Văn bản pháp luật: Quyết định 360/CSKH

 
Toàn quốc
Phụ lục Công báo số 9/1981;
Quyết định 360/CSKH
Quyết định
...
22/08/1980

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học - kỹ thuật của các viên nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật

 
1.980
 

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của

Hội đồng khoa học - kỹ thuật của các viện nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật

 

CHỦ NHIỆM UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 192 - CP ngày 13 tháng 10 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước;

Xét yêu cầu đưa hoạt động của Hội đồng khoa học - kỹ thuật của các Viện nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật vào nền nếp.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1 - Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học - kỹ thuật của các Viện nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật.

Điều 2 - Các cơ quan chức năng của Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước có nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC - KỸ THUẬT CỦA CÁC VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT

(Ban hành kèm theo Quyết định số 360 - CSKH ngày 22 tháng 8 năm 1980)

 

MỞ ĐẦU

Bản Quy chế tạm thời này góp phần đưa công tác của Hội đồng khoa học - kỹ thuật vào nề nếp, tạo điều kiện cho các cán bộ nghiên cứu phát huy trí tuệ tập thể của mình trong việc tổ chức các hoạt động khoa học - kỹ thuật nhằm đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế quốc dân và sự nghiệp phát triển khoa học và kỹ thuật của đất nước.

Đối tượng áp dụng bản Quy chế tạm thời này là các Hội đồng khoa học- kỹ thuật của các Viện nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật cũng như của các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật khác.

 

CHƯƠNG I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 1 - Hội đồng khoa học - kỹ thuật (1) của Viện nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật (2) là tổ chức tư vấn của Viện trưởng về các Căn cứ khoa học và kỹ thuật để xem xét và quyết định các vấn đề về nội dung, tổ chức và quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật (3) của Viện.

(1) Gọi tắt là Hội đồng

(2) Gọi tắt là Viện

(3) Gọi tắt là nghiên cứu - phát triển

Điều 2 - Hội đồng có nhiệm vụ thảo luận và góp ý kiến:

1. Về các dự thảo phương hướng nghiên cứu - phát triển của Viện và về những vấn đề thuộc chính sách khoa học - kỹ thuật của Nhà nước có liên quan đến các phương hướng này.

2. Về các dự thảo kế hoạch nghiên cứu của Viện (dài hạn, 5 năm và hàng năm) và về phương hướng hợp tác với các cơ quan khác để giải quyết những nhiệm vụ nghiên cứu của Viện.

3. Về việc đề cử chủ nhiệm các công trình nghiên cứu của Viện, về đề cương nghiên cứu của các chủ nhiệm công trình.

4. Về việc đánh giá và xét duyệt các công trình nghiên cứu đã hoàn thành thuộc cấp Viện quản lý và về việc đánh giá nội bộ đối với các công trình nghiên cứu thuộc cấp bộ và Nhà nước quản lý.

5. Về việc đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học của Viện và của các phòng, bộ môn nghiên cứu của viện.

 

CHƯƠNG II
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 3 - Thành phần Hội đồng gồm có:

- Chủ tịch Hội đồng;

- Một Phó chủ tịch Hội đồng,

- Một Thư ký Hội đồng,

- Một số Uỷ viên Hội đồng.

Ban Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký Hội đồng.

Điều 4 - Ban Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ:

1. Chuẩn bị chương trình và nội dung của các kỳ họp Hội đồng.

2. Quyết định thành phần đại biểu tới dự các kỳ họp hoặc tham gia vào từng phần công việc của Hội đồng.

3. Giải quyết những việc có liên quan tới công tác của Hội đồng trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng.

4. Thông qua các báo cáo do Thư ký Hội đồng chuẩn bị về những kiến nghị của Hội đồng qua các kỳ họp.

Điều 5 -

1. Chủ tịch Hội đồng do hội nghị toàn thể Hội đồng bầu ra. Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ:

- Lãnh đạo Hội đồng hoạt động phù hợp với các điều khoản được quy định trong bản quy chế này.

- Lãnh đạo Ban Thường trực chuẩn bị trước những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở Hội đồng.

- Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Ban Thường trực và toàn thể Hội đồng.

- Duyệt báo cáo về những kiến nghị của Hội đồng đối với những vấn đề đưa ra thảo luận ở Hội đồng.

- Đề nghị Viện trưởng truyền đạt kịp thời cho các thành viên Hội đồng về mọi Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các cơ quan cấp trên về những vấn đề cần thiết có liên quan.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng do hội nghị toàn thể của Hội đồng bầu trong số các thành viên Hội đồng.

Phó Chủ tịch hội đồng có nhiệm vụ:

- Giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc lãnh đạo công tác chung của Hội đồng;

- Chịu trách nhiệm về phần công tác được phân công và được quyền giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi và quyền hạn của mình;

- Trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Phó chủ tịch thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Hội đồng.

Điều 6 - Thư ký Hội đồng do hội nghị toàn thể Hội đồng bầu ra.

Thư ký Hội đồng có nhiệm vụ:

- Chuẩn bị nội dung, chương trình và điều kiện làm việc cho các kỳ họp của Hội đồng để Ban Thường trực thông qua;

- Lập biên bản và tổng kết các ý kiến phát biểu tại các cuộc họp của Hội đồng thành báo cáo về kiến nghị của Hội đồng.

Điều 7 - Thành viên hội đồng gồm thành viên trong Viện và thành viên ngoài Viện.

1. Thành viên trong Viện do Hội nghị đại biểu hoặc Hội nghị toàn thể của cán bộ khoa học trong Viện (các chủ nhiệm công trình, các cán bộ khoa học chủ chốt, các cán bộ có trình độ đại học trở lên trực tiếp tham gia nghiên cứu, v.v...) bầu ra theo nguyên tắc đa số và bỏ phiếu kín trên cơ sở danh sách sơ bộ do các đơn vị nghiên cứu của Viện đề cử.

Phòng kế hoạch (hoặc bộ phận quản lý nghiên cứu của Viện) có trách nhiệm giúp Viện trưởng chuẩn bị danh sách này.

Trong số các thành viên có ít nhất một nửa là cán bộ những ngành, môn chủ chốt của Viện.

2. Tuỳ nhu cầu công tác của Hội đồng, Viện trưởng có thể mời cán bộ các cơ quan ngoài Viện làm thành viên chính thức của Hội đồng, nhưng số này không vượt quá một phần tư (1/4) tổng số thành viên Hội đồng.

Việc mời thành viên Hội đồng ngoài Viện, phải được sự đồng ý của đương sự và thủ trưởng cơ quan của đương sự.

Tổng số thành viên Hội đồng không quá 15 người đối với những Viện có tính chất chuyên ngành và 19 người đối với những Viện có tính chất tổng hợp.

Danh sách các thành viên chính thức của Hội đồng phải được Viện trưởng công nhận bởi một Quyết định bằng văn bản.

Điều 8 - Thành viên Hội đồng có nhiệm vụ:

1. Tham gia đều đặn và đầy đủ các buổi sinh hoạt của Hội đồng;

2. Chuẩn bị nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao để đóng góp ý kiến về những vấn đề đưa ra thảo luận ở Hội đồng:

3. Giữ gìn mọi số liệu, tài liệu mật theo quy định chung của Nhà nước và Hội đồng.

Điều 9 - Thành viên Hội đồng có quyền hạn:

1. Được tìm hiểu những tài liệu, số liệu có liên quan với các phiên họp của Hội đồng.

2. Được kiến nghị thảo luận những vấn để thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trước khi Hội đồng bỏ phiếu thông qua.

3. Trong trường hợp cần thiết có thể được tổ chức đi tìm hiểu tại chỗ những vấn đề có liên quan đến công việc của Hội đồng.

4. Được tự do trình bày quan điểm trong khi thảo luận và được bảo lưu ý kiến trong trường hợp có ý kiến khác với quyết định của Hội đồng.

Những yêu cầu của thành viên ghi trong mục 1, 2, 3 của Điều khoản này cần được đề đạt thông qua Ban Thường trực của Hội đồng.

Điều 10 - Nhiệm kỳ công tác của hội đồng là 3 năm. Các thành viên khuyết của Hội đồng được bầu bổ sung trong số các cán bộ do Ban Thường trực Hội đồng đề cử.

Điều 11 - Những thành viên có thành tích trong các hoạt động của Hội đồng sẽ được Viện trưởng khen hoặc đề nghị lên cấp trên khen thưởng.

Những thành viên không thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Điều 8 sau một thời gian lâu nhất là một năm sẽ do Hội nghị toàn thể Hội đồng đề nghị Viện trưởng quyết định thôi tham gia công tác của Hội đồng trước khi hết nhiệm kỳ.

Điều 12 - Để giải các nhiệm vụ chuyên ngành, Hội đồng có thể chia thành các tiểu ban. Phụ trách các tiểu ban là những cán bộ chủ chốt nhất trong Hội đồng về lĩnh vực chuyên môn của mình và do Hội nghị toàn thể Hội đồng bầu ra.

Tuỳ theo tính chất các vấn đề thảo luận, tiểu ban có thể được mở rộng. thành phần mời dự thêm do Chủ tịch Hội đồng đề nghị và Viện trưởng duyệt y.

CHƯƠNG III
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 13 - Hội đồng sinh hoạt định kỳ 3 tháng một lần. Khi cần thiết Hội đồng có thể tổ chức họp bất thường.

Hội đồng được sử dụng thời gian chính quyền để tổ chức các kỳ họp của mình .

Điều 14 - Các thành viên Hội đồng cần được nghiên cứu trước tài liệu do Ban Thường trực chuẩn bị về những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở Hội đồng trước ngày họp từ một đến hai tuần lễ. Tài liệu cuả các phiên họp bất thường phải đến tay các thành viên Hội đồng chậm nhất là hai ngày trước phiên họp.

Các bộ phận trong Viện có liên quan đến những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở Hội đồng có trách nhiệm giúp đỡ Hội đồng những tài liệu cần thiết khi Hội đồng có yêu cầu.

Điều 15 - Hội nghị Hội đồng sẽ không tiến hành nếu không đủ ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số các thành viên Hội đồng tham dự.

Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể tổ chức phiên họp mở rộng với sự tham gia của đại biểu chính quyền, tổ chức Đảng, công đoàn, Đoàn thanh niên hoặc các cán bộ trong và ngoài Viện để tham khảo ý kiến.

Các đại biểu này không tham gia biểu quyết về các vấn đề của Hội đồng.

Điều 16 - Phương thức làm việc của Hội đồng là nêu vấn đề, thảo luận và biểu quyết để lấy ý kiến đa số. Mọi ý kiến phát biểu và kiến nghị của Hội đồng phải được ghi chép đầy đủ để trao cho Viện trưởng và kiến nghị của Hội đồng phải được ghi chép đầy đủ để trao cho Viện trưởng và phản ánh lên cấp trên tham khảo, đồng thời phải hộp cho bộ phận lưu trữ của Viện.

Hội đồng có thể biểu quyết bằng giơ tay hoặc bỏ phiếu kín tuỳ theo quyết định của toàn thể Hội đồng.

Biên bản các kỳ họp Hội đồng có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết người ký thay Chủ tịch và Thư ký hội đồng sẽ do Chủ tịch Hội đồng uỷ nhiệm.

Điều 17 - Viện trưởng có nhiệm vụ trả lợi các kiến nghị của Hội đồng vào phiên họp trường kỳ tiếp sau.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể chuyển những ý kiến của mình lên các cơ quan quản lý khoa học - kỹ thuật cấp trên.

 

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18 - Mọi Điều lệ tổ chức Hội đồng khoa học - kỹ thuật của các Viện cũng như của các cơ quan nghiên phát triển, đều phải theo đúng tinh thần và nội dung bản Quy chế này.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=1396&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận