QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Về việc phê duyệt Đề án đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
giai đoạn 2003 - 2005
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Điều 51, 52 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Kế hoạch số 1445/KH ngày 27-6-2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo - Giải quyết việc làm giai đoại 2002 - 2005;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 280/TTr - LĐTBXH ngày 30-5-2003;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2003 2005 (Đính kèm theo quyết định này) gồm một số nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu: Giai đoạn 2003 - 2005 xuất khẩu 2.200 lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở tất cả các nước có nhu cầu.
2. Các giải pháp chủ yếu:
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, người lao động về chủ trương đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh.
Tăng cường năng lực cho các Trung tâm Dịch vụ - Việc làm và các cơ sở dạy nghề để thực hiện công tác giáo dục, định hướng và đào tạo nghề cho người lao động.
Tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vay vốn; mức vay 80% chi phí hợp lý, hợp lệ.
Đối với đối tượng chính sách hỗ trợ 100%, đối với người lao động bình thường khác hỗ trợ 50% chi phí giáo dục, định hướng và đào tạo nghề cho người tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn.
Thành lập Ban điều hành thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Cấp tỉnh có tổ chuyên viên giúp việc Ban điều hành thực hiện nhiệm vụ.
3. Nguồn tài chính thực hiện Đề án: Tổng nhu cầu tài chính thực hiện Đề án là 29.906.000.000đ (Hai mươi chín tỷ, chín trăm lẻ sáu triệu đồng) bao gồm các nguồn sau: Ngân sách Nhà nước, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân tham gia lao động và vốn vay từ các ngân hàng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
Các ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm để phối hợp thực hiện có hiệu quả Đề án đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2003 - 2005; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban điều hành thực hiện Đề án đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2003 -2005 và là cơ quan Thường trực của ban; có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng kế hoạch triển khai chung của tỉnh hàng năm, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua để tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án và báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐỀ ÁN
ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2003 - 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/QĐ-UB ngày 18-6-2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
I - ĐẶT VẤN ĐỀ:
1. Sự cần thiết phải đưa người lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:
Giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ bức xúc, cấp bách để phát triển kinh tế.
Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế Tỉnh nhà chưa phát triển đủ mạnh để thu hút hết lao động đang thất nghiệp và thiếu việc làm cũng như số người đến tuổi lao động hàng năm. Do đó cần phải có những giải pháp mới trong công tác giải quyết việc làm. Vì vậy đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là giải pháp cần thiết nhằm tăng thêm khả năng giải quyết việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
2. Những cơ sở pháp lý đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:
Căn cứ các Điều 134, 134 a, 135, 135a, 135b, 135c, 184 của Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Căn cứ các mục tiêu chủ yếu đến năm 2005 của Đại hội lần thứ X Tỉnh Đảng bộ Ninh Thuận: "hàng năm, 9.000 lao động được giải quyết việc làm".
Căn cứ Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20-9-1999 của Chính phủ quy định việc người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.
Căn cứ Kế hoạch số 1445/KH ngày 27-6-2002 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2002- 2005 đã được kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa VII ban hành Nghị quyết số 40/2002/NQ-HĐND 7 về chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN - GQVL của tỉnh và Thông báo số 135/TVTU ngày 28-3-2002 của Thường vụ Tỉnh ủy.
Căn cứ vào nguồn lao động và nhu cầu thực tế của tỉnh.
II - THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH VỀ LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM VÀ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI:
1. Thực trạng lao động việc làm:
Cơ cấu dân số tỉnh Ninh Thuận dạng trẻ (số người dưới tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn) tỷ lệ tăng dân số tự nhiên có xu hướng giảm nhưng còn ở mức cao. Do đó trong tương lai giải quyết việc làm phải càng lớn hơn. Dân cư sinh sống ở nông thôn là chủ yếu chiếm tỷ lệ 74,11% so với tổng dân số trong toàn tỉnh, khu vực thành thị chiếm 25,89% dân số (xem phụ lục 1).
Nguồn lao động xã hội được hình thành trên cơ sở tăng dân số các năm về trước, chiếm tỷ lệ 52,56% so với dân số. Sinh sống tập trung chủ yếu ở nông thôn. Về trình độ học vấn của người lao động chỉ đạt bình quân lớp 6,4/hệ 12 năm. Trong đó có đến 67,42 % người lao động có trình độ học vấn từ chưa biết chữ đến chưa tốt nghiệp cấp II, thấp nhất trong các tỉnh duyên hải miền Trung Trung bộ. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động có đến 84,69% chưa có chuyên môn kỹ thuật là một trở ngại lớn trong giải quyết việc làm nói chung và đi lao động ở nước ngoài nói riêng (phụ lục số 2).
Về thất nghiệp - thiếu việc làm và giải quyết việc làm: Theo kết quả điều tra lao động việc làm hàng năm và tính toán của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về thất nghiệp của khu vực thành thị và tỷ lệ sử dụng thời gian trong nông thôn cho thấy tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, cần được bổ sung việc làm hoặc chuyển đổi việc làm mới còn 16.200 người. Cộng vào đó hàng năm số người đến tuổi lao động từ 6.000 - 8.000 người (phụ lục 3).
Nguyên nhân thất nghiệp và thiếu việc làm: Có 6 nguyên nhân:
Trình độ học vấn thấp, chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề.
Thiếu phương tiện, máy móc, thiết bị và vốn.
Thiếu đất sản xuất, vật nuôi, cây trồng.
Thiếu cơ sở sản xuất, chế biến, các loại hình dịch vụ và ít doanh nghiệp có quy mô lớn để sử dụng nhiều lao động.
Do thay đổi cơ cấu công nghiệp và tổ chức bộ máy.
Tổng cung lớn hơn cầu.
Trong đó cung lớn hơn cầu là nguyên nhân cơ bản nhất.
Về giải quyết việc làm cho người lao động hàng năm đều tăng, năm sau giải quyết nhiều hơn năm trước, năm 2002 giải quyết được 9.704 lao động đạt và vượt kế hoạch nhưng chưa thực sự ổn định, vững chắc.
2. Tình hình thực hiện đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong các năm qua:
Các năm qua việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh ta quá thấp chỉ được 41 người, bao gồm các nước: Hàn Quốc 20 người, Malaysia 11 người, Nhật Bản 6 người và Đài Loan 4 người.
Nguyên nhân đạt thấp là do:
Về khách quan:
Người lao động có trình độ học vấn thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật tay nghề hầu như chưa có, chưa biết ngoại ngữ.
Thiếu thông tin các thị trường, không nắm được nhu cầu các nước tiếp nhận lao động, do đó không có kế hoạch tuyên truyền phổ biến rộng rãi để nhân dân biết tham gia.
Việc tổ chức đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thời gian qua hoàn toàn phụ thuộc vào các Công ty Xuất khẩu lao động. Thời gian sau khi người lao động hoàn tất các thủ tục đến khi được đi quá dài, người lao động không chờ được phải đi tìm việc làm khác.
Người lao động không đủ tiền để trang trải các khoản chi phí cần thiết.
Về chủ quan:
Các năm qua chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thống nhất của các ngành các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã về công tác xuất khẩu lao động, do đó chưa xây dựng cơ chế, chính sách thống nhất trong toàn tỉnh. Không có ban chỉ đạo, ban điều hành, thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành các địa phương, các đoàn thể.
III - MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ:
1. Quan điểm và nguyên tắc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:
a) Quan điểm:
Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phải bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội, uy tín của địa phương và đúng các quy định của pháp luật.
Tập trung đẩy mạnh việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài xem đây là một trong những giải pháp nhằm mục đích tạo cơ hội làm việc qua đó tăng thu nhập cho một bộ phận lao động của tỉnh chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định cần phải có việc làm mới. Khi thị trường ổn định tiếp tục đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để trở thành một trong những giải pháp thực hiện chương trình giải quyết việc làm của tỉnh.
Ưu tiên giải quyết lao động chưa có việc làm là con các gia đình chính sách, dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngân sách hỗ trợ không hoàn lại một phần kinh phí và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được vay ngân hàng (nếu có nhu cầu) theo tỷ lệ quy định và bản thân người lao động hoặc gia đình đóng góp một phần kinh phí để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
b) Nguyên tắc:
Việc tuyển chọn phải thực hiện khách quan, công khai, dân chủ, theo quy trình thống nhất, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tinh thần thực tế của địa phương.
2. Mục tiêu:
Từ nay đến năm 2005 phấn đấu đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 2.200 người sang tất cả các nước có nhu cầu, trong đó tập trung chú trọng thị trường Malaysia. Cụ thể:
Năm 2003 đưa đi 200 lao động.
Năm 2004 và 2005 mỗi năm đưa đi 1.000 lao động.
IV - CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:1. Lựa chọn thị trường chính đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:
Tiếp tục chú trọng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ở tất cả các nước khi có nhu cầu, dự án này tập trung chủ yếu sang thị trường Malaysia với các lý do sau:
a) Thuận lợi:
Nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của Malaysia hiện tại và trong nhiều năm tới rất lớn. Theo dự báo từ 10-20 năm tới. Malaysia là một thị trường có nhu cầu lớn về sử dụng lao động nước ngoài trong nhiều lĩnh vực tại khu vực Đông Nam Á, với số lượng không dưới một triệu lao động nước ngoài làm việc trong năm.
Malaysia là nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, có khí hậu, môi trường sống và làm việc tương tự như Việt Nam, do đó lao động Việt Nam nhanh chóng thích ứng, hòa nhập với công việc và sinh hoạt.
Yêu cầu trình độ tay nghề chuyên môn phù hợp với một bộ phận lao động Việt Nam đây là thuận lợi cơ bản nhất. Thị trường lao động Malaysia nhiều lĩnh vực có nhu cầu trình độ tay nghề phù hợp và các chi phí thấp, đây là một cơ hội tốt cho người lao động nghèo thiếu việc làm tại địa bàn nông thôn trong tỉnh, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động. Trong những năm đầu triển khai, đối với Malaysia ta có khả năng đáp ứng các nhu cầu về lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm và một số ngành nghề trong dịch vụ, thương mại. Những năm tiếp theo, khả năng đáp ứng lao động của ta sẽ mở rộng thêm một số lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao.
b) Khó khăn:
Ý thức tổ chức kỷ luật cao, bước đầu khó khăn cho lao động chưa quen tác phong công nghiệp.
Tiền lương thấp làm giảm động lực của người lao động và doanh nghiệp.
Thị trường mới, chưa có kinh nghiệm.
Qua các thuận lợi và khó khăn trên đối với lao động nghèo, lao động nông thôn, lao động là người dân tộc ít người với các đặc điểm trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế thì thuận lợi là cơ bản, các khó khăn có thể khắc phục được.
c) Chính sách chế độ đối với lao động đi Malaysia:
Một số nội dung cơ bản về chính sách, chế độ đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia được quy định như sau:
Thời gian hợp đồng: Thông thường các chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng 3 năm, có thể gia hạn thêm từng năm một nhưng tối đa không qua 5 năm đối với lao động có tay nghề thấp và 6 năm đối với lao động có tay nghề cao.
Thời gian làm việc bình thường 8 giờ/ngày; 24 ngày/tháng.
Tiền lương: Malaysia không quy định mức lương tối thiểu, do chủ sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận theo sự điều tiết của thị trường. Vì vậy mức lương của lao động tùy thuộc vào từng ngành nghề và từng chủ sử dụng lao động. Mức lương cơ bản đối với thời gian làm việc bình thường (8 giờ/ngày, 5,5 ngày/tuần) được tính theo ngày thông thường là:
Lao động công nghiệp: Tiền lương tối thiểu khoảng 15 - 18 RM/ngày 8 giờ (tương đương 103 -123 USD/tháng).
Lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất chế tạo: Khoảng 18 RM/ngày (tương đương 123 USD/tháng).
Làm việc trong ngành xây dựng:
Lao động phổ thông: Tiền lương cơ bản tối thiểu khoảng 25 RM/ngày làm việc bình thường (tương đương 170 USD/tháng).
Lao động có nghề: Tiền lương cơ bản tối thiểu khoảng 30 RM/ngày làm việc bình thường (tương đương trên 200 USD/tháng).
Làm việc ngoài giờ được trả gấp 1,5 lần, làm việc vào ngày lễ được trả gấp 2 lần giờ làm việc bình thường và gấp 3 lần khi làm việc vào ngày lễ quốc tế. Lao động nước ngoài tại Malaysia làm thêm nhiều giờ, nên thường có thu nhập từ 200 USD/tháng trở lên.
Bảo hiểm: Người lao động nước ngoài được chủ sử dụng lao động đóng góp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật Malaysia.
Chỗ ăn, ở: Chủ sử dụng lao động đài thọ chỗ ở miễn phí, có trang bị bếp ăn (với định mức, điện, ga, nước). Người lao động tự chịu chi phí ăn uống, bình quân khoảng 25-30 USD/tháng.
Vé máy bay: Thông thường người lao động chịu vé lượt đi, chủ sử dụng lao động chịu vé lượt về sau khi người lao động đã hoàn thành hợp đồng.
Thuế: Hàng năm người lao động nước ngoài phải đóng góp 1 khoản lệ phí cho Chính phủ (levy), mức cụ thể như sau: Lao động công nghiệp, xây dựng, dịch vụ: 1.200 RM/năm (395 USD); Lao động nông nghiệp, giúp việc gia đình: 360 RM/năm (95 USD).
Phí khám sức khỏe: Hàng năm, người lao động phải tự kiểm tra sức khỏe, chi phí kiểm tra sức khỏe khoảng 180 RM/năm (47 USD) đối với lao động nam và 190 RM/năm (50 USD) đối với lao động nữ, thông thường chủ sử dụng lao động hỗ trợ khoản chi phí này.
Phí môi giới: Người lao động phải trả cho các Công ty dịch vụ lao động của Malaysia tiền tìm việc làm khoảng 350 USD (lao động các nước Myanma, Banladesh, Indonesia - trả khoản 400 đến 450 USD phí môi giới để sang làm việc tại Malaysia) (phụ lục 5).
2. Tuyên truyền vận động:
Triển khai tuyên truyền sâu rộng đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động để mọi người hiểu đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xóa đói giảm nghèo - giải quyết việc làm của tỉnh. Việc tuyên truyền, vận động do ban điều hành phối hợp với các huyện, thị xã thực hiện với nhiều hình thức như tập huấn, các đoàn thể mời hội thảo với đoàn viên thanh niên, Hội phụ nữ - để đề án này đến trực tiếp người lao động có nhu cầu.
Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về thị trường lao động, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt, quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và các khoản kinh phí phải nộp, các khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục đưa lao động đi làm việc trong nước và ngoài nước, nhằm ngăn chặn kịp thời các thông tin thất thiệt, các hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho người lao động.
3. Thực hiện các chính sách hỗ trợ:
Người được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sẽ được vay vốn từ Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp hoặc Ngân hàng phục vụ người nghèo, mức cho vay là 80% chi phí hợp lý hợp lệ.
Đối với người lao động thuộc diện hộ nghèo, rất nghèo, con các gia đình thuộc diện đối tượng chính sách; dân tộc ít người; thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong các đơn vị quân đội; thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện tham gia các dự án ở các vùng khó khăn đã hoàn thành nhiệm vụ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí giáo dục định hướng (các đối tượng này gọi chung là diện chính sách). Các đối tượng còn lại được ngân sách hỗ trợ 50% chi phí giáo dục định hướng.
Thời hạn cho vay: Là thời hạn hợp đồng được ký kết giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoặc khả năng trả nợ của người lao động.
Điều kiện được hỗ trợ và vay ngân hàng:
Phải có tên trong biên bản họp dân tại địa phương cấp xã, phường bình xét thống nhất và có tên trong danh sách đề nghị của UBND huyện, thị xã.
Phải có thông báo chấp nhận tuyển lao động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động, có hộ chiếu xuất cảnh và visa nhập cảnh của quốc gia tiếp nhận người lao động.
Đơn vị vay và cam kết trả nợ theo quy định của đơn vị cho vay vốn do chủ hộ
đứng tên.
Có văn bản bảo lãnh tín chấp của chính quyền địa phương (UBND xã, phường, thị trấn) hoặc tài sản thế chấp.
4. Tổ chức xét tuyển chặt chẽ, công khai, dân chủ:
Độ tuổi tuyển dụng, trình độ văn hoá theo yêu cầu của đơn vị tuyển, có sức khoẻ tốt, không bị các bệnh truyền nhiễm, không có tiền án tiền sự.
Quy trình xét tuyển:
Căn cứ các chỉ tiêu được phân bổ, UBND huyện, thị phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng, xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức họp dân bình nghị xét chọn đối tượng theo tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp xuất khẩu lao động, lập danh sách báo cáo UBND huyện, thị xã phê duyệt, sau đó thông báo cho đơn vị tuyển trực tiếp đến phỏng vấn và tuyển chọn.
Năm 2003 mỗi huyện, thị xã lựa chọn 2 xã phường làm điểm, ưu tiên chọn các xã nghèo, dân tộc ít người có sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, các đoàn thể mạnh.
5. Tổ chức giáo dục định hướng và đào tạo nghề:
Thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục định hướng và đào tạo nghề ngắn hạn cho những người lao động đã qua sơ tuyển bảo đảm chất lượng nguồn lao động theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo từng hợp đồng cung ứng lao động cụ thể.
Song song với việc mở các lớp giáo dục định hướng và đào tạo nghề cho người lao động đã qua sơ tuyển theo từng hợp đồng cung ứng lao động cụ thể, cần tăng cường năng lực quản lý và đào tạo nghề cho các Trung tâm dịch vụ - việc làm, Trường dạy nghề để đào tạo nguồn lao động đủ tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài trong tương lai.
6. Quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài:
Để quản lý chặt chẽ người lao động đi làm việc ở nước ngoài không vi phạm hợp đồng lao động hoặc vi phạm pháp luật của nước sở tại và uy tín của người lao động Việt Nam ở nuớc ngoài, cần áp dụng các biện pháp sau:
Bản thân người lao động và gia đình phải có bản cam kết không vi phạm hợp đồng lao động, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc gia nơi sẽ đến làm việc và hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Mọi sự vi phạm dẫn đến bị trục xuất về nước hoặc bỏ trốn thì người lao động và gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu mọi chi phí di chuyển từ nơi làm việc về nước bồi thường giá trị hợp đồng theo thỏa thuận ban đầu.
Tăng cường trách nhiệm của thân nhân, cộng đồng và chính quyền nơi cư trú để quản lý người lao động và gia đình họ, buộc họ phải chấp hành tốt hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động và pháp luật nước sở tại bằng cách tuyên truyền cho mọi người hiểu được lợi ích sẽ đem lại cho người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tạo tâm lý coi việc đi lao động nước ngoài là một nhu cầu bức xúc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo tại cộng đồng.
