B? TÀI CHÍNHQUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển
khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 9 tháng 06 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 10 năm 2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 07 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2319/VPCP-KG ngày 28/04/2006 của Văn phòng Chính phủ về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Điều 2. Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức và cá nhân thực hiện theo quy định tại Nghị định số 177/1999/NĐ-CP ngày 22/12/1999 của Chính phủ về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2007.
Điều 4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương của các đoàn thể, các Tổng công ty 91 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học
và công nghệ của doanh nghiệp
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/05/2007
của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi tắt là Quỹ).
Điều 2. Mục đích thành lập
Quỹ là tổ chức do doanh nghiệp thành lập để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất của doanh nghiệp.
Điều 3. Nguồn vốn của Quỹ
1. Nguồn vốn của Quỹ được hình thành từ:
a) Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp, mức trích cụ thể hàng năm theo quy định tại Điều 45 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn. Vốn hoạt động của Quỹ không sử dụng hết trong năm tài chính được chuyển sang năm tài chính tiếp theo.
Việc trích lập Quỹ thực hiện khi Luật chuyển giao công nghệ và văn bản quy định mức trích cụ thể có hiệu lực thi hành.
- Đối với các doanh nghiệp tổ chức theo mô hình Tổng công ty, Công ty mẹ, Công ty con trên cơ sở quy định về tỷ lệ trích quỹ nêu trên, căn cứ quyền hạn, trách nhiệm của Tổng công ty, công ty mẹ đối với doanh nghiệp thành viên, công ty con mà Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc, Giám đốc theo phân công của Chủ tịch hội đồng quản trị của Tổng công ty, Công ty mẹ quy định tỷ lệ điều chuyển nguồn vốn giữa Quỹ của Tổng công ty, công ty mẹ với Quỹ của doanh nghiệp thành viên, công ty con trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ của toàn hệ thống.
b) Nguồn vốn đóng góp tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức hợp pháp, cá nhân trong và ngoài nước.
c) Nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Quỹ phải công khai mọi khoản thu, chi theo quy định của pháp luật về công khai tài chính.
Chương II
THÀNH LẬP, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA QUỸ
Điều 4. Thủ tục thành lập, đăng ký
Căn cứ vào nhu cầu và khả năng tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần), Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh), Chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc Tổng Giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) của doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là: Người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp) quyết định thành lập Quỹ thuộc doanh nghiệp. Quỹ có thể tổ chức dưới một trong hai hình thức:
- Đơn vị độc lập có tư cách pháp nhân đầy đủ trực thuộc doanh nghiệp.
- Một bộ phận (không có tư cách pháp nhân riêng) thuộc doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập và Điều lệ Quỹ cho Sở Khoa học và công nghệ và đồng gửi cơ quan thuế, Sở Tài chính nơi doanh nghiệp đóng trụ sở (đối với Quỹ là bộ phận cấu thành thuộc doanh nghiệp) hoặc nơi doanh nghiệp đóng trụ sở và nơi Quỹ đóng trụ sở (đối với Quỹ là đơn vị độc lập) trong vòng 30 ngày kể từ ngày có Quyết định thành lập.
Cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở, phối hợp với Sở Tài chính, Sở khoa học và công nghệ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ, tình hình thực hiện chế độ tài chính của Quỹ đột xuất và định kỳ hàng năm.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm về việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ, vi phạm các quy định tài chính của Quỹ và của Nhà nước hoặc trong vòng 12 tháng Quỹ không đi vào hoạt động, cơ quan thuế có quyền tiến hành truy thu thuế đối với số thu nhập trước thuế mà doanh nghiệp đã trích lập Quỹ và sử dụng không đúng mục đích
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ
1. Tiếp nhận và quản lý Quỹ phát triển khoa học do doanh nghiệp cấp, công ty thành viên, công ty con đóng góp (trường hợp là Quỹ của Tổng công ty, Công ty mẹ), các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, vốn từ các nguồn hợp pháp khác.
2. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ tài chính hàng năm cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (bao gồm cả hoạt động khoa học và công nghệ của công ty thành viên, công ty con trong trường hợp là Quỹ của Tổng công ty, Công ty mẹ).
3. Cấp kinh phí để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (bao gồm cả hoạt động khoa học và công nghệ của công ty thành viên, công ty con trong trường hợp là Quỹ của Tổng công ty, Công ty mẹ) trên cơ sở kế hoạch đã được người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp phê duyệt.
4. Kiểm tra, tổ chức đánh giá việc thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí của Quỹ.
5. Phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
6. Người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp ra quyết định thành lập Quỹ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của Quỹ.
Chương III
TỔ CHỨC QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ
Điều 6. Bộ máy tổ chức và điều hành Quỹ
1. Bộ máy tổ chức và điều hành của Quỹ do người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn, trách nhiệm của Giám đốc Quỹ do người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định.
Tuỳ theo quy mô của Quỹ, người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định chế độ làm việc của Giám đốc, Phó Giám đốc, nhân viên văn phòng Quỹ theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.
Giám đốc Quỹ chịu trách nhiệm trước người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp về hoạt động của Quỹ.
Điều 7. Sử dụng Quỹ
Việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ phục vụ cho mục tiêu phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn vốn của Quỹ dùng để thực hiện các hoạt động như:
1. Chi hoạt động quản lý chung của Quỹ (Mức chi không vượt quá 15% tổng nguồn vốn của quỹ trong năm).
2. Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
3. Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp:
a) Trang bị cơ sở vật chất- kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
b) Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp,... phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
c) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (không bao gồm tiền lương quản lý chung của Quỹ);
d) Chi phí cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
đ) Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất.
4. Đối với Công ty trực thuộc Tổng công ty, hoặc là Công ty con được sử dụng nguồn vốn của Quỹ để chi nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tổng công ty hoặc Công ty mẹ, theo tỷ lệ được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Quy chế này.
Doanh nghiệp không được sử dụng nguồn vốn của Quỹ để đầu tư cho các hoạt động khác không gắn với việc phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
5. Mỗi chu kỳ 05 năm, nếu số dư của quỹ còn từ 50% trở lên trên tổng số lợi nhuận đã trích trong 05 năm, thì doanh nghiệp phải trích nộp ngân sách nhà nước số thuế thu nhập doanh nghiệp trên số lợi nhuận trước thuế mà Nhà nước để lại cho doanh nghiệp tương ứng với số dư còn lại của quỹ cộng phần quỹ sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ khoản lợi nhuận trước thuế đó. Lãi suất tính lãi được áp dụng theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng nơi Quỹ mở tài khoản giao dịch và thời gian tính lãi là 2 năm.
Điều 8. Kế hoạch tài chính và công tác kế toán
1. Hàng năm Quỹ lập kế hoạch tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp báo cáo người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp phê duyệt.
2. Quỹ thực hiện chế độ tài chính, mở sổ sách kế toán, ghi chép chứng từ, hạch toán các nghiệp vụ phát sinh, thanh quyết toán theo đúng quy định của pháp luật.
Chương IV
GIẢI THỂ VÀ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG
Điều 9. Đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động Quỹ
1. Quỹ bị đình chỉ hoạt động khi vi phạm pháp luật.
2. Quỹ bị tạm đình chỉ hoạt động khi:
a) Hoạt động sai mục đích, tôn chỉ, không đúng Điều lệ của Quỹ;
b) Vi phạm các quy định về quản lý tài chính của Quỹ và của Nhà nước;
c) Tổ chức quản lý và điều hành Quỹ sai quy định của pháp luật hiện hành;
d) Sử dụng sai có hệ thống hoặc sử dụng sai nghiêm trọng các khoản tài trợ có mục đích của các tổ chức, cá nhân tài trợ cho Quỹ;
đ) Tổ chức vận động tài trợ trái pháp luật.
3. Đối với các vi phạm nêu tại khoản 1và khoản 2 Điều này, ngoài việc bị đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ hoạt động thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, Quỹ có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuỳ theo mức độ vi phạm, những người có trách nhiệm quản lý Quỹ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ và cho phép Quỹ hoạt động trở lại.
Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày bị tạm đình chỉ hoạt động, nếu Quỹ sửa chữa, khắc phục được những vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này thì được xem xét cho phép hoạt động trở lại.
Điều 10. Giải thể Quỹ
1. Tùy theo yêu cầu và khả năng hoạt động của Quỹ, người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp có quyền ra quyết định giải thể Quỹ, đồng thời báo cáo với Sở Tài chính, Sở Khoa học và công nghệ, Cục thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.
2. Quỹ bị buộc phải giải thể trong những trường hợp sau đây :
a) Trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày có quyết định thành lập nhưng Quỹ không hoạt động;
b) Không được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ hoạt động quá 6 tháng kể từ ngày quyết định tạm đình chỉ có hiệu lực.
Điều 11. Xử lý tài sản khi giải thể Quỹ
Khi giải thể Quỹ, phải tiến hành kiểm kê, toàn bộ tài sản, tiền vốn, công nợ,...Thực hiện đối chiếu giữa sổ sách và thực tế kiểm kê, làm rõ nguyên nhân chênh lệch (nếu có). Sau khi thanh toán hết các khoản công nợ và chi phí giải thể, phần giá trị còn lại được phân chia theo cơ cấu hình thành nguồn vốn ban đầu của Quỹ giữa phần đóng góp của nhà nước thông qua việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và phần đóng góp của doanh nghiệp từ lợi nhuận.
Đối với phần có nguồn gốc đóng góp của nhà nước phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Nghiêm cấm việc phân tán tiền và tài sản của Quỹ trái pháp luật./.