Uỷ ban nhân dânQUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
V/v Ban hành Quy định Bảo vệ Môi trường tỉnh Lâm Đồng
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993 và Chủ tịch nước ký sắc lệnh công bố ngày 10/01/1994;
Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường;
Theo đề nghị của Ông Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Lâm đồng;
Quyết định:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản " Quy định Bảo vệ Môi trường tỉnh Lâm Đồng;
Điều 2: Quyết định này được thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Các Ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám Đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Giám Đốc Sở Tư Pháp. Giám đốc các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 822/QĐUB ngày 05/06/1997
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.)
Chương I
Những quy định chung
Điều 1. Thành phần môi trường được đề cập trong quy định này bao gồm không khí, nước bề mặt (nước sông, nước hồ, nước suối...), nước ngầm, đất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên trong lòng đất, các khu dân cư, khu sản xuất,khu vật danh lam thắng cảnh, các công trình văn hoá lịch sử trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Việc quản lý và bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng nhằm mục đích :
- Bảo vệ sức khoẻ của nhân dân
- Giữ gìn môi trường trong sạch
- Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm phát triển bền vững
- Khuyến khích đầu tư kỷ thuật và công nghệ tiên tiến để bảo vệ và cải tạo môi trường tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Các tổ chức ,cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều có quyền , nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Các tổ chức, trong và ngoài nước khi xây dựng, cải tạo vùng sản xuất, khu dân cư, các công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có thẩm quyền thẩm định, trước khi dự án được cấp giấy phép thực hiện.
Chương II
Bảo vệ các thành phần môi trường
Điều 5. Không được thải vào không khí các chất độc hại, các chất có mùi hôi thối, gây bệnh, gây ăn mòn vật liệu và có tác động xấu khác đối với người và sinh vật quá giới hạn cho phép được quy định tại bảng 1 (Tiêu chuẩn giới hạn cho khí thải ) Bảng 2 (Tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh), Bảng 3 (Nồng độ cho phép tối đa đối với các chất ô nhiễm độc hại trong không khí xung quanh)
Điều 6. Tất cả các loại phương tiện giao thông khi lưu thông trên đường không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ không được thải khói, chất dầu, khí độc vượt quá tiêu chuẩn cho phép qui định ở Bảng 4 (Tiêu chuẩn thải khí cho các phương tiện vận tải).
Các loại xe do súc vật kéo và xe người kéo, người đẩy phải thực hiện các biện pháp bảo đảm giữ gìn vệ sinh chung.
Điều 7. Không được đổ rác, đốt rác ở những nơi không được phép và phải thực hiện đúng các qui định về giữ gìn vệ sinh chung. Việc thu gom và xử lý rác thải phải tiến hành kịp thời, đúng qui trình kỹ thuật.
Điều 8. Việc sử dụng, tàng trữ và bảo quản các chất dễ cháy, dễ nổ (xăng, dung môi hữu cơ, thuốc nổ ...) phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn theo quy định của ngành phòng cháy chữa cháy.
Điều 9. Tất cả các cở sở sản xuất, công trình xây dựng, phương tiện giao thông và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được gây tiếng ồn và độ rung quá qui định cho phép tại Bảng 5 (Tiêu chuẩn tiếng ồn tại khu vực). Bảng 6 (Tiêu chuẩn tiếng ồn cho phương tiện vận tải), Bảng 7A (Mức rung cho phép) và Bảng 7B (Mức rung ở từng Octa) phụ lục kèm theo bảng qui định này.
Điều 10. Việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm ở Việt Nam được qui định tại Bảng 8 (Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam).
Điều 11. Các tổ chức và cá nhân không được đưa vào nguồn nước, bề mặt đất và lòng đất các hoá chất độc hại, dầu mỡ, chất phóng xạ, chất hữu cơ, vi trùng ... vượt quá nồng độ cho phép qui định tại Bảng 9 (Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt). Bảng 10 (Qui định các vùng bảo vệ chất lượng nước mặt ở Lâm Đồng) và Bảng 11 (Nồng độ tối đa cho phép của các tác nhân gây ô nhiễm trong nước thải đưa vào các loại nguồn nước). Việc thu gom vận chuyển và xử lý các loại chất thải này phải được thực hiện đúng nơi, đúng chỗ và đúng yêu cầu kỹ thuật.
Điều 12. Mọi hoạt động thăm dò và khai thác các tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải thực hiện theo đúng các qui định của Trung ương và địa phương.
Điều 13. Cấm các hình thức hoạt động trong khai khoáng, thăm dò địa chất, khai thác nước ngầm gây tác hại cho tầng nước ngầm như làm suy giảm không hồi phục hoặc gây nhiễm bẩn. Các giếng khoan, giếng đào không sử dụng phải được lấp theo đúng qui định của ngành địa chất.