Ưu tiên giao chỉ tiêu cao cho các xã, phường làm tốt. Không có người bỏ trốn hoặc vi phạm kỷ luật bị trục xuất về nước trước thời hạn.
7. Nâng cao trách nhiệm các địa phương và đơn vị tuyển lao động:
Đơn vị tuyển lao động chịu trách nhiệm phối hợp với Trung tâm dịch vụ - việc làm và Trường Dạy nghề đào tạo định hướng và đào tạo nghề cho người lao động theo yêu cầu, chịu trách nhiệm đàm phán với bên sử dụng lao động để giải quyết mọi tranh chấp trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động trên nguyên tắc chấp hành nghiêm luật pháp nước sở tại, luật pháp Việt Nam và bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam.
Các đơn vị tham gia cung ứng xuất khẩu lao động có trách nhiệm phối hợp với đơn vị sử dụng lao động và chính quyền địa phương nước sở tại để bảo vệ an toàn, bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam trong suốt thời gian người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Mọi tranh chấp về quyền lợi giữa người lao động với đơn vị sử dụng lao động và đơn vị xuất khẩu lao động phải được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật trên cơ sở có sự thống nhất ý kiến giữa đơn vị sử dụng lao động, chính quyền địa phương nơi người lao động cư trú và bản thân người lao động.
Khi người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không phải do lỗi của người lao động (không vi phạm hợp đồng) thì đơn vị tuyển lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại về vật chất, tinh thần cho người lao động.
Khi ký kết hợp đồng cung ứng lao động với các đơn vị tuyển lao động, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, phường, thị trấn phải ghi rõ nội dung các điều khoản, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, điều kiện làm việc, tiền lương, chi phí, các điều kiện ràng buộc trách nhiệm của đơn vị xuất khẩu lao động đối với người lao động trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
8. Dự kiến nhu cầu tài chính thực hiện dự án:
ĐVT: Triệu đồng
Thị trường lao động | Số người | Chi phí bình quân | Tổng chi phí | Chia ra |
NSNN trợ giúp | Ngân hàng cho vay | Người LĐ đóng góp |
A - Tổng kinh phí | 2.200 | | | | | |
Tổng nhu cầu vốn trong 3 năm | 1.100 | 12,230 | 26,906 | 1.158,0 | 20.590 | 5.159 |
a) Người LĐ bình thường | 1.100 | 12,230 | 13.453 | 386 | 10.450 | 2.618 |
- Ngân sách hổ trợ | 1.100 | 0.351 | 386,1 | 386 | | |
- Người LĐ đóng góp | 1.100 | 2,38 | 2.618,0 | | | 2.618 |
- Vay ngân hàng | 1.100 | 9,5 | 10.450 | | 10.450 | |
b) Người LĐ chính sách | 1.100 | 12.230 | 134,53 | 772 | 10.142 | 2.541 |
- Ngân sách hổ trợ | 1.100 | 0,702 | 772,2 | 772 | | |
- Vay ngân hàng | 1.100 | 9,22 | 10.140 | | 10.140 | |
- Người LĐ đóng góp | 1.100 | 2,31 | 2.541 | | | 2.541 |
B - Phân kỳ đầu tư | | | | | | |
Năm 2003 | | | | | | |
Tổng chu kỳ vốn | 200 | 12,23 | 2.446 | 105,2 | 1.871,8 | 469 |
Năm 2004 | | | | | | |
Tổng chu kỳ vốn | 1.000 | 12,23 | 12.230 | 526 | 9.359 | 2.345 |
Năm 2005 | | | | | | |
Tổng chu kỳ vốn | 1.000 | 12,23 | 12.230 | 526 | 9.359 | 2.345 |
Tổng nhu cầu tài chính thực hiện dự án : 26.906.000.000 đồng
- Người lao động đóng góp : 5.159.000.000 đồng
- Ngân sách hỗ trợ không hoàn lại : 1.158.000.000 đồng
- Các ngân hàng thương mại cho vay : 20.590.000.000 đồng
- Kinh phí quản lý điều hành :
(Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài lập dự trù cụ thể trình UBND tỉnh).
9. Tổ chức thực hiện:
a) Thành lập Ban điều hành đề án xuất khẩu lao động tỉnh: Bao gồm một số ngành chức năng chuyên môn của tỉnh có liên quan trực tiếp đến công tác xuất khẩu lao động. Ban điều hành đề án xuất khẩu lao động chịu sự lãnh đạo của UBND tỉnh.
Thành phần Ban điều hành gồm:
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Trưởng ban
Lãnh đạo Công an tỉnh: Phó ban
Lãnh đạo Sở Tài chính – Vật giá: Ủy viên
Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp: Ủy viên
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội: Ủy viên
Lãnh đạo Sở Y tế: Ủy viên
Các thành viên Ban điều hành cử cán bộ chuyên môn có năng lực để thành lập tổ chuyên viên giúp Ban điều hành triển khai đề án này.
b) Phân công nhiệm vụ:
Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Chỉ đạo chặt chẽ các Trung tâm dịch vụ – việc làm, các cơ sở dạy nghề tổ chức giáo dục định hướng và đào tạo nghề cho người lao động bảo đảm chất lượng nguồn lao động theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tổng hợp tình hình thực hiện dự án báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ, quý, năm. Đề xuất các biện pháp chỉ đạo nhằm bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ.
Sở Văn hóa – Thông tin, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Ninh Thuận: Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dịch vụ – việc làm và xuất khẩu lao động đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Sở Tài chính – Vật giá: Đề xuất các giải pháp về sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho người lao động.
Hướng dẫn việc thu và sử dụng lệ phí, phí quản lý và phí dịch vụ, mức và thể thức quản lý tiền đặt cọc của người lao động.
Các ngân hàng: Hướng dẫn thủ tục cho vay, lãi suất cho vay và các giải pháp thu hồi nợ.
Công an tỉnh: Thông báo rõ các thủ tục, các khoản phí phải nộp khi làm hộ chiếu, thời gian hoàn thành việc cấp hộ chiếu nhanh chóng, đúng quy định. Ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hiện tượng lừa đảo gây thiệt hại cho người lao động, phát hiện kịp thời những trường hợp không đủ tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài.
Sở Y tế: Tổ chức tốt việc khám sức khỏe cho người lao động, bảo đảm chính xác đúng thời gian quy định.
Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
Thành lập Ban điều hành thực hiện công tác xuất khẩu lao động với thành phần, chức năng, nhiệm vụ như Ban điều hành tỉnh. Trước mắt năm 2003 chọn 2 xã, phường có đội ngũ cán bộ đủ năng lực để làm thí điểm xuất khẩu lao động, từ đó sở kết rút kinh nghiệm triển khai ra toàn huyện, thị xã vào các năm tiếp theo.
Nhiệm vụ của UBND xã, phường, thị trấn:
Thành lập Ban điều hành thực hiện công tác xuất khẩu lao động của xã, phường, thị trấn do đồng chí Chủ tịch UBND xã là trưởng ban.
Thông báo công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, chi phí và tiền lương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chỉ đạo của Ban điều hành tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Ngăn chặn kịp thời bọn môi giới lừa đảo, tung tin thất thiệt và thu tiền bất hợp pháp của người tham gia xuất khẩu lao động.
Tổ chức Tuyền truyền để người lao động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động, họp dân bình xét và giới thiệu những người có đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, đủ sức khỏe, trình độ chuyên môn theo yêu cầu, gia đình chấp hành tốt chính sách pháp luật để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trực tiếp tuyển chọn.
Lập hồ sơ bảo lãnh tín chấp, thế chấp cho người lao động được vay vốn, theo dõi người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, ngăn chặn mọi hiện tượng tiêu cực làm phá vỡ hợp đồng lao động.
Lựa chọn những người lao động có năng lực, phẩm chất tốt, đồng thời hoàn tất các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho người lao động. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển chọn lao động và quản lý lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài đồng thời có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với những người vi phạm hợp đồng hoặc bỏ trốn.
Tại các ấp, khóm, tổ dân cư hình thành các tổ liên gia gồm những gia đình có người tham gia xuất khẩu lao động để thường xuyên nắm bắt thông tin, giáo dục động viên con em mình làm việc tốt, chấp hành nghiêm chỉnh các điều đã ký trong hợp đồng, không bỏ trốn, không làm gì ảnh hưởng đến uy tín của người lao động Việt Nam hỗ trợ tạo điều kiện cho người khác tham gia xuất khẩu lao động.
Tăng cường sự phối hợp giữa địa phương với các đơn vị tuyển lao động:
Căn cứ vào các hợp đồng đã ký với nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thông báo kế hoạch, số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, chi phí tiền lương, kết quả sơ tuyển và các thông tin cần thiết khác cho Ban điều hành thực hiện công tác xuất khẩu lao động tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban điều hành điều phối địa bàn tuyển dụng và chỉ định các đơn vị tổ chức giáo dục định hướng và đào tạo nghề phù hợp yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trực tiếp tuyển chọn lao động tại các xã, phường, thị trấn, thường xuyên thông báo tình hình của người lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài cho chính quyền địa phương.
Nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ – việc làm và Trường dạy nghề:
Căn cứ vào nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Ban điều hành giới thiệu, Trung tâm dịch vụ – việc làm và Trường dạy nghề phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng và đào tạo nghề, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nguồn lao động cung ứng và hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ cần thiết cho người lao động.
Thông tin báo cáo:
Định kỳ hàng quý, Ban điều hành các huyện, thị xã báo cáo kết quả thực hiện về Ban điều hành tỉnh (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh.
Giữa năm và cuối năm, Ban điều hành thực hiện công tác xuất khẩu lao động tỉnh sơ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và đề ra kế hoạch cho thời gian tới.
Hàng quý, Ban điều hành tỉnh họp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các Ban điều hành các huyện, thị xã để đánh giá tình hình, kết quả phối hợp thực hiện, đồng thời trao đổi các giải pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc.
Kết luận:
1. Đề án này có tính khả thi cao, trước hết là phù hợp với các chính sách, pháp luật đã ban hành, phù hợp với các Chương trình giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho các đối tượng thực hiện chính sách tham gia vào đề án này và đáp ứng được nguyện vọng chung của nhân dân.
2. Hiệu quả dự án:
a) Hiệu quả kinh tế:
Với tiền lương làm công việc đơn giản nhất, người lao động còn dư 1 tháng gần 700.000 đồng VN (phụ lục số 4). Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, người lao động sang làm việc tại Malaysia có thu nhập cao hơn hợp đồng khoảng trên 200 USD/tháng thì tiền của người lao động sau khi trừ các khoản chi phí có thể còn thừa 1.500.000 đồng/tháng.
Sau 3 năm làm việc ở Malaysia người lao động sau khi trừ chi phí sẽ đem về:
Mức tối thiểu: 24.533.307 đồng x 2.200 người = 53.973.275.000 đồng VN tương đương 3.502.213 USD.
Mức trung bình: Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như thông tin từ gia đình của những người ở tỉnh ta đi xuất khẩu lao động qua Malaysia.
1.500.000 đồng/tháng x 36 tháng x 2.200 người = 118.800.000.000 đồng VN tương đương 7.715.288 USD.
Đây là số tiền không nhỏ so với tỉnh ta.
b) Về xã hội:
Giải quyết việc làm cho 2.200 lao động trong 3 năm. Sau khi hết hợp đồng lao động sẽ dùng tiền tích lũy được để tạo việc làm cho bản thân và gia đình.
Nâng cao thu nhập cho 1.100 hộ gia đình bình thường, xóa nghèo cho 1.100 hộ nghèo, hộ thuộc diện chính sách và hộ đồng bào dân tộc ít người.
Qua xuất khẩu lao động sẽ giải quyết cho 2.200 lao động có nghề nghiệp chuyên môn để tự tìm việc làm với tác phong, lề lối làm việc công nghiệp.
3. Kiến nghị:
Để dự án sớm đưa vào thực hiện và thành công đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giới thiệu và chỉ định từ 2 đến 3 đơn vị chuyên làm công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có nhiều kinh nghiệm giúp tỉnh Ninh Thuận và phối hợp với tỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.
Số người trong độ tuổi lao động và phân theo khu vực:
Phụ lục 1
ĐVT: người
Năm | Tổng số lao động trong độ tuổi lao động | Ở khu vực thành thị | Ở khu vực nông thôn |
Tổng số | Nữ | Tổng số | Nữ |
1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 | 249.600 255.200 260.800 266.700 272.934 278.415 289.171 | 124.051 127.547 128.730 133.056 137.231 139.959 145.366 | 61.567 67.015 67.877 66.621 68.642 85.612 82.992 | 32.836 34.552 34.658 34.962 35.100 48.781 42.442 | 188.023 188.184 191.922 200.078 204.291 192.803 206.179 | 91.059 93.132 93.427 98.098 102.063 96.305 102.986 |
| | | | | | |
Bảng tổng hợp về trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động:
Phụ lục 2:
ĐVT: Người
Số người 15 tuổi trở lên hoạt động kinh tế thường xuyên | Năm 1996 | Năm 1997 | Năm 1998 | Năm 1999 | Năm 2000 | Năm 2001 |
Tổng số người : Không có CMKT Tỉ lệ Sơ cấp Tỉ lệ CNKT có bằng Tỉ lệ CNKT không bằng Tỉ lệ Trung học chuyên nghiệp Tỉ lệ CĐ, ĐH và trên ĐH Tỉ lệ | 215.102 193.555 89,98% 4.153 1,93% 2.717 1,26% 5.765 2,68% 5.902 2,74% 2.994 1,39% | 221.546 191.933 86,62% 2.605 1,17% 3.981 1,79% 12.806 5,78% 6.487 2,92% 3742 1,68% | 233.409 212.313 90,96% 1.966 0,84% 3.017 1,29% 5.705 2,44% 6.415 2,74% 3.913 1,67% | 236.229 208.077 88,08% 2.819 1,19% 2.321 0,98% 8.793 3,72% 8.216 3,47% 5.993 2,53% | 240.407 207.917 86,48% 2.620 1,09% 1.682 0,7% 9.904 4,12% 10.962 4,56% 7.322 3,04% | 245.719 208.099 84,69% 2.752 1,12% 2.088 0,85% 12.089 4,92% 12.433 5,06% 8.258 3,36% |
Số lao động có việc làm và thất nghiệp phân theo khu vực:
Phụ lục 3
ĐVT: Người
Nội dung | Năm 1996 | Năm 1997 | Năm 1998 | Năm 1999 | Năm 2000 | Năm 2001 | Năm 2002 |
Tổng số LĐ thất nghiệp và thiếu VL Lao động được giải quyết việc làm Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị Tỉ lệ sử dụng thời gian LĐ nông thôn | 16.000 6.500 4,98% 71,2% | 17.104 7.500 5,29% 72,14% | 16.000 7.520 4,50% 76,22% | 16.500 8.308 4,73% 77,09% | 16.500 8.821 4,42% 78,00% | 16.200 9.156 4,2% 78,00% | 16.200 9.704 3,95% 78,9% |
Dự kiến thu nhập của người lao động đi làm việc tại Malaysia : (Phụ lục 4)
Tiền lương tối thiểu làm công việc đơn giản nhất:
Thu: 103 USD x 36 tháng x 15.398 VNĐ/USD = 57.095.000 đồng. (1)
Chi:
- Ăn uống bình quân:
30 USD/tháng x 36 tháng x 15.398 VNĐ/USD = 16.630.000 đồng
- Vé máy bay một lượt:
162 USD x 15.398 VNĐ/USD = 2.494.000 đồng
- Thuế:
95 USD x 3 năm x 15.398 VNĐ/USD = 4.388.000 đồng
- Các khoản khác (gồm phí môi giới, khám sức khỏe, hộ chiếu, lý lịch visa)
408,1 USD x 15.398 VNĐ/USD = 6.284.077 đồng
- Trả lãi vay ngân hàng:
9.218.720 đồng x 10%/năm x 3 năm = 2.765.616 đồng
Tổng cộng: 32.561.630 đồng (2)
Số tiền người lao động còn dư sau 3 năm làm việc:
57.095.000 đồng – 32.516.630 đồng = 24.533.307 đồng
Bình quân tiền còn dư 1 tháng 24.533.307 đồng/36 tháng = 618.480 đồng
Phụ lục 5
Mức chi phí bình quân cho một lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan 18.250.056 đồng, tương đương 1.188,85 USD và tại Malaysia, tương đương 793,97 USD (tỉ giá 1USD= 15.398 đồng Việt Nam) (ngày 12-2-2003)
Nội dung | Đi Malaysia | Đi Đài Loan |
USD | VNĐ | USD | VNĐ |
Chi phí vé máy bay Tiền đặt cọc Chi phí môi giới Chi phí khám sức khỏe Chi phí làm hộ chiếu Chi phí lý lịch tư pháp Chi phí làm visa Chi phí giáo dục định hướng Chi phí đi lại Tổng cộng: Làm tròn số | 162,00 175,00 350,00 32,57 13,03 6,51 6,00 45,60 3,26 793,97 | 2.494.476 2.694.650 5.398.300 510.572 200.636 100.241 92.388 702.150 50.197 12.225.550 12.230.000 | 306,17 325,71 450,00 32,57 13,03 6,51 6,00 45,60 3,26 1.188,85 | 4.714.405 5.015.282 6.929.100 501.512 200.636 100.241 92.388 702.150 50.197 18.305.912 18.306.000 |
* Chi phí bình quân một người đi làm việc ở Malaysia: 12.225.550 đồng
- Đối với người lao động bình thường:
- Ngân sách hỗ trợ không hoàn lại 702.150 x 50% : 351.000 đồng
- Cho vay 80% : 9.218.720 đồng
- Bản thân người lao động đóng góp : 2.655.830 đồng
- Đối với người lao động thuộc diện chính sách:
- Ngân sách hỗ trợ không hoàn lại : 702.150 đồng
- Cho vay 80% : 9.218.720 đồng
- Bản thân người LĐ đóng góp : 2.304.680 đồng
* Chi phí bình quân một người đi làm việc ở nước khác: 18.305.912 đồng
- Đối với người lao động bình thường:
- Ngân sách hỗ trợ không hoàn lại : 351.000 đồng
- Cho vay 80% : 14.363.930 đồng
- Bản thân người lao động đóng góp : 3.590.982 đồng
- Đối với người lao động thuộc diện chính sách:
- Hỗ trợ không hoàn lại : 702.150 đồng
- Cho vay : 14.363.930 đồng
- Bản thân người LĐ đóng góp : 3.239.832 đồng