QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ
Phê duyệt qui hoạch chi tiết Nút giao thông Ngã Tư Sở
và tuyến Ngã Tư Sở - Thái Thịnh, tỷ lệ 1/500
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh qui hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế lập các đồ án Quy hoạch xây dựng đô thị;
Theo đề nghị của KTST thành phố tại Tờ trình số: 298/TTr-KTST ngày 13/6/2001 và Công văn số 475/KTST-DA ngày 19/9/2001,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết nút giao thông Ngã Tư Sở và tuyến Ngã Tư Sở - Thái Thịnh, tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập với những nội dung chủ yếu như sau:
1 - Phạm vi và qui mô:
1.1.- Phạm vi: Khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở và tuyến Ngã Tư Sở - Thái Thịnh nằm ở phía Tây Nam Thành phố Hà Nội, thuộc địa giới hành chính của các phường: Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Khương Thượng (quận Đống Đa) và phường Khương Thượng (quận Thanh Xuân) - Hà Nội.
Phía Đông Bắc: Giáp Học viện Thuỷ lợi
Phía Đông Nam: Giáp khu dân cư phường Khương Thượng.
Phía Tây Bắc: Giáp khu tập thể Vĩnh Hồ.
Phía Tây Nam: Giáp sông Tô Lịch
1.2. Qui mô qui hoạch: 184619 m2
2. Nội dung qui hoạch chi tiết:
2.1. Mục tiêu:
Giải quyết ách tắc giao thông cho khu vực Ngã Tư Sở.
Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Tạo được bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại, hài hoà trên cơ sở cải tạo chỉnh trang các công trình hiện có kết hợp với xây dựng mới.
Huy động được nhiều nguồn lực, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng theo qui hoạch.
2.2. Chỉ tiêu sử dụng đất:
Tổng diện tích đất: 184619 m2, được phân bổ theo bảng sau:
BẢNG TỔNG HỢP SỐ LIỆU QUI HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
TT | Chức năng sử dụng | Diện tích (m2) | Tỷ lệ (%) |
1 | Đất công cộng | 31.392 | 17,0 |
2 | Đất cơ quan | 19.296 | 10,4 |
3 | Đất Quốc phòng | 1.265 | 0,7 |
4 | Đất trường học | 3.904 | 2,1 |
5 | Đất di tích | 3.270 | 1,8 |
6 | Đất xây dựng nhà ở | 34.290 | 18,6 |
7 | Đất cây xanh cách ly | 3.266 | 1,8 |
8 | Đất đường thành phố | 63.420 | 34,3 |
9 | Đất đường 11,5 £ B£ 21m | 21.169 | 11,5 |
10 | Đất đường vào nhà < 11,5m | 3.347 | 1,8 |
| Tổng cộng | 184.619 | 100,0 |
2.3. Qui hoạch kiến trúc và phát triển không gian.
Dọc theo các tuyến đường Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Láng và đường Trường Chinh: bố trí xây dựng các công trình cao tầng, phục vụ công cộng ở tầng 1 và tầng 2, các tầng trên được sử dụng linh hoạt, đa chức năng (kể cả nhà ở căn hộ, phục vụ di dân tại chỗ) tạo bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả cao.
2.3.1. Các công trình công cộng, trường học:
Công trình công cộng:
Chuyển đổi chức năng khu đất hiện do Công ty Tô Châu đang quản lý, sử dụng (sản xuất, gây ô nhiễm môi trường) cùng với khu dân cư đã được xây dựng lộn xộn hiện có ở góc đường Nguyễn Trãi và đường Trường Chinh để xây dựng một tổ hợp công trình công cộng cao tầng, sử dụng hỗn hợp.
Giữ nguyên chức năng, cải tạo và mở rộng qui mô phục vụ công trình Trung tâm dịch vụ Ngã Tư Sở (chợ Ngã Tư Sở) và Bách hoá Ngã Tư Sở.
Khu đất do Công ty Đầu tư xây dụng số 2 đang quản lý tại góc phố Tây Sơn và phố Thái Thịnh được chuyển chức năng để xây dựng khu công cộng hỗn hợp cao tầng.
Chuyển đổi chức năng khu đất hiện là cửa hàng ăn uống do Công ty Dịch vụ ăn uống khách sạn Đống Đa quản lý tại khu vực phía Bắc phố Tây Sơn (đối diện công an phường Ngã Tư Sở) để xây dựng trụ sở UBND phường Ngã Tư Sở.
Khu đất hiện là xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô Hà Nội nằm ở phía Bắc phố Tây Sơn trước mắt cho chỉnh trang để tiếp tục duy trì chức năng sửa chữa ô tô, nhưng yêu cầu chủ sử dụng phải có biện pháp để xử lý nước thải và tránh tiếng ồn theo qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Sau này sẽ chuyển đổi chức năng để xây dựng công trình công cộng.
6. Trường học:
Chuyển đổi phần lớn khu đất do Xí nghiệp Hoá dược đang quản lý sử dụng vào mục đích sản xuất, gây độc hại, sang xây dựng trường học, phù hợp với qui hoạch mạng lưới trường học và nhu cầu sử dụng của toàn khu vực.
2.3.2. Cơ quan:
Các cơ quan đã được cấp đất và cấp giấy phép xây dựng theo qui hoạch để được giữ lại nhưng yêu cầu chủ sử dụng phải có giải pháp cải tạo, chỉnh trang kiến trúc công trình và không gian sân vườn.
Khu đất Công ty Xuất nhập khẩu Phát hành phim Việt Nam (fafim) được giữ nguyên chức năng, một phần chuyển đổi sang đất ở.
Khu đất Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng giữ nguyên theo chức năng hiện có, yêu cầu chủ sử dụng phải chỉnh trang lại kiến trúc công trình và cải tạo phần sân vườn.
Chuyển đổi chức năng khu đất do Công ty Dụng cụ cơ khí xuất khẩu và khu đất giáp phố Tây Sơn do Xí nghiệp Hoá dược đang quản lý có nhiều công trình chất lượng kém, sản xuất gây ô nhiễm môi trường sang xây dựng cơ quan, văn phòng.
2.3.3. Đất quốc phòng.
Giữ nguyên chức năng khu đất hiện do Công ty 29 đang quản lý nhưng yêu cầu chủ sử dụng phải chỉnh trang lại kiến trúc công trình hiện có.
2.3.4. Di tích lịch sử.
Chùa Phúc Khánh là di tích lịch sử, văn hoá được xếp hạng sẽ được trùng tu, tôn tạo theo dự án riêng đúng qui định của pháp luật về bảo vệ các công trình di tích lịch sử; Phạm vi bảo vệ chùa trong khu vực I tuyệt đối không được xây dựng bất kỳ công trình gì. Đối với các công trình hiện có nằm trong phạm vi bảo vệ khu vực II, yêu cầu Sở Văn hoá Thông tin và cơ quan quản lý di tích và danh thắng làm việc cụ thể với UBND phường sở tại để thống nhất biện pháp quản lý.
2.3.5. Nhà ở:
Các khu nhà ở tập thể của các cơ quan, đơn vị đã được cấp đất xây dựng của cấp có thẩm quyền và các khu nhà ở của nhân dân đã được xây dựng từ lâu về cơ bản được giữ lại để cải tạo, chỉnh trang theo hướng giảm mật độ xây dựng, tạo các không gian mở bên trong nhằm cải thiện môi trường sống, mở rộng và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các đường, ngõ trong khu dân cư tạo mối liên hệ thuận tiện giữa các khu vực, đồng thời đảm bảo theo tiêu chuẩn, qui chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, cứu thương, thu gom rác thải...
Đối với những khu vực cho phép dân cư tự chỉnh trang thì Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Sở Xây dựng và UBND các quận phải có hướng dẫn cụ thể, thống nhất hình thức kiến trúc mặt phố, giúp cho nhân dân tự cải tạo, chỉnh trang. Tầng 1 các nhà mặt phố khuyến khích sử dụng làm dịch vụ công cộng.
Những nhà ở cao tầng đã xây dựng sẽ được chỉnh trang lại kiến trúc, phá dỡ những phần cơi nới bất hợp lý, ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của công trình.
Tổ chức xây dựng một số khu nhà ở cao tầng kết hợp với dịch vụ công cộng ở tầng 1 tại phường Khương Trung để giải quyết một phần di dân, tái định cư tại chỗ.
2.3.6. Cây canh cách ly:
Dọc sông Tô Lịch sẽ tổ chức trồng cây xanh kết hợp với việc mở đường giao thông dọc 2 bên sông tạo thành hành lang cây xanh bảo vệ sông góp phần cải thiện môi trường sống, cải thiện vi khí hậu cho khu vực và tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân.
