QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG B? Y T?QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Về việc ban hành "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương"
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày 12/4/2005 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về y tế ở địa phương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 09/2001/QĐ-BYT ngày 03/01/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành bản "Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-BYT
ngày 07 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí, vai trò
Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, chịu sự quản lý toàn diện của Giám đốc Sở Y tế, sự chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.
Điều 2. Tư cách pháp nhân
Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh có tư cách pháp nhân, có trụ sở, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Chức năng
Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế về lĩnh vực phòng, chống bệnh xã hội; tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống bệnh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống bệnh xã hội trên cơ sở mục tiêu của chương trình y tế quốc gia và tình hình thực tế của tỉnh trình Giám đốc Sở Y tế phê duyệt;
2. Thực hiện các hoạt động sau:
a) Triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống bệnh xã hội trên địa bàn tỉnh;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động phòng, chống bệnh xã hội đối với các cơ sở y tế trên địa bàn;
c) Phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về lĩnh vực phòng, chống bệnh xã hội;
d) Tham gia đào tạo và đào tạo lại chuyên môn, kỹ thuật về lĩnh vực phòng, chống bệnh xã hội theo kế hoạch của tỉnh và Trung ương cho cán bộ chuyên khoa và các cán bộ khác;
đ) Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực phòng, chống bệnh xã hội;
e) Quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia và các dự án khác thuộc lĩnh vực phòng, chống bệnh xã hội được Sở Y tế phân công;
g) Tổ chức triển khai thực hiện các dịch vụ về phòng, chống bệnh xã hội theo quy định của pháp luật; căn cứ vào điều kiện, năng lực và nhu cầu thực tế ở địa phương, Giám đốc Sở Y tế quy định theo thẩm quyền việc khám, điều trị, theo dõi và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng đối với những trường hợp mắc các bệnh xã hội tại Trung tâm theo quy định của pháp luật;
h) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách;
i) Thực hiện quản lý cán bộ, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật;
k) Thực hiện các chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật;
l) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế giao.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 5. Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội có Giám đốc và các Phó Giám đốc.
2. Các Phòng chức năng gồm:
a) Phòng Kế hoạch - Tài chính;
b) Phòng Tổ chức - Hành chính;
3. Các Khoa chuyên môn gồm:
a) Khoa Lao;
b) Khoa Tâm thần;
c) Khoa Da liễu;
d) Khoa Mắt;
đ) Khoa Xét nghiệm.
Điều 6. Biên chế và định mức lao động
Biên chế, định mức lao động của Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Kinh phí hoạt động
1. Ngân sách sự nghiệp y tế.
2. Ngân sách chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
3. Thu phí theo quy định của pháp luật.
4. Viện trợ và các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 8. Nhiệm vụ của các Khoa, Phòng
1. Phòng Kế hoạch - Tài chính:
a) Xây dựng kế hoạch tháng, quý, năm của Trung tâm; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các kế hoạch;
b) Tổng hợp dự trù thuốc, vật tư, hoá chất và các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho hoạt động của Trung tâm;
c) Quản lý và cấp phát kinh phí, thuốc, hoá chất, vật tư theo kế hoạch đã được phê duyệt, chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định của pháp luật;
d) Tham gia tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của Trung tâm và các cơ sở y tế trên địa bàn;
đ) Tổng hợp các mặt hoạt động của Trung tâm, thu thập thông tin, phân tích số liệu và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;
e) Làm đầu mối tổng hợp các dự án trong và ngoài nước của Trung tâm.
2. Phòng Tổ chức - Hành chính:
a) Quản lý công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hành chính, quản trị phục vụ cho hoạt động của Trung tâm;
c) Quản lý tài sản của Trung tâm;
d) Làm đầu mối tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn, các hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục sức khoẻ về phòng chống các bệnh xã hội.
3. Khoa Lao:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh Lao trên địa bàn tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về phát hiện, điều trị, quản lý, theo dõi và các yếu tố liên quan gây bệnh Lao;
c) Quản lý thông tin, tổng hợp số liệu, lập bản đồ, biểu đồ về tình hình dịch tễ bệnh Lao trên địa bàn;
d) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phòng, chống bệnh Lao.
4. Khoa Tâm thần:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh Tâm thần trên địa bàn tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về phát hiện, điều trị, quản lý, theo dõi và các yếu tố liên quan mắc bệnh Tâm thần;
c) Quản lý thông tin, tổng hợp số liệu, lập bản đồ, biểu đồ về tình hình dịch tễ bệnh Tâm thần trên địa bàn;
d) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phòng, chống bệnh Tâm thần.
5. Khoa Da liễu:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh phong, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các bệnh ngoài da trên địa bàn tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về điều tra, phát hiện, điều trị, theo dõi và các yếu tố liên quan đến bệnh phong, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các bệnh ngoài da;
c) Quản lý thông tin, tổng hợp số liệu, lập bản đồ, biểu đồ về tình hình dịch tễ bệnh phong, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các bệnh ngoài da trên địa bàn;
d) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phòng chống bệnh phong, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các bệnh ngoài da.
6. Khoa Mắt:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng chống các bệnh mắt gây mù loà và chăm sóc mắt cho nhân dân trong tỉnh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về điều tra, phát hiện, chuyển tuyến, điều trị, theo dõi các bệnh, tật về mắt và các yếu tố liên quan gây bệnh, thông báo kịp thời các sai sót về chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới;
c) Quản lý thông tin, tổng hợp số liệu, lập bản đồ, biểu đồ về tình hình dịch tễ các bệnh mắt gây mù loà trên địa bàn;
d) Làm đầu mối triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phòng chống mù loà và chăm sóc mắt.
7. Khoa Xét nghiệm:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống bệnh xã hội;
b) Lấy mẫu để xét nghiệm và bảo quản các mẫu xét nghiệm; gửi tuyến trên theo đúng quy định;
c) Hướng dẫn và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện áp dụng thường quy các kỹ thuật xét nghiệm thuộc lĩnh vực theo quy định đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh;
d) Triển khai thực hiện các dịch vụ xét nghiệm về phòng, chống bệnh xã hội theo quy định của pháp luật./.