QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Ban hành Chương trình dạy tiếng Khmer
cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Chương trình tiếng Khmer kèm theo Quyết định này là cơ sở để biên soạn giáo trình, tài liệu dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
CHƯƠNG TRÌNH
Dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2006/QĐ-BGDĐT
ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH DẠY TIẾNG KHMER CHO
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÔNG TÁC Ở VÙNG DÂN TỘC
(sau đây gọi tắt là Chương trình)
1. Giúp cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer (sau đây gọi tắt là học viên) biết tiếng nói, chữ viết Khmer, có khả năng giao tiếp với đồng bào dân tộc Khmer bằng tiếng Khmer (nghe, nói tương đối tốt trong giao tiếp thông thường; đọc, viết được).
2. Thông qua việc học tiếng Khmer, học viên có những hiểu biết cần thiết về văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Khmer.
II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Phù hợp với đối tượng
Đối tượng tiếp nhận Chương trình là những cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, chưa biết tiếng nói, chữ viết của đồng bào, có nhu cầu hoặc được cử đi học tiếng Khmer như ngôn ngữ thứ hai. Để phù hợp với đối tượng, giúp học viên đạt được mục tiêu mà Chương trình đã đặt ra cho khoá đào tạo, Chương trình được xây dựng theo tinh thần tinh giản, thiết thực, có tính thực hành cao.
2. Giao tiếp
Việc dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer vận dụng quan điểm dạy học theo định hướng giao tiếp, kết hợp việc học trên lớp với thực hành giao tiếp trong công tác và đời sống hằng ngày để các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) được hình thành và phát triển nhanh chóng.
3. Tích hợp
a) Kết hợp chặt chẽ giữa luyện nghe, nói với luyện đọc, viết; giữa trang bị kiến thức sơ giản với rèn luyện kỹ năng.
Chương trình ưu tiên dạy nghe và nói là những kỹ năng giao tiếp được cán bộ, công chức sử dụng nhiều nhất trong quan hệ với đồng bào dân tộc Khmer. Để tăng hiệu quả học tập và tiết kiệm thời gian học, việc dạy nghe và nói được hình thành trên cơ sở các bài hội thoại, bài đọc. Các bài hội thoại, bài đọc cũng là chỗ dựa để rèn luyện các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói và hình thành những kiến thức từ ngữ, ngữ pháp Khmer sơ giản, làm nền cho việc rèn luyện kỹ năng.
b) Kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy ngôn ngữ với trang bị vốn hiểu biết cơ bản về văn hoá, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Khmer.
Việc dạy tiếng Khmer cần dựa trên các ngữ liệu phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hoá, phong tục tập quán,... của đồng bào dân tộc Khmer, qua đó giúp cán bộ, công chức có những hiểu biết về tâm lý, tình cảm, văn hoá truyền thống,... của đồng bào. Bên cạnh đó, còn có một số văn bản thường thức về khoa học, pháp luật, chính trị để người học có vốn từ ngữ cần thiết, vận dụng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động nếp sống mới và phổ biến khoa học.
III. KẾ HOẠCH DẠY HỌC
1. Thời lượng thực hiện Chương trình
Chương trình được thực hiện với thời lượng 450 tiết. Mỗi tiết 45 phút.
2. Cấu trúc Chương trình và phân bổ thời lượng
a) Cấu trúc Chương trình
- Chương trình gồm hai giai đoạn: giai đoạn học chữ và giai đoạn rèn luyện tổng hợp.
Giai đoạn rèn luyện tổng hợp được thiết kế thành các chủ đề học tập (khoảng 10 chủ đề). Thời lượng dành cho mỗi chủ đề (cụm bài học) khoảng 40 tiết.
- Mỗi bài học tích hợp các nội dung học tập, rèn luyện sau:
+ Luyện đọc;
+ Từ ngữ - ngữ pháp;
+ Luyện nghe - luyện nói;
+ Luyện viết.
b) Phân bổ thời lượng cho các giai đoạn học tập
- Giai đoạn học chữ | 70 tiết |
+ Luyện đọc, viết | (khoảng 50 tiết) |
+ Luyện nghe - nói, Từ ngữ - ngữ pháp | (khoảng 15 tiết) |
+ Ôn tập, kiểm tra | (khoảng 5 tiết) |
- Giai đoạn rèn luyện tổng hợp | 380 tiết |
+ Luyện nghe - nói | (khoảng 220 tiết) |
+ Luyện đọc - viết, Từ ngữ - ngữ pháp | (khoảng 140 tiết) |
+ Ôn tập, kiểm tra giữa và cuối khoá | (khoảng 20 tiết) |
IV. YÊU CẦU CƠ BẢN CẦN ĐẠT
Học xong Chương trình, học viên cần đạt được các yêu cầu cơ bản sau:
1. Về kỹ năng
Nghe - hiểu ý chính của bài hội thoại, bài văn, mẩu chuyện, bản tin ngắn, văn bản đơn giản phổ biến kiến thức khoa học, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghe - hiểu ý kiến của đồng bào về những vấn đề đơn giản. Trò chuyện được với đồng bào dân tộc Khmer về những vấn đề thiết thực. Nói lại được ý chính của cuộc trao đổi, của những mẩu chuyện, bản tin ngắn, thông báo đã nghe. Đọc rõ ràng, tương đối trôi chảy những văn bản đơn giản khoảng 150 từ. Hiểu ý chính của văn bản. Viết tương đối đúng chính tả đoạn văn ngắn khoảng 60 chữ (với những từ thường dùng). Viết được thư từ hoặc thông báo ngắn, đoạn văn tự sự hoặc thuyết minh đơn giản khoảng 60 từ, không mắc nhiều lỗi chính tả.
2. Về kiến thức
- Nắm được khoảng 1000 từ thường dùng theo các chủ đề học tập. Nắm được các hiện tượng từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa.
- Nắm được một số mẫu câu đơn (câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán), mẫu câu ghép thường dùng. Nắm được một số thành phần câu cơ bản (chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ) bằng cách trả lời câu hỏi.
- Hiểu biết thêm về phong tục tập quán, các nghi thức giao tiếp, ứng xử thông thường, về đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc Khmer.
V. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Nội dung dạy học
1.1. Giai đoạn học chữ
a) Rèn luyện kỹ năng
- Đọc
+ Luyện phát âm. Đọc tiếng, từ; tìm hiểu nghĩa của từ.
+ Đọc câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn. Tìm hiểu nội dung diễn đạt trong câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn.
- Viết
+ Viết chữ, chữ số tự nhiên từ 1 đến 1.000.000.
+ Viết chính tả câu, chuỗi câu (nhìn - viết, nghe - viết).
- Nghe - nói
+ Nghe - viết chính tả câu, chuỗi câu.
+ Nghe - nói những câu giao tiếp đơn giản.
+ Hỏi và trả lời câu hỏi đơn giản.
b) Kiến thức (nhận biết qua thực hành)
- Bảng chữ Khmer: Phụ âm, chân phụ âm, nguyên âm, nguyên âm độc lập. Chữ hoa. Dấu ngữ âm, dấu câu.
- Cách ráp vần, cách gửi chân, chồng vần, chéo vần.
- Chữ số Khmer.
- Một số mẫu câu nghi vấn, câu trần thuật (dạng sơ giản).
- Một số nghi thức lời nói đơn giản của đồng bào.
1.2. Giai đoạn rèn luyện tổng hợp
a) Rèn luyện kỹ năng
- Đọc
+ Đọc những văn bản đơn giản (bài hội thoại, mẩu chuyện, mẩu tin, thông báo, bài văn, bài thơ ngắn, văn bản đơn giản phổ biến khoa học, phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật,...).
+ Tìm hiểu nghĩa của từ, câu, ý chính của đoạn, bài.
+ Học thuộc một số thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc Khmer.
- Viết
+ Viết chính tả (nhìn - viết, nghe - viết, nhớ - viết) đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn.
+ Viết câu (câu trần thuật đơn, câu trần thuật ghép, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán) theo mẫu.
+ Viết thư từ, thông báo ngắn, đoạn văn tự sự, thuyết minh đơn giản.
- Nghe
+ Nghe lời đối thoại, ý kiến trao đổi trong lớp học.
+ Nghe bài văn, bài thơ, mẩu chuyện đơn giản giáo viên kể.
+ Nghe ý kiến của đồng bào dân tộc Khmer khi cùng trao đổi về những vấn đề gần gũi, thiết thực trong đời sống.
+ Nghe một số mẩu chuyện, bản tin, thông báo, bài phổ biến kiến thức khoa học đơn giản, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... trong lớp học, trên đài phát thanh, truyền hình (bằng tiếng Khmer).
+ Nghe - viết chính tả đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn.
- Nói
+ Đặt và trả lời câu hỏi về bài hội thoại, bài đọc. Trao đổi ý kiến về bài hội thoại, bài đọc.
+ Sử dụng các nghi thức lời nói phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp.
+ Kể mẩu chuyện, câu chuyện hoặc sự việc đơn giản.
+ Trao đổi ý kiến với đồng bào dân tộc Khmer về những vấn đề gần gũi, thiết thực.
b) Trang bị kiến thức (qua thực hành)
- Mở rộng vốn từ ngữ (bao gồm cả thành ngữ, tục ngữ) theo các chủ đề học tập.
- Các hiện tượng từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ nhiều nghĩa.
- Một số mẫu câu đơn (câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán).
- Một số thành phần câu cơ bản (trả lời câu hỏi: Ai? Cái gì?, Con gì?, Là gì?, Làm gì?, Thế nào?, Bao nhiêu?, Khi nào?, Bao giờ?, Ở đâu?, Vì sao?, Để làm gì?, Bằng gì?, Như thế nào?...).
- Một số mẫu câu ghép thường dùng.
- Phong tục, tập quán; cách giao tiếp, ứng xử thông thường; đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào dân tộc Khmer.
2. Ngữ liệu
a) Các kiểu văn bản
Văn bản đưa vào tài liệu dạy học theo Chương trình là các đoạn, bài hội thoại (do tác giả biên soạn tài liệu dạy học sưu tầm hoặc tự biên soạn), tục ngữ, thành ngữ của đồng bào dân tộc Khmer, trích đoạn tác phẩm văn học, báo chí, tin tức, mẩu chuyện lịch sử, văn bản phổ biến khoa học, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản giao dịch thông thường,... phù hợp với các chủ đề về sinh hoạt, đời sống văn hoá, những giá trị tinh thần (tâm lí, tình cảm, quan điểm đạo đức, thẩm mĩ, phong tục tập quán,...) của đồng bào Khmer Nam Bộ, về thiên nhiên, đất nước, những vấn đề chính trị, khoa học, giáo dục, pháp luật,... Bên cạnh những văn bản bằng tiếng Khmer, có thể sử dụng một số văn bản dịch từ tiếng Việt.
b) Hệ thống chủ đề và nội dung bài đọc (gợi ý)
- Gia đình, dòng tộc:
+ Giới thiệu bản thân
+ Gia đình tôi
+ Công việc gia đình
+ Làm kinh tế gia đình
+ Gia đình với chính sách sinh đẻ có kế hoạch
+ Luật Hôn nhân và gia đình; ....
- Phum sóc, quê hương:
+ Quê hương đổi mới
+ Nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long
+ Thành phố Cần Thơ
+ Vựa lúa Sóc Trăng; ....
- Thiên nhiên, môi trường:
+ Thời tiết, khí hậu Việt Nam
+ Rừng U Minh, sông Cửu Long
+ Cây thốt nốt
+ Pháp luật về bảo vệ môi trường; ....
- Chăm sóc sức khoẻ:
+ Vệ sinh phòng dịch
+ Rèn luyện thân thể
+ Phòng bệnh, chữa bệnh
+ Hãy tránh xa ma tuý
+ Phòng chống bệnh HIV/AIDS; ....
- Lao động, sản xuất:
+ Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo
+ Nghề truyền thống
+ Phát triển sản xuất
+ Kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt
+ Ngày Quốc tế Lao động; ....
- Khoa học, giáo dục:
+ Truyền thống hiếu học
+ Trường dân tộc nội trú
+ Bài trừ mê tín, dị đoan
+ Một số nhà khoa học, nhà giáo tiêu biểu; ...
- Đất nước, con người:
+ Tổ quốc Việt Nam
+ Các dân tộc anh em
+ Các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống
+ Chính sách đoàn kết dân tộc; ....
- Bảo vệ Tổ quốc:
+ Truyền thống yêu nước
+ Kỉ niệm ngày Quốc phòng toàn dân
+ Giữ gìn cuộc sống thanh bình
+ Bảo vệ biên giới và hải đảo
+ Luật Nghĩa vụ quân sự; ....
- Truyền thống và di sản văn hoá dân tộc:
+ Xây dựng nếp sống mới
+ Trang phục của người Khmer
+ Lễ hội của người Khmer
+ Tục lệ của người Khmer
+ Chùa Khmer
+ Một số địa danh nổi tiếng
+ Giữ gìn và bảo vệ di sản văn hoá
+ Luật Di sản văn hoá; ....
- Đảng và Bác Hồ:
+ Chuyện về Bác Hồ
+ Chuyện về các đảng viên ưu tú
+ Bác Hồ với các dân tộc thiểu số
+ Vào Lăng viếng Bác; ....
3. Liên kết nội dung và ngữ liệu dạy học
a) Giai đoạn học chữ
Sự liên kết nội dung và ngữ liệu dạy học trong giai đoạn này thể hiện ở chỗ gắn việc học từng chữ rời với từ, câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn và rèn luyện kỹ năng.
Mô hình bài học:
Bài học số... : chữ ...
