Văn bản pháp luật: Quyết định 52/2006/QĐ-BNN

Bùi Bá Bổng
Toàn quốc
Công báo số 03 - 07/2006;
Quyết định 52/2006/QĐ-BNN
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
17/07/2006
23/06/2006

Tóm tắt nội dung

Ban hành Quy định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn

Thứ trưởng
2.006
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ban hành Quy định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn


BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 03 năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


QUY ĐỊNH

Chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn

(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2006/QĐ-BNN ngày 23/06/2006

của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trình tự và thủ tục: đăng ký; kiểm định đồng ruộng; lấy mẫu và lưu mẫu; kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng; hậu kiểm các lô giống thuộc Danh mục giống cây trồng phải được chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và phân công trách nhiệm thực hiện các nội dung trên.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng thuộc khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng là tổ chức có đủ năng lực thực hiện kiểm tra và đánh giá chất lượng giống cây trồng, đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BKHCN ngày 10/01/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ và các quy định khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định này.

2. Lô ruộng giống là diện tích sản xuất giống cụ thể, gồm một hoặc nhiều ruộng giống (ô, thửa) liền khoảnh, có cùng tính chất đất, điều kiện thủy lợi, gieo trồng cùng một loại giống, cùng cấp giống, cùng thời vụ và áp dụng cùng một quy trình kỹ thuật.

3. Lô giống là một lượng hạt giống cụ thể, có cùng nguồn gốc và cùng cấp giống, được sản xuất, chế biến, bảo quản cùng một quy trình, có thể nhận biết được và không vượt quá khối lượng quy định.

4. Mã hiệu lô giống là mã duy nhất được đặt cho một lô giống theo quy định để nhận biết và phân biệt với các lô giống khác, được sử dụng để quản lý và kiểm tra nguồn gốc của lô giống khi cần thiết.

Điều 3. Đăng ký chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng thuộc Danh mục giống cây trồng phải chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn, trước khi tiến hành sản xuất hoặc nhập khẩu giống phải đăng ký với một trong các tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng.

2. Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng giống cây trồng theo mẫu Phụ lục I áp dụng đối với các lô giống sản xuất trong nước hoặc Phụ lục II áp dụng đối với các lô giống nhập khẩu.

Điều 4. Kiểm định ruộng giống (áp dụng đối với giống sản xuất trong nước)

1. Kiểm định ruộng giống do người kiểm định được công nhận thực hiện.

2. Người kiểm định phải thực hiện các bước kiểm tra theo đúng quy định trong phương pháp kiểm định ruộng giống đối với loài cây trồng đó và phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định của mình.

3. Chỉ những ruộng giống đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định mới được thu hoạch làm giống và đưa vào kiểm nghiệm.

Điều 5. Lấy mẫu và lưu mẫu hạt giống

1. Lấy mẫu

a) Việc lấy mẫu giống do người lấy mẫu được công nhận thực hiện.

b) Mỗi lô giống được lấy ra 2 mẫu theo phương pháp lấy mẫu quy định trong Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 322 - 2003. Một mẫu gửi cho tổ chức chứng nhận chất lượng, một mẫu lưu tại cơ sở của chủ lô giống.

c) Đối với các lô giống bố, mẹ của lúa lai phải lấy thêm một mẫu gửi về Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương để hậu kiểm.

2. Lưu mẫu giống

a) Các mẫu giống lưu phải được bảo quản trong điều kiện thích hợp ít nhất sáu tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho lô giống.

b) Đối với giống nhập khẩu, các đơn vị nhập khẩu phải gửi mẫu chuẩn của giống nhập khẩu cho tổ chức chứng nhận chất lượng để lưu và đối chứng trong trường hợp cần thiết.

Điều 6. Kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận chất lượng

1. Kiểm nghiệm

a) Đối với giống sản xuất trong nước, chỉ những lô giống đã có biên bản kiểm định đồng ruộng đạt tiêu chuẩn quy định mới được đưa vào kiểm nghiệm. Đối với giống nhập khẩu phải có tờ khai hải quan.

b) Việc kiểm nghiệm do phòng kiểm nghiệm được công nhận thực hiện.

c) Kết quả kiểm nghiệm được thể hiện trong phiếu kiểm nghiệm theo mẫu Phụ lục III.

