Văn bản pháp luật: Quyết định 42/2002/QĐ-UB

 
Ninh Thuận
STP tỉnh Ninh Thuận;
Quyết định 42/2002/QĐ-UB
Quyết định
07/04/2002
22/03/2002

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng địa phương

 
2.002
 

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc ban hành Quy chế kiểm tra thực hiện nhiệm vụ

công tác quốc phòng địa phương

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21-6-1994;

Căn cứ Chỉ thị số20/2000/CT-TTg ngày 06-10-2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị định số 19/CP ngày 12-3-1994 về công tác quốc phòng trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng địa phương, gồm 5 chương, 15 Điều.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ KIỂM TRA THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC

QUỐC PHÒNG ĐỊA PHƯƠNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2002/QĐ - UB ngày 22-3-2002

của UBND tỉnh Ninh Thuận)

 

Căn cứ Điều 7, Điều 8 chương 2 của Nghị định số 19/CP ngày 12 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương;

Căn cứ Chỉ thị số 20/2000/CT-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị định số 19/CP ngày 12-3-1994 về công tác quốc phòng trong tình hình mới;

Căn cứ Thông tư số 1915/TTQP ngày 11-10-1994 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 19/CP của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương;

Căn cứ Chỉ lệnh số 61/CL-TM ngày 20-12-2001 của Tổng Tham mưu trưởng về công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng năm 2002;

Căn cứ Thông tư số 4086/2001/TTLB-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 24-12- 2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01-5-2001 của Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng;

Thực hiện Quy chế số 17/G7 ngày 10- 01-2001 của Bộ Quốc phòng về kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng địa phương;

Nay Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế, quy định việc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng hàng năm của các địa phương và các đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận,

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hàng năm phối hợp Thanh tra Nhà nước tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng ở các huyện, thị, cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, các Sở ban ngành, các nhà trường trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 19/CP của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chỉ thị, Chỉ lệnh của Tổng tham mưu trưởng.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê chuẩn và hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện, kết thúc đợt kiểm tra tổng hợp đánh giá kết quả và thông báo đến các địa phương, đơn vị được kiểm tra.

Điều 2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu (hoặc có sự chỉ đạo) của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong trường hợp kiểm tra đột xuất Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thông báo chậm nhất cho các địa phương, đơn vị 10 ngày trước khi kiểm tra, cơ quan quân sự dân quân tự vệ các cấp có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cơ quan quân sự cấp huyện, thị tổ chức quán triệt và hướng dẫn cấp dưới thực hiện đúng kế hoạch kiểm tra đã xác định.

Điều 3. Nội dung kiểm tra là những nội dung đã được ghi vào trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm của đơn vị, kể cả kiểm tra những nội dung không nằm trong kế hoạch năm và những nội dung chưa triển khai thực hiện có thể kiểm tra toàn diện, hoặc kiểm tra một số mặt công tác quốc phòng địa phương. Kiểm tra nội dung nào nhận xét, kết luận nội dung đó. Kiểm tra ở cấp nào chỉ huy cơ quan quân sự cấp đó trực tiếp báo cáo bằng văn bản, kiểm tra thực hành tiến hành ngoài thực địa do cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự các cấp chỉ huy, điều hành thực hiện theo yêu cầu, kế hoạch của đoàn kiểm tra.

Điều 4. Đối tượng, thành phần, thủ tục và điều kiện kiểm tra.

1. Đối tượng, thành phần:

1.1. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị (gọi chung là cấp huyện).

1.2. Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn và cơ sở tự vệ.

1.3. Lực lượng dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên.

1.4. Một số cơ quan Bộ, Sở ngành ở địa phương có liên quan.

1.5. Trường Chính trị hành chính, Trung tâm dạy nghề, đoàn thể cấp tỉnh, trường Quân sự tỉnh, trường Cao đẳng sư phạm, các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

2. Quy định thủ tục, điều kiện kiểm tra.

2.1. Các đơn vị, nhà trường, cơ quan được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ báo cáo, các loại văn bản, sổ sách cần thiết phục vụ cho đoàn kiểm tra.

2.2. Quân số theo quy định của kế hoạch kiểm tra hàng năm.

2.3. Lực lượng dân quân tự vệ tham gia kiểm tra phải có tên trong danh sách đăng ký, được biên chế trong lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương, cơ sở, được huấn luyện trong năm hoặc những năm trước đó, có giấy chứng nhận dân quân tự vệ do Ủy ban nhân dân xã, phường, Giám đốc doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan các cấp, có chứng minh thư nhân dân. Đối với học sinh, sinh viên phải được học môn Giáo dục quốc phòng theo giáo trình, chương trình trong năm quy định cho từng đối tượng. Đối với sinh viên phải có thẻ sinh viên do cấp có thẩm quyền cấp, đối với học sinh phải có tên trong sổ điểm của lớp.

2.4. Danh sách cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ học sinh, sinh viên được kiểm tra phải báo cáo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trước 10 ngày.

2.5. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được kiểm tra phải mang mặc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu, đội mũ có gắn phù hiệu dân quân tự vệ.

2.6. Học sinh, sinh viên được kiểm tra phải mang mặc gọn gàng, đi giày hoặc dép đủ quai.

2.7. Những cá nhân không đủ các điều kiện sẽ không được tham gia kiểm tra.

Điều 5. Đánh giá kết quả kiểm tra:

1. Đánh giá theo quy tắc kiểm tra chung của Bộ được Cục Dân quân tự vệ cụ thể hóa và được quy đổi theo thang điểm 10 phân loại theo 4 mức như sau:

1.1. Loại giỏi từ 8,0 điểm đến 10 điểm.

1.2. Loại khá từ 6,5 điểm đến cận 8,0 điểm.

1.3. Loại đạt từ 5,0 điểm đến cận 6,5 điểm.

1.4. Loại không đạt dưới 5,0 điểm.

2. Đối với cá nhân: Thành tích chung là điểm trung bình cộng của từng nội dung tham gia kiểm tra, căn cứ số điểm quy định từng mức ở Điều 5 để xếp loại.

3. Đối với tập thể:

3.1. Loại giỏi: Phải có ít nhất 90% tổng số nội dung kiểm tra đạt yêu cầu, có 50% đạt giỏi trở lên, trong đó nội dung làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng phải đạt loại giỏi.

3.2. Loại khá phải có ít nhất 80% tổng số nội dung kiểm tra đạt yêu cầu, có 50% đạt khá trở lên, trong đó nội dung làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng phải đạt loại khá.

3.3. Loại đạt: Các nội dung kiểm tra phải đạt yêu cầu 70% trở lên.

3.4. Không đạt: Các nội dung kiểm tra đạt yêu cầu dưới 70%.

4. Cách tính điểm:

Thành tích của từng nội dung kiểm tra là điểm trung bình cộng của các cá nhân tham gia kiểm tra nội dung đó.

Thành tích kiểm tra của tập thể là điểm trung bình cộng của các nội dung được kiểm tra.

Điều 6. Thời gian, các bước tiến hành kiểm tra hàng năm.

Quý I: Xây dựng kế hoạch cấp tỉnh, các địa phương và làm công tác chuẩn bị.

Quý II + III: Tiến hành kiểm tra theo kế hoạch.

Quý IV: Các huyện, thị, đơn vị cơ quan tổng hợp báo cáo tỉnh, tỉnh tổng hợp báo cáo Quân khu và Bộ.

 

Chương II

NỘI DUNG KIỂM TRA

Điều 7. Kiểm tra vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các cấp và vai trò tham mưu cán bộ chuyên trách công tác dân quân tự vệ.

1. Tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp, địa phương ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác của ngành.

1.1. Các văn bản lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Đảng ủy quân sự các cấp, văn bản lãnh đạo thực hiện công tác quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, công tác quốc phòng với an ninh.

1.2. Các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, HĐND các cấp về công tác quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ hàng năm và từng thời kỳ (chỉ thị, nghị quyết, quyết định, quy định).

1.3. Các văn bản của cơ quan quân sự các cấp: chỉ thị, chỉ lệnh, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ (năm, quý, tháng cả thường xuyên và đột xuất).

