Văn bản pháp luật: Quyết định 73/2013/QĐ-TTg

Nguyễn Tấn Dũng
Công báo số 897 + 898, năm 2013
Quyết định 73/2013/QĐ-TTg
Quyết định
12/12/2013
27/11/2013

Tóm tắt nội dung

Về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý

Giao thông Vận tải
Thủ tướng
2.013
Thủ tướng Chính phủ

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý

_____________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 06 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý,

Điều 1. Thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý với nội dung chính như sau:

1. Mục đích thực hiện thí điểm:

a) Xây dựng cơ chế quản lý đặc thù đối với hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; thực hiện theo hình thức phù hợp và thủ tục rút gọn, tạo thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả trong thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải đáp ứng yêu cầu cấp thiết của việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu trong phạm vi cả nước;

b) Củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải; từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải;

c) Khuyến khích thực hiện xã hội hóa công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét, không sử dụng ngân sách nhà nước hoặc hình thức đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói hoặc theo các hình thức phù hợp khác để huy động tối đa nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư.

2. Nguyên tắc thực hiện thí điểm:

a) Phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải, làm cơ sở kiểm tra, đánh giá, so sánh;

b) Tổng kết quá trình thí điểm thực hiện cơ chế và đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải trong phạm vi cả nước;

c) Ưu tiên thực hiện xã hội hóa công tác nạo vét, duy tu tất cả các tuyến luồng hàng hải bằng nguồn lực của xã hội. Chỉ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải tại các khu vực cảng biển trọng điểm và các tuyến luồng không có nhà đầu tư tham gia thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

3. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quyết định này quy định về thực hiện thí điểm cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải đang quản lý nhằm bảo đảm chuẩn tắc thiết kế đã được phê duyệt;

b) Quyết định này không áp dụng đối với hoạt động nạo vét của công tác đầu tư xây dựng mới luồng hàng hải và hoạt động nạo vét nâng cấp luồng hàng hải làm thay đổi chuẩn tắc thiết kế của tuyến luồng đã được phê duyệt.

4. Đối tượng áp dụng: Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý nhằm bảo đảm chuẩn tắc thiết kế đã được phê duyệt.

5. Nội dung thí điểm cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý bao gồm:

a) Về trình tự, thủ tục thực hiện: Trên cơ sở kế hoạch nạo vét, duy tu luồng hàng hải hàng năm bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, cơ quan quản lý luồng phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình làm cơ sở triển khai thực hiện thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải; không thực hiện bước lập dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải;

b) Về việc bảo hành công trình: Không thực hiện việc bảo hành kết quả thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải sau khi đã được nghiệm thu theo quy định;

c) Về đánh giá tác động môi trường: Lần đầu thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải phải thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đối với những lần tiếp theo thực hiện việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải, chỉ thực hiện việc quản lý, giám sát môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp có thay đổi vị trí đổ vật liệu nạo vét;

d) Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thi công nạo vét, duy tu đối với tuyến luồng hàng hải Định An - Cần Thơ: Thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu rút gọn quy định tại Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật xây dựng và quy định khác có liên quan của pháp luật;

đ) Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thi công nạo vét, duy tu đối với các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu: Thực hiện theo cơ chế đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói; nhà thầu thi công có trách nhiệm bảo đảm duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng hàng hải trong cả năm hoặc trong khoảng thời gian xác định với kinh phí cố định trên cơ sở phương án nạo vét, duy tu luồng hàng hải và hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh kinh phí thực hiện;

e) Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thi công nạo vét, duy tu đối với các tuyến luồng còn lại: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

6. Về nguồn vốn thực hiện:

a) Bảo đảm cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải quan trọng theo quy định;

b) Chỉ thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải bằng ngân sách nhà nước đối với các tuyến luồng hàng hải quan trọng và các tuyến luồng không huy động được nguồn vốn xã hội hóa;

c) Khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.

7. Về thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải không sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về nguồn vốn và hiệu quả đầu tư;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả đầu tư.

8. Thời gian và lộ trình thực hiện thí điểm: Thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 và trong các năm ngân sách từ năm 2014 đến hết năm 2016, trừ việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thi công nạo vét, duy tu đối với các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều này thực hiện thí điểm trong các năm ngân sách từ năm 2015 đến hết năm 2016.

Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương liên quan

1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo thực hiện công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định này;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục khuyến khích thực hiện xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập kế hoạch, phân công, phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu luồng hàng hải quy định tại Quyết định này; bảo đảm đơn giản, thuận tiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng cường vai trò, trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước;

d) Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến thiết kế, thi công, bảo trì luồng hàng hải phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn;

đ) Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kinh phí hàng năm ngay từ đầu năm để thực hiện công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm và đúng quy định của pháp luật;

e) Hướng dẫn về nội dung và thực hiện hợp đồng trọn gói nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo quy định tại Quyết định này;

g) Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện thí điểm; tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện khi kết thúc thời gian thí điểm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải để áp dụng chính thức trong cả nước.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn thủ tục thanh toán, quyết toán đối với công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo quy định tại Quyết định này;

b) Cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm đủ thực hiện công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải quy định tại Quyết định này;

b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục đăng ký tận thu sản phẩm đối với các dự án xã hội hóa thực hiện nạo vét, duy tu kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định tại Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và quy định có liên quan của pháp luật, bảo đảm đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng trong thực hiện dự án.

4. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thủ tục xuất khẩu cát nhiễm mặn đối với các dự án xã hội hóa thực hiện nạo vét, duy tu kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, chấp thuận đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét và chế độ thuế, phí, lệ phí đối với các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải, bảo đảm nhanh chóng để các dự án có thể sớm triển khai thực hiện.

6. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện nạo vét, duy tu và quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo quy định tại Quyết định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo quy định tại Quyết định này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=34042&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận