QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Về việc ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương
"Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam"
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 44/2003/QĐ-BTC ngày 07/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
QUY CHẾ
XÉT TẶNG THƯỞNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
"VÌ SỰ NGHIỆP TÀI CHÍNH VIỆT NAM"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2005/QĐ-BTC, ngày 07/7/ 2005
của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam" (sau đây gọi tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức tặng thưởng của Bộ trưởng Bộ Tài chính để ghi nhận và động viên sự cống hiến của các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Tài chính.
Kỷ niệm chương được tặng một lần cho cá nhân.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG
Điều 2. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm:
- Cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi là cán bộ) đã và đang trực tiếp công tác trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính qua các thời kỳ.
- Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam).
- Lãnh đạo các Bộ, ngành; địa phương; các doanh nghiệp và các cá nhân ngoài ngành có thành tích đóng góp cho công tác tài chính.
- Cá nhân người nước ngoài có nhiều đóng góp xây dựng, phát triển ngành Tài chính Việt Nam.
Điều 3. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương:
1. Đối với cán bộ các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tài chính quận, huyện; Ban Tài chính xã, phường:
a) Tiêu chuẩn chung:
Cán bộ (bao gồm cả đương chức, đã nghỉ hưu, từ trần) có quá trình công tác trong ngành Tài chính đủ 20 năm (không quy đổi) đối với nam, đủ 15 năm (không quy đổi) đối với nữ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian công tác trong ngành Tài chính đối với cán bộ đương chức được tính đến thời điểm ngày 30/6 hàng năm; đối với cán bộ hưu được tính đến ngày nghỉ hưu; đối với cán bộ từ trần, được tính đến ngày mất.
Không xét tặng Kỷ niệm chương cho cán bộ đã bị kỷ luật buộc thôi việc, đang bị cơ quan pháp luật khởi tố hoặc đã bị án tù giam hoặc đang trong thời gian bị thi hành kỷ luật. Trường hợp cán bộ trong thời gian trước đây có vi phạm bị xử lý kỷ luật (không thuộc những đối tượng nói trên) nhưng đã được xoá kỷ luật, khi xét phải trừ thời gian bị kỷ luật và chỉ được xét tặng sau 3 năm tính từ thời điểm được xoá kỷ luật.
b) Các qui định khác:
- Cán bộ có thời gian trực tiếp công tác ở các đơn vị thuộc ngành Tài chính từ những ngày đầu thành lập ngành Tài chính (ATK, cơ quan in bạc Việt Nam, Sở Kho thóc, Sở muối ...) trong thời kỳ chống Pháp.
- Cán bộ ngành Tài chính hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được công nhận là Liệt sỹ.
- Đối với cán bộ trong ngành Tài chính được điều động sang công tác ở ngành khác hoặc đi nghĩa vụ quân sự, sau đó trở về công tác trong ngành Tài chính thì thời gian công tác ở ngành khác, thời gian làm nghĩa vụ quân sự vẫn được tính là thời gian công tác trong ngành Tài chính.
- Cán bộ đã có thời gian công tác trong ngành Tài chính 15 năm (đối với nam), 12 năm (đối với nữ), sau đó chuyển công tác ra các cơ quan ngoài ngành tính đến khi đề nghị xét tặng vẫn đang làm công tác tài chính kế toán.
- Cán bộ các hệ thống Thuế, Kho bạc Nhà nước, quản lý tài chính doanh nghiệp ... được điều động từ ngành khác đến thì thời gian làm công tác tài chính kế toán ở các đơn vị trước đó cũng được tính là thời gian công tác trong ngành Tài chính.
- Cán bộ đã từng làm việc trong lĩnh vực Hải quan, Vật giá, Dự trữ quốc gia từ trung ương đến địa phương và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, được cộng thêm thời gian công tác tại các cơ quan này trước đó vào thời gian chuyển về Bộ Tài chính để làm cơ sở xét tặng Kỷ niệm chương.
- Lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp quận, huyện của cơ quan Tài chính (Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thuế, Dự trữ quốc gia, Hải quan) được luân chuyển bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương đã có thời gian công tác trong ngành Tài chính 15 năm.
2. Đối với cán bộ ngoài ngành Tài chính có nhiều đóng góp công sức cho công tác tài chính được xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm:
a) Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương đương nhiệm (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam).
b) Lãnh đạo các bộ, ngành đương nhiệm (gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách tài chính);
c) Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán các Bộ, ngành, các Ban của Đảng, các đoàn thể trung ương có thời gian công tác tài chính kế toán từ 20 năm (đối với nam) 15 năm (đối với nữ) trở lên và hiện vẫn đang giữ chức vụ này, không vi phạm kỷ luật tài chính.
d) Lãnh đạo địa phương đương nhiệm (gồm Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Đ) Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đương nhiệm, đã có 5 năm phụ trách tài chính.
e) Kế toán trưởng các doanh nghiệp có thời gian công tác tài chính kế toán từ 15 năm trở lên và hiện vẫn đang giữ chức vụ này, quá trình công tác tài chính kế toán ở đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, không vi phạm kỷ luật tài chính.
g) Các cá nhân ở các ngành có liên quan: phóng viên báo chí, đài phát thanh, truyền hình ... có thời gian công tác từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia hỗ trợ xây dựng ngành Tài chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Đối với người nước ngoài:
Người nước ngoài làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, khi kết thúc nhiệm kỳ công tác có nhiều công lao giúp đỡ ngành Tài chính Việt Nam trên các mặt: Mở rộng quan hệ hợp tác tài chính với các nước và các tổ chức tài chính quốc tế; vận động các tổ chức quốc tế, các nhà tài chính đóng góp giúp đỡ về tinh thần, vật chất hoặc có những đóng góp lớn khác về tư vấn, đào tạo, trợ giúp kỹ thuật v.v... phù hợp với đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác tài chính quốc tế của Chính phủ Việt Nam để giúp cho ngành Tài chính Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Các trường hợp đặc biệt khác mang tính chất ngoại giao.
4. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tặng thưởng Kỷ niệm chương cho cá nhân trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng Bộ.
Chương III
QUY TRÌNH THỦ TỤC TIẾN HÀNH
Điều 4. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương cụ thể như sau:
1. Ở Trung ương:
a) Đối với cán bộ đang công tác trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính:
Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào đối tượng, tiêu chuẩn qui định tại Điều 2, Điều 3 lập danh sách các cá nhân (theo mẫu số 1 đính kèm) đủ tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương để trình Bộ trưởng.
b) Đối với cán bộ thuộc Bộ Tài chính đã nghỉ hưu trí, mất sức lao động:
Thủ trưởng đơn vị quản lý cán bộ trước lúc nghỉ hưu trí, mất sức lao động phối hợp với Ban liên lạc hưu trí của Bộ Tài chính lập danh sách các cá nhân có đủ tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương gửi về Bộ Tài chính (theo mẫu số 1).
c) Đối với các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Văn phòng Bộ chuẩn bị các thủ tục xét tặng Kỷ niệm chương theo Quy chế của Trung ương.
d) Đối với các Bộ, ngành, doanh nghiệp:
- Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp và các Vụ Tài chính chuyên ngành trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành, để các cơ quan có văn bản đề nghị danh sách các cá nhân có đủ tiêu chuẩn qui định tại điểm a, b, c Điều 3 gửi về Bộ Tài chính xét tặng.
- Cục Tài chính doanh nghiệp có trách nhiệm giới thiệu danh sách Kế toán trưởng các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xét tặng.
đ) Đối với các cá nhân ở các ngành có liên quan nói tại điểm g Điều 3: Văn phòng Bộ phối hợp các đơn vị có liên quan giới thiệu danh sách và làm thủ tục đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
e) Đối với người nước ngoài:
Thủ trưởng các đơn vị có quan hệ công tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các dự án nước ngoài xem xét thành tích đóng góp cho ngành Tài chính của các cá nhân người nước ngoài, chủ trì phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính đối ngoại có ý kiến thẩm định. Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Ngoại giao, Vụ Hợp tác quốc tế tổng hợp danh sách báo cáo Bộ Tài chính xét tặng Kỷ niệm chương.
2. Ở các địa phương:
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có tổ chức hệ thống dọc tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến Quy chế xét tặng thưởng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam" tới các đơn vị cơ sở thuộc hệ thống đơn vị quản lý, lập danh sách cán bộ công chức có đủ tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương gửi về Bộ Tài chính qua Tổng cục Thuế (đối với các Cục Thuế tỉnh, thành phố); Kho bạc Nhà nước (đối với các Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố); Cục Dự trữ quốc gia (đối với các Dự trữ quốc gia khu vực); Tổng cục Hải quan (đối với các Cục Hải quan địa phương và đơn vị khác thuộc Tổng cục Hải quan đóng ở địa phương);
- Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương tới các đơn vị cơ sở và tổng hợp danh sách cán bộ thuộc phạm vi quản lý có đủ tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương gửi về Bộ Tài chính xem xét tặng thưởng Kỷ niệm chương.
- Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đề xuất danh sách báo cáo lãnh đạo ở địa phương chuẩn bị các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính tặng Kỷ niệm chương cho các đồng chí lãnh đạo ở địa phương nói tại điểm d, đ Điều 3.
- Trưởng ban Ban liên lạc cán bộ hưu trí và Trưởng ban Ban liên lạc cán bộ ATK Bộ Tài chính chủ trì lập danh sách cán bộ đã nghỉ hưu có đủ tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương để trình Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ ).
Điều 5. Việc xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam" được thực hiện hàng năm. Các đơn vị đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương hoàn tất việc gửi hồ sơ về Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ) vào ngày 30/6, Vụ Tổ chức cán bộ tập hợp hồ sơ phối hợp với Văn phòng Bộ làm thủ tục trình Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Tài chính phê duyệt danh sách tặng Kỷ niệm chương và công bố trao tặng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành Tài chính 28/8 hàng năm.
Chương IV
QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 6. Người được tặng thưởng Kỷ niệm chương được cấp Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương.
Chương V
VIỆC TỔ CHỨC TRAO TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 7. Căn cứ vào Quyết định tặng Kỷ niệm chương, Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương vào dịp kỷ niệm thành lập ngành Tài chính các năm chẵn.
Lãnh đạo Bộ Tài chính tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức việc trao tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân thuộc phạm vi đơn vị quản lý của mình.
Bộ Tài chính uỷ quyền cho Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ công bố và trao Kỷ niệm chương cho các cán bộ thuộc đơn vị quản lý.
Chương VI
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
VỀ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 8. Xử lý vi phạm về xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân nào báo cáo không đúng sự thật về các tiêu chuẩn quy định để được xét tặng Kỷ niệm chương thì bị thu hồi Kỷ niệm chương, giấy chứng nhận và bị xoá tên trong Quyết định xét tặng.
2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc thu hồi Kỷ niệm chương.
Điều 9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương
Trình tự, thủ tục, thời hạn và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Tài chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện các qui định tại bản Quy chế này./.