2.4. Qui hoạch hạ tầng kỹ thuật:
2.4.1. Giao thông:
a. Giao thông đường bộ.
Nút Ngã Tư Sở là nút giao thông cắt khác cốt của các tuyến đường Láng - Trường Chinh với phố Tây Sơn - Nguyễn Trãi. Trong đó:
Đường Trường Chinh - đường Láng là tuyến đường vành đai II, có mặt cắt ngang rộng khoảng 53,5m
Đường Nguyễn Trãi - Tây Sơn là tuyến đường Thành phố cấp I, hướng tâm, có mặt cắt ngang: phố Tây Sơn là ³ 45,00m, đường Nguyễn Trãi là 68,00 - 70,50m
Phố Thái Thịnh có mặt cắt ngang rộng 20,5m
Đường nhánh và đường vào nhà có mặt cắt ngang rộng từ 11,5m đến 17m.
Mạng lưới đường nội bộ của khu nhà ở được bố trí tới chân công trình cao tầng, kết nối với mạng lưới đường hiện có của các khu chung cư đã xây dựng với mặt cắt ngang rộng 6,0m.
Xây dựng đường đi bộ ngầm qua nút giao thông Ngã Tư Sở.
b/ Đường sắt đô thị.
Để giải quyết khả năng mở đường sắt đô thị chạy qua nút giao thông Ngã Tư Sở, có thể lựa chọn một trong 2 phương án sau:
Phương án 1: Tổ chức nút giao thông hai tầng theo hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi. Trong phương án này tuyến đường sắt đô thị đi trên cao nằm trong thành phần mặt cắt ngang của phố Tây Sơn - Nguyễn Trãi ở tầng 2.
Phương án 2: Tổ chức giao thông hai tầng trong đó tuyến đường sắt đô thị đi trên cao tách khỏi phạm vi mở rộng nút Ngã Tư Sở. Đường bộ đi cầu vượt theo hướng đường Tây Sơn - Nguyễn Trãi (Vị trí tuyến trong bản vẽ QH-07A)
Vị trí cụ thể tuyến đường sắt đô thị và cầu vượt đường bộ được thực hiện theo dự án riêng.
c) Bãi đỗ xe.
Bố trí 1 bãi đỗ xe công cộng kết hợp với trạm sửa chữa nhỏ tại khu vực vườn hoa trước Trường Đại học Thuỷ Lợi, với diện tích khoảng 1000m2.
Bố trí bãi đỗ xe tạm thời gần Trung tâm dịch vụ Ngã Tư Sở với diện tích khoảng 1400 m2 và bãi đỗ xe trong khu tập thể Vĩnh Hồ (khi chưa xây dựng tuyến đường sắt đô thị đi trên cao theo phương án 2)
Ngoài ra, tại các công trình cao tầng bố trí diện tích đỗ xe trong các công trình đó, kết hợp với các bãi xe trong khuôn viên các khu đất.
d) Trạm bán xăng:
Tạm thời sử dụng trạm bán xăng hiện có trên đường Láng, cách khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở khoảng 300m về phía Tây bắc.
2.4.2. San nền, thoát nước mưa:
San nền được xác định trên cơ sở qui hoạch hệ thống thoát nước đã nghiên cứu, bảo đảm cho khu đất xây dụng không bị úng ngập, phù hợp với qui hoạch san nền, thoát nước chung của Thành phố.
Hệ thống thoát nước khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở được thoát vào sông Tô Lịch và mương Hào Nam - Yên Lãng, thông qua các tuyến cống D = 600mm, 800 mm, 1500mm và tuyến cống 2D = 1000mm và D = 1000mm. Cao độ đặt cống được xác định theo cao độ mực nước cao nhất tại sông Tô Lịch.
2.4.3. Cấp nước:
Nguồn nước cấp cho khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở và tuyến Ngã Tư Sở - Thái Thịnh được lấy từ nhà máy nước Hạ Đình, Mai Dịch thông qua các tuyến ống truyền dẫn D600m, D400mm, D300mm.
Tuyến ống phân phối D225mm, D160mm, D110mm, D90mm, D63mm, D50mm đặt trên hè đường.
Mạng lưới ống phân phối nhánh là mạng lưới cụt, nhánh dạng cành cây.
Hiện có 01 họng nước cấp cho cứu hoả nằm trên hè phía trước Công an phường Ngã Tư Sở, 01 bể chứa nước dự trữ cứu hoả, dung tích khoảng 100m3 tại khu vực gần Trường Đại học Thuỷ lợi. Đối với công trình dịch vụ lớn, đặc biệt quan trọng, cần xây dựng bể chứa và mạng lưới ống cấp nước chữa cháy riêng.
2.4.4. Cấp điện:
Nguồn điện cao thế được lấy từ 2 trạm: Trạm 110/10KV Thành Công và trạm 110/35/6KV Thượng Đình. Các tuyến điện cao thế dẫn vào các trạm biến thế, đi bằng cáp ngầm có điện áp chuẩn 22KV (trước mắt vận hành 6,10KV - phụ thuộc vào cấp điện áp trung thế hiện có của các trạm 110/10KV Phương Liệt và 110/35/6KV Mai Động hiện có). Lưới hạ thế có cấp điện áp 380/220V.
Tổng số trạm biến thế trong khu vực là 13 trạm biến thế, từ N-1 đến N-13 với tổng công suất 8530 KVA; 2 trạm biến thế hiện có sẽ được cải tạo nâng công suất là trạm N-1 (trạm Ngã Tư Sở) và trạm N-4 (Công ty Xuất nhập khẩu Phát hành phim Việt Nam), xây dựng mới 11 trạm biến thế với tổng công suất 7340 KVA. Đối với các toà nhà cao tầng có công suất tiêu thụ lớn, trạm biến thế sẽ được đặt ngay trong tầng 1. Các trạm biến thế được xây kín, một số các trạm được xây mới sẽ thay thế các trạm cũ phải di chuyển để mở đường và xây dựng các công trình theo qui hoạch. Vị trí, công suất trạm biến thế sẽ được xác định cụ thể ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Từ các trạm biến thế có các lộ hạ thế 0,4KV đến các phụ tải cấp điện cho công trình (các lộ cáp trục có tiết diện từ XLPE - 95 trở lên). Các tuyến hạ thế trong bản vẽ chỉ là hướng tuyến sơ bộ, sẽ được xác định cụ thể khi lập dự án chi tiết.
Hệ thống đường giao thông của khu vực sẽ được chiếu sáng bằng đèn thuỷ ngân cao áp.
2.4.5. Mạng lưới thông tin bưu điện.
Phục vụ các thuê bao của khu vực là tổng đài Ngã Tư Sở sẽ xây dựng với công suất tổng đài 7000 số thông qua các tủ cáp dự kiến xây dựng.
Các đường cáp treo thuê bao hiện có sẽ được thay thế bằng cáp ngầm.
2.4.6. Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường.
Giai đoạn trước mắt sử dụng hệ thống thoát nước chung, nước bẩn sau khi được xử lý cục bộ được đấu nối tạm thời tại một số điểm với hệ thống thoát nước mưa. Sau này, hệ thống thoát nước mưa và nước bẩn phải được bố trí tách riêng.
Rác thải từ các công trình được thu gom tập trung tại các khu vực qui định, ngoài ra bố trí thêm các thùng rác công cộng.
Trên các trục đường đặt các thùng rác công cộng với khoảng cách từ 60m - 80m.
Điều 2:
Giao Kiến trúc sư trưởng Thành phố kiểm tra, xác nhận hồ sơ thiết kế qui hoạch chi tiết đúng với bộ hồ sơ đã được phê duyệt (lưu tại UBND Thành phố); phối hợp với UBND Quận Đống Đa, UBND Quận Thanh Xuân tổ chức công bố công khai qui hoạch chi tiết được phê duyệt cho các tổ chức và nhân dân biết, giám sát và thực hiện.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Đống Đa, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân và Kiến trúc sư trưởng Thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên việc xây dựng theo qui hoạch; xử lý các trường hợp xây dựng sai qui hoạch theo thẩm quyền, đúng qui định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3:
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Kế hoạch và Đầu Tư, Địa chính - Nhà đất, Xây dựng, Giao thông Công chính, Văn hoá Thông tin, Khoa học công nghệ và môi trường, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận Đống Đa, Thanh Xuân; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các phường: Ngã Tư Sở, Khương Thượng, Thịnh Quang, Khương Trung; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.