Bộ Thưng mại QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo "Hiệp định về Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)"ban hành kèm theo Quyết định số 416/TMĐB ngày 13/05/1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 04/12/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định số 20/1999/NĐCP ngày 12/04/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá;
Căn cứ Quyết định số 651/TTg ngày 10/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia Điều phối hoạt động của Việt Nam trong ASEAN;
Căn cứ công văn số 356/VPUB ngày 22/01/1996 của Chính phủ về việc chỉ định cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo Hiệp định CEPT;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
1. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN của Việt Nam Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo "Hiệp định về Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)" ban hành kèm theo Quyết định số 416/TMĐB ngày 13/05/1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
2. Ban hành Phụ lục 4 (sửa đổi) về Thủ tục xin kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu D thay thế Phụ lục 4 của Quy chế nói trên.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3:
Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan thuộc Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN của Việt Nam Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo "Hiệp định về Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)"
(sửa đổi)
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2000/QĐBTM ngày / /2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
II/ Thủ tục cấp Giấy chứng nhận Mẫu D
Điều 5: Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu D bao gồm:
2. Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá (trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra). Giấy chứng nhận này phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Phù hợp với các Quy chế về xuất xứ quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Quy chế này, và;
Do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá theo quy định tại Phụ lục 4 (sửa đổi) của Quy chế này cấp;
PHỤ LỤC 4 (SỬA ĐỔI)
Về Thủ tục xin kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu D
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2000/QĐBTM ngày / /2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
Để thực hiện Quy chế về xuất xứ đối với hàng hoá được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CEPT của các nước ASEAN, thủ tục xin và cấp Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ Mẫu D được quy định như sau:
I. TỔ CHỨC ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH KIỂM TRA VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA
Điều 1:
Tổ chức được chỉ định thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu D là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá theo quy định tại Nghị định số 20/1999/NĐCP ngày 12/04/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.
Điều 2:
Để phục vụ cho việc kiểm tra, tổ chức kiểm tra có quyền yêu cầu người xin kiểm tra cung cấp hay xuất trình các chứng từ cần thiết có liên quan đến hàng hoá cũng như tiến hành bất kỳ việc kiểm tra hàng hoá nào nếu thấy cần thiết
II. KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HOÁ
Điều 3:
Việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá được tiến hành trước khi hàng hoá xuất khẩu. Riêng đối với hàng hoá cần kiểm tra hàm lượng ASEAN thì tuỳ theo mức độ phức tạp việc kiểm tra có thể được thực hiện từ khâu sản xuất, chế biến.
Người xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cần thiết để người kiểm tra tiến hành công việc được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác.
Điều 4:
Kiểm tra xuất xứ hàng hoá bao gồm các hạng mục sau:
Đặc điểm hàng hoá (chủng loại, quy cách);
Ký mã hiệu trên kiện hàng;
Kiểu đóng kiện;
Số, khối lượng (số, khối lượng cuối cùng căn cứ vào vận đơn);
Hàm lượng ASEAN.
Điều 5:
Cơ sở, công thức tính hàm lượng ASEAN áp dụng theo Quy tắc 3, Quy tắc 4 của Phụ lục 1 trong Quy định của ASEAN về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu D.
III. THỦ TỤC XIN KIỂM TRA VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HOÁ
Điều 6:
Khi làm thủ tục xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá, người xin kiểm tra phải bảo đảm:
6.1 Đã có đủ và sẵn sàng để kiểm tra đối với hàng hoá có xuất xứ thuần tuý ASEAN.
6.2 Đã bắt đầu hay đang được sản xuất đối với hàng hoá phải xác định hàm lượng ASEAN.
Điều 7:
Hồ sơ xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu D bao gồm:
7.1 Hai tờ đơn xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu D (theo mẫu quy định đính kèm) đã được khai đầy đủ và ký tên (riêng đối với doanh nghiệp thì phải đóng dấu).
7.2 Các chứng từ được gửi kèm theo đơn xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá:
7.2.1 Đối với hàng hoá có nguyên, phụ liệu nhập khẩu ngoài ASEAN và/hoặc không xác định được xuất xứ:
Quy trình pha trộn/quy trình sản xuất, lắp ráp hay bảng giải trình tỷ lệ pha trộn nguyên, phụ liệu đầu vào của hàng hoá.
Hóa đơn, chứng từ để xác định giá nhập theo điều kiện CIF của nguyên, phụ liệu nhập khẩu ngoài ASEAN.
Hóa đơn, chứng từ chứng minh giá nguyên, phụ liệu không xác định được xuất xứ.
7.2.2 Đối với hàng hoá có xuất xứ cộng gộp:
Các chứng nhận xuất xứ thỏa mãn điều kiện xuất xứ Mẫu D từ các thành viên ASEAN.
Các quy trình pha trộn/quy trình sản xuất, lắp ráp hoặc bản giải trình pha trộn nguyên liệu đầu vào của hàng hoá.
7.3 Các giấy tờ phải nộp trước ngày nhận Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá (có thể nộp bản sao, nhưng phải xuất trình bản chính để đối chứng):
Vận đơn;
Hóa đơn thương mại và/hoặc các giấy tờ để chứng minh giá xuất khẩu hàng hoá theo điều kiện FOB.
Điều 8:
Người xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu D phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các chi tiết đã kê khai trong đơn xin kiểm tra cũng như trong các chứng từ gửi kèm.
Điều 9: Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá được lập trên mẫu ấn chỉ có biểu tượng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá đã được đăng ký tại Cục Sở hữu Công nghiệp thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường./.