Điều 14. Nghiêm cấm việc săn bắt, khai thác động vật rừng, thực vật rừng quý hiếm thuộc danh mục cấm đã được Nhà nước qui định bảo vệ. Cấm đốt rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép hoặc các hành vi khác gây hại tài nguyên rừng, môi trường rừng theo qui định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Điều 15. Cấm khai thác các nguồn thuỷ sản đến mức cạn kiệt vượt quá ngưỡng hồi phục. Không được sử dụng các loại thuốc độc, bã độc, chất nổ hoặc điện để đánh bắt thuỷ sản. Không được đánh bắt các loại thuỷ sản nhỏ chưa đến độ trưởng thành.
Điều 16. Cấm mọi hình thức hoạt động trong xây dựng, thuỷ lợi, khai thác thuỷ sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp và du lịch gây thay đổi đến chế độ khí hậu, chế độ thuỷ văn, gây sạt lỡ, xói mòn đất và gây phương hại đến hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn của tỉnh.
Chương III
Phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường
Điều 17. Các tổ chức và cá nhân sử dụng chất phóng xạ phải được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Mọi hoạt động có sử dụng hoá chất độc hại, các chất phóng xạ phải thực hiện nghiêm chỉnh các qui định của Nhà nước theo TCVN 4397-87 về quy phạm an toàn bức xạ ion hoá trong việc xuất nhập, sử dụng, tồn trữ và theo TCVN 4895-89 về quy phạm vận chuyển an toàn bức xạ.
Nồng độ giới hạn các hạt nhân phóng xạ thường gặp trong nước và không khí được qui định tại Bảng 12 (Nồng độ giới hạn của một số hạt nhân phóng xạ thường gặp (thuộc nhóm A và B) trong không khí và nước).
Điều 18. Các chất thải độc hại từ các bệnh viện, các cơ sở nghiên cứu thí nghiệm, sản xuất của ngành y tế, các cơ sở nghiên cứu, sản xuất về phóng xạ và hoá chất, ... phải được xử lý đặc biệt theo qui định của Bộ Y tế, tuyệt đối không được thải vào bãi rác công cộng và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý môi trường tỉnh.
Điều 19. Việc chôn cất, hoả táng, bốc mộ và di chuyển hài cốt người chết phải thực hiện đầy đủ những qui định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Điều 20. Mọi tổ chức và cá nhân sản xuất, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hoá chất độc hại, tác nhân phóng xạ, tác nhân sinh học, chất cháy, chất nổ trong địa bàn tỉnh phải được phép của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan quản lý về môi trường.
Điều 21. Hàng năm Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống và dự báo sự cố môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi xảy ra sự cố môi trường ở cấp nào thì Chủ tịch UBND cấp đó có quyền điều động nhân lực, phương tiện kỹ thuật giải quyết hậu quả tại chỗ và thông báo khẩn cấp đến cơ quan cấp trên.
Chương IV
Chế độ thanh tra kiểm tra và
Xử lý các vi phạm về môi trường
Điều 22. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện chức năng thanh tra và kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Điều 23. Tất cả các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều chịu sự thanh tra, giám sát, quản lý của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Điều 24. Việc thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất tuỳ theo yêu cầu và tính chất vụ việc. Kết quả thanh tra được gửi đến tổ chức, cá nhân bị thanh tra và chính quyền địa phương trực tiếp quản lý đơn vị đó (UBND huyện, phường, xã) để có cơ sở theo dõi, nắm tình hình môi trường khu vực.
Điều 25. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm xem xét giải quyết các đơn thư khiếu tố, khiếu nại thuộc thẩm quyền theo đúng qui định tại Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân.
Điều 26. Các tổ chức, cá nhân vi phạm qui định bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ và các văn bản hiện hành của Nhà nước.
Điều 27. Các tổ chức, cá nhân cố tình gây cản trở cho công tác thanh tra, kiểm tra môi trường, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường xử lý theo chức năng hoặc lập biên bản trình UBND tỉnh ra quyết định xử lý.
Chương V
Khen thưởng và kỹ luật
Điều 28. Các tổ chức và cá nhân có thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường của tỉnh sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.
Điều 29. Các tổ chức và cá nhân vi phạm những qui định về bảo vệ môi trường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương VI
Điều khoản thi hành
Điều 30. Các cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh có liên quan đến việc bảo vệ môi trường phải có kế hoạch xây dựng phương án phòng chống sự cố môi trường, đồng thời tổ chức xây dựng cơ sở vật chất cần thiết phục vụ bảo vệ môi trường ( cơ sở xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, trang thiết bị phòng chống ô nhiễm phù hợp,...) và tổ chức các khoá huấn luyện kỹ thuật xử lý sự cố ô nhiễm môi trường cho cán bộ, công nhân viên trong ngành.
Điều 31. Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường thực hiện việc hợp tác với cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác bảo vệ môi trường của quốc gia và khu vực. Phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra biện pháp bảo vệ môi trường và giám sát chất lượng môi trường. Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các tổ chức và cá nhân vi phạm quy định bảo vệ môi trường.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắt thì báo cáo UBND Tỉnh để kịp thời giải quyết./.