2. Cấp giấy chứng nhận chất lượng lô giống

a) Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận chất lượng cấp giấy chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn cho lô giống. Mỗi lô giống được cấp một giấy chứng nhận chất lượng theo mẫu Phụ lục III.

b) Việc sao Giấy chứng nhận chất lượng lô giống phải do chính tổ chức đã cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho lô giống đó thực hiện.

Điều 7. Hậu kiểm

1. Hậu kiểm

a) Việc hậu kiểm phải được tiến hành ở vụ gieo trồng tiếp theo của giống đó.

b) Tỷ lệ mẫu giống hậu kiểm so với số lô giống đã chứng nhận chất lượng: giống lúa thuần siêu nguyên chủng và giống bố mẹ lúa lai, ngô lai; lúa lai F1 và ngô lai F1 là 100%; giống lúa thuần nguyên chủng tối thiểu từ 5 - 10%.

c) Chậm nhất 15 (mười lăm) ngày sau khi kết thúc hậu kiểm, đơn vị thực hiện hậu kiểm gửi kết quả hậu kiểm cho chủ sở hữu lô giống và cho tổ chức đã cấp giấy chứng nhận chất lượng lô giống đó.

2. Phân công thực hiện hậu kiểm:

a) Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương có trách nhiệm trực tiếp hậu kiểm toàn bộ các giống bố mẹ lúa lai và các giống lúa lai F1 hai dòng; tham gia hậu kiểm các cấp giống, loại giống cây trồng khác theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống.

b) Các tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận chất lượng tự hậu kiểm hoặc hợp đồng với tổ chức chứng nhận chất lượng để tiến hành hậu kiểm các giống khác ngoài các giống bố mẹ lúa lai và lúa lai F1 hai dòng.

Điều 8. Mã lô ruộng giống, mã hiệu lô giống và nhãn bao giống

Mã lô ruộng giống:

a) Mỗi lô ruộng giống phải có một mã để theo dõi trong quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến. Mã lô ruộng giống cũng được sử dụng làm mã của lô hạt giống sau khi thu hoạch.

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất giống tự đặt mã lô ruộng giống theo số thứ tự (01, 02, 03...). Trường hợp lô ruộng giống sau khi thu hoạch có khối lượng vượt quá quy định của một lô hạt giống thì phải chia thành các lô có khối lượng theo quy định. Mỗi lô giống được đặt thêm các chữ cái a, b, c... sau mã của lô ruộng giống đó, ví dụ 01a, 01b...

2. Mã hiệu lô giống:

a) Mỗi lô giống phải có một mã hiệu để theo dõi, thống nhất quản lý, được duy trì trong suốt quá trình bảo quản và lưu thông lô giống đó.

b) Mã hiệu lô giống do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thể hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

c) Mã hiệu lô giống gồm 6 nội dung: mã tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc Trung ương); mã đơn vị sản xuất kinh doanh; mã loài cây trồng; mã cấp giống; mã vụ và năm sản xuất hoặc năm nhập khẩu; mã lô hạt giống được sản xuất hoặc nhập khẩu trong năm.

d) Mã tỉnh, thành phố; mã loài cây trồng và mã cấp giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định theo mẫu Phụ lục IV và V. Mã đơn vị sản xuất kinh doanh 100% vốn nước ngoài do Cục Trồng trọt đặt; mã đơn vị sản xuất, kinh doanh còn lại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đơn vị đóng trụ sở chính quy định và thông báo về Cục Trồng trọt (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương) theo mẫu Phụ lục VI. Các nội dung khác của mã hiệu lô giống do đơn vị sản xuất, kinh doanh tự đặt theo Phụ lục IV.

đ) Mã hiệu lô giống phải được thể hiện trên bao bì hoặc trên nhãn bao giống.

3. Nhãn bao giống

Nhãn bao giống thực hiện theo Thông tư hướng dẫn số 75/2000/TT-BNN-KHCN ngày 17 tháng 07 năm 2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chế ghi nhãn hàng hóa và bổ sung thêm mã hiệu lô giống theo quy định tại Điều 8 Quy định này.

Điều 9. Báo cáo kết quả chứng nhận chất lượng

1. Các tài liệu liên quan đến việc chứng nhận chất lượng của lô giống như: hồ sơ đăng ký, biên bản kiểm định, biên bản lấy mẫu, tờ khai hải quan (nếu có), phiếu kiểm nghiệm, bản sao giấy chứng nhận chất lượng lô giống được tập hợp thành hồ sơ của lô giống và lưu tại tổ chức chứng nhận chất lượng.

2. Tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng gửi báo cáo kết quả chứng nhận giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn về Cục Trồng trọt (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương) theo mẫu Phụ lục VII.

3. Thời gian gửi báo cáo: định kỳ vào ngày 20 tháng 6 và ngày 20 tháng 12 hàng năm, trường hợp cần thiết phải báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn.

Điều 10. Chi phí chứng nhận chất lượng

Chi phí thực hiện chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn do các tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận chất lượng chi trả theo quy định của Nhà nước; trường hợp chưa có quy định các bên thỏa thuận theo hợp đồng.

Điều 11. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Việc kiểm tra, thanh tra về chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn thực hiện theo Luật thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo.

Điều 12. Phân công trách nhiệm

1. Cục Trồng trọt thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn trên phạm vi cả nước, có trách nhiệm:

a) Xây dựng trình Bộ kế hoạch, tổ chức và chính sách quản lý về chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn;

b) Trình Bộ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến hoạt động chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn;

c) Tham gia thẩm định và giám sát điều kiện hoạt động của các phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng; công nhận và quản lý hoạt động của người kiểm định, người lấy mẫu giống cây trồng trên phạm vi cả nước;

d) Chỉ đạo Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương thực hiện nhiệm vụ đầu mối hướng dẫn, giám sát về chuyên môn nghiệp vụ của các tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng trên phạm vi cả nước;

đ) Trong trường hợp cần thiết, chỉ định đơn vị thực hiện việc kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng theo quy định của pháp luật.

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn.

2. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương có trách nhiệm:

a) Giúp Cục Trồng trọt giám sát chuyên môn nghiệp vụ của người lấy mẫu, người kiểm định và các phòng kiểm nghiệm được công nhận, báo cáo Cục Trồng trọt;

b) Hướng dẫn trình tự thủ tục đăng ký, triển khai thực hiện việc chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn đối với các tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng, tổng hợp, theo dõi đăng ký mã hiệu của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống trên phạm vi cả nước;

c) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của các tổ chức chứng nhận chất lượng, đào tạo người lấy mẫu, người kiểm định, kiểm nghiệm giống cây trồng;

d) Tổ chức hậu kiểm các mẫu giống theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy định này;

đ) Trực tiếp thực hiện giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng theo chỉ định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng;

e) Tổng hợp và báo cáo Cục Trồng trọt kết quả chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn của các tổ chức chứng nhận chất lượng.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn trên địa bàn, có trách nhiệm:

a) Xây dựng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh kế hoạch, tổ chức và chính sách quản lý các hoạt động về chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn trên địa bàn;

b) Quản lý hoạt động của người lấy mẫu, người kiểm định đã được công nhận;

c) Quy định mã số của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn và thông báo về Cục Trồng trọt (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương) như quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 của Quy định này;

d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn.

4. Tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng có trách nhiệm:

a) Thực hiện chứng nhận chất lượng lô giống theo đúng các quy định tại Thông tư 02/2006/TT-BKHCN ngày 10/01/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ và các quy định khác trong Quy định này;

b) Gửi báo cáo các kết quả chứng nhận chất lượng giống cây trồng theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng có trách nhiệm:

a) Đăng ký chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 của Quy định này và thực hiện đúng tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký;

b) Trả chi phí chứng nhận chất lượng giống cây trồng theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.

Điều 13. Điều khoản thi hành

Giao Cục Trồng trọt là đầu mối theo dõi, hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15647&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận