QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
“Về việc ban hành quy định về quản lý thu thuế đối với hoạt động gia công xay xát lúa, gạo trên địa bàn tỉnh”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn về quản lý thu thuế;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tại tờ trình số: 361/TTr-CT ngày 16/8/2002,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý thu thuế đối với hoạt động gia công xay xát lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phối hợp với Giám đốc các Sở: Công nghiệp, Tài chính - Vật giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01-9-2002.
Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về quản lý thu thuế đối với hoạt động gia công xay xát lúa gạo
trên địa bàn tỉnh
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3763/2002/QĐ ngày 23-8-2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động gia công xay xát lúa gạo (gọi chung là cơ sở gia công xay xát lúa gạo) phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ và kê khai nộp thuế theo đúng quy định của các Luật, Pháp lệnh thuế. Trường hợp cơ sở gia công xay xát lúa gạo không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, kê khai nộp thuế không đúng với thực tế phát sinh thì áp dụng biện pháp ấn định sản lượng gia công và giá tính thuế theo những quy định dưới đây.
Chương II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ.
Điều 2. Về thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp:
1. Cơ sở gia công xay xát lúa gạo kê khai nộp thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
2. Trường hợp cơ sở gia công xay xát lúa gạo không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, kê khai sản lượng thấp hơn quy định hoặc vi phạm Pháp lệnh giá thì áp dụng biện pháp ấn định doanh thu (tối thiểu) tính thuế theo quy định này.
Điều 3. Căn cứ để xác định doanh thu tính thuế (tối thiếu) đối với hoạt động gia công xay xát lúa gạo là sản lượng lúa gạo gia công hoàn thành tối thiểu và đơn giá gia công trong kỳ.
3.1. Đối với cơ sở sử dụng điện lưới: Sản lượng lúa gạo gia công hoàn thành tối thiểu trong tháng được xác định căn cứ vào lượng điện năng tiêu thụ (Kwh) trong tháng, như sau
Sản lượng điện tiêu thụ trong tháng - Sản lượng điện dùng cho thắp sáng, bảo vệ
Sản lượng lúa gạo =-----------------------------------------------------------------------------------gia công (tấn) Định mức tiêu hao điện để gia công 01 tấn lúa.
Sản lượng điện năng tiêu thụ trong tháng: Căn cứ theo hóa đơn tiền điện của đơn vị cung cấp điện.
Định mức tiêu hao điện năng để gia công 01 tấn lúa là: 45kwh.
Điện năng dùng cho thắp sáng, bảo vệ được tính bằng 2% tồng số điện năng tiêu thụ trong tháng, nhưng mức tối đa không quá 300 Kwh/tháng/cơ sở.
3.2. Trường hợp cơ sở gia công lúa gạo sử dụng nguồn năng lượng khác (không sử dụng điện lưới): Giao cho Cục Thuế khảo sát và quy định doanh thu tối thiểu để tính thuế sát với thực tế phát sinh.
3.3. Đơn giá gia công: Cơ sở gia công lúa gạo phải thực hiện niêm yết giá gia công và thu tiền giá niêm yết theo quy định của Pháp lệnh giá. Đồng thời, phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý và cơ quan Tài chính - Vật giá; khi có điều chỉnh giá thì đăng ký lại giá gia công. Nếu cơ sở vi phạm Pháp lệnh giá (không đăng ký giá, thu tiền không đúng giá niêm yết...) thì căn cứ giá tối thiểu do liên Sở Tài chính - Vật giá, Cục Thuế quy định để ấn định giá tính thuế.
Chương III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 4. Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh:
1. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quyết định đến các cơ sở gia công xay xát lúa gạo trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp thực hiện điều tra, khảo sát nắm chắc các cơ sở hoạt động gia công lúa gạo trên địa bàn để đưa vào diện quản lý thu thuế sát với thực tế phát sinh, theo đúng quy định của Quyết định này.
2. Theo dõi kiểm tra tình hình quản lý, thu nộp thuế của các cơ sở gia công lúa gạo: Tổng hợp và đề xuất kiến nghị trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Quy định này khi cần thiết, bảo đảm phù hợp với thực tế và đúng chính sách thuế hiện hành của Nhà nước.
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Công nghiệp:
Thường xuyên phối hợp với cơ quan Thuế để quản lý các hoạt động gia công xay xát lúa gạo trên địa bàn, khi điều kiện sản xuất thay đổi, phối hợp với Cục Thuế kiến nghị sửa đổi, bổ sung định mức về tiêu hao điện năng trong hoạt động xay xát lúa gạo.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Tài chính - Vật giá:
Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai việc đăng ký giá và kiểm tra việc thu tiền đúng giá đăng ký đối với các cơ sở gia công lúa gạo; Thường xuyên phối hợp với Cục Thuế khảo sát giá thị trường, quy định giá tối thiểu làm cơ sở để ấn định giá tính thuế đối với các cơ sở gia công lúa gạo vi phạm về đăng ký giá và thu tiền không đúng giá đăng ký.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
1. Phổ biến và hướng dẫn Quy định này đến từng tổ chức, cá nhân hoạt động gia công lúa gạo trên địa bàn.
2. Chỉ đạo các ngành liên quan ở huyện, thị xã phối hợp với cơ quan Thuế địa phương quản lý thuế đối với hoạt động gia công lúa gạo theo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật thuế đối với các cơ sở vi phạm.
Điều 8. Quy định này được áp dụng để lập bộ và quản lý thu thuế đối với hoạt động gia công xay xát lúa, gạo trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 01-9-2002./.