2. Triển khai thực hiện:

2.1. Việc tổ chức quán triệt, triển khai nhiệm vụ ở các cấp.

2.2. Kết quả tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và bồi dường kiến thức quốc phòng theo phân cấp (số lớp, nội dung, thời gian, số lượng đối tượng, tỷ lệ, kết quả).

2.3. Thực hiện nề nếp kiểm tra, thanh tra nhiệm vụ quốc phòng ở các địa phương, theo chỉ thị của Bộ, Quân khu.

2.4. Thực hiện kinh tế kết hợp quốc phòng.

2.5. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định (thường xuyên, đột xuất).

2.6. Kết quả thực hiện ngân sách, kinh phí bảo đảm cho công tác quốc phòng, công tác quân sự địa phương, việc xây dựng kế hoạch thu chi quỹ quốc phòng và thực hiện chính sách hậu phương quân đội ở các cấp, các địa phương.

2.7. Thực hiện chính sách đối với dân quân tự vệ.

2.8. Hệ thống sổ đăng ký quản lý dân quân tự vệ, mẫu biểu thống kê số liệu.

Điều 8. Kiểm tra công tác dân quân tự vệ.

1. Tổ chức xây dựng lực lượng:

1.1. Kết quả đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ.

1.2. Kế hoạch về tổ chức xây dựng lực lượng theo Pháp lệnh về dân quân tự vệ (cả các nội dung chỉ đạo củng cố, xây dựng dân quân tự vệ theo các chuyên đề, chuyên ngành...).

1.3. Số lượng, chất lượng, thành phần, quy mô tổ chức, biên chế trang bị của lực lượng dân quân tự vệ.

1.4. Kế hoạch và kết quả luân phiên dân quân hàng năm.

1.5. Thực hiện quy trình tuyển chọn, kết nạp dân quân tự vệ.

1.6. Xây dựng lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

1.7. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ mật, dân quân tự vệ trinh sát nắm địch.

1.8. Xây dựng đội ngũ cán bộ BCHQS xã, phường, cán bộ phân đội.

1.9. Nhận thức của dân quân tự vệ: Hiểu rõ nhiệm vụ, vị trí của dân quân tự vệ.

1.10 Thực hiện các chế độ chính sách với cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ.

2. Giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự:

2.1. Giáo dục chính trị và pháp luật chung cho các đối tượng, theo chương trình hướng dẫn của Cục Tư tưởng Văn hóa - Tổng cục Chính trị và Cục Dân quân tự vệ.

2.2. Huấn luyện quân sự chung:

Điều lệnh đội ngũ tay không.

Năm môn kỹ thuật băng bó cấp cứu.

Chiến thuật cá nhân, tổ, tiểu đội, trung đội.

2.3. Kỹ thuật bộ binh dân quân tự vệ:

Bắn đạn thật bài 1 (mục tiêu cố định) bằng súng trường AK, CKC, AR15.

Bắn súng bài 1 trên biển.

Ném lựu đạn xa đúng hướng và trúng đích.

Cách chắp nối đồ dùng gây nổ và gây nổ lượng nổ bằng nụ xòe.

Cách làm, sử dụng và bố trí các loại chông, mìn, cạm bẫy, vũ khí tự tạo và kỹ thuật làm công sự, ngụy trang.

2.4. Phòng không: Bắn kiểm tra súng PK 12,7mm mục tiêu cố định (bóng treo) tổ bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh.

2.5. Công binh: Tổ dân quân tự vệ bố trí chông, mìn chống bộ binh.

2.6. Pháo binh: bắn cối 60mm (82mm) bằng đạn nổ nhiều lần.

2.7. Trinh sát: Kỹ thuật đánh bắt địch tay không, có vũ khí.

2.8. Thông tin: Thông tin cờ tay, thông tin vận động hoặc ký tín ám hiệu (thông tin đơn giản).

2.9. Hóa học: Biện pháp và kỹ thuật phòng chống vũ khí hóa học bằng các phương tiện thô sơ.

2.10. Chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, giáo dục pháp luật.

3. Hoạt động của dân quân tự vệ:

3.1. Báo cáo kế hoạch:

Kế hoạch chiến đấu trị an của xã, phường.

Kế hoạch bảo vệ cơ quan xí nghiệp.

Hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

Kế hoạch dân quân làm công tác dân vận.

3.2. Xử trí tình huống A2.

Chỉ huy trưởng hoặc trung đội trưởng xử trí trên sơ đồ, bản đồ, hoặc ngoài thực địa.

Phân đội dân quân tự vệ thực hành xử trí tình huống theo kế hoạch.

Điều 9. Kiểm tra công tác giáo dục chính trị.

Kiểm tra nhận thức và thực hành các nội dung theo Quyết định số 12/2000/QĐ- BGD.ĐT ngày 09-5-2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo về ban hành chương trình môn học giáo dục quốc phòng cho các trường PTTH, THCN, Đại học và Cao đẳng. Quyết định số 635/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 03-7-2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; về việc ban hành chương trình môn học Giáo dục quốc phòng trong các trường, lớp dạy nghề dài hạn.

1. Đối với học sinh trung học phổ thông.

1.1. Lớp 10 : Lịch sử và truyề n thống Quân đội nhân dân Việt Nam.

1.2. Lớp 11: Luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh.

1.3. Lớp 12:

Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà trường Quân đội và tuyển sinh quân sự.

Một số hiểu biết về xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

2. Đối với sinh viên đại học - cao đẳng.

2.1. Một số quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh quân đội và bảo vệ Tổ quốc.

2.2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

2.3. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương.

2.4. Phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam.

2.5. Nghệ thuật quân sự Việt Nam.

2.6. Xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2.7. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

3. Đối với học sinh các trường trung học chuyên nghiệp.

3.1. Lịch sử truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. .

3.2. Luật NVQS và trách nhiệm của học sinh.

3.3. Một số hiểu biết về quốc phòng toàn dân.

3.4. Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

3.5. Phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam.

3.6. Một số hiểu biết về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng.

3.7. Pháp lệnh về dân quân tự vệ, Pháp lệnh về dự bị động viên.

4. Đối với học sinh các trường dạy nghề:

4.1. Việt Nam đánh giặc giữ nước.

4.2. Lịch sử truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

4.3. Luật NVQS và trách nhiệm của học sinh.

4.4. Một số hiểu biết về nền quốc phòng toàn dân.

4.5. Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

4.6. Phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam.

4.7. Một số hiểu biết về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và động viên công nghiệp phục vụ quốc phòng.

4.8. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

4.9. Pháp lệnh về dân quân tự vệ, Pháp lệnh về dự bị động viên.

Đánh giá kết quả kiểm tra thực hành: theo quy tắc kiểm tra đối với lực lượng dân quân tự vệ (có nội dung vận dụng khi đánh giá thành tích do Đoàn trưởng kiểm tra quyết định).

5. Đối với các Trung tâm giáo dục quốc phòng và các nhà trường.

5.1. Công tác chỉ đạo thực hiện môn học Giáo dục quốc phòng.

5.2. Công tác phối hợp của cơ quan dân quân tự vệ các cấp với nhà trường thực hiện môn học (quản lý nội dung, chương trình, đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên giáo dục quốc phòng và thực hiện quy chế).

5.3. Chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất huấn luyện.

5.4. Kết quả môn học.

6. Đối với các trường chính trị, hành chính, đoàn thể.

6.1. Việc triển khai thực hiện các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng có liên quan đến nhiệm vụ của nhà trường.

6.2. Kết quả thực hiện môn học giáo dục quốc phòng, nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng cán bộ theo phân cấp.

6.3. Tổ chức phương pháp thực hiện.

6.4. Quản lý môn học (cán bộ, giáo viên, nội dung, chương trình).

6.5. Kinh phí bảo đảm, cơ sở vật chất cho môn học.

6.6. Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo viên giáo dục quốc phòng.

6.7. Công tác kiểm tra hàng năm về công tác giáo dục quốc phòng trong các trường thuộc hệ thống trường chính trị, hành chính và đoàn thể.

 

Chương III

TỔ CHỨC, PHƯƠNG PHÁP

Điều 10. Tổ chức kiểm tra.

1. Hàng năm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì và phối hợp với Thanh tra Nhà nước tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra để kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của địa phương.

2. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, cử 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra.

3. Các huyện thị và các địa phương căn cứ kế hoạch tổ chức lực lượng tham gia kiểm tra đúng, đủ thành phần số lượng theo quy định.

Điều 11. Phương pháp kiểm tra.

1. Kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương theo kế hoạch lịch kiểm tra đoàn thông báo đến các đơn vị trước 10 ngày, kể cả kiểm tra đột xuất, kiểm tra chỉ định. Đối với các địa phương được thông báo kiểm tra phải chuẩn bị thao trường vật chất bảo đảm cho công tác kiểm tra.

Tiến hành kiểm tra từng nội dung theo phương pháp lần lượt hoặc song song, xen kẽ hoặc kết hợp.

2. Đối với Ban Chỉ huy Quân sự huyện (thị), Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường cơ sở tự vệ.

Nghe báo cáo, tìm hiểu, trao đổi chung; tiến hành kiểm tra hệ thống văn bản, các loại tài liệu liên quan đến công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

3. Đối với lực lượng dân quân tự vệ và học sinh - sinh viên:

Kiểm tra thực hành ngoài thực địa.

Kiểm tra viết, vấn đáp, trắc nghiệm tại hội trường.

Hoàn thành nội dung kiểm tra nào, đoàn đánh giá kết luận nội dung đó. Kết thúc kiểm tra đoàn có kết luận (bằng văn bản) đến các địa phương, đơn vị, cơ quan được kiểm tra.

 

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 12. Khen thưởng.

Cá nhân, tập thể (xã, phường, cơ sở tự vệ, nhà trường) của các địa phương tham gia kiểm tra đạt thành tích tốt được trưởng đoàn kiểm tra biểu dương và đề nghị đơn vị được kiểm tra ghi nhận đánh giá chung vào thành tích công tác hàng năm.

Điều 13. Kỷ luật.

1. Đối với cán bộ đoàn kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra vi phạm về quy chế, quy tắc làm ảnh hưởng tốt kết quả kiểm tra, đoàn trưởng đoàn kiểm tra sẽ căn cứ vào mức độ sai phạm để xem xét xác định hình thức kỷ luật nhắc nhở, cảnh cáo, cao nhất đến đình chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra.

2. Đối với cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên:

Không chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy, cán bộ đoàn kiểm tra, thiếu trung thực hoặc có hành động xấu gây ảnh hướng tới công tác kiểm tra, thì tùy theo mức độ vi phạm, đoàn trưởng sẽ xử lý theo các hình thức: trừ điểm, hủy bỏ kết quả và đình chỉ không cho tham gia kiểm tra của cá nhân hoặc cả tập thể.

3. Đối với đơn vị được kiểm tra: Nếu không thực hiện tốt yêu cầu, kế hoạch kiểm tra của đoàn kiểm tra, đoàn trưởng sẽ nhắc nhở, phê bình hoặc đình chỉ kiểm tra báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp.

 

Chương V

CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

Điều 14. Ban Dân quân tự vệ và các đơn vị tham gia đoàn kiểm tra căn cứ kế hoạch kiểm tra, chuẩn bị nội dung, đáp án kiểm tra và các mặt bảo đảm cho công tác kiểm tra, phối hợp cùng đơn vị địa phương, nhà trường để kiểm tra, bảo đảm phương tiện đi lại và hiệp đồng nơi ăn nghỉ cho đoàn kiểm tra.

Điều 15. Đối với địa phương, cơ sở chuẩn bị và thực hiện đúng nội dung theo kế hoạch.

Kinh phí, trang bị vũ khí và vật chất bảo đảm an toàn do địa phương đơn vị được kiểm tra đảm nhiệm.

Quy chế này thực hiện từ năm 2002, các văn bản trước đây đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc hoặc không phù hợp, các đơn vị tổng hợp ý kiến bằng văn bản gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh, qua cơ quan thường trực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổng hợp đề nghị Cục Dân quân tự vệ Bộ Quốc phòng điều chỉnh cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/ninhthuan/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18947&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận