Căn cứ Nghị định số 61-CP ngày 29-3-1974 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 90-CP ngày 18-4-1978 của Hội đồng Chính phủ và Nghị định số 132 -HĐBT ngày 13 -8 -1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định tạm thời về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị kinh tế cơ sở và giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý, khấu hao tài sản cố định áp dụng thống nhất trong tất cả các ngành,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
- Nay ban hành Chế độ quản lý, khấu hao tài sản cố định và tập định mức tỷ lệ khấu hao tài sản cố định kèm theo quyết định này, áp dụng thống nhất cho tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở trong cả nước thuộc khu vực Nhà nước quản lý.
Điều 2
- Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan đảng và đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu căn cứ vào chệ độ quản lý, khấu hao tài sản cố định và tập định mức tỷ lệ khấu hao tài sản cố định có trách nhiệm quy định cụ thể đối tượng và điều kiện vận dụng cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng ngành, từng địa phương, sau khi đã được sự đồng ý của Bộ Tài chính.
Điều 3.
- Chế độ quản lý, khấu hao tài sản cố định và định mức tỷ lệ khấu hao tài sản cố định này được áp dụng từ ngày Nhà nước công bố cho áp dụng giá khôi phục tài sản cố định sau tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định 0 giờ ngày 1 tháng 10 năm 1985.
Các quy định về quản lý, khấu hao tài sản cố định đặt ra trước đây trái với chế độ này đều bãi bỏ.
Điều 4.
- Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ đảng và đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành chế độ quản lý, khấu hao tài sản cố định trong các đơn vị thuộc phạm vi mình quản lý.
CHẾ ĐỘ
QUẢN LÝ, KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 507-TC/ĐTXD
ngày 22-7-1986 của Bộ Tài chính).
I- TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
Điều 1.
- Tài sản cố định là những công cụ lao động và tài sản được sử dụng trong nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu. Trong quá trình sử dụng, giá trị của tài sản cố định bị hao mòn dần, được chuyển dần từng phần vào giá trị của sản phẩm làm ra theo mức độ hao mòn và được thu hồi lại dưới hình thức khấu hao trong giá thành sản phẩm hoặc được ngân sách Nhà nước bù đắp để khôi phục tài sản cố định đối với cơ quan hành chính sự nghiệp.
Để thuận tiện trong việc quản lý, nay quy định những công cụ lao động và tài sản có đủ 2 điều kiện dưới đây đều thuộc tài sản cố định:
- Máy móc, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng, các phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường thuỷ, đường không, đường sắt và cơ sở hạ tầng của các phương tiện đó, các phương tiện thông tin, cửa hàng cùng với trang thiết bị bên trong trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh... có giá trị từ 10.000 đồng trở lên.
- Thời gian sử dụng từ một năm trở lên.
Điều 2.
- Những tài sản sau đây có thể là vô giá hoặc không tính được chính xác giá trị nhưng đều được coi là tài sản cố định :
- Những tài sản được tập hợp theo từng tổ hợp và sử dụng ổn định (trong một hay nhiều nhà cửa cơ quan sự nghiệp như các viện bảo tàng, thư viện, cung văn hoá, câu lạc bộ, rạp chiếu bóng, nhà hát...).
- Những tài liệu, hiện vật trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và các bộ sách ở các thư việc kèm theo các trang thiết bị như tủ, bục, bàn ghế, máy ghi âm, máy điều hoà không khí, quạt, đèn... phục vụ việc trưng bày ở các viện bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá, câu lạc bộ.
- Diện tích ruộng đất trồng lương thực, cây công nghiệp, các vườn cây ăn quả để tạo ra sản phẩm hàng hoá.
- Diện tích rừng được trồng chăm sóc và khai thác.
- Diện tích các ao hồ để nuôi cá, trồng sen, trồng rau.
- Súc vật chăn nuôi để làm việc và cho sản phẩm (lông, sữa...), súc vật nuôi để gây giống, để sinh sản, tạo ra sản phẩm hàng hoá.
Điều 3.
- Ngoài những tài sản nói ở điều 1 và điều 2, những khoản chi đầu tư sau đây ở các xí nghiệp, liên hiệp các xí nghiệp, công ty, tổng công ty... (sau đây gọi chung là xí nghiệp) được coi là tài sản cố định:
- Chi phí đầu tư mua bằng phát minh thiết kế định hình.
- Chi phí đầu tư khai hoang.
- Chi phí đầu tư cải tạo đất.
- Chi phí đầu tư đào vét dòng sông, luồng lạch, bến cảng, hồ...
- Chi phí đầu tư bốc đất đá trong xây dựng và cải tạo mỏ (khâu chuẩn bị khai thác).
- Chi phí đầu tư thăm dò trong một số ngành như dầu khí, địa chất, thuỷ lợi...
Điều 4. - Những tài sản sau đây không thuộc tài sản cố định:
- Máy móc thiết bị là hàng hoá do các xí nghiệp sản xuất đang ở tại kho của xí nghiệp hoặc cơ quan cung ứng vật tư kỹ thuật chưa cung ứng cho các đơn vị tiêu thụ.
- Các công trình máy móc thiết bị đã lắp đặt xong (hoặc thiết bị chưa lắp đặt còn để trong kho) nhưng chưa bàn giao đưa vào sản xuất, sử dụng.
- Các máy móc thiết bị dùng làm đối tượng để nghiên cứu, phân tích thí nghiệm.
Điều 5.
- Tài sản cố định được công nhận là một đối tượng để theo dõi và quản lý có loại là từng tài sản riêng biệt, kết cấu độc lập thực hiện một chức năng nhất định, có loại là một hệ thống gồm nhiều bộ phận liên kết với bộ phận chính thành một chính thể thực hiện một chức năng tổng hợp.
Giá trị tài sản cố định bao gồm các chi phí như giá mua, chi phí vận chuyển, xây dựng, lắp đặt, bảo quản bảo dưỡng và các chi phí cần thiết khác theo quyết toán vốn đầu tư được cấp có thẩm quyền duyệt.
II- HAO MÒN VÀ KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
Điều 6.
- Trong quá trình sản xuất và sử dụng, tài sản cố định bị hao mòn. Mức độ hao mòn được phản ánh trên sổ sách kế toán bằng giá trị tuyệt đối và bằng tỷ lệ phần trăm quy định tương ứng với tỷ lệ khấu hao ghi trong tập định mức tỷ lệ khấu hao tài sản cố định. Định mức khấu hao tính bằng tỷ lệ phần trăm so với giá trị ban đầu (hoặc giá trị khôi phục) của tài sản cố định, trong đó chia ra khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn. Tỷ lệ khấu hao này được áp dụng cho từng loại tài sản cố định riêng biệt hoặc cho từng nhóm tài sản cố định cùng loại thống nhất cho tất cả các đơn vị sản xuất - kinh doanh ở tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân, bất luận tài sản cố định đó được hình thành bằng nguồn vốn đầu tư nào (vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ngân hàng, vốn tự có của xí nghiệp...).
Điều 7.
- Để hình thành nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sửa chữa, khôi phục, cải tạo đổi mới và mở rộng tài sản cố định, xí nghiệp phải tiến hành trích khấu hao bao gồm khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn. Khoản trích khấu hao được tính vào giá thành sản phẩm lao vụ và kinh phí kinh doanh phục vụ và được để lại một phần hoặc toàn bộ cho xí nghiệp để làm nguồn vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị.
Điều 8.
- Do đặc tính kỹ thuật và yêu cầu của công tác quản lý, sử dụng, những tài sản cố định sau đây chỉ trích khấu hao cơ bản, không trích khấu hao sửa chữa lớn:
- Các loại sách kỹ thuật, thiết kế định hình, bằng phát minh.
- Các khoản chi cho việc đầu tư thăm dò, khai hoang, trồng rừng, cải tạo đất, bốc đất đá xây dựng và cải tạo mỏ.
- Các loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.
- Súc vật dùng để cày, kéo, hoặc để tạo ra sản phẩm hàng hoá hay để gây giống.
Việc trích khấu hao cơ bản vẫn phải tiến hành trong thời gian tài sản cố định ngừng hoạt động để sửa chữa lớn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan (trừ trường hợp ngừng hoạt động do quyết định của cơ quan có thẩm quyền nói ở Điều 10 dưới đây.
Điều 9.
- Những tài sản cố định sau đây không phải trích khấu hao cơ bản:
- Ruộng đất, rừng cây trồng, sông, ngòi, hồ ao phục vụ nhu cầu chung của xã hội.
- Cầu, cống, đường sá, đe đập.
- Các khoản chi đầu tư cho việc đào vét lòng sông, luồng lạch, bến cảng, hồ, đầm.
Điều 10.
- Những tài sản cố định sau đây không phải trích khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn:
- Tài sản cố định dự trữ đặc biệt theo quyết định của chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
- Tài sản cố định được đưa vào bảo quản cất giữ từ một năm trở lên (tính theo năm kế hoạch) được Bộ trưởng (đối với xí nghiệp trung ương) hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với xí nghiệp địa phương) cho phép.
- Tài sản cố định của các cơ quan hành chính sự nghiệp, quốc phòng, an ninh (trừ đơn vị hạch toán kinh tế).
- Đê, đập, đường sá, cầu cống, rừng cây... phục vụ chung cho nhu cầu xã hội, không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh cho một đơn vị.
Điều 11.
- Tài sản cố định đã khấu hao cơ bản hết, nhưng vẫn được sử dụng vào sản xuất thì xí nghiệp được tiếp tục trích khấu hao cơ bản tính vào giá thành sản phẩm. Khoản trích khấu hao đó được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp.
Điều 12.
- Tài sản cố định chưa khấu hao cơ bản hết mà bị hư hỏng do xí nghiệp gây ra không sử dụng vào sản xuất kinh doanh được nữa, xí nghiệp vẫn phải tiếp tục trả đủ phần giá trị còn lại chưa khấu hao hết, lấy từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất để trả nợ ngân hàng (đối với tài sản cố định được đầu tư bằng vốn tín dụng) hoặc từ nguồn vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản của xí nghiệp (đối với Tài sản cố định do ngân sách đầu tư) mà không được tính vào giá thành sản phẩm. Trường hợp Tài sản cố định do thiên tai hoặc địch phá hoại, không sử dụng vào sản xuất - kinh doanh được nữa thì cơ quan chủ quản cấp trên lập Hội đồng thẩm tra thanh lý theo chế độ hiện hành.
Điều 13.
- Đối với Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ cho việc khai thác trong hầm lò hoặc các công trình phụ trợ trong xây dựng cơ bản mà công dụng và tuổi thọ của Tài sản cố định dài hơn thời gian công việc phục vụ, sau khi công việc đã hoàn thành, tài sản cố định đó không dùng cho mục đích khác được thì tỷ lệ khấu hao cơ bản được tính theo khối lượng sản phẩm dự định khai thác hoặc thời gian công việc mà Tài sản cố định đó phải phục vụ.
III- TRÍCH KHẤU HAO VÀ TÍNH KHẤU HAO VÀO GIÁ THÀNH SẢN PHẨM
Điều 14.
- Toàn bộ tài sản cố định đã đưa ra sử dụng trong năm kế hoạch đều phải trích khấu hao (khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn). Tài sản cố định hoạt động ở các xí nghiệp không phát huy hết công xuất thiết kế do nguyên nhân khách quan, xí nghiệp được trích khấu hao cơ bản vào giá thành sản phẩm theo mức kế hoạch sản xuất được giao hàng năm so với công xuất thiết kế, nhưng mức tối thiểu phải trích là 50% so với mức khấu hao cơ bản phải trích đủ.
Điều 15.
- Trường hợp khấu hao cơ bản đã trích và tính vào giá thành sản phẩm ở mức tối thiểu (50%) nhưng vẫn đội giá bán buôn công nghiệp thì hàng năm, khi lập kế hoạch tài chính, xí nghiệp báo cáo với cơ quan chủ quản cấp trên. Các cơ quan chủ quản cấp trên của xí nghiệp bàn bạc thống nhất với cơ quan tài chính đồng cấp để quyết định mức trích hợp lý, phù hợp với mức giá sản phẩm do Nhà nước quy định. Trường hợp mức trích khấu hao sửa chữa lớn theo tỷ lệ quy định và theo thực tế sử dụng của tài sản cố định không đủ chi phí thì xí nghiệp được phép trích thêm và hạch toán vào giá thành sản phẩm cho đủ như nhu cầu sửa chữa lớn hàng năm.
Điều 16.
- Đối với xí nghiệp sản xuất theo thời vụ thì tổng số tiền khấu hao tài sản cố định trong năm phải trích và tính đủ vào giá thành sản phẩm.
Điều 17.
- Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định được xây dựng trong điều kiện hoạt động sản xuất bình thường. Trường hợp tài sản cố định cùng loại được sử dụng trong điều kiện khó khăn hơn thì nhân với hệ số 1,2, trong điều kiện thuận lợi hơn thì nhân với hệ số 0,8.
Điều 18.
- Thời gian trích khấu hao bắt đầu từ ngày mùng một của tháng tiếp theo sau tháng đưa tài sản cố định vào sử dụng. Thời gian ngừng trích khấu hao bắt đầu từ ngày mùng một của tháng tiếp theo sau tháng tài sản cố định được lệnh thanh lý hoặc đưa vào bảo quản cất giữ hoặc chuyển đi nơi khác.
Điều 19.
- Việc trích khấu hao đối với tài sản cố định cho thuê do chủ tài sản cho thuê tiến hành. Đơn vị thuê tài sản phải tính chi phí thuê tài sản vào giá thành sản phẩm, lao vụ, phí kinh doanh dịch vụ.
Điều 20.
- Đối với tài sản cố định không có trong tập định mức tỷ lệ khấu hao quy định này thì các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương) dựa vào tỷ lệ khấu hao tài sản cố định có tính năng, tác dụng, công suất tương đương để xác định mức khấu hao tính vào giá thành sản phẩm cho phù hợp.
IV- SỬ DỤNG TIỀN TRÍCH KHẤU HAO
Điều 21.
- Đối với tài sản cố định được hình thành bằng nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, xí nghiệp được để lại bình quân 50% khấu hao cơ bản (mức trích cụ thể đối với từng loại hình xí nghiệp sẽ áp dụng theo quy định riêng của Bộ tài chính) để lập vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản nhằm từng bước thay thế hoặc đổi mới tài sản cố định; số còn lại nộp ngân sách Nhà nước. Đến khi khấu hao hết số vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước thì xí nghiệp được để lại toàn bộ khoản trích khấu hao cơ bản làm vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với tài sản cố định được hình thành bằng nguồn vốn tự có của xí nghiệp thì xí nghiệp được để lại toàn bộ khoản trích khấu hao cơ bản để lập vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với tài sản cố định được hình thành bằng vốn vay của ngân hàng, xí nghiệp được dùng toàn bộ khoản trích khấu hao cơ bản của tài sản cố định này để trả nợ vốn vay ngân hàng. Sau khi trả hết nợ, xí nghiệp được giữ lại toàn bộ khoản trích khấu hao cơ bản để lập vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản.
Điều 22.
- Số tiền khấu hao cơ bản để lại xí nghiệp được đưa vào nguốn vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản và phải gửi tại ngân hàng và chỉ được sử dụng vào việc đầu tư chiều sâu hoặc xây dựng lại xí nghiệp theo luận chứng kinh tế kỹ thuật đã dược bộ chủ quản (hoặc Uỷ ban nhân dân) duyệt xí nghiệp được hưởng một tỷ lệ lãi suất nhất định theo quy định chung của ngân hàng.
Điều 23.
- Vốn khấu hao sửa chữa lớn của xí nghiệp được gửi tại ngân hàng. Các xí nghiệp có quyền dùng vốn khấu hao sửa chữa lớn để sửa chữa lớn tài sản cố định theo định kỳ hoặc bổ sung vào nguồn vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản để đầu tư chiều sâu nhằm đổi mới thiết bị, cải tại mở rộng xí nghiệp. Trường hợp quỹ khấu hao không đủ thì xí nghiệp được vay ngân hàng. Nguồn vốn để trả nợ là số khấu hao sửa chữa lớn trích được tiếp sau đó.
Điều 24.
- Hàng năm xí nghiệp phải lập kế hoạch sửa chữa lớn tài sản cố định cùng với kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính với cơ quan chủ quản cấp trên đồng gửi các cơ quan tài chính - ngân hàng - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đồng cấp để cân đối nguồn vốn - vật tư - lao động cần thiết cho công tác sửa chữa lớn của xí nghiệp.
V- ĐIỀU ĐỘNG, NHƯỢNG BÁN VÀ THANH LÝ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
Điều 25.
- Trong trường hợp cần thiết và để phát huy hiệu quả sử dụng tài sản cố định, Nhà nước có thể điều động tài sản cố định từ đơn vị này sang đơn vị khác, sau khi có sự thoả thuận của đơn vị. Việc điều động tài sản cố định trong nội bộ liên hiệp các xí nghiệp (tổng công ty) hoặc Bộ (tổng cục), địa phương do thủ trưởng đơn vị, hoặc Bộ trưởng (Tổng cục trưởng), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương quyết định.
Trường hợp điều động tài sản cố định giữa các Bộ, Tổng cục, các địa phương và giữa các đơn vị thuộc kinh tế trung ương với các đơn vị thuộc kinh tế địa phương thì phải do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định, sau khi có sự thoả thuận của các xí nghiệp và thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp trên.
Việc điều động tài sản cố định chỉ áp dụng trong nội bộ khu vực kinh tế quốc doanh.
Điều 26.
- Những tài sản cố định không cần dùng hoặc xét thấy sử dụng không có hiệu quả thì đơn vị được lập phương án nhượng bán cho đơn vị khác và trình Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (nếu là xí nghiệp địa phương) xét duyệt.
Trong thời hạn 30 ngày (tính từ ngày gửi đi của cơ quan bưu điện) nếu cấp có thẩm quyền không có ý kiến thì đơn vị được thực hiện theo phương án đã trình.
Việc nhượng bán tài sản cố định trước hết phải thực hiện giữa các đơn vị trong nội bộ ngành, địa phương thuộc khu vực kinh tế quốc doanh. Trong trường hợp nhượng bán tài sản cố định cho các đơn vị ngoài khu vực kinh tế quốc doanh thì phải được Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (nếu là xí nghiệp thuộc kinh tế địa phương) đồng ý sau khi hỏi ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.
Điều 27.
- Tài sản cố định điều động hoặc nhượng bán đều phải đánh giá lại để xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản cố định đó phù hợp với chi phí đầu tư mua sắm tài sản cố định và mức độ hao mòn của tài sản cố định ở thời điểm bàn giao. Nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản cố định đã được đánh giá lại nói trên là căn cứ để tiến hành bàn giao và thanh toán giữa bên giao và bên nhận tài sản cố định.
Điều 28.
- Đơn vị nhận tài sản cố định do được điều động hoặc nhượng bán đều phải thanh toán cho đơn vị giao tài sản cố định số tiền tương ứng với giá trị còn lại của tài sản cố định nói trên ở điều 27.
Đối với tài sản cố định hình thành bằng nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, khoản thu được do điều động tài sản cố định đơn vị phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Tiền thu được do nhượng bán tài sản cố định đơn vị cũng phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp cần để lại một phần hay toàn bộ số tiền này để bổ sung vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản, đơn vị phải được cơ quan đã cho phép nhượng bán và cơ quan tài chính đồng cấp đồng ý.
Đối với tài sản cố định hình thành bằng nguồn vốn tự có của đơn vị và vốn tín dụng của ngân hàng, đơn vị được để toàn bộ lại khoản tiền thu được do điều động và nhượng bán để bổ sung vốn tự có về đầu tư xây dựng cơ bản và trả nợ ngân hàng.
Điều 29.
- Tài sản cố định không còn khả năng sử dụng, hoặc vẫn còn khả năng sử dụng nhưng xét thấy không có hiệu quả, xí nghiệp phải lập phương án thanh lý trình lên cơ quan chủ quản cấp trên. Sau 30 ngày (tính từ ngày gửi đi của cơ quan bưu điện), nếu không có ý kiến của cơ quan chủ quản cấp trên, xí nghiệp được thanh lý tài sản cố định theo phương án đã trình.
Các khoản thu, chi phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản cố định được hạch toán theo chế độ kế toán hiện hành. Phần chênh lệch giữa thu và chi như thu lớn hơn chi được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất; chi lớn hơn thu thì dùng quỹ phát triển sản xuất để bù đắp.
VI- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30.
- Chế độ quản lý, khấu hao tài sản cố định và tập định mức tỷ lệ khấu hao này được áp dụng từ ngày Nhà nước công bố giá khôi phục của tài sản cố định sau tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định 0 giờ ngày 1 tháng 10 năm 1985.
Các văn bản về quản lý khấu hao tài sản cố định trước đây trái với quy định này đều không còn hiệu lực.