Văn bản pháp luật: Quyết định 46/2014/QĐ-TTg

Nguyễn Tấn Dũng
Quyết định 46/2014/QĐ-TTg
Quyết định
...
15/08/2014

Tóm tắt nội dung

Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai

Tài nguyên và Môi trường
Thủ tướng
2.014
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai

________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai.

Điều 3. Các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin

1. Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (sau đây gọi là Biển Đông, Phụ lục I Quyết định này) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam.

2. Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực Biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.

3. Lũ trên các sông trên lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan (Phụ lục II và Phụ lục III Quyết định này).

4. Những trận động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.

5. Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

6. Những trận sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

7. Các thiên tai lốc, sét, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối và các loại thiên tai khác.

Điều 4. Giải thích các khái niệm và từ ngữ sử dụng trong Quyết định

1. Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy (đường kính có thể tới hàng trăm km) hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.

2. Tâm xoáy thuận nhiệt đới là vùng có trị số khí áp thấp nhất trong xoáy thuận nhiệt đới, nơi hội tụ của các luồng gió xoáy từ xung quanh thổi vào.

3. Sức gió mạnh nhất trong xoáy thuận nhiệt đới là tốc độ gió trung bình lớn nhất xác định trong thời gian hai (02) phút quan trắc (tính bằng cấp gió Bô-pho, Phụ lục IV Quyết định này).

4. Gió giật là gió với tốc độ tăng lên tức thời, được xác định trong khoảng hai (02) giây.

5. Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật (Phụ lục IV Quyết định này).

6. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão (Phụ lục IV Quyết định này).

7. Bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ là khi tâm bão, tâm áp thấp nhiệt đới đã vào đất liền.

8. Bão hoặc áp thấp nhiệt đới tan là bão, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp có sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.

9. Vùng gió mạnh do hoàn lưu của bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây nên là vùng có gió xoáy mạnh từ cấp 6 trở lên.

10. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc áp thấp nhiệt đới là vùng thời tiết xấu, có mưa, có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra.

11. Sai số dự báo bão là sự chênh lệch của vị trí tâm bão dự báo và tâm bão thực tế, giữa cấp gió dự báo mạnh nhất và cấp gió mạnh nhất thực tế tại thời điểm được dự báo.

12. Nước dâng do bão là hiện tượng nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do ảnh hưởng của bão.

13. Lốc là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương với sức gió của bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn, phạm vi hoạt động hẹp từ vài km2 đến vài chục km2.

14. Sét là hiện tượng phóng điện trong đám mây, giữa các đám mây với nhau hoặc giữa đám mây với mặt đất.

15. Mưa lớn là hiện tượng mưa với tổng lượng mưa đạt trên 50 mm trong 24 giờ, trong đó mưa với tổng lượng mưa từ 51 mm đến 100 mm trong 24 giờ là mưa to, mưa với tổng lượng mưa trên 100 mm trong 24 giờ là mưa rất to.

16. Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn.

17. Ngập lụt là hiện tượng mặt đất bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng.

18. Sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

19. Sụt lún đất là hiện tượng đất bị tụt xuống thấp hơn so với khu vực xung quanh, do ảnh hưởng của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

20. Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn bằng 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt.

21. Nắng nóng là dạng thời tiết đặc biệt trong mùa hè, khi nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày vượt quá 35 độ C và độ ẩm không khí xuống dưới 65%.

22. Hạn hán là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước.

23. Rét hại là dạng thời tiết đặc biệt xảy ra trong mùa đông ở miền Bắc khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 13 độ C.

24. Mưa đá là mưa dưới dạng cục băng hoặc hạt băng có kích thước, hình dạng khác nhau, xảy ra trong thời gian ngắn, kèm theo mưa rào, đôi khi có gió mạnh.

25. Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác. Sương muối thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây trong các tháng đầu mùa đông ở miền Bắc.

26. Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống. Lũ được phân thành các loại sau đây:

a) Lũ nhỏ là lũ có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

b) Lũ vừa là lũ có đỉnh lũ tương đương mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

c) Lũ lớn là lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

d) Lũ đặc biệt lớn là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc;

đ) Lũ lịch sử là lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.

27. Lũ bất thường là lũ xuất hiện trước hoặc sau mùa lũ quy định tại Khoản 32 Điều này hoặc lũ được hình thành do hồ chứa xả nước, do vỡ đập, tràn đập, vỡ đê.

28. Đỉnh lũ là mực nước cao nhất trong một trận lũ tại một tuyến đo. Đỉnh lũ năm là đỉnh lũ cao nhất đã quan trắc được trong năm. Đỉnh lũ trung bình nhiều năm là trị số trung bình của các đỉnh lũ năm trong thời kỳ quan trắc.

29. Biên độ lũ là trị số chênh lệch mực nước giữa đỉnh lũ và mực nước ngay trước lúc lũ lên.

30. Cường suất lũ là trị số biến đổi mực nước lũ trong một đơn vị thời gian.

31. Sai số dự báo lũ là sự chênh lệch của mực nước hoặc lưu lượng nước dự báo so với giá trị thực tế tại thời điểm được dự báo.

