Văn bản pháp luật: Quyết định 43/2004/QĐ-TTg

Phan Văn Khải
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 43/2004/QĐ-TTg
Quyết định
15/04/2004
23/03/2004

Tóm tắt nội dung

Về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam

Thủ tướng
2.004
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯ­ỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt Quy hoạch chung

xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam

 

 

THỦ TƯ­ỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ trư­ởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 80/TTr-BXD ngày 10 tháng 12 năm 2003,

                                  

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi lập quy hoạch gồm 14 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Núi Thành và thị xã Tam Kỳ, với tổng diện tích đất tự nhiên 27.040 ha, có giới hạn như sau:

Phía Đông giáp biển Đông;

Phía Tây giáp xã Tam Mỹ và xã Tam Thanh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam;

Phía Nam giáp huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi;

Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

2. Về tính chất

Khu kinh tế mở Chu Lai (trong đó có khu phi thuế quan) là một trong những trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, viễn thông, dịch vụ khác của tỉnh Quảng Nam, vùng duyên hải Trung Bộ; là đầu mối giao thông liên tỉnh, liên vùng và là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

3. Quy mô dân số

Dự kiến đến năm 2010 khoảng 215.000 người, trong đó:

Dân số đô thị khoảng 100.000 người;   

Dân cư nông, ngư nghiệp khoảng 115.000 người.

Dự kiến đến 2020 và sau 2020 khoảng 800.000 người, trong đó:

Dân số đô thị khoảng 750.000 người;

Dân cư nông, ngư nghiệp khoảng 50.000 người.

4. Quy mô đất đai

Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 27.040 ha, bao gồm đất các khu chức năng sau:

TT

Các khu chức năng

Đến

năm 2010

Đến

năm 2020

1

Đất khu phi thuế quan

1.656,7 ha

1.656,7 ha

2

Đất xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

785 ha

3.000 ha

3

Đất các khu du lịch

1.700 ha

2.100 ha

4

Đất trung tâm đào tạo (đại học, trung học, dạy nghề), nghiên cứu khoa học

 

295 ha

5

Đất xây dựng đô thị

1.800 ha

5.245 ha

6

Đất cây xanh sinh thái, cây xanh cách ly

150 ha

750 ha

7

Đất các khu dân cư nông thôn

1.070 ha

1.070 ha

 

   + Các khu dân cư nông nghiệp

500 ha

730 ha

 

   + Các khu dân cư ngư nghiệp

570 ha

340 ha

8

Đất giao thông đối ngoại, giao thông liên khu vực

500 ha

940 ha

9

Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hành lang kỹ thuật

500 ha

1.500 ha

10

Đất dự trữ phát triển

0

300 ha

11

Đất các khu nông nghiệp sinh thái

6.430 ha

1.013 ha

12

Đất chưa sử dụng, mặt nước, đồi núi...

12.448,3 ha

9.170,3 ha

 

Tổng cộng

27.040 ha

27.040 ha

5. Định hướng tổ chức không gian

a) Hướng phát triển

Tập trung phát triển xây dựng ở khu vực phía Đông đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, khai thác triệt để quỹ đất cồn cát ven biển, gò đồi, đất trống trong khu vực nhằm:

Ưu tiên dành các khu vực đất thuận lợi cho việc xây dựng khu phi thuế quan, các khu công nghiệp và phát triển đô thị;

Dành một phần quỹ đất canh tác, mặt nước sông hồ, đầm phá để tổ chức khai thác kinh tế nông,  ngư nghiệp;

Bảo vệ, tôn tạo và khai thác cảnh quan thiên nhiên các bãi biển, các hồ, các sông: Trường Giang, Bàn Thạch, Tam Kỳ,  các đồi núi... để tạo cảnh quan cho khu kinh tế mở. Tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử, bảo vệ môi trường.

b) Phân khu chức năng

Khu phi thuế quan:

Là khu vực có hàng rào cứng, được bố trí tại xã Tam Quang, xã Tam Giang và một phần xã Tam Nghĩa, gắn liền với cảng Kỳ Hà, có quy mô khoảng 1.656,7 ha.

Các khu công nghiệp: tổng diện tích đất khoảng 3.000,0 ha, gồm các khu công nghiệp:

Khu công nghiệp Bắc Chu Lai: diện tích 630 ha, gồm dự kiến có công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, vi điện tử, tự động hóa, lắp ráp, hàng dân dụng...;

Khu công nghiệp Tam Anh: diện tích 1.915 ha, gồm công nghiệp sau hóa dầu, các ngành công nghiệp nhẹ, gia công chế biến nông, lâm, hải sản, cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất đồ điện, dụng cụ giả da, dụng cụ thể thao...;

Khu công nghiệp Tam Hiệp: diện tích 125 ha, gồm công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, máy kéo, chế biến thức ăn gia súc, các loại gạch men sứ, thiết bị vệ sinh cao cấp...;

Khu công nghiệp Tam Thăng: diện tích 300 ha, gồm công nghiệp vật liệu xây dựng, cát thủy tinh, thủ công mỹ nghệ...;

Khu công nghiệp An Phú: diện tích 30 ha, bố trí các ngành công nghiệp may mặc, da giầy, chế biến lương thực, thực phẩm, điện tử, hàng dân dụng...

Du lịch: các khu du lịch có quy mô khoảng 2100 ha, chủ yếu được phân bố dọc theo bãi biển và sông Trường Giang tại các xã Tam Hải, Bãi Rạng, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Thanh và khu vực Núi Thành.

Đào tạo: các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, dạy nghề có quy mô khoảng 295 ha được bố trí tại đô thị Tam Phú.

Các khu đô thị: gồm 3 khu đô thị mới với khoảng 75 vạn người, quỹ đất xây dựng đô thị đến 2020 khoảng 5.245 ha, giai đoạn đầu đến 2010 khoảng 1.800 ha, chất lượng đô thị tương đương đô thị loại II, gồm:

Khu đô thị Núi Thành: dân số khoảng 28 vạn người; đất dân dụng khoảng 1.900ha, bình quân 68 m2/người;

Khu đô thị Tam Hòa: dân số khoảng 26 vạn người; đất dân dụng khoảng 1.640ha bình quân 63m2/người;         

Khu đô thị mới Tam Phú: dân số khoảng 21 vạn người, đợt đầu 3,5 vạn; đất dân dụng khoảng 2.000 ha, bình quân 95m2/người.

Các khu dân cư nông thôn: dân số đến năm 2020 khoảng 5 vạn người; đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 1.070 ha. Giai đoạn đầu xây dựng một số điểm tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng các khu chức năng như: các khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, An Phú, các khu chức năng trong khu phi thuế quan tại Tam Quang, các khu du lịch tại Tam Hải, Tam Hòa v.v...

Các khu cây xanh: gồm các khu cây xanh sinh thái, cây xanh cách ly giữa các khu công nghiệp và các khu đô thị được bố trí ven các hồ, sông (hồ sông Đầm, sông Tam Kỳ, sông Trường Giang...), có quy mô đất khoảng 750 ha.

6. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật

a) Về giao thông

Giao thông đối ngoại:

Đường hàng không: mở rộng sân bay Chu Lai với diện tích khoảng 3.000 ha (Bộ Giao thông vận tải quy hoạch chi tiết công trình này);

Đường sắt: xây dựng đoạn tuyến đường sắt xuyên Việt (Bộ Giao thông vận tải quy hoạch chi tiết đoạn đường này);       

Đường bộ: xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất chạy qua khu kinh tế mở về phía Tây; cải tạo nâng cấp tuyến tỉnh lộ 616 đi Tây Nguyên đạt tiêu chuẩn đường cấp III, đảm bảo nhu cầu giao lưu với vùng Tây Nguyên; xây dựng tuyến đường phía Đông sân bay Chu Lai nối cảng Kỳ Hà với khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi;      

Đường biển: đầu tư xây dựng cảng Kỳ Hà (theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải).

b) Giao thông đối nội

Giao thông liên khu đô thị.

Đường bộ:

Các trục dọc hướng Bắc - Nam: cải tạo tuyến quốc lộ 1A đoạn qua khu kinh tế mở; xây dựng trục trung tâm phía Đông kết nối hệ thống trung tâm của các khu đô thị Tam Phú - Tam Hòa - Núi Thành; xây dựng tuyến đường ven biển phục vụ cho phát triển du lịch dọc bờ biển và sông Trường Giang;

Các trục ngang hướng Đông - Tây: xây dựng tuyến phía Bắc thị xã Tam Kỳ nối đường cao tốc đến tuyến đường ven biển; các tuyến nối đường cao tốc với trục phía Đông, đô thị mới Tam Hiệp, đô thị Núi Thành và cảng Kỳ Hà.

Đường sắt nội đô: cải tạo nâng cấp đoạn tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có thành đường sắt đôi điện khí hóa phục vụ vận tải công cộng liên đô thị (theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải);

Đường thủy: cải tạo sông Trường Giang thành tuyến giao thông thủy liên đô thị phục vụ du lịch, vận tải hàng hóa và hành khách.

Giao thông nội bộ các khu đô thị.

Xây dựng các tuyến đường chính đô thị tại các đô thị và các tuyến đường du lịch ven biển.

Các công trình phục vụ giao thông.

Gồm các cầu qua sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và các bến bãi đỗ xe ôtô liên tỉnh, liên đô thị, ...

Định hướng phát triển giao thông công cộng:

Tổ chức các tuyến ôtô buýt, tuyến đường sắt đôi điện khí hóa;

Giao thông đường thủy tổ chức các tuyến tàu thủy, tàu thuyền chở khách, taxi nước phục vụ vận chuyển hành khách liên đô thị.

c) Cấp nước   

Chỉ tiêu sử dụng nước:

Đợt đầu (đến năm 2010): nước sinh hoạt 120 lít/người.nđ, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch là 85%;

Giai đoạn dài hạn (đến năm 2020 và sau 2020): nước sinh hoạt 150 lít/ người.nđ, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch là 95%.

Tổng nhu cầu sử dụng nước:

Đến năm 2010: 91.400 m3/ng.đ;

Đến năm 2020: 406.700 m3/ng.đ.

d) Cấp điện

Tổng nhu cầu sử dụng điện:

Đến năm 2010: 247,18 P (MW);

Đến năm 2020: 956,6 P (MW).

Nguồn điện

Sử dụng 1 trạm biến áp 110/35/22KV công suất giai đoạn đầu 1 x 40MVA, tương lai 2 x 40MVA để cấp điện cho huyện Núi Thành.

Xây dựng tuyến 220KV Đà Nẵng - Dốc Sỏi và đường dây 500KV mạch 2 Pleiku - Dung Quất Đà Nẵng (theo tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn V của Tổng công ty Điện lực Việt Nam) và tại Dốc Sỏi trạm 500/220/110KV công suất 1 x 450MVA, trạm 220/110KV công suất 3 x 125MVA.

đ) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường

Khu công nghiệp và khu phi thuế quan

Xây dựng mạng lưới thoát nước và các trạm xử lý nước thải cho các khu công nghiệp với tổng công suất là 96.040m3/ngđ; các trạm xử lý nước thải khu phi thuế quan với tổng công suất là 36.900m3/ngđ, diện tích 5,5 ha.

Các khu đô thị

Xây dựng mạng lưới thoát nước và các trạm xử lý nước thải tại các khu đô thị, các khu du lịch đã được xác định theo thiết kế san nền.

Điều 2.

1. Mở rộng phạm vi ranh giới Khu kinh tế mở Chu Lai đã được quy định tại Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, nay bao gồm cả xã Tam Xuân II (theo địa giới hành chính hiện tại).

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai để làm cơ sở quản lý quy hoạch và triển khai các bước đầu tư xây dựng tiếp theo.

3. Giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai:

Ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai sau khi có thoả thuận của Bộ Xây dựng.

Tổ chức công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan có kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch chung này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20083&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận