Văn bản pháp luật: Quyết định 477/2004/QĐ-NHNN

Lê Đức Thuý
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 477/2004/QĐ-NHNN
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
01/01/2005
28/04/2004

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng

Thống đốc
2.004
Ngân hàng Nhà nước

Toàn văn

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với

các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

 

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12/12/1997;

 

Căn cứ Luật Thống kê số 04/2003/QH11 ngày 17/06/2003;

 

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

 

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chế độ báo các thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng (gọi tắt là chế độ báo cáo thống kê)

 

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 và thay thế các quy định về báo cáo thống kê tại Quyết định số 516/2000/QĐ-NHNN1 ngày 18/12/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Chế độ thông tin báo cáo áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng và Quyết định số 07/2004/QĐ-NHNN ngày 02/01/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số mẫu biểu báo cáo tại chế độ thông tin báo cáo áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 526/2000/QĐ-NHNN1 ngày 18/12/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

Điều 3: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


CHẾ  ĐỘ  BÁO CÁO THỐNG KÊ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG  NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số       ngày     tháng     năm 2004

của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

 

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1: Chế độ báo cáo thống kê quy định tại Quyết định này thuộc loại Chế độ báo cáo thống kê cơ sở theo quy định của Luật Thống kê số 04/2003/QH11 ngày 17/06/2003.

 

Báo cáo thống kê qui định trong Chế độ này là hình thức thu thập thông  tin thống kê từ các đơn vị báo cáo để đáp ứng việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng và chức năng ngân hàng trung ương của Ngân hàng Nhà nước.

 

Đối với các báo cáo khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Chế độ này, các đơn vị báo cáo thực hiện theo các quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

 

Điều 2. Đơn vị báo cáo.

1. Các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: các đơn vị giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và chức năng ngân hàng Trung ương (sau đây gọi tắt là các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước), các Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

2. Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng (trụ sở chính, các sở giao dịch, các chi nhánh và đơn vị trực thuộc của các tổ chức này) - sau đây gọi chung là các tổ chức tín dụng.

 

Điều 3. Đơn vị nhận báo cáo.

 

Đơn vị nhận báo cáo là các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:

 

1. Tại Trung ương: các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

 

2. Tại tỉnh, thành phố: các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

3. Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Điều 4. Chi tiêu gốc và mẫu biểu báo cáo.

  

1. Các chỉ tiêu gốc, mẫu biểu báo cáo định kỳ: nội dung và hướng dẫn báo cáo các chỉ tiêu gốc, mẫu biểu báo cáo thống kê định kỳ, định kỳ lập, đối tượng báo cáo áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng được qui định cụ thể tại các Phụ lục 1, 2, 3a, 3b kèm theo Chế độ này.

 

2. Các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo đột xuất: Trong trường hợp cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (hoặc Giám đốc Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) yêu cầu báo cáo đột xuất, các đơn vị báo cáo có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

 

Điều 5. Mã số thống kê.

 

Các qui định cụ thể về mã số thống kê áp dụng trong công tác thống kê ngân hàng, hướng dẫn phân loại các loại hình kinh tế, hướng dẫn phân ngành kinh tế, hướng dẫn phân tổ người cư trú, hướng dẫn phân tổ xuất, nhập khẩu các ngành dịch vụ, và phân vùng kinh tế được qui định tương ứng tại các Phụ lục 5, 6, 7, 8, 9 và 10 kèm theo Chế độ này.

 

Điều 6. Phương thức báo cáo.

  

1. Báo cáo điện tử là báo cáo thể hiện dưới dạng tệp (file) dữ liệu được truyền qua mạng máy tính hoặc gửi qua vật mang tin. Báo cáo điện tử phải có đầy đủ chữ ký điện tử của Thủ trưởng đơn vị báo cáo và theo đúng ký hiệu, mã truyền tin, cấu trúc file do Ngân hàng Nhà nước qui định.

 

Báo cáo điện tử áp dụng bắt buộc đối với các chỉ tiêu báo cáo qui định tại Phụ lục 1 kèm theo Chế độ này. Báo cáo theo mẫu biểu quy định tại Phụ lục 3a, 3b có thể áp dụng hình thức báo cáo điện tử (gửi file báo cáo) hoặc gửi báo cáo bằng văn bản cho đơn vị nhận báo cáo theo qui định tại khoản 2 của Điều này.

 

2. Báo cáo bằng văn bản là báo cáo bằng giấy và phải theo đúng mẫu biểu qui định, có đầy đủ dấu, chữ ký của thủ trưởng đơn vị và chữ ký của người lập, người kiểm soát báo cáo.

 

Điều 7. Nối mạng và quy trình gửi báo cáo điện tử.

 

1. Sở giao dịch, chi nhánh và đơn vị trực thuộc tổ chức tín dụng (kể cả chi nhánh phụ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa được chuyển thành chi nhánh ngân hàng nước ngoài), trụ sở chính của tổ chức tín dụng không phải tổ chức tín dụng Nhà nước phải nối mạng truyền tin với Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi đặt trụ sở) để gửi báo cáo cho Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

2. Trụ sở chính tổ chức tín dụng Nhà nước, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, các Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra) phải nối mạng truyền tin trực tiếp với Cục Công nghệ tin học Ngân hàng; Trụ sở chính tổ chức tín dụng Nhà nước và các Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam (từ thành phố Đà Nẵng trở vào) phải nối mạng truyền tin với Chi cục Công nghệ tin học Ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh để gửi báo cáo về Cục Công nghệ tin học Ngân hàng.

 

3. Đối với Quỹ tín dụng nhân cơ sở chưa đủ điều kiện để nối mạng truyền tin với Ngân hàng Nhà nước thì gửi file chỉ tiêu báo cáo qua vật mang tin hoặc gửi bằng văn bản cho Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi đóng trụ sở). Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm nhập số liệu báo cáo của từng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở vào máy vi tính và gửi file chỉ tiêu báo cáo về Ngân hàng Nhà nước theo qui định.

 

4. Trường hợp hệ thống truyền dữ liệu có sự cố, các đơn vị báo cáo phải gửi file chỉ tiêu báo cáo được lưu trên vật mang tin cho Ngân hàng Nhà nước theo qui định sau:

 

a- Các đơn vị báo cáo qui định tại khoản 1 Điều này gửi cho bộ phận tin học thuộc Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

b- Các đơn vị báo cáo qui định tại khoản 2 Điều này gửi cho Cục Công nghệ tin học Ngân hàng (đối với các đơn vị báo cáo có trụ sở chính tại phía Bắc) hoặc gửi cho Chi cục Công nghệ tin học tại thành phố Hồ Chí Minh (đối với các đơn vị báo cáo có trụ sở chính tại phía Nam).

 

Điều 8. Quy trình gửi báo cáo bằng văn bản.

 

Quy trình gửi báo cáo bằng văn bản áp dụng đối với mẫu biểu báo cáo được thực hiện theo qui định cụ thể trên từng mẫu biểu báo cáo tại Phụ lục 3a, 3b kèm theo Chế độ này.

 

Điều 9. Bảo mật thông tin báo cáo.

 

Những số liệu báo cáo thống kê và các tài liệu liên quan thuộc danh mục bí mật Nhà nước phải được quản lý, sử dụng và truyền tin theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

 

Điều 10. Chất lượng số liệu báo cáo.

 

Các số liệu báo cáo thống kê phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời. Khi có chỉnh sửa đối với số liệu đã báo cáo hoặc số liệu trong kỳ báo cáo có biến động khác thường thì đơn vị báo cáo phải gửi các thuyết minh báo cáo bằng văn bản cho đơn vị nhận báo cáo.

 

Điều 11. Thời hạn gửi báo cáo.

 

1. Thời hạn gửi báo cáo áp dụng đối với chỉ tiêu báo cáo

 

a. Báo cáo ngày: các đơn vị báo cáo gửi chỉ tiêu báo cáo chậm nhất vào 9h sáng ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày báo cáo.

b. Báo cáo 10 ngày, 15 ngày: các đơn vị báo cáo gửi chỉ tiêu báo cáo chậm nhất sau 3 ngày làm việc tiếp theo.

c. Báo cáo tháng: các đơn vị báo cáo gửi chỉ tiêu báo cáo chậm nhất vào ngày 7 tháng tiếp theo ngay sau tháng báo cáo.

d. Báo cáo quý: các đơn vị báo cáo gửi chỉ tiêu báo cáo chậm nhất vào ngày 12 tháng đầu quý tiếp theo ngay sau quí báo cáo.

e. Báo cáo 6 tháng: các đơn vị báo cáo gửi chỉ tiêu báo cáo chậm nhất vào ngày 12 tháng tiếp theo ngay sau kỳ báo cáo.

g. Báo cáo năm: các đơn vị báo cáo gửi chỉ tiêu báo cáo chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu năm tiếp theo ngay sau năm báo cáo.

Trường hợp thời hạn gửi báo cáo khác với các qui định nêu trên được quy định cụ thể tại Phụ lục 2 kèm theo Chế độ này.

 

2. Thời hạn gửi báo cáo áp dụng đối với mẫu biểu báo cáo được qui định cụ thể trên các mẫu biểu báo cáo tại Phụ lục 3a, 3b kèm theo Chế độ này.

 

3. Nếu ngày qui định cuối cùng của thời hạn gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.

 

Trường hợp các báo cáo gửi bằng văn bản, ngày gửi báo cáo thực tế được tính là ngày trên dấu của bưu điện nơi tiếp nhận báo cáo gửi đi, hoặc ngày Fax báo cáo (nếu báo cáo gửi bằng Fax).

 

CHƯƠNG II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ

 

Điều12. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm như sau:

 

1. Dự thảo các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo thống kê liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

 

2. Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ tổ chức các đợt tập huấn về Chế độ báo cáo thống kê, hướng dẫn lập các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo thống kê do đơn vị mình xây dựng.

 

 3. Hướng dẫn và trả lời kịp thời cho các đơn vị báo cáo về các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Chế độ báo cáo thống kê. Trường hợp có hướng dẫn hoặc trả lời bằng văn bản thì phải đồng sao gửi Vụ Chính sách tiền tệ để theo dõi chung.

 

4. Theo dõi, đôn đốc các đơn vị báo cáo thực hiện gửi đầy đủ, đúng hạn các chỉ tiêu, báo cáo theo qui định tại Điều 13 của Chế độ này. Khi phát hiện chỉ tiêu báo cáo có sai sót, phải kịp thời yêu cầu đơn vị báo cáo chỉnh sửa và gửi lại số liệu đúng; phối hợp với Cục Công nghệ tin học Ngân hàng tra soát việc gửi chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo của các đơn vị báo cáo qua mạng máy tính.

 

5. Định kỳ hàng quý, nhận xét, đánh giá tình hình thực hiện Chế độ báo cáo thống kê của các đơn vị báo cáo đối với các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo thống kê do đơn vị mình phụ trách và gửi Vụ Chính sách tiền tệ chậm nhất vào ngày 25 tháng đầu quý sau để tổng hợp, thông báo chung.

 

6. Tổ chức lưu giữ và quản lý các báo cáo thống kê bằng văn bản do đơn vị mình trực tiếp nhận từ các đơn vị báo cáo theo các qui định hiện hành về quản lý lưu trữ hồ sơ, tài liệu trong ngành ngân hàng.

 

7. Phối hợp với Thanh tra Ngân hàng trong việc thanh tra thực hiện Chế độ báo cáo thống kê của các tổ chức tín dụng.

 

8. Lập và gửi các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo cho các đơn vị nhận báo cáo theo qui định tại Chế độ này.

 

Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc theo dõi, đôn đốc các chỉ tiêu và mẫu biểu báo cáo.

 

1. Vụ Chính sách tiền tệ: nhóm chỉ tiêu 1A.1, 1A.3, 1A.4, 1A.5, 1A.6, 1A.7, 1B.1, 1B.3, 1B.4, 1B.5, 1B.6, 1B.7, 1E, 1H, 2A, 2B.2, 3, 4A, 4B, 4C, 4D, 8B.

2. Vụ Tín dụng: nhóm chỉ tiêu 1A.2, 1A.8, 1B.2, 1B.8, 1C, 1G, 8A.

3. Vụ Các ngân hàng: nhóm chỉ tiêu 1D, 2B.1, 9A.1, 9A.2, 9A.3, 9C, 9D (chỉ tiêu 1,2).

4. Thanh tra Ngân hàng: nhóm chỉ tiêu 1B.9, 7, 9A.4, 9A.5, 9A.6, 9B, 9D (từ chỉ tiêu 3 đến 12), 9E.

5. Cục Phát hành và kho quỹ: nhóm chỉ tiêu 4E.

6. Vụ Quản lý ngoại hối: nhóm chỉ tiêu 5, 6, 10, 11, 12, 13.

7. Vụ Các tổ chức tín dụng và hợp tác: nhóm chỉ tiêu 9G, 9H.

8. Đối với các mẫu biểu báo cáo, đơn vị phụ trách mẫu biểu là đơn vị tiếp nhận báo cáo được qui định cụ thể trên các mẫu biểu tại Phụ lục 3a, 3b kèm theo Chế độ này.

 

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo thống kê

 

Để đảm bảo tính tập trung, thống nhất, tránh trùng lắp, khi các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo thống kê liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình thì phải thống nhất với đơn vị đầu mối là Vụ Chính sách tiền tệ và do Vụ Chính sách tiền tệ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

 

Điều 15. Trách nhiệm của Vụ Chính sách tiền tệ

 

Ngoài trách nhiệm nêu tại các Điều 12, 13, 14, Vụ Chính sách tiền tệ còn có trách nhiệm:

 

1. Hàng tháng lập các bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, của tổ chức tín dụng và toàn ngành để báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, báo cáo Chính phủ và gửi các bộ, ngành, đơn vị liên quan, các tổ chức quốc tế theo quy định của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

2. Là đầu mối tại Trung ương trong việc tiếp nhận các ý kiến và kiến nghị bằng văn bản về thực hiện Chế độ báo cáo thống kê, chuyển cho các đơn vị liên quan để trả lời trực tiếp cho đơn vị có ý kiến. Theo dõi ý kiến trả lời của các đơn vị liên quan.

 

3. Là đơn vị đầu mối tổng hợp và tham mưu trình Thống đốc phê duyệt quyền khai thác chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

 

4. Tổng hợp nhận xét, đánh giá và thừa lệnh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông báo tình hình thực hiện Chế độ báo cáo thống kê của các đơn vị báo cáo theo định kỳ quý.

 

Điều 16. Trách nhiệm của Cục Công nghệ tin học Ngân hàng.

 

1. Là đơn vị đầu mối tổ chức, tiếp nhận các chỉ tiêu báo cáo dưới dạng file dữ liệu, kiểm tra tên, cấu trúc file dữ liệu và mã chỉ tiêu báo cáo do các đơn vị báo cáo truyền qua mạng máy tính hoặc gửi qua vật mang tin. Trường hợp báo cáo bị sai về tên, cấu trúc file hoặc mã chỉ tiêu, phải yêu cầu đơn vị báo cáo chỉnh sửa và gửi lại theo đúng qui định.

 

Tổ chức quản lý kho dữ liệu báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo việc khai thác, sử dụng cho các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước theo qui định tại Chế độ này.

