộp vào quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước để chuyển đổi ra Rúp chi tiêu khi tham quan du lịch.
Việc chi tiêu cho công tác hợp tác quốc tế của ngành Du lịch như: Cử cán bộ đi dự hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khảo sát, học tập, khai thác thị trường.v.v. Tổng cục Du lịch lập kế hoạch ngoại tệ phi mậu dịch cùng với kế hoạch đoàn ra, đoàn vào trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt từ cuối năm trước của năm kế hoạch.
3. Giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng với Tổng cục Du lịch theo định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần tính toán tỷ giá định mức khoán cho kinh doanh du lịch theo nguyên tắc lấy tỷ giá chính thức (đối với dola) hoặc tỷ giá kết toán nội bộ (đối với Rúp chuyển nhượng) cộng thêm môt khoản trợ giá cần thiết để đảm bảo cho ngành Du lịch bù đắp được các chi phí hợp lý và có lợi nhuận định mức.
- Ngân hàng Nhà nước xác định tỷ giá định mức khoán đối với đôla USD áp dụng vào việc mua bán ngoại tệ giữa Ngân hàng ngoại thương và các đơn vị kinh doanh du lịch (phần ngoại tệ Nhà nước để lại cho ngành Du lịch sử dụng).
- Bộ Tài chính xác định tỷ giá định mức khoán đối với Rúp chuyển nhượng, áp dụng vào việc kết hối cho quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước, và khi ngành Du lịch mua lại để sử dụng theo kế hoạch.
4. Về phân phối và sử dụng lợi nhuận của ngành du lịch: Lợi nhuận của ngành du lịch được xác định trên cơ sở là phần còn lại của Tổng doanh thu trừ (-) tổng chi phí và khoản phải nộp (thuế hoặc thu quốc doanh) bằng đồng Việt Nam vào ngân sách Nhà nước. Từ nay đến năm 1990 lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong ngành Du lịch được phân phối sử dụng như sau:
- Căn cứ vào chế độ quản lý tài chính của Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch được điều tiết 10% lợi nhuận của các đơn vị cơ sở để thành lập quỹ tập trung của ngành, nhằm đáp ứng yêu cầu chi tiêu cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền quảng cáo, hợp tác quốc tế .v.v.
- Đóng góp vào ngân sách địa phương 10% lợi nhuận.
- Số lợi nhuận còn lại 80% (sau khi đã trích nộp lên Tổng cục và đóng góp cho ngân sách địa phương) các đơn vị cơ sở được chủ động sử dụng theo kế hoạch vào mục đích phát triển cơ sở vật chất và kinh doanh du lịch.
5. Các chế độ nói trong quyết định này áp dụng thống nhất cho các đơn vị cơ sở trong ngành du lịch từ kế hoạch Nhà nước năm 1987.
6. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quyết định này.