32. Mùa lũ là khoảng thời gian liên tục trong một năm thường xuất hiện lũ, được xác định như sau:

a) Trên các sông thuộc Bắc Bộ, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 15 tháng 10;

b) Trên các sông từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 15 tháng 11;

c) Trên các sông từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12;

d) Trên các sông thuộc tỉnh Bình Thuận, các tỉnh thuộc Nam Bộ và Tây Nguyên, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11.

33. Rủi ro thiên tai là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội.

34. Cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội.

35. Tình trạng khẩn cấp về thiên tai là tình huống khi các loại thiên tai quy định tại Điều 3 Quyết định này ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 5, có khả năng gây thảm họa, thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng, môi trường sinh thái.

36. Sóng thần là chuỗi sóng biển chu kỳ dài (từ vài phút tới hàng giờ), lan truyền với vận tốc lớn (có khi tới 800 km/giờ). Khi tới bờ, phụ thuộc vào độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt tới độ cao hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền, gây ra thảm họa.

Động đất, núi lửa phun trào và các vụ nổ dưới nước (kể cả các vụ thử hạt nhân dưới nước), trượt lở đất, va chạm của các thiên thạch,... xảy ra trên biển đều có khả năng gây ra sóng thần. Bản đồ các vùng nguồn phát sinh động đất có khả năng gây sóng thần ảnh hưởng tới Việt Nam thể hiện tại Phụ lục XII Quyết định này.

37. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần là vùng biển nông ven bờ và vùng đất nằm trong phạm vi sóng thần có thể lan truyền tới. Tùy thuộc vào độ cao địa hình, sóng thần có thể ảnh hưởng trực tiếp sâu vào đất liền hàng ki-lô-mét tính từ bờ biển.

38. Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.

39. Chấn tiêu là vị trí nguồn phát sinh ra trận động đất.

40. Chấn tâm động đất là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu lên bề mặt trái đất.

41. Độ sâu chấn tiêu là khoảng cách từ chấn tiêu đến chấn tâm.

42. Cường độ chấn động trên bề mặt (ký hiệu I) là đại lượng biểu thị khả năng rung động do một trận động đất gây ra trên mặt đất và được đánh giá qua mức độ tác động của nó đối với nhà cửa, công trình, mặt đất, đồ vật, con người. Trong Quyết định này, cường độ chấn động trên bề mặt được đánh giá theo thang MSK-64 gồm 12 cấp (Phụ lục IX Quyết định này).

Quan hệ giữa độ lớn động đất, loại động đất, cường độ chấn động, tác động và tần suất xuất hiện mỗi năm trên thế giới được nêu tại Phụ lục X. Bản đồ phân vùng động đất trên lãnh thổ Việt Nam và vùng phụ cận thể hiện tại Phụ lục XI Quyết định này.

43. Độ lớn động đất (ký hiệu M) là đại lượng đặc trưng cho mức năng lượng mà trận động đất phát và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi. Trong Quyết định này, độ lớn động đất sử dụng thang độ moment. Động đất được phân thành các loại: Vi động đất (M<2,0), động đất yếu (2,0£M£3,9), động đất nhẹ (4,0£M£4,9), động đất trung bình (5,0£M£5,9), động đất mạnh (6,0£M£6,9), động đất rất mạnh (7,0£M£7,9) và động đất hủy diệt (M³8,0).

Điều 5. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương trực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia có trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ và các loại thiên tai quy định tại Khoản 7 Điều 3 Quyết định này trên phạm vi cả nước;

b) Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh trực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia có trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo lũ trên các sông quy định tại Phụ lục III và các loại thiên tai quy định tại Khoản 7 Điều 3 Quyết định này trên địa bàn khu vực, tỉnh.

2. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm ban hành các bản tin động đất, cảnh báo sóng thần quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 3 Quyết định này.

Điều 6. Sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai

1. Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai do các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 5 ban hành là bản tin chính thức, được sử dụng trong chỉ đạo điều hành hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ở Việt Nam.

2. Các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh có trách nhiệm chi tiết hóa bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương ban hành cho phù hợp với yêu cầu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương.

Điều 7. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai

1. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

2. Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Các cơ quan quản lý hệ thống truyền tin về thiên tai.

Chương II

DỰ BÁO, CẢNH BÁO THIÊN TAI

Mục 1

DỰ BÁO, CẢNH BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO

Điều 8. Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới

1. Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông

Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông được ban hành khi áp thấp nhiệt đới hoạt động ở ngoài Biển Đông và có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới.

2. Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông được ban hành khi áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam trên 500 km;

b) Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 đến 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 24 giờ tới.

3. Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ

Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam dưới 300 km;

b) Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 đến 500 km nhưng có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 24 giờ tới.

4. Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền

Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Tâm áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào đất liền;

b) Bão đã đổ bộ vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

5. Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới

Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới được ban hành khi áp thấp nhiệt đới đã tan; không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Điều 9. Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo bão

1. Tin bão gần Biển Đông

Tin bão gần Biển Đông được ban hành khi bão hoạt động ở ngoài Biển Đông và có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 48 giờ tới.

2. Tin bão trên Biển Đông

Tin bão trên Biển Đông được ban hành khi bão hoạt động trên Biển Đông và có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam trên 1.000 km;

b) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 500 đến 1.000 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

3. Tin bão gần bờ

Tin bão gần bờ được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 500 đến 1.000 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới;

b) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 đến dưới 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

4. Tin bão khẩn cấp

Tin bão khẩn cấp được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam dưới 300 km;

b) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 đến 500 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

5. Tin bão trên đất liền

Tin bão trên đất liền được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Tâm bão đã đi vào đất liền Việt Nam và sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên;

b) Tâm bão đã đổ bộ vào nước khác, nhưng sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong 48 giờ tới.

6. Tin cuối cùng về cơn bão

Tin cuối cùng về cơn bão được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Bão đã tan;

b) Bão đã đổ bộ vào nước khác hoặc ra khỏi lãnh thổ, không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam;

c) Bão đã di chuyển ra ngoài Biển Đông và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.

Điều 10. Nội dung tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới

1. Tiêu đề tin áp thấp nhiệt đới: Được ghi theo quy định tại Điều 8 Quyết định này.

2. Thông tin tóm tắt về thực trạng áp thấp nhiệt đới tại thời điểm gần nhất

a) Diễn biến trong 24 giờ qua;

b) Thời gian: Báo theo giờ tròn, giờ Hà Nội;

c) Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới: Xác định theo tọa độ kinh, vĩ với mức độ chính xác đến 1/10 độ; trường hợp không xác định được vị trí tâm áp thấp nhiệt đới tại một điểm tọa độ thì xác định vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trong ô vuông, mỗi cạnh bằng một (01) độ kinh, vĩ;

d) Khoảng cách gần nhất từ vị trí tâm áp thấp nhiệt đới đến một trong các địa điểm: Đảo hoặc quần đảo trên Biển Đông; một địa danh cụ thể trên đất liền Việt Nam hoặc nước lân cận;

đ) Cường độ áp thấp nhiệt đới: Báo bằng cấp gió bô-pho đối với gió mạnh nhất và gió giật trong áp thấp nhiệt đới;

c) Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới: Xác định theo 1 trong 16 hướng Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc;

g) Tốc độ di chuyển: Báo bằng km/giờ;

h) Khi áp thấp nhiệt đới đã trực tiếp ảnh hưởng đến các đảo, đất liền cần thông tin về số liệu đã quan trắc được tại các trạm trong khu vực ảnh hưởng.

3. Dự báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới

a) Dự báo hướng và tốc độ di chuyển của ấp thấp nhiệt đới;

b) Vị trí dự báo của áp thấp nhiệt đới;

c) Khoảng cách gần nhất từ vị trí tâm áp thấp nhiệt đới đến một trong các địa điểm: Đảo hoặc quần đảo trên Biển Đông; một địa danh cụ thể trên đất liền Việt Nam hoặc nước lân cận;

d) Diễn biến về cường độ của áp thấp nhiệt đới;

đ) Bản đồ dự báo quỹ đạo của áp thấp nhiệt đới, bán kính gió mạnh và sai số hoặc vòng tròn xác suất 70% tâm của áp thấp nhiệt đới có thể đi vào.

4. Dự báo về ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

a) Đối với Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông: Dự báo thời gian tâm áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đến các vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn;

b) Đối với Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: Dự báo ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đến vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn;

c) Đối với Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ: Dự báo khu vực ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới; dự kiến thời điểm và khu vực đổ bộ của áp thấp nhiệt đới; phạm vi ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6, cấp 7; mưa lớn; độ cao sóng biển; khả năng nước biển dâng và các loại thiên tai khác trong 12 giờ, 24 giờ tới;

d) Đối với Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền và Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới: Dự báo khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới; khả năng mưa lớn và các loại thiên tai khác.

5. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Thời gian ban hành bản tin tiếp theo.

Điều 11. Nội dung tin dự báo, cảnh báo bão

1. Tiêu đề tin bão: Được ghi theo quy định tại Điều 9 Quyết định này kèm theo số hiệu cơn bão được xác định theo thứ tự các cơn bão hoạt động trên Biển Đông trong năm. Không đặt số hiệu cho những cơn bão gần Biển Đông.

2. Thông tin tóm tắt về thực trạng bão tại thời điểm gần nhất

a) Diễn biến trong 24 giờ qua;

b) Thời gian: Báo theo giờ tròn, giờ Hà Nội;

c) Vị trí tâm bão: Xác định theo tọa độ kinh, vĩ với mức độ chính xác đến 1/10 độ;

d) Khoảng cách gần nhất từ vị trí tâm bão đến một trong các địa điểm: Đảo hoặc quần đảo trên Biển Đông; một địa đanh cụ thể trên đất liền Việt Nam hoặc nước lân cận;

đ) Cường độ bão: Báo bằng cấp gió bô-pho đối với gió mạnh nhất và gió giật trong bão;

e) Hướng di chuyển của bão: Xác định theo 1 trong 16 hướng Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc;

g) Tốc độ di chuyển: Báo bằng km/giờ;

h) Khi bão đã trực tiếp ảnh hưởng đến các đảo, đất liền cần thông tin về số liệu đã quan trắc được tại các trạm trong khu vực ảnh hưởng.

3. Dự báo diễn biến của bão

a) Dự báo diễn biến của bão trong 24 giờ và đến 48 giờ tới với các yếu tố quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Cảnh báo về hướng, tốc độ di chuyển và cường độ của bão trong khoảng thời gian từ 48 giờ đến 72 giờ tới;

c) Bản đồ dự báo quỹ đạo của bão, bán kính gió mạnh và sai số hoặc vòng tròn xác suất 70% tâm bão có thể đi vào.

4. Dự báo về ảnh hưởng của bão

a) Đối với Tin bão gần Biển Đông: Dự báo thời gian tâm bão đi vào Biển Đông và ảnh hưởng của hoàn lưu bão đến các vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn;

b) Đối với Tin bão trên Biển Đông: Dự báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão đến vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn; cụ thể thông tin về phạm vi ảnh hưởng của gió bão mạnh, sóng lớn, tình trạng biển trong 24 giờ và đến 48 giờ tới; cảnh báo đến 72 giờ tới;

c) Đối với Tin bão gần bờ: Dự báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão đến vùng biển, đảo hoặc quần đảo; dự kiến khoảng thời gian và khu vực đổ bộ của bão; phạm vi ảnh hưởng của gió bão mạnh, mưa lớn, độ cao sóng biển, khả năng nước biển dâng và các loại thiên tai khác trong 24 giờ và đến 48 giờ tới; cảnh báo đến 72 giờ tới;

d) Đối với Tin bão khẩn cấp: Dự báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão đến vùng biển, đảo hoặc quần đảo; dự báo thời điểm và khu vực đổ bộ của bão; phạm vi ảnh hưởng của gió bão mạnh, mưa lớn, độ cao sóng biển, khả năng nước biển dâng và các loại thiên tai khác trong 12 giờ, 24 giờ và đến 48 giờ tới;

đ) Đối với Tin bão trên đất liền và Tin cuối cùng về cơn bão: Dự báo khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão; dự báo, cảnh báo mưa lớn và các loại thiên tai khác do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

5. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Thời gian ban hành bản tin tiếp theo.

Điều 12. Tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão

1. Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông: Mỗi ngày ban hành 3 bản tin vào 9 giờ 00, 14 giờ 30 và 21 giờ 00.

2. Tin bão gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

a) Mỗi ngày ban hành 4 bản tin chính vào 2 giờ 30, 9 giờ 00, 14 giờ 30 và 21 giờ 00;

b) Trường hợp áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp, ngoài 4 bản tin chính, cần ban hành một số bản tin bổ sung xen kẽ giữa các bản tin chính.

3. Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, Tin bão trên Biển Đông, Tin bão gần bờ, Tin bão khẩn cấp, Tin bão trên đất liền

a) Mỗi ngày ban hành 8 bản tin chính vào 2 giờ 30, 5 giờ 00, 9 giờ 00, 11 giờ 00, 14 giờ 30, 17 giờ 00, 21 giờ 00 và 23 giờ 00;

b) Trong thời gian có tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão khẩn cấp và những trường hợp áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, ngoài 8 bản tin chính, cần ban hành một số bản tin bổ sung xen kẽ giữa các bản tin chính.

Mục 2

DỰ BÁO, CẢNH BÁO LŨ

Điều 13. Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ

1. Tin cảnh báo lũ

Tin cảnh báo lũ được ban hành khi phát hiện mưa to hoặc rất to có khả năng gây lũ, mực nước trong sông có khả năng lên mức báo động II hoặc xuất hiện lũ bất thường.

2. Tin lũ

Tin lũ được ban hành khi mực nước trong sông đạt mức báo động II và còn tiếp tục lên, hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn mức báo động II.

3. Tin lũ khẩn cấp

Tin lũ khẩn cấp được ban hành khi mực nước trong sông đạt mức báo động III và còn tiếp tục lên, hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn mức báo động III.

Điều 14. Nội dung tin dự báo, cảnh báo lũ

1. Tin cảnh báo lũ

a) Tiêu đề Tin cảnh báo lũ kèm theo tên sông và tên địa điểm báo tin lũ, quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III Quyết định này;

b) Đặc điểm mưa trên lưu vực;

c) Khu vực có thể xảy ra lũ;

d) Cấp báo động lũ có thể xảy ra;

đ) Thời gian ban hành bản tin tiếp theo.

2. Tin lũ và Tin lũ khẩn cấp

a) Tiêu đề Tin lũ và Tin lũ khẩn cấp kèm theo tên sông và tên địa điểm báo tin lũ, quy định tại Phụ lục II và III Quyết định này;

b) Thực trạng diễn biến của lũ trong 24 giờ qua và số liệu thực đo về mực nước tại thời điểm gần nhất;

c) Khả năng, diễn biến của lũ trong thời gian dự kiến;

d) Mực nước lũ dự báo, mực nước dự báo so với mực nước các cấp báo động hoặc với mực nước đỉnh lũ trong các trận lũ đặc biệt lớn, lũ lịch sử;

đ) Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

e) Thời gian ban hành bản tin tiếp theo.