 

2. Nối và duy trì mạng truyền tin, lập, cài đặt và hướng dẫn vận hành chương trình tin học thông tin báo cáo cho các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước và các Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các đơn vị này truyền, nhận, theo dõi và tổng hợp, khai thác chỉ tiêu báo cáo qua mạng máy tính.

 

Cung cấp chương trình để các Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận file mẫu biểu báo cáo và sao lưu, ghi nhật ký các file báo cáo đã gửi đi.

 

3. Cài đặt chương trình phần mềm truyền, nhận và lưu trữ thông tin, báo cáo thống kê cho Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh để khai thác, tổng hợp báo cáo thống kê từ các Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam trên mạng máy tính.

         

4. Chủ trì và phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ nghiên cứu, xây dựng và thừa lệnh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành mã chỉ tiêu báo cáo thống kê, mã đơn vị báo cáo áp dụng đối với báo cáo điện tử để truyền qua mạng máy tính; xây dựng quy trình truyền, nhận báo cáo qua mạng máy tính và hướng dẫn triển khai thực hiện Chế độ này theo qui định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

5. Cấp phát, quản lý mã khoá, chương trình ký điện tử dùng trong báo cáo thống kê cho các đơn vị báo cáo nối mạng truyền tin trực tiếp với Cục Công nghệ tin học Ngân hàng hoặc Chi cục Công nghệ tin học Ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh theo qui định tại khoản 2 Điều 7 của Chế độ này.

 

6. Hướng dẫn các quy định về mã truyền tin, tên, cấu trúc file dữ liệu của báo cáo điện tử để thực hiện Chế độ này.

 

7. Trường hợp các đơn vị báo cáo thông báo đã truyền file dữ liệu báo cáo nhưng các đơn vị nhận báo cáo vẫn chưa nhận được các chỉ tiêu báo cáo qua mạng, sau khi nhận được phản ảnh của các đơn vị, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh việc truyền file dữ liệu báo cáo của đơn vị báo cáo và thông báo kết quả cho đơn vị nhận báo cáo để phối hợp xử lý kịp thời.

 

Điều 17. Trách nhiệm của Thanh tra Ngân hàng.

 

Ngoài trách nhiệm nêu tại Điều 12, 13, 14, Thanh tra Ngân hàng có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành Chế độ này của các tổ chức tín dụng.

 

Điều 18. Trách nhiện của Vụ Tổng kiểm soát.

 

Ngoài trách nhiệm nêu tại Điều 12, 14, Vụ Tổng kiểm soát có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành Chế độ này của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thông qua các đợt kiểm toán.

 

Điều 19. Trách nhiệm của Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh

         

Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, tổng hợp các báo cáo tiếp nhận từ Chi cục Công nghệ tin học Ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, các Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 

Điều 20. Trách nhiệm của Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

1. Đôn đốc đơn vị báo cáo gửi đầy đủ, kịp thời các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo; kiểm tra tính chính xác của các báo cáo; tổng hợp báo cáo và gửi về Ngân hàng Nhà nước theo qui định;

 

Trường hợp trên địa bàn tỉnh, thành phố chưa phát sinh (hoặc không có) các hoạt động liên quan đến nội dung của từng nhóm chỉ tiêu hoặc mẫu biểu báo cáo qui định tại Chế độ này, Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thông báo cụ thể bằng văn bản cho các đơn vị phụ trách các chỉ tiêu, mẫu biểu theo qui định tại Điều 13 của Chế độ này.

 

2. Định kỳ hàng quý tiến hành nhận xét, đánh giá và thông báo tình hình thực hiện Chế độ báo cáo thống kê của các đơn vị báo cáo trên địa bàn.

 

3. Trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở gửi báo cáo bằng văn bản, Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm nhập các báo cáo vào máy tính để gửi về Ngân hàng Nhà nước chậm nhất ngày 10 tháng sau đối với báo cáo tháng, ngày 15 tháng đầu quý sau đối với báo cáo quý và ngày 20 tháng đầu năm sau đối với báo cáo năm.

 

4. Cấp phát, quản lý mã khoá, chương trình ký điện tử dùng trong báo cáo thống kê cho các đơn vị báo cáo trên địa bàn nối mạng trực tiếp với Chi nhánh theo qui định tại khoản 1 Điều 7 của Chế độ này.

 

5. Trách nhiệm của Phòng, tổ hoặc bộ phận máy tính thuộc Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

 

a. Làm đầu mối tiếp nhận các chỉ tiêu báo cáo do các tổ chức tín dụng trên địa bàn gửi qua mạng máy tính (hoặc gửi qua vật mang tin); kiểm tra tên, cấu trúc file dữ liệu và mã chỉ tiêu báo cáo do các đơn vị báo cáo gửi qua mạng máy tính hoặc qua vật mang tin. Nếu file dữ liệu không có sai sót thì phải gửi ngay qua mạng máy tính cho các phòng, ban chức năng thuộc chi nhánh khai thác, tổng hợp theo qui định của Giám đốc Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; truyền ngay cho Cục Công nghệ tin học Ngân hàng đối với các chỉ tiêu yêu cầu gửi trực tiếp cho đơn vị nhận báo cáo. Trường hợp bị sai về tên, cấu trúc file hoặc mã chỉ tiêu, phải yêu cầu đơn vị báo cáo chỉnh sửa và gửi lại theo đúng qui định.

 

b. Tiếp nhận file chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo từ các phòng, ban chức năng thuộc Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền qua mạng máy tính cho Cục Công nghệ tin học Ngân hàng.

 

c. Khi nhận được yêu cầu tra soát của Cục Công nghệ tin học Ngân hàng, phải phối hợp với các phòng, ban chức năng thuộc Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đôn đốc đơn vị báo cáo chỉnh sửa và kịp thời gửi báo cáo đúng về Cục Công nghệ tin học Ngân hàng.

 

6. Căn cứ qui định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này, Giám đốc Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể trách nhiệm của các phòng, ban thuộc Chi nhánh trong việc thực hiện Chế độ này.

 

Điều 21. Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Chế độ báo cáo thống kê.

 

1. Chấp hành đúng các quy định về báo cáo thống kê của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chế độ này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải phản ảnh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước để được giải đáp theo qui định sau:

 

a. Các tổ chức tín dụng không phải tổ chức tín dụng Nhà nước (trụ sở chính, Sở giao dịch, chi nhánh và đơn vị trực thuộc tổ chức tín dụng), Sở giao dịch, chi nhánh và đơn vị trực thuộc tổ chức tín dụng Nhà nước, chi nhánh Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương phản ánh về Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn (đơn vị cụ thể do Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qui định).

 

b. Trụ sở chính của các tổ chức tín dụng Nhà nước, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương phản ánh về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ).

 

2. Khi phát hiện có sự sai sót của các báo cáo đã gửi cho Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải kịp thời có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước giải trình rõ sai sót này và gửi lại báo cáo đúng cho Ngân hàng Nhà nước.

 

Điều 22. Khai thác chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo.

 

1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được khai thác các chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo theo qui định tại Phụ lục số 4a, 4b kèm theo Chế độ này. Việc bổ sung, thay đổi quyền khai thác chỉ tiêu, mẫu biểu báo cáo của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trên cơ sở tham mưu của Vụ Chính sách tiền tệ.

 

2. Các chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được khai thác toàn bộ các thông tin báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

 

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

         

Điều 23. Khen thưởng và kỷ luật.

 

1. Tổ chức hoặc cá nhân có thành tích tốt trong việc thực hiện Chế độ này sẽ được khen thưởng theo các quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

         

2. Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm các quy định tại Chế độ này, làm ảnh hưởng đến việc quản lý và điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Điều 24. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của chế độ này.

 

Điều 25. Việc sửa đổi, bổ sung Chế độ này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Quyết định./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=19978&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận