QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
Ban hành "Quy định về chỉ định phòng đo kiểm phục vụ công tác quản lý
chất lượng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông"
BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về chỉ định phòng đo kiểm phục vụ công tác quản lý chất lượng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quyết định này thay thế Quyết định số 171/2003/QĐ-BBCVT ngày 29/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành "Quy định về việc chỉ định các phòng đo kiểm thiết bị viễn thông".
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, các Phòng đo kiểm và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về chỉ định phòng đo kiểm phục vụ công tác quản lý chất lượng
thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50 /2006/QĐ-BBCVT
ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
1. Văn bản này quy định các thủ tục, yêu cầu và điều kiện cần thiết để chỉ định các Phòng đo kiểm phục vụ hoạt động chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm, thiết bị viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị thông tin vô tuyến điện, yêu cầu tương thích điện từ; quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông; kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông.
2. Văn bản này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các hoạt động đo kiểm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông tại Việt Nam.
Điều 2. Trong quy định này, các thuật ngữ được hiểu như sau:
1. Đo kiểm: là việc xác định các đặc tính của sản phẩm, quá trình hay dịch vụ theo các thủ tục, phương pháp hoặc tiêu chuẩn xác định.
2. Phòng đo kiểm: là cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chức năng đo kiểm chuyên ngành bưu chính, viễn thông bao gồm sản phẩm viễn thông, điện tử và công nghệ thông tin, thiết bị thông tin vô tuyến điện, yêu cầu tương thích điện từ; dịch vụ bưu chính, viễn thông; công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông.
3. Chỉ định: là sự giao quyền của Bộ Bưu chính Viễn thông cho phòng đo kiểm để thực hiện đo kiểm phục vụ công tác quản lý chất lượng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Chương II
ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC CHỈ ĐỊNH
Điều 3. Các phòng đo kiểm gửi hồ sơ đăng ký được xem xét chỉ định tới Bộ Bưu chính Viễn thông theo địa chỉ:
Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Bưu chính, Viễn thông
18 Nguyễn Du, Hà Nội
Điều 4. Hồ sơ đăng ký được xem xét chỉ định bao gồm:
1. Đơn đăng ký (theo mẫu tại phụ lục III).
2. Bản sao quyết định thành lập hoặc văn bản thành lập phòng đo kiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Bản khai năng lực phòng đo kiểm (theo mẫu tại phụ lục II).
4. Danh mục tài liệu kỹ thuật được sử dụng trong công tác đo kiểm thuộc phạm vi đăng ký được xem xét chỉ định (theo mẫu phụ lục IV).
5. Chứng chỉ và quyết định công nhận tuân thủ ISO/IEC 17025 (nếu có) của phòng đo kiểm do tổ chức công nhận có thẩm quyền cấp trong đó quyết định công nhận cần nêu rõ phạm vi được công nhận (nêu chi tiết lĩnh vực đo kiểm và các thông số đo kiểm cụ thể cho từng sản phẩm, dịch vụ, công trình...).
6. Các tài liệu có liên quan khác (bản sao chứng chỉ đào tạo của các cán bộ kỹ thuật, mẫu biên bản đo kiểm đã thực hiện...).
Điều 5. Điều kiện để phòng đo kiểm được xem xét chỉ định:
1. Nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký được xem xét chỉ định theo Điều 4 của Quy định này.
2. Tuân thủ "Yêu cầu chung về chỉ định phòng đo kiểm phục vụ công tác quản lý chất lượng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông" trong Phụ lục I của Quy định này.
Điều 6. Thủ tục chỉ định, chỉ định lại và chỉ định mở rộng:
1. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ như được quy định tại Điều 4, Bộ Bưu chính, Viễn thông thành lập "Hội đồng đánh giá chỉ định phòng đo kiểm" với thành phần là các chuyên gia kỹ thuật và cán bộ quản lý chuyên ngành. Hội đồng đánh giá chỉ định phòng đo kiểm có nhiệm vụ thực hiện việc thẩm định, đánh giá năng lực phòng đo kiểm phục vụ công tác chỉ định. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
2. Sau khi được thành lập, Hội đồng tiến hành đánh giá năng lực của phòng đo kiểm trên cơ sở xem xét hồ sơ và đánh giá tại cơ sở của phòng đo kiểm. Phòng đo kiểm được đánh giá là đạt yêu cầu và có thể xem xét cấp quyết định chỉ định khi có hồ sơ hợp lệ và tuân thủ "Yêu cầu chung về chỉ định phòng đo kiểm phục vụ công tác quản lý chất lượng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông". Trong trường hợp phòng đo kiểm đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận tuân thủ ISO/IEC 17025 thì phạm vi đã được công nhận thể hiện trong hồ sơ được sử dụng để chỉ định phòng đo kiểm mà không cần phải đánh giá lại tại cơ sở của phòng đo kiểm.
3. Trong trường hợp phòng đo kiểm đáp ứng đầy đủ các điều kiện chỉ định theo kết luận tại biên bản của Hội đồng đánh giá chỉ định, Bộ Bưu chính, Viễn thông ra Quyết định chỉ định phòng đo kiểm phục vụ công tác quản lý chất lượng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Quyết định chỉ định nêu rõ phạm vi và thời hạn chỉ định.
4. Quyết định chỉ định có hiệu lực 03 (ba) năm. Trước khi Quyết định chỉ định hết hiệu lực, nếu có nhu cầu, phòng đo kiểm được chỉ định làm thủ tục đăng ký được xem xét chỉ định lại. Thủ tục đăng ký được xem xét chỉ định lại như thủ tục đăng ký được xem xét chỉ định lần đầu. Việc đánh giá chỉ định lại được tiến hành như đánh giá chỉ định lần đầu.
5. Trong thời gian hiệu lực của Quyết định chỉ định, các phòng đo kiểm có thể đề nghị thay đổi phạm vi được chỉ định. Phòng đo kiểm phải có văn bản chính thức đề nghị thay đổi phạm vi chỉ định. Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành đánh giá chỉ định mở rộng theo quy trình đánh giá như trường hợp xem xét chỉ định lần đầu. Trong trường hợp phòng đo kiểm đáp ứng các điều kiện chỉ định đối với phạm vi chỉ định mở rộng thì Bộ Bưu chính, Viễn thông ra Quyết định chỉ định với phạm vi chỉ định mới (bao gồm phạm vi chỉ định cũ và phạm vi chỉ định mở rộng) với thời hạn chỉ định là 03 (ba) năm kể từ ngày ký Quyết định chỉ định.
Chương III
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI
CỦA CÁC PHÒNG ĐO KIỂM ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH
Điều 7. Trách nhiệm của các phòng đo kiểm được chỉ định:
1. Duy trì hoạt động phù hợp với các điều kiện chỉ định.
2. Sẵn sàng chấp nhận việc đánh giá giám sát định kỳ hoặc đột xuất khi Bộ Bưu chính, Viễn thông có yêu cầu.
3. Chịu chi phí cho quá trình đánh giá chỉ định, đánh giá giám sát, đánh giá chỉ định mở rộng theo quy định.
4. Phòng đo kiểm được chỉ định phải thông báo kịp thời cho Bộ Bưu chính, Viễn thông khi có những thay đổi sau:
- Tư cách pháp nhân;
- Địa chỉ làm việc;
- Nhân sự, thiết bị, cơ sở vật chất, môi trường làm việc hoặc các nguồn lực khác nếu có ảnh hưởng đến năng lực kỹ thuật trong phạm vi được chỉ định.
5. Hoạt động đúng chức năng trong phạm vi được chỉ định và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các dịch vụ đo kiểm đã thực hiện.
Điều 8. Quyền lợi của các phòng đo kiểm được chỉ định:
1. Kết quả đo kiểm thuộc phạm vi chỉ định của các phòng đo kiểm có tính pháp lý trong các hoạt động:
- Chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn đối với sản phẩm, thiết bị viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị thông tin vô tuyến điện, yêu cầu tương thích điện từ;
- Quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông;
- Kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông;
- Thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, quản lý kết nối mạng, hoà mạng viễn thông và các hoạt động quản lý chuyên ngành khác của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
2. Phòng đo kiểm được chỉ định được Bộ Bưu chính, Viễn thông công bố trong danh sách các phòng đo kiểm được chỉ định.
Chương IV
GIÁM SÁT SAU CHỈ ĐỊNH
Điều 9. Giám sát sau chỉ định, đình chỉ và huỷ bỏ hiệu lực Quyết định chỉ định.
1. Bộ Bưu chính, Viễn thông tiến hành đánh giá giám sát định kỳ hoặc đột xuất khi phát hiện phòng đo kiểm được chỉ định có các biểu hiện vi phạm các yêu cầu của Quy định này hoặc không tuân thủ yêu cầu chung về chỉ định được nêu trong Phụ lục I.
2. Khi xác định phòng đo kiểm có vi phạm Quy định này, Bộ Bưu chính, Viễn thông ra Quyết định đình chỉ chỉ định đối với phòng đo kiểm, trong đó nêu rõ các nội dung mà phòng đo kiểm phải khắc phục.
3. Sau khi khắc phục đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, phòng đo kiểm có công văn đề nghị Bộ Bưu chính, Viễn thông đánh giá việc khắc phục. Nếu những yêu cầu khắc phục đã được phòng đo kiểm thực hiện đầy đủ, Bộ Bưu chính, Viễn thông ra Quyết định hủy bỏ đình chỉ.
4. Bộ Bưu chính, Viễn thông huỷ bỏ hiệu lực Quyết định chỉ định trong các trường hợp sau:
- Phòng đo kiểm bị đình chỉ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ các hành động khắc phục trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ khi có Quyết định đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều này;
- Phòng đo kiểm không muốn tiếp tục duy trì tình trạng được chỉ định;
- Phòng đo kiểm chấm dứt hoạt động;
- Phòng đo kiểm vi phạm các quy định khác của pháp luật.
5. Sau khi bị huỷ bỏ Quyết định chỉ định, phòng đo kiểm không còn có tên trong danh sách các phòng đo kiểm được chỉ định đã công bố.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, các phòng đo kiểm và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 11. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Bưu chính, Viễn thông để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.