UBND Tỉnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt NamQUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Ban hành quy định cụ thể một số điểm về một số giống cây lương thực theo Nghị định 07/CP của Chính phủ và Thông tư 02/NN- KNKL- TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về "Quản lý giống cây trồng"
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.
Căn cứ Nghị định 07/CP ngày 5/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giống cây trồng. Thông tư số 02/NN-KNKL-TT ngày 1/3/1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành Nghị định 07/CP.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định cụ thể một số điểm về quản lý giống cây lương thực theo Nghị định 07/CP của Chính phủ và Thông tư 02/NN-KNKL-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về " Quản lý giống cây trồng".
Điều 2: Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện quyết định này.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1/6/1997. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học công nghệ và Môi trường, Tài chính Vật giá, Chi cục quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành, các ngành, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quy định cụ thể một số điểm về quản lý
giống cây lương thực theo Nghị định 07CP của Chính phủ và
Thông tư 02/NN-KNKL-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về "quản lý giống cây trồng"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 698/QĐ-UB ngày 30/5/1997 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Chương I:
Quy định chung
Điều1: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về giống cây lương thực trên địa bàn tỉnh.
Điều 2: Bản quy định này áp dụng đối với cây lương thực, trọng tâm là giống lúa, giống ngô. Phạm vi quản lý bao gồm các khâu từ sản xuất, kinh doanh-dịch vụ, sử dụng và quản lý nhà nước về giống cây lương thực.Đối tượng bị điều chỉnh là các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh- dịch vụ và sử dụng cây lương thực.
Điều3: Mọi tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh - dịch vụ, sử dụng giống cây lương thực có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và cơ cấu giống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Điều 4: Chính sách đối với giống cây lương thực được thực hiện theo Quyết định số 331/QĐ-UB ngày 20/3/1997 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc " Phê duyệt đề án công tác giống cây lương thực tỉnh Phú Thọ", chính sách này sẽ được bổ sung hàng năm cho phù hợp với yêu cầu của chương trình lương thực của tỉnh.
Điều 5: Những giống cây trồng khác, những nội dung không nêu trong bản qui định này thực hiện theo Nghị định 07/CP của Chính phủ và Thông tư 02/NN-KNKL-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản có liên quan khác của Nhà nước.
Chương II
Quy định cụ thể
A- sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sử dụng giống cây lương thực
I- Về sản xuất giống lúa nguyên chủng, lúa lai, ngô lai
Điều 6:
1- Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh được giao nhiệm vụ khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng, lúa lai, ngô lai tại trại sản xuất giống của công ty và tại các điểm vệ tinh trên cơ sở lựa chọn những hộ nông dân có điều kiện và kinh nghiệm sản xuất giống để cung cấp cho các huyện, thành, thị tổ chức sản xuất giống C1 theo kế hoạch và cung cấp giống lúa lai, ngô lai phục vụ cho sản xuất đại trà.
2- Giống của công ty sản xuất ra phải đăng ký chất lượng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhãn và bao bì đăng ký tại Sở Khoa học công nghệ và Môi trường.
Điều 7: Để sản xuất giống lúa nguyên chủng, lúa lai, ngô lai, trại giống và các điểm vệ tinh của công ty phải có những điều kiện sau:
Phải có cán bộ kỹ thuật (kỹ sư trồng trọt, kỹ thuật viên) am hiểu và có kinh nghiệm về kỹ thuật giống cây lương thực.
Trường hợp mua thực liệu (giống gốc, dòng) để sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng, lúa lai, ngô lai phải mua tại những nơi được giữ bản quyền giống hoặc những nơi được Nhà nước giao nhiệm vụ.
Trường hợp công ty lựa chọn, lọc dòng để sản xuất siêu nguyên chủng thì phải thực hiện theo phương pháp chọn, lọc dòng và nhân giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phải sản xuất giống theo cơ cấu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Có các điều kiện về đất đai, nhà kho, sân phơi, dụng cụ chế biến, thiết bị kiểm nghiệm đảm bảo hạt giống sản xuất ra đạt tiêu chuẩn quy định (TCVN 1776-76).
Khi sản xuất các giống lúa lai, ngô lai phải có thêm các điều kiện qui định tại các văn bản 10/TCVN - 27-95 và 10 TCVN-218-95 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 8: Đối với các điểm vệ tinh sản xuất giống của công ty, ngoài các điều kiện nói tại điều 7, phải có thêm những điều kiện sau:
Có giấy phép sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chỉ được sản xuất giống nguyên chủng (không sản xuất giống siêu nguyên chủng).
II- Về sản xuất, trao đổi giống lúa Cấp 1(C1), giống lúa và ngô địa phương:
Điều 9:
1- UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo việc tiếp nhận giống lúa nguyên chủng của công ty Vật tư nông lâm nghiệp tỉnh để tổ chức sản xuất giống lúa C1. Trường hợp mua giống của Trung Ương, tỉnh ngoài, phải có chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với cơ cấu theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo việc tiếp nhận và phân phối giống lúa lai, ngô lai để sản xuất ra thóc thịt, ngô thịt đại trà.
