QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Đài Truyền hình Việt Nam đến năm 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 96/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam;
Xét đề nghị của Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tại công văn số 292/THVN ngày 24 tháng 3 năm 2005 và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 3957/BKH-TĐ&GSĐT ngày 14 tháng 6 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Đài Truyền hình Việt Nam đến năm 2010 với những nội dung chính sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển truyền hình hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu, lợi ích của nhân dân; phát triển đi đôi với việc quản lý tốt để bảo đảm Đài Truyền hình Việt Nam là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị quốc gia trong mọi tình huống.
2. Phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm phù hợp với điều kiện Việt Nam, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.
3. Sử dụng các phương thức, công nghệ truyền dẫn phát sóng phù hợp, hỗ trợ cho nhau, đồng thời quan tâm thích đáng đến phương tiện thu xem đơn giản nhất của người dân đã có sẵn, đặc biệt là các hộ dân tại các vùng sâu, vùng xa.
4. Phát triển sự nghiệp truyền hình trên cơ sở gắn kết các yếu tố nội dung, kỹ thuật, kinh tế; từng bước đổi mới kỹ thuật và công nghệ truyền hình theo hướng hội tụ các công nghệ, ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm Đài Truyền hình Việt Nam giữ vai trò đầu tầu trong hệ thống truyền hình toàn quốc.
5. Xây dựng và quản lý thống nhất hệ thống trung tâm sản xuất chương trình khu vực, hệ thống kỹ thuật chuyên dùng của Đài Truyền hình Việt Nam bao gồm hệ thống truyền dẫn qua vệ tinh và các đài phát sóng mặt đất để phủ sóng truyền hình quốc gia trên phạm vi toàn quốc, mở rộng phạm vi phủ sóng trên thế giới nhằm phát huy hiệu quả về nội dung tuyên truyền, kỹ thuật, kinh tế và bảo đảm an ninh chính trị.
6. Tăng cường xã hội hóa việc sản xuất các chương trình truyền hình, phim truyền hình theo đúng định hướng của Đảng và các quy định của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kênh truyền hình quảng bá song song với phát triển nhanh chóng các loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền.
7. Phát triển đồng bộ cả 3 khâu: sản xuất chương trình; truyền dẫn và phát sóng; phương tiện thu xem truyền hình.
II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
1. Xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam thành một Đài quốc gia mạnh, một tập đoàn truyền thông có uy tín trong khu vực và quốc tế; làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân; làm tốt chức năng giáo dục, nâng cao dân trí, giải trí, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân; tăng cường thông tin đối ngoại, đảm bảo hội nhập thông tin trong khu vực và quốc tế, đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu phản tuyên truyền, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống chế độ của các thế lực thù địch và phản động, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam, chú trọng các chương trình dạy học, phổ biến kiến thức, thông tin đối ngoại, chương trình tiếng dân tộc; tăng cường chất lượng phủ sóng, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng lõm; khẩn trương hoàn thiện hệ thống phát sóng các chương trình quốc gia VTV2, VTV3... của Đài Truyền hình Việt Nam đặt tại các địa phương.
3. Tăng thời lượng, nâng cao chất lượng các chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất với các đài địa phương để phát trên sóng quốc gia, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đài địa phương và tính toàn quốc của Đài Truyền hình Việt Nam.
4. Xây dựng và hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng ngành truyền hình, bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
5. Chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ làm truyền hình có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn cao; phát huy hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính để phát triển sự nghiệp truyền hình và không ngừng cải thiện đời sống của cán bộ, viên chức Đài Truyền hình Việt Nam.
III. ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỤ THỂ
1. Nội dung chương trình
a) Hoàn thiện, tăng thêm các kênh truyền hình, nâng cao chất lượng nội dung chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao dân trí, giải trí và mục tiêu giáo dục cộng đồng của mọi người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường chương trình cho người Việt Nam ở nước ngoài và thông tin đối ngoại; đảm bảo thông tin quốc tế nhanh nhạy, chính xác và hấp dẫn.
b) Các chỉ tiêu cụ thể:
- Đến năm 2010, Đài Truyền hình Việt Nam tự sản xuất 80% tổng thời lượng chương trình phát sóng.
- Năm 2005 chương trình quốc gia phát trên 5 kênh: VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 (kênh dành cho người Việt Nam ở nước ngoài), VTV5 (kênh tiếng dân tộc có phụ đề tiếng Việt) với tổng thời lượng 86,5 giờ/ngày.
Giai đoạn 2006 - 2010 chương trình quốc gia phát trên 8 kênh với tổng thời lượng 168,5 giờ/ngày. Ngoài 5 kênh (VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV5) sẽ phát triển thêm 3 kênh: VTV6 (kênh Thể thao), VTV7 (kênh thanh thiếu niên, dạy học trên truyền hình), VTV8 (kênh tiếng Anh).
- Đến năm 2010 chương trình của các Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại các khu vực: tập trung nội dung phản ảnh về các vấn đề của các địa phương trong khu vực theo định hướng chung của Đài Truyền hình Việt Nam với thời lượng từ 8 - 18 giờ/ngày.
2. Sản xuất chương trình
a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công đoạn sản xuất chương trình; xây dựng dây chuyền sản xuất phù hợp với số lượng kênh, đồng bộ về công nghệ thiết bị; thực hiện số hoá hệ thống lưu trữ tư liệu truyền hình.
- Tăng cường hợp tác sản xuất, trao đổi chương trình truyền hình với các đài địa phương, các đài nước ngoài, các Bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức khác trong xã hội.
- Tăng cường khả năng trao đổi thông tin, mua bản quyền và nâng cao chất lượng biên tập, biên dịch các chương trình truyền hình nước ngoài (có lồng tiếng, thuyết minh, phụ đề tiếng Việt); hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước để sản xuất, trao đổi, khai thác chương trình và cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền cho các hộ dân có nhu cầu xem truyền hình ở mức cao hơn mức cần quảng bá.
b) Các chỉ tiêu cụ thể:
- Đến năm 2010 hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Trung tâm sản xuất chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam với dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, đảm bảo nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng phát sóng trên các kênh.
- Hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Trung tâm sản xuất phim truyền hình tại Hà Nội, đảm bảo năng lực sản xuất từ 300 đến 500 tập phim/năm.
- Từng bước đầu tư xây dựng, hiện đại hoá các Trung tâm truyền hình Việt Nam tại các khu vực trọng điểm, các khu vực trung tâm về chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật; xây dựng Trung tâm tư liệu hiện đại, kết nối với Trung tâm truyền hình Việt Nam tại các khu vực.
- Hoàn thành việc xây dựng cơ sở làm việc của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình, trong đó có xưởng sản xuất các chương trình quảng cáo có nội dung phù hợp với văn hoá Việt Nam.
3. Truyền dẫn và phát sóng
a) Kết hợp nhiều phương thức truyền dẫn, phát sóng (vệ tinh, mặt đất, cáp) và tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã có của các ngành, đơn vị có liên quan để nâng cao chất lượng và mở rộng diện phủ sóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi đối tượng trong xã hội; mở rộng hệ thống phát sóng đối ngoại trực tiếp qua vệ tinh, cáp; tăng cường thời lượng, chất lượng truyền dẫn phát sóng kênh đối ngoại trên mạng Internet, báo điện tử.
- Tiếp tục thực hiện quy hoạch truyền dẫn, phát sóng truyền hình đã được phê duyệt, có điều chỉnh bổ sung phù hợp với thực tế; tăng cường hệ thống truyền dẫn, phát sóng tương ứng với số kênh truyền hình, đáp ứng yêu cầu truyền dẫn, trao đổi chương trình truyền hình.
- Phát triển phát sóng truyền hình số mặt đất theo một lộ trình hợp lý, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
b) Các chỉ tiêu cụ thể:
- Phủ sóng đối nội: đến năm 2010 phủ sóng 100% dân số cả nước, ổn định chất lượng cả ngày và đêm:
+ Truyền dẫn các kênh quốc gia VTV1, VTV2 ,VTV3 qua vệ tinh băng tần C số; tiếp tục hoàn thiện hệ thống phát sóng mặt đất cho các kênh VTV2, VTV3 và hoàn chỉnh các Trung tâm phát sóng quốc gia tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sơn Trà, Thủ Dầu Một, Cầu Đất, Núi Cấm, Cần Thơ; phát triển máy phát công suất nhỏ đa kênh phù hợp với các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
+ Phát sóng toàn quốc trực tiếp qua vệ tinh băng tần Ku số DTH các kênh quốc gia VTV1, VTV2, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7, VTV8 đến trực tiếp các hộ dân, đến các vùng đảo, đến các phương tiện thu di động trên ô tô, tàu hoả, tàu biển, máy bay.
+ Phát các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7, VTV8 và một kênh địa phương trên hệ thống máy phát sóng số mặt đất của Đài Truyền hình Việt Nam đặt tại các địa phương.
+ Phát các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7, VTV8 và các kênh địa phương trên hệ thống truyền hình cáp số của Đài Truyền hình Việt Nam tại các thành phố.
+ Truyền dẫn, phát sóng các kênh truyền hình trả tiền qua vệ tinh trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; phát triển mạng CATV số tại các thành phố một cách hợp lý; phát triển dịch vụ Internet và các dịch vụ gia tăng khác trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật truyền hình.
- Phủ sóng đối ngoại: truyền dẫn và phát sóng kênh VTV4, VTV8 qua vệ tinh, cáp, Internet đến những địa bàn ở nước ngoài có nhiều người Việt Nam sinh sống và VTV8 đến các địa bàn quan trọng khác trên thế giới; từng bước phát triển hợp lý truyền hình trả tiền tại một số địa bàn trên thế giới.
4. Phương tiện thu xem
a) Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu đưa truyền hình về vùng núi, vùng sâu, vùng xa; huy động nhiều nguồn vốn để hỗ trợ thiết bị thu xem trực tiếp từ vệ tinh, máy phát công suất nhỏ đa kênh cho các đối tượng người xem truyền hình tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
b) Quan tâm thích đáng đến phương tiện thu xem đơn giản nhất (bằng anten thông thường đã có sẵn) của người dân, kết hợp với việc phát triển các phương tiện thu xem bằng công nghệ kỹ thuật tiên tiến cho các đối tượng có nhu cầu theo một lộ trình hợp lý.
5. Đào tạo nguồn nhân lực
a) Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn lành nghề, có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, có năng lực trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện, từng bước đáp ứng yêu cầu của truyền hình hiện đại.
b) Các chỉ tiêu cụ thể:
- Đối với khối quản lý: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị cho 100% chuyên viên cao cấp và tương đương, 70% chuyên viên chính và tương đương, 40% chuyên viên và tương đương; bồi dưỡng kiến thức pháp luật: trung bình 05 ngày/năm cho mỗi cán bộ, công chức; bồi dưỡng về ngoại ngữ và tin học cho 10% - 20% tổng số cán bộ/năm.
- Đối với khối chuyên môn: bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 100% chuyên gia cao cấp, 70% công chức chuyên môn; bồi dưỡng lý luận chính trị và hành chính nhà nước cho 50% chuyên gia cao cấp, 30% công chức chuyên môn; bồi dưỡng pháp luật và đạo đức công vụ: trung bình 05 ngày/năm cho mỗi công chức; bồi dưỡng ngoại ngữ và tin học cho 20% chuyên gia cao cấp, 30% công chức chuyên môn.
- Đào tạo chuyên gia: đào tạo trong và ngoài nước cho 10 - 15 người/năm, để đến 2010 có khoảng 150 chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực.
6. Kế hoạch tài chính:
a) Từ năm 2005 đến 2010, Đài Truyền hình Việt Nam tự đảm bảo về tài chính đối với các dự án đầu tư từ nhóm B trở xuống và các chi phí hoạt động thường xuyên của Đài; hoàn chỉnh mô hình tổ chức quản lý tài chính, thực hiện phân cấp quản lý tài chính trong nội bộ Đài theo hướng nâng cao tự chủ trong quản lý tài chính của các đơn vị; phấn đấu đến sau năm 2010 Đài Truyền hình Việt Nam tự chủ hoàn toàn về tài chính.
b) Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, định mức thu chi tài chính làm công cụ đo lường và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm của Đài Truyền hình Việt Nam.
c) Tăng thu từ hoạt động quảng cáo và các dịch vụ khác để có thêm các điều kiện nâng cao chất lượng chương trình, tăng thời lượng của từng kênh, tăng số lượng kênh và mở rộng, nâng cao chất lượng phủ sóng.
7. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
a) Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về công nghệ, kỹ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam và tham gia giải quyết những vấn đề chung của hệ thống truyền hình cả nước, trong đó chú ý các vấn đề sau đây: nâng cao chất lượng nội dung chương trình; ứng dụng, làm chủ và phát huy hiệu quả các kỹ thuật - công nghệ hiện đại trong sản xuất chương trình, truyền dẫn, phát sóng, phương tiện thu xem của người dân, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao dân trí, giải trí ngày càng cao của nhân dân, từng bước hội nhập truyền hình khu vực và quốc tế.
b) Các chỉ tiêu cụ thể:
- Công nghệ sản xuất chương trình: đến năm 2010 đạt 100% chương trình được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ số; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất chương trình; ứng dụng công nghệ truyền hình tương tác (Interactive TV) và thử nghiệm các tiêu chuẩn truyền hình HDTV, EDTV.
- Công nghệ truyền dẫn phát sóng: phát triển công nghệ số vệ tinh, mặt đất, cáp và máy phát công suất nhỏ đa kênh; các doanh nghiệp hoàn chỉnh, ổn định các sản phẩm máy phát hình và giảm giá thành đầu thu số mặt đất (STB-T), đầu thu số vệ tinh DTH (STB-S), đầu thu số cáp (STB-C); triển khai phát sóng số mặt đất theo lộ trình phù hợp với điều kiện thu xem của người dân; phát sóng mặt đất công nghệ analog song song với phát sóng mặt đất công nghệ số trong thời gian quá độ.
- Công nghệ quản lý: xây dựng mô hình quản lý phù hợp và có hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong xu thế mở cửa và hội nhập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
8. Phát triển dịch vụ
a) Tăng cường năng lực của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động quảng cáo, dịch vụ truyền hình theo quy định của pháp luật; xây dựng chiến lược quảng cáo linh hoạt, phù hợp kinh tế thị trường và truyền thống văn hóa Việt Nam; tăng nguồn thu từ dịch vụ gia tăng khác.
b) Phát triển nhanh, mạnh dịch vụ truyền hình trả tiền tới hầu hết các thành phố, thị xã, các khu dân cư tập trung đông dân trong toàn quốc và một số địa bàn trên thế giới.
c) Tham gia cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ gia tăng khác trên hạ tầng kỹ thuật truyền hình theo đúng quy định của Nhà nước.
9. Tập trung hoàn thành việc đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm: Trung tâm sản xuất chương trình, mạng máy phát hình quốc gia VTV2, truyền hình tiếng dân tộc từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp và vốn vay ODA; các dự án: Mạng máy phát hình quốc gia VTV3, Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình từ nguồn thu quảng cáo của Đài Truyền hình Việt Nam.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách
a) Đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến sự phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và sự phát triển của truyền hình trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; chế độ, chính sách đối với người làm truyền hình; chính sách xã hội hoá truyền hình và hợp tác quốc tế về truyền hình.
b) Xây dựng các quy định về tổ chức, về tiêu chuẩn cán bộ, về mối quan hệ của Đài Truyền hình Việt Nam với các Bộ, ngành và với các tổ chức truyền hình quốc tế.
c) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về truyền hình, xây dựng quy hoạch hệ thống phát thanh - truyền hình trong toàn quốc và thực hiện Quy hoạch phát triển Đài Truyền hình Việt Nam đến năm 2010.
2. Đổi mới tổ chức bộ máy
a) Xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đài Truyền hình Việt Nam theo chức năng và nhiệm vụ được giao; đổi mới tổ chức và công tác quản lý khối biên tập, khối đào tạo, khối kỹ thuật... phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và xu thế phát triển của truyền hình hiện đại.
b) Thành lập thêm cơ quan thường trú của Đài tại một số khu vực quan trọng trên thế giới (khi có đủ các điều kiện) nhằm tăng cường hoạt động thông tin quốc tế và phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
3. Phát triển nguồn nhân lực:
a) Từng bước tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực truyền hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ Đài Truyền hình Việt Nam và thực tế phát triển của hệ thống truyền hình Việt Nam.
b) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với trình độ phát triển của lĩnh vực truyền hình; cải tiến hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp các hình thức đào tạo trong nước và ngoài nước với một tỷ lệ hợp lý; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm đáp ứng nhiệm được giao và chủ động nguồn cán bộ quản lý cho Đài Truyền hình Việt Nam.
c) Xây dựng và thực hiện kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực, bảo đảm số lượng hợp lý và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của Đài và xu thế phát triển truyền hình hiện đại.
4. Nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ
a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ việc: hoạch định chiến lược phát triển công nghệ mới; ứng dụng các công nghệ truyền hình hiện đại trên thế giới; ứng dụng truyền thông đa phương tiện và công nghệ thông tin trong lĩnh vực truyền hình.
b) Coi trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ quản lý tiến tiến, kỹ thuật đo lường hiện đại, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chế kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về truyền hình; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong việc lưu trữ tư liệu do Đài Truyền hình Việt Nam quản lý.
c) Nghiên cứu chế tạo, cải tiến một số thiết bị điện tử, đặc biệt các thiết bị phát sóng, phương tiện thu xem của dân, đảm bảo nâng cao chất lượng phát sóng các chương trình truyền hình và đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
a) Tăng cường hợp tác với các tổ chức truyền hình quốc tế, chú trọng các tổ chức truyền hình đã có mối quan hệ truyền thống; chủ động tham gia các hoạt động và phát huy vai trò của Đài Truyền hình Việt Nam trong các tổ chức truyền hình quốc tế.
b) Đẩy mạnh trao đổi các chương trình truyền hình, các hoạt động thông tin đối ngoại và quảng bá cho Đài Truyền hình Việt Nam.
c) Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, tài chính của các nước và các tổ chức quốc tế để phát triển Đài Truyền hình Việt Nam.
6. Huy động các nguồn vốn để thực hiện quy hoạch
a) Trên cơ sở các nội dung Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ khả năng huy động vốn đầu tư, Đài Truyền hình Việt Nam sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và tiến hành đầu tư phù hợp với quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư.
b) Nguồn vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch.
- Từ ngân sách nhà nước cho các dự án: Trung tâm sản xuất chương trình của Đài tại Hà Nội; mạng máy phát hình VTV2; truyền hình tiếng dân tộc (các dự án nhóm A); trường Cao đẳng truyền hình.
- Từ nguồn thu quảng cáo và các dịch vụ khác: đáp ứng nhu cầu chi phí hoạt động thường xuyên, mua sắm thiết bị và các dự án nhóm B, C.
c) Căn cứ khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn trong từng thời kỳ, Đài Truyền hình Việt Nam bố trí, lập kế hoạch hàng năm nhằm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch.
d) Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện Quy hoạch.
7. Đài Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm
a) Quản lý trực tiếp hệ thống kỹ thuật chuyên dùng của Đài Truyền hình Việt Nam để sản xuất, truyền dẫn tín hiệu và phát sóng các chương trình truyền hình quốc gia trong nước và ra nước ngoài.
b) Quản lý thống nhất, toàn diện nội dung và kỹ thuật truyền hình trả tiền do Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp.
c) Chủ trì, phối hợp với các đài địa phương trong việc sản xuất chương trình đảm bảo có chất lượng cao, kịp thời, đa dạng, đặc biệt là các chương trình đáp ứng yêu cầu chung trên toàn quốc và đáp ứng các yêu cầu riêng bằng tiếng dân tộc ít người.
d) Chủ trì, phối hợp với các đài địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về chuyên ngành truyền hình; hướng dẫn các đài địa phương về nghiệp vụ và kỹ thuật truyền hình.
đ) Phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, các đài địa phương xây dựng chiến lược phát triển thông tin và quy hoạch phát triển hệ thống truyền hình trong toàn quốc.
e) Phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông và các đài địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn chỉnh mạng đài phát sóng truyền hình địa phương.
g) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực truyền hình; tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn nghiệp vụ truyền hình và các định mức kinh tế - kỹ thuật về truyền hình, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hoá - Thông tin, Nội vụ, Ngoại giao, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Bưu chính, Viễn thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.