Văn bản pháp luật: Quyết định 370/2003/QĐ-BLĐTBXH

Nguyễn Thị Hằng
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 370/2003/QĐ-BLĐTBXH
Quyết định
16/05/2003
03/04/2003

Tóm tắt nội dung

Về việc Ban hành Quy chế bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề

Bộ trưởng
2.003
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Về việc Ban hành Quy chế bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm

Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09/01/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ Luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Hiệu trưởng các Trường dạy nghề, Giám đốc các Trung tâm dạy nghề, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH

VÀ XÃ HỘI

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

QUY CHẾ

Bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm

Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường dạy nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề

(Ban hành kèm theo Quyết định số 370/2003/QĐ-BLĐTBXH, ngày 03 tháng 4 năm 2003

của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự và thủ tục bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề, Giám đốc Trung tâm dạy nghề.

Điều 2. Quy chế này được áp dụng thống nhất đối với các Trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề công lập, bán công, dân lập và tư thục.

Quy chế này không áp dụng đối với các Trường dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 3. Việc bổ nhiệm, công nhận Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề phải đảm bảo yêu cầu sau:

1. Phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề và phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của cán bộ;

2. Tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở dân chủ, trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên và người đứng đầu Trường, Trung tâm;

3. Đảm bảo sự ổn định, kế thừa và phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Chương II

TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM

Điều 4. Hiệu trưởng Trường dạy nghề:

1. Là công dân Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có tín nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực quản lý điều hành hoạt động nhà trường; có sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

2. Có trình độ đại học trở lên thuộc ít nhất một ngành chuyên môn đào tạo của nhà trường;

3. Có thâm niên giảng dạy ở một trường chuyên nghiệp ít nhất là 5 năm;

4. Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ; thời gian bổ nhiệm là 5 năm.

Đối với Trường dạy nghề ngoài công lập, tuổi bổ nhiệm lần đầu có thể trên 55 tuổi đối với nam, trên 50 tuổi đối với nữ; có thể là thành viên của Hội đồng quản trị; không phải là công chức nhà nước.

Điều 5. Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề:

1. Là công dân Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có tín nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực quản lý lĩnh vực công tác phụ trách; có sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2 Có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác phụ trách.

3. Có thâm niên giảng dạy ở một trường chuyên nghiệp ít nhất là 3 năm.

4. Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ; thời gian bổ nhiệm là 5 năm.

Đối với Trường dạy nghề ngoài công lập, tuổi bổ nhiệm lần đầu có thể trên 50 tuổi đối với nam, trên 45 tuổi đối với nữ; có thể là thành viên của Hội đồng quản trị; không phải là công chức nhà nước.

Điều 6. Giám đốc Trung tâm dạy nghề:

1. Là công dân Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có trình độ cao đẳng kỹ thuật hoặc nghiệp vụ trở lên; có năng lực quản lý và am hiểu về dạy nghề.

2. Tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với Giám đốc Trung tâm dạy nghề không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ; đối với các Trung tâm dạy nghề trực thuộc quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (cả nam và nữ); thời gian bổ nhiệm là 5 năm.

Chương III

THỦ TỤC, HỒ SƠ, THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM, CÔNG NHẬN,

BỔ NHIỆM LẠI, QUYẾT ĐỊNH TỪ CHỨC VÀ MIỄN NHIỆM HIỆU TRƯỞNG,

PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG DẠY NGHỀ, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DẠY NGHỀ

Mục I

Thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng,

phó hiệu trưởng trường dạy nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề công lập

Điều 7. Người đứng đầu Trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề căn cứ tiêu chuẩn của chức danh bổ nhiệm, lựa chọn giới thiệu nhân sự là cán bộ, nhân viên của Trường, Trung tâm hoặc từ ngoài Trường, Trung tâm với Hội nghị liên tịch.

Thành phần Hội nghị liên tịch giới thiệu nhân sự gồm: Người đứng đầu Trường, Trung tâm, Bí thư Đảng uỷ hoặc Bí thư Chi bộ, Chủ tịch công đoàn cơ sở, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trưởng Ban nữ công (nếu có).

Người đứng đầu Trường, Trung tâm nêu tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm, tóm tắt lý lịch, quá trình công tác, nhận xét đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển của người được giới thiệu. Tổ chức thảo luận, tổng hợp ý kiến của Hội nghị liên tịch để đưa ra Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm của tập thể công chức Trường, Trung tâm.

Điều 8. Việc tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành như sau:

1. Người đứng đầu Trường, Trung tâm nêu chủ trương bổ nhiệm; Tiêu chuẩn chức danh bổ nhiệm; tóm tắt quá trình học tập, công tác, nhận xét đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của người được giới thiệu.

Thành viên tham dự Hội nghị có thể giới thiệu bổ sung nhân sự để đưa ra lấy phiếu tín nhiệm.

2. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm dân chủ, công khai và khách quan. Phiếu tín nhiệm có giá trị tham khảo, không phải là căn cứ duy nhất để bổ nhiệm. Phiếu tín nhiệm theo mẫu thống nhất được qui định kèm theo Quy chế này.

Ban kiểm phiếu, gồm: Người chủ trì Hội nghị làm Trưởng ban và hai cán bộ thành viên (không phải là người được lấy phiếu tín nhiệm) do Hội nghị bầu. Biên bản kiểm phiếu phải có đầy đủ chữ ký của Trưởng ban và các thành viên.

Điều 9. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, người đứng đầu Trường, Trung tâm chủ trì Hội nghị liên tịch với thành phần theo quy định tại Điều 7, báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Hội nghị liên tịch trao đổi, nhận xét đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của người được giới thiệu và biểu quyết đề nghị bổ nhiệm. Hội nghị liên tịch phải lập biên bản có chữ ký của người đứng đầu Trường, Trung tâm; Bí thư Đảng uỷ hoặc Bí thư Chi bộ, Chủ tịch công đoàn cơ sở, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trưởng ban nữ công (nếu có).

Điều 10. Đối với người được giới thiệu không phải là người của Trường dạy nghề hoặc Trung tâm dạy nghề thì Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hoặc được uỷ quyền, có trách nhiệm lựa chọn về nhân sự; trao đổi và thống nhất với Thủ trưởng, Bí thư Đảng uỷ hoặc Bí thư Chi bộ cơ quan đơn vị nơi cán bộ đó đang công tác và nơi có nhu cầu về cán bộ lãnh đạo quản lý để xem xét và quyết định bổ nhiệm.

Điều 11. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gồm:

1. Tờ trình đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm;

2. Biên bản của Hội nghị liên tịch đề nghị bổ nhiệm;

3. Biên bản hội nghị lấy phiếu tín nhiệm (Đối với bổ nhiệm nhân sự tại chỗ);

4. Sơ yếu lý lịch của người đề nghị bổ nhiệm tự khai theo mẫu 2C/TCTW (có nhận xét của Thủ trưởng đơn vị) và bản kê khai tài sản của người đề nghị bổ nhiệm;

5. Phiếu đánh giá công chức hàng năm (2 năm gần nhất) của người được đề nghị bổ nhiệm.

Điều 12. Thẩm quyền quyết định:

Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề, Giám đốc Trung tâm dạy nghề công lập do Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập Trường, Trung tâm ký quyết định bổ nhiệm.

Mục II

Thủ tục, thẩm quyền và hồ sơ công nhận hiệu trưởng,

phó hiệu trưởng Trường dạy nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề bán công, dân lập, tư thục

Điều 13. Thủ tục và thẩm quyền công nhận:

Đối với Trường dạy nghề bán công, dân lập, Hội đồng quản trị vận dụng tiêu chuẩn chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề công lập, lựa chọn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng đề nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập Trường công nhận.

Đối với Trường dạy nghề tư thục, tập thể những người góp vốn thành lập Trường vận dụng tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề công lập, lựa chọn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương công nhận).

Đối với Trung tâm dạy nghề ngoài công lập, tập thể những người góp vốn thành lập Trung tâm vận dụng tiêu chuẩn Giám đốc Trung tâm dạy nghề công lập, xem xét và cử Giám đốc Trung tâm (sau khi đã thoả thuận với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Điều 14. Hồ sơ đề nghị công nhận gồm:       

1. Công văn đề nghị của Hội đồng quản trị (đối với Trường bán công, dân lập), công văn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Trường tư thục);

2. Biên bản họp của Hội đồng quản trị (đối với Trường bán công, dân lập), biên bản của tập thể những người góp vốn thành lập Trường (đối với Trường tư thục);

3. Sơ yếu lý lịch của người được đề nghị tự khai theo mẫu 2C/TCTW (có xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương nơi thường trú).

Mục III

Yêu cầu, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền bổ nhiệm lại, quyết định từ chức và miễn nhiệm hiệu trưởng,

phó hiệu trưởng trường dạy nghề, giám đốc trung tâm dạy nghề công lập

Điều 15. Bổ nhiệm lại:

1. Trước khi cán bộ hết nhiệm kỳ giữ chức vụ bổ nhiệm (5 năm) phải được xem xét để bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Người còn đủ 2 năm đến dưới 5 năm công tác trước khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Người còn dưới 2 năm công tác trước khi đến tuổi nghỉ hưu, do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Bổ nhiệm lại phải bảo đảm ổn định về tổ chức, cán bộ và hiệu quả công việc;

Người được xét bổ nhiệm lại phải hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ trước; có năng lực, sức khoẻ thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ tới và được đơn vị Trường, Trung tâm yêu cầu;

Đối với cán bộ không được bổ nhiệm lại sẽ được bố trí công tác khác.

2. Thủ tục bổ nhiệm lại:

Cán bộ được bổ nhiệm lại tự kiểm điểm trách nhiệm trong thời gian giữ chức vụ, theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 trong Quy chế đánh giá công chức hàng năm ban hành tại Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC ngày 05/12/1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (Nay là Bộ Nội vụ).

Tập thể lãnh đạo chuyên môn, Đảng, đoàn thể đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm của công chức, đề xuất ý kiến bổ nhiệm lại hay không bổ nhiệm lại.

3. Hồ sơ bổ nhiệm lại:

Bản kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong thời gian giữ chức vụ;

Biên bản đánh giá góp ý kiến của Hội nghị tập thể lãnh đạo chuyên môn, Đảng, Đoàn thể;

Biên bản lấy phiếu tín nhiệm của công chức;

Công văn (tờ trình) đề nghị của Trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề lên cơ quan quyết định bổ nhiệm lại cán bộ.

4. Thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại:

Cấp nào ra quyết định bổ nhiệm cán bộ thì cấp đó quyết định bổ nhiệm lại.

Điều 16. Từ chức, Miễn nhiệm:

1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nếu tự nguyện xin thôi giữ chức vụ thì làm đơn từ chức gửi cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 1 tháng kể từ khi nhận được đơn từ chức, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, quyết định.

2. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường dạy nghề, Giám đốc Trung tâm dạy nghề do nhu cầu công tác hoặc trong các trường hợp như: sức khoẻ không đảm bảo; không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét miễn nhiệm và bố trí công tác khác.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan, các Trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề thực hiện Quy chế này./.

PHIẾU TÍN NHIỆM

TT

Họ và tên cán bộ dự kiến đề bạt

Chức vụ dự kiến đề bạt

Ý kiến của CBNV trong đơn vị đối với cán bộ dự kiến đề bạt

Đồng ý

Không đồng ý

 

 

 

 

 

 

 

 

 Chú ý: Đồng ý hay không đồng ý đề nghị gạch chéo vào cột tương ứng (x)


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=21621&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận