QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Ban hành bản quy định về việc bảo vệ tài nguyên đá quý và môi trường liên quan
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Căn cứ Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản ngày 28-7-1989 và Nghị định số 95-HĐBT ngày 25-3-1992 về việc thi hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản;
Căn cứ Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý ban hành kèm theo Nghị định số 67-CP ngày 7-10-1993 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 130-HĐBT ngày 30-4-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chức năng, nhiệm vụ và bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
- Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về việc bảo vệ tài nguyên đá quý và môi trường liên quan.
Điều 2. - Quyết định này thay thế Quyết định số 103-CNNg/QLTN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ban hành ngày 13-3-1992.
Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực thi hành thống nhất trong cả nước kể từ ngày ký.
-
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐÁ QUÝ VÀ MÔI TRƯỜNG LIÊN QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/QD-QLTN của Bộ Công nghiệp nặng ngày 21/02/1994)
Nay quy định về việc bảo vệ tài nguyên đá quý và môi trường liên quan khi điều tra địa chất, thăm dò và khai thác tài nguyên đá quý,
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Tài nguyên đá quý trong phạm vi cả nước, không phân biệt qui mô tập trung lớn hay nhỏ, tồn tại ở sâu hay ở trên mặt đất, đã được hay chưa được điều tra thăm dò địa chất, đang được hay chưa được khai thác, kể cả ở những diện tích đất đai Nhà nước chưa giao cho ai sử dụng cũng như ở những diện tích đất đai Nhà nước đã giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng để trồng trọt, cư trú, xây dựng các công trình kinh tế, xã hội, hoặc làm những việc khác theo luật pháp hiện hành đều thuộc vốn tài nguyên quý của Nhà nước do Nhà nước thống nhất quản lý.
Mọi hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác tài nguyên đá quý chỉ được tiến hành sau khi đã có giấy phép do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cấp theo qui định hiện hành.
Điều 2. Yêu cầu bảo vệ tài nguyên đá quý phải đánh giá đúng tiềm năng hoặc trữ lượng của chúng theo mức độ nghiên cứu điều tra địa chất đã tiến hành; ngăn ngừa và xử lý theo pháp luật các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác trái phép, kể cả việc cho phép thăm dò, khai thác đá quý không đúng thẩm quyền; Thực hiện các biện pháp chống tổn thất quá mức, gây phá huỷ các khu vực có tài nguyên đá quý trong quá trình điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ hoặc sử dụng lòng đất vào các mục đích khác của các tổ chức và cá nhân.
Điều 3. Qui trình kỹ thuật và công nghệ được sử dụng trong các hoạt động khai thác mỏ đá quí do các doanh nghiệp tự chọn nhưng phải bảo đảm yêu cầu thu hồi tối đa tài nguyên đá quý thực có, bảo vệ được sản phẩm đồng thời bảo vệ được môi trường liên quan, kể cả những tài nguyên khác; bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Điều 4. Mọi tổ chức và cá nhân có nhiệm vụ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ, quản lý, bảo vệ tài nguyên đá quý đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc giữ gìn bí mật tình hình tài nguyên đá quý, và những quy định để bảo vệ chặt chẽ sản phẩm đá quý.
Người nào vô tình hay cố ý làm lộ bí mật Nhà nước về tình hình tài nguyên đá quý dẫn đến những hậu quả gây phá huỷ, tổn thất tài nguyên, huỷ hoại môi trường, gây hậu quả xấu về an ninh xã hội... thì phải chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật.
Điều 5. Trong phạm vi khu vực khai thác mỏ được giao, doanh nghiệp là chủ giấy phép khai thác mỏ chịu trách nhiệm hoàn toàn việc bảo vệ tài nguyên đá quý, bảo vệ môi trường liên quan, bảo đảm an toàn công tác mỏ cũng như việc bảo vệ sản phẩm khai thác được.
Điều 6. Uỷ ban nhân dân các địa phương có tài nguyên đá quý theo chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ thực hiện các biện pháp đồng bộ để bảo vệ tài nguyên đá quý chưa giao cho các doanh nghiệp khai thác, giám sát việc thi hành pháp luật và xử lý theo pháp luật các hoạt động thăm dò, khai thác trái phép, các hoạt động gây tổn thất tài nguyên môi trường, gây rối trật tự, an ninh xã hội.
Điều 7. Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra Nhà nước về việc quản lý, bảo vệ tài nguyên đá quý, bảo vệ môi trường liên quan trong phạm vi cả nước.
II. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐÁ QUÝ CHƯA KHAI THÁC
Điều 8.
Tài nguyên đá quí chưa khai thác là những địa điểm hoặc khu vực lòng đất có đá quí chưa được hoặc đã được điều tra địa chất, kể cả khu vực do các tổ chức hoặc cá nhân có nhiệm vụ hoặc ngẫu nhiên phát hiện được mà chưa được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cấp giấy phép khai thác theo quy định hiện hành.
Tài liệu và địa điểm tài nguyên đá quý chưa khai thác phải được giữ bí mật và bảo vệ nghiêm ngặt: không tổ chức, cá nhân nào kể cả người chủ giấy phép sử dụng đất đai hợp pháp ở đó có quyền hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên đá quý chưa khai thác.
Điều 9. Bộ Công nghiệp nặng thống nhất quản lý Nhà nước việc thu thập, lưu trữ, khai thác sử dụng mọi tài liệu địa chất và khoáng sản về tài nguyên đá quý của cả nước.
Mọi tài liệu điều tra địa chất về tài nguyên đá quý do các tổ chức Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng hoặc thuộc các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu khoa học kể cả của các trường học, các địa phương, cơ sở đã thu thập và xây dựng được bằng bất cứ nguồn vốn nào hoặc phương tiện nào, đều là tài sản của Nhà nước đều phải đăng ký, nộp vào lưu trữ địa chất Nhà nước (Viện thông tin tư liệu địa chất) của Bộ Công nghiệp nặng.
Điều 10. Các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan lưu trữ địa chất Nhà nước và các tổ chức điều tra địa chất về tài nguyên đá quý không được quyền công bố hoặc cung cấp tài liệu địa chất về tài nguyên đá quý chưa khai thác cho bất cứ ai khi chưa được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng cho phép.
Các cơ quan quản lý có thẩm quyền và cơ quan lưu trữ địa chất Nhà nước không được tiết lộ tài liệu địa chất về đá quý do các chủ giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác cung cấp trừ khi được chủ các giấy phép đó đồng ý hoặc sau 3 tháng kể từ khi các giấy phép đó hết hiệu lực mà không được gia hạn hoặc không được cấp giấy phép mới.
Điều 11. Những tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác mỏ đá quý, kể cả tổ chức, cá nhân đã được phép tham gia đấu thầu, bán khoán mỏ đá quý được nghiên cứu, sử dụng tài liệu địa chất về tài nguyên đá quý ở những địa điểm hoặc khu vực cụ thể được đưa vào đấu thầu, bán khoán.
Điều 12. Trường hợp ngẫu nhiên tổ chức, cá nhân phát hiện được địa điểm có tài nguyên đá quý mà kịp thời báo cáo với Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, không tiết lộ bí mật cho người khác và không tự động tiến hành các hoạt động thu nhặt, khai thác trước thì được Nhà nước khen thưởng. Ngược lại nếu tự ý tiến hành việc thăm dò, khai thác thì sẽ bị coi là hoạt động trái pháp luật.
Điều 13. Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền ra lệnh và áp dụng mọi biện pháp để đình chỉ và xử lý theo thẩm quyền mọi hoạt động khảo sát thăm dò, khai thác tài nguyên đá quý không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng hoặc người được Bộ trưởng uỷ quyền.
III. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐÁ QUÝ VÀ MẪU VẬT ĐÁ QUÝ TRONG ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT
Điều 14.
Công tác nghiên cứu, điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng đá quý trong phạm vi cả nước bằng nguồn ngân sách Nhà nước phải được tiến hành có căn cứ khoa học, sử dụng các phương pháp kỹ thuật có hiệu quả, chất lượng cao, đảm bảo không bỏ sót các vùng triển vọng.
Các tổ chức được giao nhiệm vụ nói trên không kết hợp tổ chức tận thu tài nguyên đá quý với mục đích sản xuất kinh doanh. Toàn bộ mẫu vật thu được đều thuộc tài sản Nhà nước phải được kiểm kê, đánh giá, đăng ký và bảo quản chặt chẽ, đảm bảo không để thất thoát hoặc bị đánh tráo, làm sai lệch các kết quả nghiên cứu đánh giá tiềm năng đá quý của vùng nghiên cứu, điều tra.
Thông tin và tài liệu kết quả nghiên cứu điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng đá quý là tài liệu mật. Việc khai thác sử dụng những tài liệu này tuân theo các qui định ở chương bảo vệ tài nguyên đá quý chưa khai thác.
Điều 15. Mọi hoạt động điều tra địa chất tài nguyên đá quý tiến hành ở các lô đấu thầu, bán khoán do các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, mua khoán nếu được phép tiến hành trước khi trúng thầu hoặc mua khoán đều được Ban đấu thầu tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ về kết quả đánh giá địa chất, quá trình khai đào, lấy, gia công phân tích, đánh giá mẫu vật. Toàn bộ tài liệu và mẫu vật đá quý thu được đều phải kiểm kê, đánh giá và đưa vào bảo quản chặt chẽ theo một quy định riêng của Ban đấu thầu đá quý, không để thất thoát, bị đánh tráo hoặc làm sai lệch kết quả điều tra.
Ban đấu thầu đá quí phải đảm bảo bí mật thông tin, tài liệu khảo sát đánh giá của từng doanh nghiệp cho đến khi lô đấu thầu đã được giao cho một doanh nghiệp trúng thầu.
Điều 16. Mọi công trình khai đào nhằm nghiên cứu, điều tra địa chất về tài nguyên đá quý sau khi đã lấy mẫu, thu thập và nghiệm thu xong tài liệu địa chất của công trình đều phải tiến hành san lấp, trừ những công trình khai đào trong khu vực khai mỏ đã có giấy phép khai thác đang hoạt động và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Điều 17. Mẫu vật đá quý thu được trong quá trình thăm dò trong phạm vi khu vực khai thác mỏ đã giao thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp là chủ giấy phép khai thác được coi là sản phẩm của hoạt động khai thác mỏ của doanh nghiệp.
Điều 18. Kết quả thăm dò trong khu vực khai thác mỏ đã giao thuộc tài liệu tuyệt mật của Nhà nước và của doanh nghiệp là chủ giấy phép khai thác mỏ. Chủ giấy phép khai thác mỏ có trách nhiệm báo cáo kết quả thăm dò tài nguyên đá quý của mình với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Công nghiệp nặng và những tài liệu đó của chủ giấy phép khai thác mỏ phải được bảo mật theo quy định tại Điều 10.
IV. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐÁ QUÝ VÀ MÔI TRƯỜNG LIÊN QUAN
BẢO ĐẢM AN TOÀN KHI KHAI THÁC MỎ.
Điều 19.
Chủ giấy phép khai thác mỏ chỉ được tiến hành các hoạt động khai thác trong phạm vị khu vực khai thác mỏ đã giao và phải tuân theo những điều kiện đã xác định trong giấy phép; thực hiện đúng trình tự và những biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ tài nguyên môi trường theo đề án hoặc thiết kế kỹ thuật đã nộp vào hồ sơ xin khai thác và lưu trữ tại Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước. Khi muốn thay đổi những điều kiện và biện pháp của đề án hoặc thiết kế nói trên phải được cơ quan phê duyệt đề án hoặc Hội đồng đấu thầu chấp thuận.
Điều 20. Khi thiết kế, tiền hành xây dựng mỏ và khai thác phải sử dụng các hệ thống, công nghệ, trình tự hợp lý đảm bảo thu hồi tối đa và không bị thất thoát, không gây ô nhiễm môi trường; không khai thác lựa chọn các khu vực giàu, thuận lợi; không đổ thải hoặc xây dựng các công trình cố định lên trên các khu vực có tài nguyên chưa khai thác; thực hiện công tác địa chất và trắc địa mỏ để nâng độ tin cậy và tăng trữ lượng đá quý trong khu vực khai thác mỏ được quyền sử dụng.
Điều 21. Căn cứ theo những quy định chung của Nhà nước, mỗi doanh nghiệp là chủ giấy phép khai thác mỏ phải xây dựng, huấn luyện và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy tắc hoặc nội quy về:
Bảo vệ tài nguyên và sản phẩm khai thác, phù hợp với quy trình công nghệ thăm dò khai thác, tuyển khoáng, lưu trữ, kiểm kê, vận chuyển...
An toàn công tác mỏ.
Bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên khác (rừng, nước, đất).
Điều 22. Việc đóng cửa mỏ phải tuân theo Quy chế đóng cửa mỏ các khoáng sản rắn ban hành kèm theo Quyết định số 828-CNNg/QLTN ngày 16-12-1992 của Bộ Công nghiệp nặng.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23.
Quy định này thay thế Quy định số 103-CNNg/QLTN của Bộ Công nghiệp nặng ban hành ngày 13-3-1992 và có hiệu lực thi hành thống nhất trong phạm vi cả nước kể từ ngày ban hành.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quy định này./.