QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban sông Mê Công tại Việt Nam
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công đã ký ngày 5 tháng 4 năm 1995 giữa Chính phủ 4 nước Cămpuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.-
Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam do cấp Bộ trưởng phụ trách, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý mọi hoạt động hợp tác với Uỷ hội Mê Công quốc tế và trình Chính phủ các chủ trương về hợp tác Mê Công nhằm phát triển, sử dụng, bảo vệ tốt tài nguyên nước và tài nguyên có liên quan toàn lưu vực Mê Công nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên thuộc lưu vực Mê Công nói riêng.
Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam được sử dụng dấu có hình Quốc huy.
Trụ sở Uỷ ban đặt tại số 23 Hàng Tre, thành phố Hà Nội, có đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.- Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Hợp tác với các quốc gia thành viên để cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.
2. Theo dõi, giám sát và quản lý tài nguyên nước và tài nguyên có liên quan trong lưu vực sông Mê Công; bảo vệ quyền lợi Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể và các dự án hợp tác Mê Công toàn lưu vực, đặc biệt là các dự án trên dòng chính.
3. Hợp tác với các quốc gia trong lưu vực, các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân địa phương có liên quan đề xuất các dự án hợp tác Mê Công nhằm bảo vệ và phát triển đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
4. Cùng các nước thành viên và Ban Thư ký Mê Công quy định quy chế quản lý và thực hiện các dự án Mê Công quốc tế.
5. Tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ chuyên ngành về phân bổ vốn đối ứng trong nước cho các dự án Mê Công Việt Nam và các dự án Mê Công toàn lưu vực mà Việt Nam tham gia; được tham gia trong việc thẩm định quy hoạch và các dự án liên quan trong lưu vực Mê Công của các ngành và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
6. Tham gia các cuộc họp của Uỷ hội sông Mê Công và báo cáo kết quả các cuộc họp đó lên Thủ tướng Chính phủ.
7. Được yêu cầu các ngành, các địa phương thông báo kết quả các cuộc họp của Tiểu vùng gồm 6 nước trong lưu vực sông Mê Công có liên quan đến công tác của Uỷ ban. Tham gia các công việc của Tiểu vùng khi được Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 3.- Thành phần Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam gồm có:
Chủ tịch là Bộ trưởng phụ trách Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam.
Các phó chủ tịch kiêm nhiệm:
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các Uỷ viên kiêm nhiệm là đại diện có thẩm quyền của các Bộ Công nghiệp, Thuỷ sản, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Giao thông vận tải, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Chánh văn phòng Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam và đại diện Uỷ ban Nhân dân một số tỉnh thuộc lưu vực sông Mê Công.
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch do Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ đề nghị, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Các uỷ viên do Thủ trưởng cơ quan chủ quản và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh cử, Chủ tịch Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam chấp thuận.
Điều 4.- Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam có văn phòng thường trực
Văn phòng có Chánh văn phòng, các Phó Văn phòng do Chủ tịch Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm. Văn phòng có biên chế riêng, kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước cấp, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Chủ tịch Uỷ ban Sông Mê Công có trách nhiệm ban hành các quy chế làm việc cụ thể của Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam.
Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 6.- Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Sông Mê Công Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.