Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty Tài chính ngày 24 tháng 5 năm 1990;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Trưởng ban trù bị Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.-
Thành lập Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long để huy động vốn, cho vay hỗ trợ nhân dân đồng bằng sông Cửu Long xây dựng và phát triển nhà ở. Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng theo Điều lệ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn y.
Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long là pháp nhân, có vốn điều lệ, có tài sản, có bảng cân đối, có con dấu riêng. Trụ sở chính đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và các Chi nhánh, Văn phòng đại diện đặt ở nơi cần thiết.
Vốn điều lệ ban đầu của Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long là 600.000.000.000 VNĐ (sáu trăm tỷ đồng) do Nhà nước cấp và do các doanh nghiệp Nhà nước đóng góp. Khi có điều kiện Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long được cổ phần hoá theo quy định của pháp luật.
Điều 2.- Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long thực hiện những hoạt động chính sau đây:
1. Huy động vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp.
2. Nhận vốn tài trợ, uỷ thác của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước để đầu tư cho các chương trình phát triển nhà ở và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn chủ yếu vào các mục đích làm nhà ở. Ngoài ra, cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và sản xuất, kinh doanh vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở khả năng nguồn vốn cho phép.
4. Thực hiện chính sách tín dụng nhà ở thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
5. Thực hiện nghiệp vụ Ngân hàng đối ngoại và một số dịch vụ khác của Ngân hàng.
Điều 3.- Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long được xét miễn giảm thuế đối với hoạt động tín dụng xây dựng và phát triển nhà ở; được để lại phần lợi tức số vốn điều lệ Nhà nước cấp để bù đắp một phần chi phí do thực hiện chính sách Nhà nước về nhà ở thuộc diện chính sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế tài chính đối với Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long.
Điều 4.- Quản trị và điều hành Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long gồm:
Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Bộ máy điều hành tác nghiệp.
1. Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long có 7 thành viên, trong đó có đại diện của các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hai đại diện của các tổ chức góp vốn.
Hội đồng quản trị có Chủ tịch, một Phó chủ tịch và 5 uỷ viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
2. Điều hành bộ máy tác nghiệp Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long là Tổng giám đốc và một số Phó tổng giám đốc giúp việc.
Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; các Phó tổng giám đốc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long được quy định cụ thể trong Điều lệ.
Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.