2- Việc sản xuất giống lúa C1, giống lúa và giống ngô địa phương được giao cho các hộ nông dân hoặc tổ chức có điều kiện sản xuất.
Điều 10: điều kiện sản xuất giống lúa cấp 1, giống lúa và giống ngô địa phương:
Sản xuất theo quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Có điều kiện về đất đai, đầu tư thâm canh và kinh nghiệm sản xuất, đảm bảo giống sản xuất ra đạt tiêu chuẩn C1.
Giống lúa và giống ngô địa phương khi sản xuất phải được UBND huyện, thành, thị cho phép về loại giống và số lượng sản xuất.
Điều 11: Trao đổi giống lúa C1, giống lúa, giống ngô địa phương:
1- Giống lúa C1, giống lúa, giống ngô địa phương sau khi sản xuất ra, các hộ sản xuất giống có trách nhiệm trao đổi cho các hộ nông dân khác theo chính sách của UBND tỉnh hoặc UBND huyện để gieo trồng đại trà. Lô giống không phải có giấy chứng nhận chất lượng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý giống cây lương thực.
2- Việc bảo hành chất lượng giữa hộ sản xuất giống và hộ nhận giống thực hiện theo phương thức thảo thuận giữa hai bên.
3- Trường hợp sản xuất giống lúa C1, ngô địa phương để kinh doanh phải có giấy phép sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phải đăng ký chất lượng, nhãn bì như quy định ở khoản 2 điều 6. Lô giống bán phải có đủ điều kiện qui định tại điều 14:
III- Kinh doanh dịch vụ giống cây lương thực:
Điều 12 : Điều kiện để tổ chức và cá nhân kinh doanh - dịch vụ giống cây lương thực:
Phải có giấy phép hành nghề kinh doanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phải am hiểu ký thuật giống cây lương thực (có bằng Trung cấp trồng trọt trở lên hoặc qua lớp đào tạo huấn luyện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Chỉ được kinh doanh dịch vụ những giống có danh mục cơ cấu quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Có kho bảo quản giữ được chất lượng giống trong quá trình bảo quản.
Phải bảo hành chất lượng giống cho người sử dụng.
Điều 13: Về điều kiện thực hiện bảo hành chất lượng giống:
1- Người mua giống được bảo hành chất lượng trên cơ sở thoả thuận với người bán thể hiện trong phiếu bảo hành đặt trong gói giống hoặc trong hợp đồng kinh tế mua bán, đồng thời có trách nhiệm bảo quản chu đáo sau khi mua và gieo trồng theo quy định hướng dẫn.
2- Bên bán chỉ thực hiện bảo hành chất lượng giống khi những thiệt hại gây ra là do chất lượng giống không đảm bảo, nghĩa là phải loại trừ được các yếu tố không phải do giống.
Điều 14: Lô giống bán trên thị trường phải đảm bảo các điều kiện sau:
Có nhãn sản phẩm, đóng gói như đăng ký.
Có phiếu bảo hành chất lượng.
Có phiếu chứng nhận chất lượng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của cấp có thẩm quyền.
Có bản hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng.
IV- Sử dụng giống cây lương thực:
Điều 15: UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND cấp xã hoặc HTX trực tiếp điều hành việc trao đổi, sử dụng giống cây lương thực được sản xuất ra trên địa bàn huyện, thành, thị.
Điều 16: Hộ nông dân sử dụng giống lúa C1 (thông qua trao đổi với các hộ sản xuất giống) các giống lúa lai, ngô lai được hưởng trợ giá theo chính sách hiện hành của UBND tỉnh. Hộ nông dân được phép mua giống trên thị trường, nhưng giống đó phải có các điều kiện đảm bảo theo qui định tại điều 14 và được hưởng quyền lợi theo điều 13.
Điều 17: Hộ nông dân phải gieo trồng những giống có danh mục cơ cấu theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gieo giống theo qui trình hướng dẫn và chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về giống cây lương thực. Trường hợp sử dụng giống bất hợp pháp và không đúng cơ cấu theo quy định, nếu gây ảnh hưởng xấu thì có thể bị xử lý tới mức buộc phải huỷ bỏ diện tích đã gieo trồng.
B- Quản lý nhà nước về giống cây lương thực:
Điều 18: - Nhiệm vụ về quản lý Nhà nước về giống cây lương thực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xác định và công bố cơ cấu giống cây lương thực được sử dụng theo các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức bộ phận kiểm dịch, kiểm nghiệm chất lượng giống để thực hiện nhiệm vụ kiểm định kiểm nghiệm chất lượng giống cây lương thực.
Cấp và thu hồi giấy phép hành nghề kinh doanh- dịch vụ giống cây lương thực và chứng nhận chất lượng mọi lô giống thuần chủng, giống lúa lai, ngô lai của các đơn vị sản xuất, kinh doanh- dịch vụ trong tỉnh kể cả các tổ chức ngoài nhà nước, cá nhân sản xuất ra để bán, kinh doanh trên thị trường.
Tiến hành kiểm tra thường xuyên việc sản xuất kinh doanh- dịch vụ, sử dụng giống cây lương thực trên địa bàn tỉnh về chất lượng và cơ cấu; đồng thời thanh tra kiểm tra công tác quản lý Nhà nước đối với cấp huyện và xã, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vi phạm theo pháp luật "Xử lý vi phạm hành chính" và các văn bản quy định hiện hành khác có liên quan của Nhà nước. Quá trình thanh tra, kiểm tra phải có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học công nghệ và Môi trường và Chi cục Quản lý thị trường.
Điều 19 : Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giống cây lương thực của UBND các huyện, thành, thị:
Xác định cụ thể cơ cấu giống cây lương thực của địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng sinh thái theo qui định cơ cấu chung của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tiến hành kiểm tra thường xuyên việc thực hiện cơ cấu giống, quy trình sản xuất, chất lượng giống và việc trao đổi giống cấp 1, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh - dịch vụ, sử dụng giống cây lương thực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, thành, thị.
Điều 20: Nhiệm vụ quản lý Nhà nước của UBND các xã, phường, thị trấn.
Quán triệt rộng rãi trong nhân dân các quy định về quản lý giống cây lương thực để mọi người cùng giám sát, cùng thực hiện.
Xây dựng kế hoạch chi tiết và trực tiếp tổ chức sản xuất giống cây lương thực theo kế hoạch củaUBND các huyện, thành, thị (chọn vùng, chọn hộ, hoặc thành lập các hình thức hợp tác sản xuất giống,điều hành việc truyền giống, thực hiện chính sách về giống).
Trực tiếp kiểm tra việc thực hiện bản quy định này của UBND tỉnh, trong đó chú ý kiểm tra việc thực hiện về trao đổi giống và cơ cấu giống, sản xuất đại trà; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời lên cấp trên giải quyết.
Được phép xây dựng quy định của địa phương (hương ước) nhưng không trái với quy định của nhà nước để cụ thể hóa việc thực hiện công tác quản lý nhà nươc về giống cây lương thực có hiệu quả.
Điều 21: Thủ tục, hồ sơ trình tự cấp giấy phép sản xuất, hành nghề kinh doanh - dịch vụ, giấy chứng nhận chất lượng cây lương thực:
1- Thủ tục hồ sơ và trình tự cấp giấy sản xuất lành nghề kinh doanh- dịch vụ giống cây lương thực:
Các tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy phép sản xuất, giấy phép hành nghề kinh doanh- dịch vụ giống cây lương thực phải có đơn đề nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền (theo mẫu hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đối với các đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý thì gửi đơn lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nhận đơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp thẩm định điều kiện sản xuất, kinh doanh – dịch vụ để xét cấp giấy phép, thời gian kể từ khi nhận đơn đến khi cấp xong giấy phép không quá 10 ngày.
Đối với các tổ chức, cá nhân thuộc huyện, thành, thị quản lý thì gửi đơn đến phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành, thị. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định và xác nhận điều kiện sản xuất, kinh doanh- dịch vụ. Thời gian từ khi nhận đơn đến khi xác nhận xong không quá 7 ngày. Sau đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi đơn và giấy xác nhận lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và cấp giấy phép. Thời gian cấp xong các giấy phép không quá 8 ngày kể từ khi nhận hồ sơ do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành, thị gửi đến.
2- Thủ tục hồ sơ và trình tự xét cấp giấy chứng nhận chất lượng giống:
Đối với những lô giống của các đơn vị trực thuộc cấp tỉnh quản lý (Công ty Vật tư nông lâm nghiệp và các điểm vệ tinh): Đơn vị phải có đơn xin cấp giấy chứng nhận gửi Sở Nông nghiệp và PTNT. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận đơn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trực tiếp tiến hành kiểm nghiệm và cấp xong giấy chứng nhận.
Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất giống để bán kinh doanh thuộc huyện, thành, thị quản lý phải có đơn gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành, thị. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành, thị phải thẩm định, có văn bản đánh giá kết quả chất lượng, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và cấp giấy chứng nhận. Thời hạn từ khi nhận đơn đến khi có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quá 7 ngày. Thời hạn từ khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận đơn, báo cáo của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành, thị đến khi cấp xong giấy chứng nhận không quá 8 ngày.
Chương III
Điều khoản thi hành
Điều 22: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi trong nhân dân và tổ chức thực hiện Nghị định 07/CP, Thông tư 02/NN-KNKL-TT, các văn bản khác của chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản quy định của UBND tỉnh về quản lý giống cây lương thực.
Điều 23: Đề nghị các đoàn thể nhân dân: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các ngành liên quan tổ chức vận động các thành viên của mình và quần chúng thực hiện nghiêm chỉnh quy định về quản lý giống cây lương thực của tỉnh và của Nhà nước.
Điều 24: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh- dịch vụ giống cây lương thực có vi phạm các nội dung trong bản quy định này thì theo mức độ có thể sẽ bị xử lý tới mức thu hồi giấy phép.
Điều 25: Bản quy định này có hiệu lực từ ngày 1/6/1997. Trong quá trình thực hiện nếu có điều gì còn thiếu hoặc không phù hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh để bổ xung, điều chỉnh.