QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài chính
Quỹ chăm sóc người cao tuổi
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 của Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Người cao tuổi số 23/2000/PL-UBTVQH10 ngày 11/05/2000;
Căn cứ Nghị định số 177/1999/NĐ-CP ngày 22/12/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý và sử dụng tài chính Quỹ chăm sóc người cao tuổi".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ, Giám đốc Quỹ chăm sóc người cao tuổi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI CHÍNH QUỸ CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2006/QĐ-BTC
ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương I. Những quy định chung
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Quỹ chăm sóc người cao tuổi thành lập ở các cấp theo quy định.
Điều 2. Nguyên tắc hoạt động
1. Quỹ chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, theo nguyên tắc tự tạo vốn, trên cơ sở vận động tài trợ và đóng góp tự nguyện của xã hội, trong đó có người cao tuổi, sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước nhằm mục đích hỗ trợ cho các hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
2. Quỹ tự trang trải chi phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động tài chính của mình.
3. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được phép mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.
4. Hoạt động thu, chi, tài chính của Quỹ chăm sóc người cao tuổi các cấp đặt dưới sự chỉ đạo, giám sát của Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi và Hội đồng Bảo trợ cùng cấp.
5. Thực hiện thu, chi, hạch toán, quyết toán và công khai tài chính theo Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
Năm tài chính của Quỹ được tính từ 01/1 đến 31/12 hàng năm.
Chương II. Nguồn thu, sử dụng và quản lý Quỹ
Điều 3. Nguồn thu của Quỹ bao gồm:
- Đóng góp tự nguyện của xã hội, trong đó có người cao tuổi.
- Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài phù hợp với các quy định của pháp luật.
- Tiền và tài sản của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ quyền cho Quỹ tài trợ có mục đích theo địa chỉ cụ thể, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ.
- Thu lãi từ tài khoản tiền gửi.
- Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).
Điều 4. Sử dụng Quỹ
Quỹ chăm sóc người cao tuổi được sử dụng cho các nội dung sau:
- Thăm hỏi khi người cao tuổi đau yếu;
- Phúng viếng khi người cao tuổi qua đời;
- Chi hỗ trợ hoạt động văn hoá, thể dục thể thao;
- Chi hỗ trợ cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, mừng thọ;
- Chi hỗ trợ người cao tuổi khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh mà gia đình gặp khó khăn;
- Chi theo mục tiêu tài trợ, giúp đỡ của tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
- Chi cho công tác tuyên truyền, vận động Quỹ;
- Hỗ trợ Quỹ cấp dưới (nếu có) theo mục đích tôn chỉ Quỹ;
- Chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ.
Việc sử dụng Quỹ do Giám đốc Quỹ quyết định, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ hoạt động đã được Hội đồng Bảo trợ Quỹ thông qua, không được sử dụng Quỹ vào các hoạt động khác không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ.
Điều 5. Nội dung chi cho hoạt động quản lý Quỹ bao gồm:
- Chi lương, phụ cấp (nếu có) cho bộ máy quản lý Quỹ;
- Chi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các khoản phải nộp theo lương theo chế độ Nhà nước quy định;
- Chi thuê văn phòng làm trụ sở làm việc;
- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản cố định phục vụ hoạt động của Quỹ;
- Chi vật tư văn phòng;
- Chi thanh toán dịch vụ công cộng (tiền điện, nước, nhiên liệu, vệ sinh, môi trường);
- Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ.
Hội đồng Bảo trợ Quỹ phải ban hành quy chế quy định cụ thể về quản lý, sử dụng quỹ, xây dựng các định mức chi phí cho các hoạt động của Quỹ. Tổng số chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ trong năm. Trường hợp trong năm số thu của Quỹ giảm quá thấp, Hội đồng Bảo trợ Quỹ quyết định mức chi tối thiểu cho hoạt động quản lý Quỹ, nhưng phải đảm bảo trong ba năm liền kề tổng số chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ. Cuối năm, số dư kinh phí quản lý được chuyển sang năm sau.
Điều 6. Chế độ hạch toán, kế toán và quản lý tài chính:
- Quỹ phải tổ chức công tác kế toán - thống kê theo đúng quy định của Luật kế toán, Luật thống kê và các văn bản hướng dẫn Luật; chấp hành các chế độ, quy định về hoá đơn, chứng từ kế toán.
- Mở sổ theo dõi và thống kê đầy đủ danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ và được tài trợ, phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh.
- Lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài chính và quyết toán thu, chi năm cho cơ quan tài chính cùng cấp với cấp có thẩm quyền cho phép thành lập Quỹ và Ban thường vụ Hội Người cao tuổi.
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra về việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ của cơ quan tài chính có trách nhiệm quản lý Quỹ. Cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Ban thường vụ Hội Người cao tuổi chịu trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt quyết toán tài chính hàng năm của Quỹ thuộc cấp mình quản lý.
- Ban kiểm soát Quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ và báo cáo Hội đồng Bảo trợ Quỹ tình hình tài chính của Quỹ.
- Hội đồng Bảo trợ Quỹ có trách nhiệm quản lý các hoạt động của Quỹ.
- Thường trực Hội đồng Bảo trợ Quỹ và Giám đốc Quỹ có trách nhiệm công bố công khai các nội dung sau:
+ Danh sách và mức đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân đã đóng góp, tài trợ cho Quỹ.
+ Báo cáo tài chính và quyết toán năm của Quỹ theo từng nội dung thu - chi.
Điều 7. Phụ trách kế toán của Quỹ:
Tiêu chuẩn đối với người được giao trách nhiệm phụ trách kế toán của Quỹ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2005/TTLT/BTC-BNV ngày 15 tháng 06 năm 2005 của liên Bộ Tài chính - Nội vụ hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế và xếp phụ cấp kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước.
Người được giao trách nhiệm phụ trách kế toán của Quỹ có nhiệm vụ giúp Giám đốc Quỹ tổ chức, chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác kế toán, thống kê của Quỹ.
Tuyệt đối không được bổ nhiệm người đã có tiền án, tiền sự, bị kỷ luật vì tham ô, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và vi phạm các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính làm phụ trách kế toán của Quỹ.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, chuyển công tác đối với người được giao nhiệm vụ phụ trách kế toán Quỹ do Ban Thường vụ Hội người cao tuổi cùng cấp quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ thông qua Hội đồng Bảo trợ Quỹ. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Quỹ hoặc trường hợp phụ trách kế toán của Quỹ chuyển công việc khác thì phải hoàn thành việc quyết toán trước khi nhận việc khác và vẫn phải chịu trách nhiệm về các số liệu, báo cáo kế toán trong giai đoạn mình phụ trách cho đến khi bàn giao xong công việc cho người khác.
Chương III. Xử lý tài sản khi Quỹ bị đình chỉ hoạt động hoặc sáp nhập,
hợp nhất, chia, tách, giải thể
Điều 8. Trường hợp Quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sáp nhập, hợp nhất, chia tách thì toàn bộ tiền và tài sản của Quỹ phải được tiến hành kiểm kê chính xác, kịp thời trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách. Tuyệt đối không được phân chia tài sản của Quỹ.
Tiền và tài sản của Quỹ mới được sáp nhập, hợp nhất phải bằng với tổng số tiền và tài sản của các Quỹ trước khi sáp nhập, hợp nhất.
Tổng số tiền và tài sản của các Quỹ mới được chia, tách phải bằng với toàn bộ số tiền và tài sản của Quỹ trước khi được chia, tách.
Điều 9. Trường hợp Quỹ bị giải thể:
1. Giám đốc Quỹ có trách nhiệm lập phương án giải thể Quỹ trình Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi thông qua Hội đồng Bảo trợ trình cấp có thẩm quyền ra Quyết định việc giải thể Quỹ.
2. Cấp cho phép thành lập Quỹ chăm sóc người cao tuổi là cấp có thẩm quyền quyết định việc giải thể Quỹ.
3. Khi Quỹ bị giải thể:
- Không được phân chia tài sản của Quỹ. Việc bán, thanh lý tài sản của Quỹ thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về thanh lý, đấu giá tài sản.
- Toàn bộ số tiền hiện có của Quỹ và tiền thu được do bán, thanh lý tài sản của Quỹ trước hết phải được sử dụng vào việc thanh toán các khoản nợ của Nhà nước như: Các khoản nợ lương, Bảo hiểm xã hội, các quyền lợi khác theo chế độ cho người lao động và chi phí giải thể Quỹ... (nếu có).
- Sau khi thanh toán các khoản nợ và chi phí giải thể, số tiền và tài sản còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước cùng cấp với cấp cho phép thành lập Quỹ.
Điều 10. Trường hợp Quỹ bị đình chỉ hoạt động thì tài sản của Quỹ được xử lý như đối với trường hợp Quỹ bị giải thể đã quy định tại Điều 9 của Quy chế./.