Về việc ban hành Điều lệ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Điều lệ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 205/2001/QĐ-BVCSTE, ngày 16-10-2001 của Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 15/1998/TT-BTC, ngày 06-02-1998 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh Ninh Thuận tại Tờ trình số 75 TTr/DSGDTE, ngày 02-5-2002 và ý kiến trình của Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận (gồm 06 chương, 12 điều).
Điều 2. Giao Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận.
Điều 3. Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em cùng Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện Điều lệ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 84/1998/QĐ-UB, ngày 10-11-1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận “Về việc ban hành Điều lệ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận”.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
ĐIỀU LỆ QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2002/QĐ UB,
ngày 17 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận (sau đây viết tắt là Quỹ bảo trợ) là một tổ chức trực thuộc Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh Ninh Thuận, có chức năng tổ chức vận động, thu nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực về tài chính, vật chất nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em.
1.1. Quỹ bảo trợ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.
1.2. Quỹ bảo trợ hoạt động theo quy định tại Điều lệ này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Ninh Thuận.
2.1. Khai thác mọi nguồn lực bằng hình thức huy động sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, trong đó đặc biệt ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
2.2. Bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Quỹ bảo trợ. Quản lý, sử dụng nguồn tài chính của Quỹ bảo trợ đúng mục đích, có hiệu quả theo đúng những quy định tại Thông tư số 15/1998/TT-BTC, ngày 06-02-1998 của Bộ Tài chính và các văn bản có liên quan.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM
Điều 3. Quỹ bảo trợ trẻ em có nhiệm vụ, quyền hạn như sau.
3.1. Khai thác mọi khả năng tài chính và vật chất của các đối tượng tại Điều 2 nêu trên để tạo nguồn vốn cho Quỹ bảo trợ.
3.2. Quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích và có hiệu quả.
3.3. Thường xuyên tuyên truyền các hoạt động của Quỹ bảo trợ và kết quả đóng góp của các nhà tài trợ.
3.4. Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ định kỳ về tình hình thu nộp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản, và các hoạt động của Quỹ bảo trợ.
Chương III
HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM
Điều 4. Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh.
4.1. Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ gồm những người có uy tín, hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, có tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tự nguyện tham gia bảo trợ và vận động nguồn lực cho Quỹ bảo trợ.
4.2. Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên. Giúp việc cho Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ là bộ phận Thường trực gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ và một số công chức thuộc Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh.
4.3. Điều hành công việc của Hội đồng Quỹ bảo trợ giữa các kỳ hội nghị là Ban Thường trực Hội đồng Quỹ bảo trợ.
4.4. Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ hội nghị toàn thể một năm hai lần, ngoài ra có thể họp đột xuất để giải quyết các yêu cầu phát sinh của Quỹ bảo trợ theo đề nghị của Thường trực Hội đồng Quỹ bảo trợ.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ.
5.1. Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ:
a) Hoạt động theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.
b) Đề ra chủ trương, phương hướng và kế hoạch hoạt động của Quỹ bảo trợ trong từng thời kỳ.
c) Tổ chức các hoạt động nhằm thu hút tài trợ cho Quỹ bảo trợ.
d) Quyết định thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.
e) Các thành viên Hội đồng Quỹ bảo trợ có quyền được thông tin thường xuyên về tình hình của Quỹ bảo trợ.
f) Động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp xây dựng Quỹ bảo trợ.
5.2. Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ:
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ để điều hành việc tổ chức các hoạt động của Quỹ bảo trợ.
b) Được áp dụng chế độ cộng tác viên trong quá trình triển khai công việc của Quỹ bảo trợ.
c) Hỗ trợ các đối tượng theo quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ trong từng thời kỳ, quyết định hỗ trợ các đối tượng đặc biệt khó khăn trong trường hợp đột xuất và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ.
Chương IV
TÀI CHÍNH CỦA QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM
Điều 6. Nguồn thu của Quỹ bảo trợ:
6.1. Đóng góp tự nguyện của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức nhân đạo, từ thiện, lực lượng vũ trang và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
6.2. Lợi nhuận do việc khai thác từ nguồn vốn của Quỹ bảo trợ được pháp luật cho phép.
6.3. Hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong những trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
6.4. Tiếp nhận tài trợ có mục đích, có địa chỉ cụ thể để thực hiện theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân tài trợ.
6.5. Các khoản thu hợp pháp khác.
Điều 7. Nội dung chi của Quỹ bảo trợ:
7.1. Mọi khoản chi của Quỹ bảo trợ do Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ, quyết định trên cơ sở các đề nghị của bộ phận thường trực Quỹ bảo trợ.
7.2. Chi hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư số 15/1998/TT-BTC, ngày 06-02-1998 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em”.
Điều 8. Tài sản và tài chính của Quỹ bảo trợ được quản lý theo Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Chương V
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
Điều 9. Các tổ chức, cá nhân có thành tích tham gia xây dựng Quỹ bảo trợ được ghi nhận vào sổ vàng danh dự và được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 10. Xử lý vi phạm.
Mọi hành vi vi phạm quy định của Điều lệ Quỹ bảo trợ trẻ em đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Điều lệ này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 12. Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh cùng với Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn thực hiện Điều lệ này./.