Luyện đọc | Từ ngữ - ngữ pháp | Luyện nghe - nói | Luyện viết |
- Ngữ liệu: | | | |
+ Chữ ... | | | |
+ Từ, câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn ngắn | | | |
- Đọc thành tiếng. - Đọc - hiểu. | - Học từ ngữ mới. - Học mẫu câu. | - Nghe - đọc hoặc nhắc lại từ, câu, chuỗi câu, đoạn hội thoại, đoạn văn. - Nói theo mẫu câu. | - Viết chữ - Viết chính tả |
b) Giai đoạn rèn luyện tổng hợp
Chương trình liên kết nội dung và ngữ liệu dạy học theo hướng lấy chủ đề học tập làm khung và bài hội thoại, bài đọc làm cơ sở để xây dựng các bài học có nội dung tích hợp: Luyện đọc, Từ ngữ - ngữ pháp, Luyện nghe - luyện nói, Luyện viết.
Mô hình bài học:
Bài học số ...
Chủ đề | Luyện đọc | Từ ngữ - ngữ pháp | Luyện nghe - nói | Luyện viết |
Truyền thống và di sản văn hoá dân tộc | Bài: "Hội đua ghe ngo" - Luyện đọc. - Tìm hiểu nội dung bài. | - Từ ngữ về lễ hội. - Hỏi và trả lời câu hỏi lựa chọn (Ví dụ: Hội đua ghe ngo diễn ra vào mùa hè hay mùa thu?) | - Trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện hoặc bản tin phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về xây dựng nếp sống mới. | - Viết chính tả "Hội đua ghe ngo". - Hoặc: Viết đoạn văn ngắn về lễ hội/về xây dựng nếp sống mới. |
Theo cách trên, mỗi bài học vừa giúp học viên rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, mở rộng, hệ thống hoá, tích cực hoá vốn từ, trang bị những kiến thức ngữ pháp sơ giản, ban đầu vừa cung cấp cho học viên những hiểu biết cần thiết về văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào Khmer Nam Bộ.
VI. GIẢI THÍCH - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Về bộ chữ Khmer và vấn đề phương ngữ
Chữ viết Khmer được dùng trong Chương trình là bộ chữ cổ truyền được đồng bào dân tộc Khmer sử dụng qua nhiều thế hệ, được dùng trong Chương trình dạy môn Tiếng Khmer cho học sinh phổ thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếng Khmer ở những vùng khác nhau của đồng bằng sông Cửu Long không có những khác biệt lớn về cách phát âm và từ ngữ. Vì vậy, tiếng Khmer về cơ bản không có vấn đề phương ngữ. Tuy vậy, để học viên không gặp khó khăn khi tiếp xúc với những từ ngữ có cách phát âm hoặc cách hiểu khác với từ ngữ mà đồng bào vùng học viên công tác vẫn dùng, tác giả biên soạn tài liệu dạy học cần lập bảng đối chiếu từ ngữ Khmer - Việt ở cuối tài liệu. Bên cạnh đó, cần trang bị cho học viên các tài liệu hỗ trợ như Từ điển so sánh Khmer - Việt, Việt - Khmer để học viên tham khảo và tra cứu.
2. Về cấu trúc Chương trình và nội dung bài học
a) Đặc điểm cấu trúc
Chương trình được thiết kế theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn học chữ có nhiệm vụ chủ yếu là giúp học viên nắm được các ký tự (chữ và dấu) của tiếng Khmer, đọc được các âm tiết; đọc và hiểu nghĩa của từ ngữ, câu, chuỗi câu, đoạn, bài; viết được chữ và số của tiếng Khmer. Tác giả biên soạn tài liệu dạy học cần tận dụng những ký tự đã học để soạn thành câu, chuỗi câu, đoạn, bài ứng dụng, giúp học viên sớm nhận được mặt chữ, củng cố bài học, đẩy nhanh sự phát triển kỹ năng đọc và viết (trọng tâm), kết hợp với nghe và nói.
- Giai đoạn rèn luyện tổng hợp có nhiệm vụ phát triển toàn diện các kỹ năng và kiến thức đã được hình thành từ giai đoạn học chữ. Giai đoạn này có thể thiết kế theo nguyên tắc đồng tâm: các chủ đề học tập, nội dung rèn luyện kỹ năng và trang bị kiến thức được bố trí lặp lại một vài vòng, trong đó nội dung học tập, rèn luyện ở vòng sau rộng hơn và cao hơn vòng trước. So với giai đoạn học chữ chú trọng rèn luyện kỹ năng đọc và viết thì giai đoạn này dành thời lượng ưu tiên cho việc rèn luyện kỹ năng nghe và nói.
b) Nội dung bài học
Mỗi phần trong bài học có nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Luyện đọc: rèn cho học viên các kỹ năng đọc, nghe và nói, đồng thời cung cấp vốn từ, tăng cường khả năng diễn đạt và trang bị cho học viên những hiểu biết cần thiết về đời sống, về văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer.
- Từ ngữ - ngữ pháp: giúp học viên mở rộng vốn từ, trang bị những kiến thức sơ giản về từ ngữ, ngữ pháp tiếng Khmer, làm nền cho việc rèn luyện kỹ năng dùng từ, đặt câu (luyện nói, viết thành câu).
- Luyện nghe: rèn cho học viên kỹ năng nghe thông qua các hình thức nghe đọc, nghe kể chuyện, nghe câu hỏi, nghe ý kiến trao đổi của giáo viên, của học viên cùng lớp.
- Luyện nói: rèn cho học viên kỹ năng nói thông qua các hình thức trả lời câu hỏi; nói theo đề tài, chủ đề...
- Luyện viết: rèn kỹ năng viết chữ; viết chính tả câu văn, đoạn văn ngắn; tạo lập một vài kiểu văn bản như: viết bức thư ngắn, viết mẩu tin, viết đoạn văn tự sự, thuyết minh đơn giản.
c) Gợi ý phân bố nội dung và ngữ liệu dạy học theo chủ đề (cụm bài học) giai đoạn rèn luyện tổng hợp:
CHỦ ĐỀ khoảng 18 tiết/ 1 chủ đề | LUYỆN ĐỌC | TỪ NGỮ - NGỮ PHÁP | LUYỆN NGHE - NÓI | LUYỆN VIẾT |
1. Gia đình, dòng tộc | Các đoạn văn ngắn, bài hội thoại, bài đọc đơn giản về gia đình, dòng tộc. | - Từ ngữ về gia đình, dòng tộc. - Đại từ xưng hô. - Số đếm. - Đặt và trả lời câu hỏi Ai? (Cái gì?, Con gì?), Là gì?, Bao nhiêu? | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung đoạn văn, bài hội thoại, bài đọc. - Chào hỏi, tự giới thiệu. - Giới thiệu về bản thân, gia đình (theo câu hỏi gợi ý). | - Viết chữ. - Viết chính tả chuỗi câu, đoạn văn ngắn. |
2. Phum sóc, quê hương | Các đoạn văn ngắn, bài hội thoại, bài đọc đơn giản về phum sóc, quê hương. | - Từ ngữ về phum sóc, quê hương. - Số đếm. - Đặt và trả lời câu hỏi Ai?, Làm gì?. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung đoạn văn, bài hội thoại, bài đọc. - Cảm ơn, xin lỗi. - Giới thiệu về phum sóc (theo câu hỏi gợi ý). | - Viết chữ. - Viết chính tả chuỗi câu, đoạn văn ngắn. |
3. Thiên nhiên, môi trường | Các đoạn văn, bài hội thoại, bài đọc đơn giản về thời gian, thời tiết, phương hướng. | - Từ ngữ về thời gian, thời tiết, phương hướng. - Đặt và trả lời câu hỏi Ai?, Thế nào?, Có... không?. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung đoạn văn, bài hội thoại, bài đọc. - Khẳng định, phủ định. - Nói về thời tiết (theo câu hỏi gợi ý). | - Viết chữ. - Viết chính tả đoạn văn. |
4. Chăm sóc sức khoẻ | Các bài hội thoại, bài đọc về sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ. | - Từ ngữ về các bộ phận cơ thể, sức khoẻ và chăm sóc sức khoẻ. - Đặt và trả lời các câu hỏi Ở đâu?, Bao giờ?, Đã ... chưa? - Cách thể hiện ý nghĩa thời gian: đã, sẽ, đang. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Mời, nhờ, đề nghị. - Nghe - kể lại mẩu chuyện phù hợp với chủ đề. - Trao đổi về giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ. | - Viết chữ hoa. - Viết chính tả đoạn văn. |
5. Lao động, sản xuất | Các bài hội thoại, bài đọc về công việc gia đình. | - Từ ngữ về lao động. - Đặt và trả lời các câu hỏi Như thế nào?, Bằng gì?. - Cách thể hiện ý nghĩa mức độ: rất, lắm; quá,... | Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Đồng ý, từ chối. - Nghe - kể lại mẩu chuyện phù hợp với chủ đề. - Trao đổi về công việc gia đình. | - Viết chữ hoa. - Viết chính tả đoạn văn. |
6. Khoa học, giáo dục | Các bài hội thoại, bài đọc về truyền thống hiếu học của người Khmer, về bài trừ mê tín, dị đoan. | - Từ ngữ về học tập. - Quan hệ từ: và, nhưng, của, ở,... | Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Khen, chê. - Nghe - kể lại mẩu chuyện phù hợp với chủ đề. - Trao đổi về truyền thống hiếu học, về bài trừ mê tín, dị đoan. | - Viết chữ hoa. - Viết chính tả đoạn văn. |
7. Đất nước, con người | Các bài hội thoại, bài đọc về đất nước Việt Nam và các dân tộc anh em. | - Từ ngữ về địa lý, về các dân tộc anh em. - Đặt và trả lời câu hỏi Vì sao?. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Chia vui, chia buồn. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, bản tin phù hợp với chủ đề. - Nói về đất nước và các dân tộc anh em. | - Viết chính tả đoạn văn. - Đặt và trả lời câu hỏi theo chủ đề (bài viết). |
8. Bảo vệ Tổ quốc | Các bài hội thoại, bài đọc về truyền thống yêu nước, về bảo vệ trật tự, an ninh. | - Từ ngữ về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trật tự, an ninh. - Đặt và trả lời câu hỏi Để làm gì?. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, bản tin phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về bảo vệ trật tự, an ninh. | - Viết chính tả đoạn văn. - Đặt và trả lời câu hỏi theo chủ đề (bài viết). |
9. Truyền thống và di sản văn hoá dân tộc | Các bài hội thoại, bài đọc về truyền thống văn hoá của người Khmer (nếp sống, phong tục, lễ hội, di tích văn hoá - lịch sử,...), về xây dựng phum sóc văn hoá. | - Từ ngữ về văn hoá. - Đặt và trả lời câu hỏi lựa chọn - dùng từ hay để biểu thị hai khả năng lựa chọn. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, bản tin phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về xây dựng nếp sống mới. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn theo câu hỏi gợi ý. |
10. Đảng và Bác Hồ | Các bài hội thoại, bài đọc về Đảng, về Bác Hồ. | - Từ ngữ về Đảng, về Bác Hồ. - Đặt và trả lời câu hỏi tổng quát - hỏi về toàn bộ sự việc nói trong câu bằng cách dùng các từ: à, nhé,... ở cuối câu. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, bản tin phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về Đảng, về sự nghiệp, đạo đức của Bác Hồ. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn theo câu hỏi gợi ý. |
11. Gia đình, dòng tộc | Các bài hội thoại, bài đọc về kinh tế gia đình, kế hoạch hoá gia đình. | - Từ ngữ về kinh tế gia đình, kế hoạch hoá gia đình. - Câu cảm thán. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, bản tin phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về kinh tế gia đình và kế hoạch hoá gia đình. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn tự sự ngắn có nội dung phù hợp với chủ đề. |
12. Phum sóc, quê hương | Các bài hội thoại, bài đọc về quê hương đổi mới và giàu đẹp. | - Từ ngữ về thành thị, nông thôn. - Từ đồng nghĩa. - Ôn cách đặt và trả lời câu hỏi Ai?, Là gì?, Bao nhiêu?. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, bản tin phù hợp với chủ đề. - Giới thiệu về quê hương đổi mới và giàu đẹp. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn tự sự ngắn có nội dung phù hợp với chủ đề. |
13. Thiên nhiên, môi trường | Các bài hội thoại, bài đọc về thiên nhiên và bảo vệ môi trường. | - Từ ngữ về lịch pháp Khmer, về thiên nhiên và bảo vệ môi trường. - Từ trái nghĩa. - Ôn cách đặt và trả lời câu hỏi Ai?, Làm gì; cách thể hiện ý nghĩa thời gian. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, bản tin phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về bảo vệ môi trường. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết thông báo ngắn, viết đoạn văn tự sự có nội dung phù hợp với chủ đề. |
14. Chăm sóc sức khoẻ | Các bài hội thoại, bài đọc về vệ sinh, rèn luyện thân thể, phòng, chữa bệnh. | - Từ ngữ về sức khoẻ, thể dục thể thao, khám chữa bệnh. - Từ nhiều nghĩa. - Ôn về cách đặt và trả lời câu hỏi Ai?, Thế nào?; cách thể hiện ý nghĩa mức độ. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với chủ đề. - Trao đổi về vệ sinh, rèn luyện thân thể, phòng, chữa bệnh. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết thông báo ngắn, viết đoạn văn tự sự có nội dung phù hợp với chủ đề. |
15. Lao động, sản xuất | Các bài hội thoại, bài đọc về truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. | - Từ ngữ về lao động, sản xuất. - Câu ghép. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với chủ đề. - Trao đổi về phát triển sản xuất. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết thư, viết đoạn văn tự sự có nội dung phù hợp với chủ đề. |
16. Khoa học, giáo dục | Các bài hội thoại, bài đọc về áp dụng tiến bộ khoa học, về giáo dục ở địa phương, về các nhà khoa học, nhà giáo tiêu biểu. | - Từ ngữ về khoa học, giáo dục. - Câu ghép. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với chủ đề. - Trao đổi về áp dụng tiến bộ khoa học, về giáo dục ở địa phương. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết thư, viết đoạn văn tự sự có nội dung phù hợp với chủ đề. |
17. Đất nước, con người | Các bài hội thoại, bài đọc về các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống, về chính sách đoàn kết dân tộc. | - Từ ngữ về địa lý, lịch sử nước ta, về các dân tộc anh em. - Ôn về cách đặt và trả lời các câu hỏi Ở đâu?, Bao giờ?, Đã ... chưa? | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với chủ đề. - Trao đổi về cuộc sống ở địa phương và chính sách đoàn kết dân tộc. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn tự sự, đoạn văn thuyết minh có nội dung phù hợp với chủ đề. |
18. Bảo vệ Tổ quốc | Các bài hội thoại, bài đọc về truyền thống yêu nước và bảo vệ trật tự, an ninh, về các anh hùng tiêu biểu. | - Từ ngữ về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trật tự, an ninh. - Ôn về cách đặt và trả lời các câu hỏi Như thế nào?, Bằng gì? | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trật tự, an ninh. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn tự sự, đoạn văn thuyết minh có nội dung phù hợp với chủ đề. |
19. Truyền thống và di sản văn hoá dân tộc (khoảng 30 tiết) | Các bài hội thoại, bài đọcvề xây dựng nếp sống mới. | - Từ ngữ về văn hoá. - Ôn về cách đặt và trả lời các câu hỏi Vì sao?, Để làm gì?. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về xây dựng nếp sống mới. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn tự sự, đoạn văn thuyết minh có nội dung phù hợp với chủ đề. |
20. Đảng và Bác Hồ (khoảng 10 tiết) | Các bài hội thoại, bài đọc về Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, về các đảng viên ưu tú. | - Từ ngữ về chính trị - xã hội. - Ôn về câu cầu khiến, câu cảm thán. - Ôn về câu ghép. | - Thực hành đối thoại hoặc trả lời câu hỏi theo nội dung bài hội thoại, bài đọc. - Nghe - kể lại mẩu chuyện, văn bản phổ biến khoa học phù hợp với chủ đề. - Trao đổi ý kiến về Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, về các đảng viên ưu tú. | - Viết chính tả đoạn văn. - Viết đoạn văn tự sự, đoạn văn thuyết minh có nội dung phù hợp với chủ đề. |
Ôn tập - kiểm tra giữa và cuối khoá (khoảng 15 tiết) |
3. Về sự phân bổ thời lượng cho các phần của bài học
Sự phân bổ thời lượng cho mỗi phần của bài học được nêu trong Kế hoạch dạy học thể hiện mức độ cần quan tâm đối với mỗi phần, tránh tình trạng dành quá nhiều hoặc quá ít thời gian cho một phần. Trong phạm vi thời lượng dành cho mỗi phần, người biên soạn tài liệu dạy học có thể chủ động sắp xếp thời gian để rèn kỹ năng, dạy kiến thức mới, hay ôn luyện, củng cố kỹ năng, kiến thức đã học. Tuỳ thuộc vào điều kiện dạy học và đối tượng học cụ thể, người dạy cũng có thể linh hoạt điều chỉnh thời lượng học.
4. Về tài liệu dạy học
Chương trình này là cơ sở để biên soạn tài liệu dạy học tiếng Khmer (bao gồm tài liệu học tiếng Khmer cho học viên, tài liệu hướng dẫn giảng dạy tiếng Khmer cho giáo viên), đồng thời là căn cứ để biên soạn các đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Tài liệu dạy học và đề kiểm tra, đánh giá cần được thiết kế phù hợp với hình thức đào tạo và đối tượng học cụ thể.
Trong tài liệu học tập của học viên, bên cạnh chữ Khmer và phần giải nghĩa từ ngữ bằng tiếng Việt, cần thêm phần phiên âm theo chữ quốc ngữ đối với những từ ngữ khó đọc trên cơ sở có bảng đối chiếu thống nhất về cách phiên âm.
5. Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
a) Phương pháp dạy học
Để việc dạy học tiếng Khmer cho đối tượng cán bộ, công chức đạt được mục tiêu rèn luyện kỹ năng và trang bị kiến thức sơ giản, ban đầu (qua thực hành) một cách nhanh chóng và có hiệu quả, giáo viên cần vận dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học viên, chú ý những biện pháp đặc trưng của môn học như: rèn luyện theo mẫu, phân tích ngôn ngữ, thực hành giao tiếp, đóng vai, sử dụng các phương tiện trực quan nghe - nhìn; sử dụng hợp lý, linh hoạt, đúng lúc, đúng chỗ các phương pháp, biện pháp dạy học mới và cũ, truyền thống và hiện đại.
b) Hình thức tổ chức dạy học
Cần thay đổi hoạt động của học viên trong giờ học bằng nhiều hình thức tổ chức học tập: học viên làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm, làm việc theo lớp. Học viên làm việc cá nhân trong trường hợp câu hỏi, bài tập đặt ra những yêu cầu cụ thể. Học viên làm việc theo nhóm trong trường hợp câu hỏi, bài tập trừu tượng, đòi hỏi sự khái quát và trong trường hợp nếu làm việc chung theo đơn vị lớp sẽ có ít học viên được thực hành luyện tập. Hình thức làm việc chung theo đơn vị lớp được áp dụng chủ yếu trong trường hợp giáo viên và học viên trao đổi, đối thoại làm mẫu, trả lời những câu hỏi không cần suy nghĩ lâu hoặc học viên trình bày kết quả thực hành trước lớp,...
Việc tổ chức dạy học cần khuyến khích học viên kết hợp học trên lớp với thực hành giao tiếp trong cộng đồng dân tộc Khmer.
6. Về đánh giá kết quả học tập của học viên
a) Phương thức đánh giá
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên được thực hiện theo các phương thức sau:
- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên (trong mỗi giờ lên lớp).
- Kiểm tra, đánh giá định kỳ (cuối mỗi bài, cụm bài,...).
- Kiểm tra, đánh giá giữa khoá học, cuối khoá học.
b) Nguyên tắc đánh giá
- Kiểm tra, đánh giá toàn diện các nội dung học tập, rèn luyện đã được nêu trong Chương trình. Những nội dung được chú trọng hơn sẽ được kiểm tra, đánh giá thường xuyên hơn.
- Đa dạng hoá công cụ kiểm tra, đánh giá để làm cho đánh giá chính xác hơn, có độ tin cậy cao hơn: kết hợp kiểm tra, đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan với tự luận, đánh giá bằng hình thức vấn đáp, bằng quan sát trực tiếp của giáo viên,...
- Cách kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với từng kỹ năng:
+ Các kỹ năng nghe và nói, đọc thành tiếng được đánh giá bằng hình thức vấn đáp từng học viên, bằng hoạt động thực hành trên lớp của từng học viên.
+ Các kỹ năng dùng từ, đặt câu, đọc - hiểu được đánh giá bằng những câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi mở.
+ Các kỹ năng viết chữ, viết chính tả được đánh giá bằng bài viết.
+ Kỹ năng viết đoạn văn được đánh giá bằng bài viết tự luận.
c) Cấp chứng chỉ
Việc xét cấp chứng chỉ cho học viên căn cứ trên kết quả của cả quá trình học tập và kỳ thi cuối khoá.
7. Về các hình thức đào tạo
a) Học tập trung một đợt tại các lớp học theo thời gian quy định trong Chương trình. Kết thúc khoá học, học viên dự thi và được xét cấp chứng chỉ.
b) Học tập trung nhiều đợt, mỗi đợt hoàn thành một phần nội dung quy định trong Chương trình. Kết thúc khoá học, học viên dự thi và được xét cấp chứng chỉ.
c) Học bán tập trung: Học viên vừa công tác vừa theo học một số buổi trong tuần hoặc một số ngày trong tháng. Kết thúc Chương trình, học viên dự thi và được xét cấp chứng chỉ.
d) Tự học có hướng dẫn: Học viên tự học qua tài liệu. Kết thúc mỗi phần được quy định trong Chương trình và tài liệu, học viên được giáo viên hướng dẫn tiếp cho đến hết Chương trình học. Kết thúc Chương trình, học viên dự thi và được xét cấp chứng chỉ.
8. Về điều kiện thực hiện Chương trình
Để thực hiện Chương trình có hiệu quả, cần bảo đảm một số điều kiện cơ bản sau:
- Có giáo viên.
- Có cơ sở vật chất tối thiểu.
- Có đủ tài liệu học tập cho học viên, tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên.
- Bố trí thời gian học tập cho học viên một cách hợp lý.
Khuyến khích các cơ sở đào tạo trang bị cho lớp học tiếng Khmer các phương tiện nghe - nhìn, các loại sách bổ trợ (truyện đọc, tục ngữ, thơ,... bằng tiếng Khmer), sách công cụ (từ điển Khmer - Việt, Việt - Khmer, sổ tay từ ngữ Khmer, ngữ pháp tiếng Khmer,...) nhằm tăng hiệu quả giảng dạy và học tập. Có quy chế đánh giá và sử dụng kết quả học tập của học viên, chế độ phụ cấp cho giáo viên,... để động viên, khuyến khích người học và người dạy./.