Điều 15. Tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo lũ

1. Tin cảnh báo lũ được ban hành khi mực nước trong sông có khả năng lên mức báo động II hoặc xuất hiện lũ bất thường.

2. Tin lũ

a) Lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình, mỗi ngày ban hành 02 bản tin vào 9 giờ 30, 17 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần ban hành bổ sung thêm 01 bản tin vào 21 giờ 30;

b) Lũ trên sông Tiền, sông Hậu, 3 ngày ban hành 01 bản tin vào 9 giờ 30;

c) Lũ trên các sông khác, mỗi ngày ban hành 03 bản tin vào 9 giờ 30, 17 giờ 30 và 21 giờ 30.

3. Tin lũ khẩn cấp

a) Lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình, mỗi ngày ban hành 03 bản tin chính vào 9 giờ 30, 17 giờ 30 và 21 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, ngoài 03 bản tin chính, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính;

b) Lũ trên sông Tiền, sông Hậu, 2 ngày ban hành 01 bản tin vào 9 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính;

c) Lũ trên các sông khác, mỗi ngày ban hành 04 bản tin chính vào 5 giờ 30, 9 giờ 30, 17 giờ 30 và 21 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính.

Điều 16. Dự báo, cảnh báo lũ trên các hệ thống sông ở địa phương

1. Dự báo, cảnh báo lũ trên các hệ thống sông ở địa phương (quy định tại Phụ lục III) thực hiện theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Quyết định này.

2. Cơ quan ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ theo quy định tại Khoản 1 Điều này căn cứ yêu cầu của hoạt động phòng, chống lũ và đặc điểm của từng con sông hoặc hệ thống sông ở địa phương quyết định về thời gian và tần suất ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ.

Mục 3

BÁO TIN ĐỘNG ĐẤT, CẢNH BÁO SÓNG THẦN

Điều 17. Ban hành tin động đất

Tin động đất được ban hành khi:

1. Xảy ra những trận động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) có ảnh hưởng đến Việt Nam.

2. Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

Điều 18. Nội dung tin động đất

1. Tiêu đề tin động đất.

2. Thời gian xảy ra động đất: Báo theo giờ GMT và giờ Hà Nội.

3. Địa điểm xảy ra động đất: Tên địa phương, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu.

4. Độ lớn động đất, cường độ chấn động ở khu vực chấn tâm và các địa phương lân cận: Báo theo thang MSK-64.

5. Hậu quả có thể xảy ra do động đất

6. Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 19. Ban hành tin cảnh báo sóng thần

Tin cảnh báo sóng thần được ban hành khi:

1. Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

2. Những trận sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Điều 20. Các loại tin cảnh báo sóng thần

1. Tin cảnh báo sóng thần được báo theo 3 mức:

a) Tin cảnh báo sóng thần mức 1: Được ban hành khi động đất mạnh, có khả năng gây sóng thần, khuyến cáo sẵn sàng sơ tán;

b) Tin cảnh báo sóng thần mức 2: Được ban hành khi đã phát hiện sóng thần không có sức hủy diệt, nhưng cần đề phòng sóng lớn gây thiệt hại ở vùng ven biển, khuyến cáo sẵn sàng sơ tán;

c) Tin cảnh báo sóng thần mức 3: Được ban hành khi đã phát hiện sóng thần có sức hủy diệt, phải sơ tán ngay lập tức.

2. Tin hủy cảnh báo sóng thần

Tin hủy cảnh báo sóng thần được ban hành khi sóng thần không xảy ra như đã cảnh báo.

3. Tin cuối cùng về sóng thần

Tin cuối cùng về sóng thần được ban hành khi sóng thần kết thúc hoàn toàn.

Điều 21. Nội dung tin cảnh báo sóng thần

1. Tiêu đề tin cảnh báo sóng thần, quy định tại Khoản 1 Điều 20 Quyết định này.

2. Nhận định về sóng thần

a) Vị trí, thời gian, độ lớn, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu của động đất;

b) Khả năng xảy ra sóng thần, mức độ nguy hiểm và khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần;

c) Độ cao sóng thần tại bờ biển và thời gian sẽ ảnh hưởng.

3. Yêu cầu sơ tán tùy theo mức tin cảnh báo.

4. Cấp độ rủi ro thiên tai do sóng thần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 4

 DỰ BÁO, CẢNH BÁO CÁC LOẠI THIÊN TAI LIÊN QUAN ĐẾN

KHÍ TƯỢNG, THỦY VĂN, HẢI VĂN KHÁC

Điều 22. Dự báo, cảnh báo các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác

1. Ban hành bản tin dự báo đối với các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác có thể xác định được cường độ, mức độ nguy hiểm, phạm vi, thời điểm có thể xảy ra và cấp độ rủi ro thiên tai, bao gồm: Mưa lớn, gió mạnh trên biển, ngập lụt, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối, sương mù.

