QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc chuẩn y điều lệ hội đồng liên minh các hợp tác xã Việt Nam.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét báo cáo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
- Chuẩn y điều lệ Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam do đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 10 năm 1993 (toàn văn kèm theo Quyết định này).
Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành, những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. - Chủ tịch Ban chấp hành Hội đồng Trung ương liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐIỀU LỆ
HỘI ĐỒNG LIÊN MINH CÁC HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM
(Đã được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y
tại Quyết định số 582-TTg ngày 1-12-1993).
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
- Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hội đồng) là tổ chức kinh tế - xã hội của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (gọi chung là hợp tác xã) hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, thương mại, dịch vụ; được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi; đại diện cho các thành viên trong quan hệ đối nội, đối ngoại; nhằm mục đích phát triển hoạt động kinh tế, xã hội của các hợp tác xã theo đường lối của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.
Hội đồng được tổ chức ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động theo pháp luật Việt Nam, được Nhà nước công nhận.
Trụ sở của Hội đồng đặt tại Hà nội - Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. - Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng:
2.1. Tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, hướng dẫn, tư vấn, dịch vụ những vấn đề pháp luật và quản lý kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã.
2.2. Đại diện quyền lợi của các hợp tác xã phản ánh nguyện vọng, kiến nghị và tham gia góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan; tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2.3. Quan hệ chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng; phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các hợp tác xã.
2.4. Tham gia các tổ chức quốc tế tương ứng; tổ chức, hướng dẫn và tiếp nhận sự tài trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với khu vực hợp tác xã. Giúp đỡ các thành viên mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về kinh tế - xã hội.
-
CHƯƠNG II
THÀNH VIÊN
Điều 3.
- Các hợp tác xã, các Liên hiệp hợp tác xã sản xuất kinh doanh, các tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ tán thành Điều lệ, tự nguyện gia nhập, được Hội đồng công nhận đều trở thành thành viên của Hội đồng.
Điều 4. - Quyền của thành viên.
4.1. Được Hội đồng hướng dẫn tạo điều kiện phát triển nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
4.2. Được Hội đồng cung cấp các thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật, giúp đỡ nghiên cứu, học tập ở trong và ngoài nước, nâng cao trình độ quản lý, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp.
4.3. Được ứng cử, bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội đồng và có quyền đề nghị bãi miễn các thành viên trong các cơ quan đó.
4.4. Được Hội đồng bảo vệ trước pháp luật khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
4.5. Các thành viên có quyền thảo luận, biểu quyết chất vấn những vấn đề có liên quan và có quyền xin ra khỏi Hội đồng.
Điều 5. - Nghĩa vụ của thành viên.
5.1. Thi hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và các nghị quyết của Hội đồng.
5.2 Tham gia các hoạt động và chấp hành sự phân công của Hội đồng.
5.3. Đoàn kết, hợp tác với các thành viên khác cùng nhau thực hiện những mục tiêu của Hội đồng và tuyên truyền, vận động, phát triển thành viên mới.
5.4. Đóng hội phí theo quy định của Đại hội.
CHƯƠNG III
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Điều 6.
- Hội đồng được tổ chức ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ quan lãnh đạo Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam là Ban chấp hành Hội đồng Trung ương, ở tỉnh, thành phố là Ban chấp hành Hội đồng tỉnh, thành phố.
Điều 7. - Đại hội đại biểu thành viên toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội đồng. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc có giá trị pháp lý đối với toàn thể thành viên.
Đại hội đại biểu thành viên toàn quốc quyết định phương hướng, nhiệm cụ và những vấn đề quan trọng trong hoạt động của Hội đồng, thông qua hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, bầu Ban chấp hành Hội đồng Trung ương.
Đại hội đại biểu thành viên toàn quốc do Ban chấp hành Hội đồng Trung ương triệu tập thường lệ 5 năm một lần hoặc Đại hội bất thường khi có ít nhất 2/3 số uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng Trung ương hoặc quá nửa số thành viên đề nghị.
Điều 8. - Ban chấp hành Hội đồng trung ương là cơ quan lãnh đạo hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ Đại hội, do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra. Số lượng uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng Trung ương do Đại hội quyết định.
Nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hội đồng Trung ương là thời gian giữa hai kỳ của Đại hội đại biểu thành viên toàn quốc.
Ban chấp hành hội đồng trung ương làm việc theo nguyên tắc dân chủ, quyết định theo đa số.
Ban chấp hành Hội đồng Trung ương họp thường lệ 6 tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Điều 9. - Nhiệm vụ, quyền hạn của ban chấp hành Hội đồng Trung ương.
9.1. Tổ chức thực hiện Điều lệ và các Nghị quyết của Đại hội.
9.2. Quyết định chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch tài chính cụ thể của Hội đồng trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội.
9.3. Nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và phát triển phong trào hợp tác xã.
9.4. Quyết định gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng theo quy định của pháp luật.
9.5. Quyết định của tổ chức, nhân sự, bộ máy giúp việc và các đơn vị trực thuộc.
9.6. Quyết định bổ sung uỷ viên của Ban chấp hành Hội đồng Trung ương. Số lượng uỷ viên bổ sung không quá 1/3 số uỷ viên do Đại hội bầu.
9.7. Xét duyệt, công nhận các tổ chức và thành viên theo quy định của Điều lệ: xét khen thưởng, kỷ luật.
9.8. Bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban Thường trực và Ban Kiểm tra.
9.9. Chuẩn bị và thông qua báo cáo sẽ trình bày trước Đại hội. Triệu tập Đại hội theo định kỳ và triệu tập Đại hội bất thường.
9.10. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Đại hội.
Điều 10. - Khi người đứng đầu hoặc người đại diện của tổ chức thành viên là uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng không còn giữ nhiệm vụ trong tổ chức của mình nữa thì cũng thôi giữ chức uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng và người kế nhiệm sẽ được Ban chấp hành Hội đồng cùng cấp xem xét bầu bổ sung.
Điều 11. - Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể thành viên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ và những vấn đề quan trong do Đại hội đại biểu toàn quốc đề ra; bầu Ban chấp hành Hội đồng tỉnh, thành phố; bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc.
Nhiệm kỳ của Đại hội tỉnh, thành phố là 5 năm.
Điều 12. - Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoạt động theo Điều lệ Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam.
Ban chấp hành Hội đồng tỉnh, thành phố là cơ quan lãnh đạo hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ Đại hội, do Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể thành viên bầu ra, được chính quyền tỉnh, thành phố công nhận và Ban chấp hành Hội đồng Trung ương chuẩn y.
Nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hội đồng tỉnh, thành phố là thời gian giữa hai kỳ của Đại hội tỉnh, thành phố.
Căn cứ chương trình hoạt động của Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, nghị quyết của Đại hội cấp tỉnh, thành phố và tình hình nhiệm vụ của địa phương để đề ra nhiệm vụ cụ thể và chương trình hoạt động của Hội đồng Liên minh các hợp tác xã tỉnh, thành phố.
Ban chấp hành Hội đồng tỉnh, thành phố họp thường lệ 3 tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Điều 13. - Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành Hội đồng tỉnh, thành phố.
13.1. Tổ chức thực hiện Điều lệ và Nghị quyết của Đại hội.
13.2. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch tài chính phụ hợp với phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch do Đại hội đại biểu toàn quốc,
Đại hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chấp hành Hội đồng Trung ương đề ra.
13.3. Nghiên cứu hướng dẫn đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cơ sở, phát triển phong trào hợp tác xã.
13.4. Quyết định tổ chức nhân sự, bộ máy giúp việc và các đơn vị trực thuộc.
13.5. Quyết định bổ sung uỷ viên của Ban chấp hành Hội đồng. Số lượng uỷ viên bổ sung không quá 1/3 số uỷ viên do Đại hội bầu.
13.6. Xét duyệt, công nhận các tổ chức thành viên theo quy định của Điều lệ; xét khen thưởng, kỷ luật.
13.7. Bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch, ban Thường trực và Ban Kiểm tra.
13.8. Chuẩn bị và thông qua báo cáo sẽ trình bầy trước Đại hội; triệu tập Đại hội theo định kỳ và triệu tập Đại hội bất thường khi có ít nhất 2/3 số uỷ viên của Ban chấp hành Hội đồng hoặc quá nửa số thành viên đề nghị.
Điều 14. - Ban thường trực của Ban chấp hành Hội đồng (trung ương, tỉnh, thành phố) gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số uỷ viên. Số lượng uỷ viên Ban thường trực do Chủ tịch đề nghị và Ban chấp hành Hội đồng quyết định.
Điều 15. - Nhiệm vụ của Ban Thường trực.
15.1. Tổ chức thực hiện những công việc do Ban chấp hành Hội đồng đề ra.
15.2. Lãnh đạo, điều hành bộ máy giúp việc và các đơn vị trực thuộc.
15.3. Chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Ban chấp hành Hội đồng.
Điều 16. - Ban kiểm tra.
Ban Kiểm tra do Ban chấp hành Hội đồng bầu, gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và một số uỷ viên. Số lượng uỷ viên của Ban Kiểm tra do Ban chấp hành Hội đồng quyết định, trong đó một số là uỷ viên của Ban chấp hành Hội đồng và một số uỷ viên không phải là uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng. Trưởng Ban Kiểm tra là uỷ viên Thường trực của Ban chấp hành Hội đồng.
Điều 17. - Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra.
17.1. Kiểm tra các tổ chức và thành viên của Hội đồng về việc thực hiện Điều lệ, Nghị quyết của Đại hội và các quyết định của Ban chấp hành Hội đồng.
17.2. Xem xét giải quyết đơn khiếu tố của thành viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
17.3. Kiến nghị với Ban chấp hành Hội đồng các hình thức kỷ luật đối với cá nhân và đơn vị thuộc tổ chức của Hội đồng.
17.4. Phối hợp, tạo điều kiện khi cơ quan Thanh tra Nhà nước cần thanh tra thành viên hoặc đơn vị trực thuộc Hội đồng và Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đơn vị đó.
17.5. Kiểm tra, giám sát tài chính của Hội đồng.
17.6. Báo cáo trước Đại hội và Ban chấp hành Hội đồng về kết quả công tác kiểm tra.
CHƯƠNG IV
TÀI CHÍNH
Điều 18
. - Tài chính của Hội đồng có những nguồn thu sau:
18.1. Hội phí do thành viên đóng góp.
18.2. Thu từ hoạt động kinh tế và dịch vụ của Hội đồng.
18.3. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
18.4. Các khoản thu do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ.
Điều 19. - Tài chính được quản lý, sử dụng theo yêu cầu hoạt động của Hội đồng do Đại hội quyết định và phù hợp với quy định của Nhà nước.
Điều 20. - Tài chính được sử dụng vào các hoạt động của Hội đồng ở trong nước và nước ngoài nhằm phát triển phong trào hợp tác xã.
-
CHƯƠNG V
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 21.
- Các đơn vị, cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng phong trào hợp tác xã được Hội đồng khen thưởng và đề nghị Nhà nước khen thưởng.
Điều 22. - Các đơn vị, cá nhân hoạt động trong các tổ chức của Hội đồng vi phạm Điều lệ, Nghị quyết làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng đều bị xem xét kỷ luật.
-
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23.
- Việc giải thể Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam hoặc Hội đồng liên minh các Hợp tác xã tỉnh, thành phố do Đại hội đại biểu hay Đại hội toàn thể thành viên cùng cấp quyết định với ít nhất 2/3 số phiếu tán thành và phải được cơ quan ra quyết định công nhận chuẩn y.
Điều 24. - Điều lệ này được Đại hội đại biểu thành viên toàn quốc Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 10 năm 1993 và có hiệu lực kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chuẩn y.
Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ và được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y.
Ban chấp hành Hội đồng Trung ương hướng dẫn thi hành Điều lệ này./.