2. Ban hành bản tin cảnh báo đối với các loại thiên tai khí tượng, thủy văn khác có thể xác định được cường độ, mức độ nguy hiểm, cấp độ rủi ro thiên tai, nhưng không thể xác định chính xác phạm vi và thời điểm có thể xảy ra, bao gồm lũ quét, dông, lốc, sét, mưa đá, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

3. Tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác có thể được biên soạn thành bản tin độc lập hoặc lồng ghép trong các bản tin dự báo thời tiết, tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

Điều 23. Nội dung, hình thức, thời gian và tần suất ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng loại thiên tai quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 22 Quyết định này, cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai ban hành bản tin với nội dung, hình thức, thời gian và tần suất phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Chương III

TRUYỀN TIN VỀ THIÊN TAI

Điều 24. Cung cấp tin về thiên tai

1. Cơ quan, tổ chức ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai quy định tại Điều 5 Quyết định này có trách nhiệm cung cấp bản tin cho các cơ quan lãnh đạo Nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hoạt động liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các cơ quan, tổ chức truyền tin về thiên tai.

2. Danh sách các cơ quan, tổ chức được cung cấp tin dự báo, cảnh báo thiên tai quy định tại Phụ lục V Quyết định này.

Điều 25. Thời gian và phương thức cung cấp tin về thiên tai

1. Cơ quan cung cấp tin về thiên tai quy định tại Khoản 1 Điều 24 có trách nhiệm cung cấp bản tin cho các cơ quan quy định tại Phụ lục V Quyết định này, trong thời gian chậm nhất là 15 phút kể từ thời điểm hoàn thành bản tin dự báo, cảnh báo gần nhất.

2. Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp ngay sau khi hoàn thành bản tin động đất, tin cảnh báo sóng thần cho các cơ quan quy định tại Phụ lục V Quyết định này.

3. Phương thức cung cấp tin về thiên tai

a) Hệ thống thông tin công cộng, bao gồm hệ thống điện thoại, fax; hệ thống phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; mạng internet; dịch vụ bưu chính trên mạng bưu chính công cộng, mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh;

b) Hệ thống thông tin chuyên dùng, bao gồm hệ thống đường dây nóng phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai; hệ thống thông tin, liên lạc, phát thanh chuyên dùng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng; hệ thống thông tin cảnh báo sóng thần, kết hợp cảnh báo thiên tai khác; hệ thống dịch vụ thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của các doanh nghiệp viễn thông.

Điều 26. Chế độ truyền phát tin về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

1. Đối với Đài Tiếng nói Việt Nam

a) Khi nhận được Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, Tin bão gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Tin bão trên Biển Đông, Tin cảnh báo lũ và Tin lũ, tổ chức phát tin hai (02) giờ một lần vào đầu giờ, liên tục cả ngày và đêm trên các hệ phát sóng của Đài; trường hợp chưa nhận được tin mới thì tiếp tục phát lại tin cũ gần nhất;

b) Khi nhận được Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, Tin bão gần bờ, Tin bão khẩn cấp, Tin bão trên đất liền và Tin lũ khẩn cấp, tổ chức phát ngay hai (02) lần liên tiếp, sau đó mỗi giờ phát lại một lần vào đầu giờ, liên tục cả ngày và đêm trên các hệ phát sóng của Đài cho đến khi nhận được tin mới, hoặc khi có yêu cầu thay đổi thời gian phát tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Khi phát lại tin cũ, phải nhắc lại thời điểm ban hành bản tin.

2. Đối với Đài Truyền hình Việt Nam

a) Khi nhận được Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Tin bão gần Biển Đông, Tin bão trên Biển Đông, Tin cảnh báo lũ và Tin lũ, tổ chức phát tin vào các chương trình thời sự gần nhất trên các kênh của Đài và sau hai (02) giờ phát lại một lần cho đến khi có tin mới hoặc khi có yêu cầu thay đổi thời gian phát tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Khi nhận được Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, Tin bão gần bờ, Tin bão khẩn cấp, Tin bão trên đất liền, Tin lũ khẩn cấp, tổ chức phát ngay trên các kênh của Đài và sau một (01) giờ phát lại một lần cho đến khi có tin mới hoặc khi có yêu cầu thay đổi thời gian phát tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Khi phát lại tin cũ, phải nhắc lại thời điểm ban hành bản tin;

d) Khi phát tin về thiên tai, ngoài việc đọc nguyên văn bản tin, phải chạy hàng chữ trên màn hình tóm tắt những nội dung cơ bản của bản tin.

3. Đối với Hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam

a) Khi nhận được Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, Tin bão gần Biển Đông, Tin bão trên Biển Đông, Tin bão gần bờ, Tin bão khẩn cấp và Tin bão trên đất liền, mỗi ngày phát 132 phiên, trong đó:

- Trên kênh tần số 7906 KHz phát 96 phiên một ngày;

- Trên kênh tần số 8294 KHz phát 36 phiên một ngày.

b) Khi phát lại tin cũ, phải nhắc lại thời điểm ban hành bản tin.

Điều 27. Chế độ truyền phát tin về động đất, cảnh báo sóng thần

1. Đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam

a) Tin động đất được truyền phát một lần ngay sau khi tiếp nhận và phát lại vào chương trình thời sự gần nhất;

b) Tin cảnh báo sóng thần mức 1 và Tin cảnh báo sóng thần mức 2 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và phát lại 2 lần, mỗi lần cách nhau 05 phút. Sau đó cứ 30 phút, phát lại tin đã phát cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần;

c) Tin cảnh báo sóng thần mức 3 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và phát lại 2 lần, mỗi lần cách nhau 05 phút. Sau đó cứ 20 phút, phát lại tin đã phát cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần;

d) Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần được truyền phát một lần ngay sau khi nhận được bản tin và phát lại vào chương trình thời sự gần nhất.

2. Đối với hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam và hệ thống, báo động trực canh cảnh báo sóng thần

a) Tin cảnh báo sóng thần mức 1 và Tin cảnh báo sóng thần mức 2 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và liên tục phát lại, mỗi lần cách nhau 10 phút cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần;

b) Tin cảnh báo sóng thần mức 3 được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và liên tục phát lại, mỗi lần cách nhau 05 phút cho đến khi nhận được Tin cuối cùng về sóng thần;

c) Tin cuối cùng về sóng thần hoặc Tin hủy cảnh báo sóng thần được truyền phát ngay sau khi nhận được bản tin và nhắc lại một lần sau đó 5 phút.

Điều 28. Chế độ truyền phát tin khi ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai

Truyền tin tình trạng khẩn cấp về thiên tai trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp trong các trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

Điều 29. Chế độ truyền phát tin về các loại thiên tai khác

1. Tin dự báo, cảnh báo thiên tai quy định tại Điều 22, Điều 23 Quyết định này nếu được lồng ghép trong các bản tin dự báo thời tiết, bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ thì việc phát tin thực hiện theo chế độ phát tin của bản tin chính.

2. Tin dự báo, cảnh báo thiên tai quy định tại Điều 22, Điều 23 Quyết định này nếu được biên soạn thành bản tin độc lập thì việc phát tin thực hiện theo yêu cầu của cơ quan ban hành bản tin.

Điều 30. Việc truyền phát tin về thiên tai của các tổ chức và cá nhân

Các tổ chức, cá nhân không quy định tại Điều 26, Điều 27 Quyết định này được khuyến khích truyền phát các bản tin thiên tai chính thức do các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 24 Quyết định này cung cấp hoặc các bản tin do Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC

DỰ BÁO, CẢNH BÁO VÀ TRUYỀN TIN VỀ THIÊN TAI

Điều 31. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dự báo, cảnh báo thiên tai;

b) Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, đăng tải trên trang thông tin điện tử http://www.nchmf.gov.vn của Trung tâm và cung cấp kịp thời các tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho các cơ quan theo quy định;

c) Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn; tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị, công nghệ để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai;

d) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai; bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác dự báo, cảnh báo thiên tai;

đ) Tiếp nhận thông tin phản hồi của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân về chế độ phát tin, chất lượng và độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo;

e) Chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức đánh giá chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai;

g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai;

h) Chủ trì thẩm định các kịch bản cảnh báo sóng thần đối với Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, vận hành và tổ chức phát tin cảnh báo sóng thần trên hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần;

b) Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân quản lý các hồ thủy lợi trong phạm vi quản lý của Bộ thực hiện quy định về cung cấp thông tin về hồ chứa quy định tại Điều 35 Quyết định này.

3. Bộ Quốc phòng

a) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng và các đơn vị thuộc Bộ truyền phát kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên hệ thống thông tin liên lạc do Bộ quản lý;

b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng và quản lý vận hành hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan thực hiện bắn pháo hiệu và vận hành cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão theo quy định tại Phụ lục VI và Phụ lục VIII Quyết định này.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành quy hoạch, phân bổ tần số phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển;

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cao tốc độ, chất lượng các đường truyền kết nối giữa cơ quan ban hành bản tin dự báo, cảnh báo đến cơ quan truyền tin về thiên tai, cơ quan chỉ đạo phòng, chống và đến cộng đồng; mở rộng vùng phủ sóng trên biển, các đảo, vùng sâu, vùng xa;

c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trong cả nước để tin dự báo, cảnh báo thiên tai đăng tải trên trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, đầy đủ và chính xác;

d) Phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai, hướng dẫn sử dụng tin dự báo, cảnh báo thiên tai.

5. Bộ Giao thông vận tải

Chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam thực hiện việc phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các kênh thông tin của hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam theo quy định; nâng cao chất lượng phát sóng và tăng cường vùng phủ sóng thông tin trên biển và cho các đảo xa đất liền.

6. Bộ Công Thương

Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân quản lý các hồ thủy điện trong phạm vi quản lý của Bộ thực hiện quy định về cung cấp thông tin về hồ chứa quy định tại Điều 35 Quyết định này.

7. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

a) Chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc phục vụ báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; cập nhật, hoàn thiện các kịch bản cảnh báo sóng thần; ban hành các bản tin động đất, cảnh báo sóng thần; cung cấp tin động đất, cảnh báo sóng thần cho các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục V và đăng tải trên trang thông tin điện tử http://www.igp-vast.vn;

b) Nghiên cứu, đề xuất các phương pháp, giải pháp khoa học công nghệ trong công tác báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất, sóng thần và hướng dẫn sử dụng tin động đất, cảnh báo sóng thần.

8. Các Bộ, ngành khác

a) Ngay sau khi có bản tin dự báo, cảnh báo đầu tiên về thiên tai, trong phạm vi quản lý của mình, chủ động cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan có liên quan những thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai để tổ chức dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả;

b) Truyền phát ngay các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc để chủ động phòng, tránh;

c) Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các quy định dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

Điều 32. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai

a) Tổ chức việc tiếp nhận, xử lý các bản tin báo tin động đất, bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cập nhật, cung cấp thông tin thực tế về diễn biến thiên tai cho cơ quan dự báo, cảnh báo;

b) Hàng năm cung cấp cho Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường các thông tin tổng hợp về thiên tai, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung việc phân cấp độ rủi ro thiên tai;

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá hiệu quả của bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; tính kịp thời của các bản tin khi đến người sử dụng; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc còn thiếu nhằm hoàn thiện hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai.

2. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

a) Tiếp nhận và xử lý theo chức năng, nhiệm vụ các tin dự báo, cảnh báo thiên tai do Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá hiệu quả của bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; tính kịp thời của các bản tin khi đến người sử dụng; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc còn thiếu nhằm hoàn thiện hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai, phù hợp với yêu cầu tìm kiếm, cứu nạn.

Điều 33. Trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí

1. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam

a) Tổ chức truyền phát tin về thiên tai theo quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 và Điều 29 Quyết định này;

b) Trong các chương trình thời sự cần phát đầy đủ, chính xác nội dung các bản tin quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 14, Điều 18, Điều 21 và Điều 29 Quyết định này. Trong các bản tin chuyên đề, bình luận theo chương trình của Đài, có thể biên tập lại một phần bản tin về thiên tai, nhưng không được làm sai lệch nội dung của bản tin;

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai và khai thác sử dụng hiệu quả các tin dự báo, cảnh báo thiên tai;

d) Thông báo kịp thời cho các cơ quan cung cấp bản tin thiên tai ý kiến phản hồi của khán giả, thính giả về chất lượng, nội dung, hình thức các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và diễn biến thiên tai thực tế.

2. Đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố

a) Phát lại các bản tin dự báo, cảnh báo gần nhất về thiên tai do Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nạm đã phát. Đối với các tỉnh, thành phố không nằm trong vùng xảy ra thiên tai, có thể biên tập một phần bản tin cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương;

b) Phát tin dự báo, cảnh báo về thiên tai do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cung cấp trong chương trình thời sự gần nhất của Đài.

3. Hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam

Tổ chức phát tin về thiên tai theo quy định tại Khoản 3 Điều 26, Khoản 2 Điều 27 và Điều 29 Quyết định này.

Điều 34. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Chỉ đạo Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các Đài phát thanh huyện, thị xã thực hiện các quy định truyền tin về thiên tai;

b) Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kiểm tra việc thực hiện các quy định về cung cấp thông tin của chủ các công trình hồ chứa theo quy định tại Điều 35 Quyết định này;

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai; dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; chỉ đạo các Đài phát thanh huyện, thị xã thực hiện các quy định truyền tin về thiên tai có liên quan trực tiếp đến địa phương.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, tuyên truyền, phổ biến đến từng cộng đồng dân cư để chủ động trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại do thiên tai trên địa bàn.

Điều 35. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình hồ chứa nước

Trong thời gian có lũ, tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình hồ chứa nước, ngoài việc báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, phải cung cấp cho cơ quan khí tượng thủy văn số liệu quan trắc, đo đạc liên quan đến điều tiết hồ, bao gồm:

1. Mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu hồ;

2. Lưu lượng nước vào hồ, lưu lượng nước xả về hạ lưu đập;

3. Dự tính mực nước hồ;

4. Thời gian dự kiến xả lũ; lưu lượng lũ dự kiến xả theo thời gian.

Điều 36. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý phương tiện hoạt động trên biển, phương tiện truyền tin về thiên tai

1. Trang bị các thiết bị thông tin cần thiết để tiếp nhận tin dự báo, cảnh báo thiên tai; duy trì thông tin liên lạc giữa các phương tiện với nhau và với Đài thông tin Duyên hải Việt Nam, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng và các hệ thống thông tin khác.

2. Khi nhận được tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão và tin cảnh báo sóng thần, phải thông báo ngay số lượng người, vị trí hoạt động và số hiệu của tàu, thuyền trên biển cho hệ thống các Đài thông tin Duyên hải, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng và các hệ thống thông tin khác để kịp thời hướng dẫn di chuyển, phòng tránh.

3. Khi phát hiện có hiện tượng thiên tai trên biển, phải thông báo ngay cho Đài thông tin Duyên hải Việt Nam và hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng.

4. Tổ chức, cá nhân có các phương tiện thông tin đã được cấp phép sử dụng, được phép truyền tin về thiên tai, chịu trách nhiệm bảo đảm độ chính xác, tin cậy của bản tin do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 37. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014 và thay thế Quyết định số 17/2011/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; Quyết định số 133/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển và Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố, hướng dẫn việc thực hiện Quyết định; theo dõi, tổng hợp, báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình, thực hiện Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=36966&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận