QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam
đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại Tờ trình số 1902/TTr-BCN ngày 03 tháng 05 năm 2007 về việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020; ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thuốc lá, thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ quy định hạn mức sản lượng sản xuất, nhập khẩu, chính sách thuế để hạn chế tiêu thụ thuốc lá, tuyên truyền vận động giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá;
2. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý ngành thuốc lá phù hợp cam kết WTO, từng bước thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC);
3. Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm thuốc lá, bao gồm sản xuất và nhập khẩu. Chỉ các doanh nghiệp nhà nước đã được cấp phép và các doanh nghiệp liên doanh giữa doanh nghiệp đã được cấp phép với nước ngoài, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mới được sản xuất sản phẩm thuốc lá. Thực hiện cơ chế quản lý thương mại nhà nước trong nhập khẩu sản phẩm thuốc lá;
4. Sản phẩm thuốc lá là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Nhà nước thực hiện kiểm soát lưu thông, tiêu thụ thuốc lá trên thị trường, quản lý chặt chẽ việc bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá;
5. Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của từng doanh nghiệp và của toàn ngành thuốc lá được xác định 3 ca/ngày là năng lực của máy móc thiết bị có tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 08 năm 2000 của Chính phủ do Bộ Công nghiệp công bố;
6. Sản lượng sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp cung cấp ra thị trường trong nước hàng năm (bao gồm cả sản xuất và nhập khẩu) không được vượt quá năng lực sản xuất được ghi trong giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá. Bộ Công nghiệp quy định sản lượng sản xuất sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu trong nước, nước ngoài của các doanh nghiệp trong từng thời kỳ;
7. Sản xuất sản phẩm thuốc lá là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Không đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước vượt quá tổng năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá được cơ quan có thẩm quyền xác định. Chỉ được phép đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất thuốc lá để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, giảm thiểu độc hại và bảo vệ môi trường;
8. Hợp tác quốc tế trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc chung của hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam, không làm tăng năng lực sản xuất thuốc lá tiêu thụ trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, chống thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu;
9. Sản xuất các sản phẩm thuốc lá mới mang nhãn hiệu nước ngoài để tiêu thụ tại Việt Nam phải trong phạm vi năng lực sản xuất cho phép và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;
10. Đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá phải trên cơ sở liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá; đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất; phù hợp với Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá; Nhà nước chiếm phần vốn chi phối; phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;
11. Máy móc thiết bị, nguyên liệu, giấy cuốn điếu thuốc lá là hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm soát chặt chẽ trong sản xuất, nhập khẩu và sử dụng;
12. Đầu tư vùng trồng thuốc lá nhằm phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt quan tâm phát triển trồng thuốc lá ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo;
13. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của ngành thuốc lá ngang tầm với trình độ các nước trong khu vực;
14. Tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá theo hướng có quy mô lớn, thành lập Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam theo hướng sản xuất kinh doanh đa ngành, đa sở hữu; hiện đại hóa thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu độc hại, bảo vệ môi trường; có hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh cao; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện này.
II. MỤC TIÊU
1. Tổ chức sản xuất ngành thuốc lá đến năm 2020
a) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là nòng cốt, tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh không có hiệu quả thành các doanh nghiệp đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
b) Thành lập Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam hoạt động kinh doanh đa ngành trên cơ sở tiếp tục sắp xếp, tổ chức các doanh nghiệp đầu mối quản lý sản xuất kinh doanh về sản xuất thuốc lá là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (Công ty Thuốc lá Bến Thành), Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Công ty Thuốc lá Đồng Nai).
2. Sản xuất sản phẩm thuốc lá
a) Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá nội tiêu của toàn ngành
Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của từng doanh nghiệp và toàn ngành thuốc lá là năng lực máy móc thiết bị có tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 08 năm 2000 của Chính phủ, được tính toán 3 ca/ngày, do Bộ Công nghiệp xác định và công bố.
Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của từng doanh nghiệp và toàn ngành thuốc lá là cơ sở để quản lý đầu tư máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá và sản lượng sản xuất sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp.
b) Sản lượng sản phẩm thuốc lá hàng năm
Thuốc lá là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng nhưng phải duy trì sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu thị trường đồng thời để hạn chế nhập lậu sản phẩm thuốc lá.
Sản lượng sản phẩm thuốc lá hàng năm của toàn ngành thuốc lá cung cấp cho thị trường trong nước (cả sản xuất và nhập khẩu) không được vượt năng lực sản xuất thực tế do Bộ Công nghiệp xác định và công bố tại thời điểm ngày 14 tháng 8 năm 2000. Từng doanh nghiệp không được vượt quá năng lực sản xuất được ghi trong giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.
Bộ Công nghiệp quy định sản lượng sản xuất sản phẩm thuốc lá nhãn hiệu trong nước, nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, theo hướng giảm dần nhu cầu sử dụng sản phẩm thuốc lá.
c) Cơ cấu sản phẩm
Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng thuốc lá trung cao cấp, giảm dần thuốc lá phổ thông cấp thấp.
Cơ cấu sản phẩm | Tỷ lệ (%) |
| Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 |
Thuốc lá cao cấp | 27,0 | 32,0 | 35,0 |
Thuốc lá trung cấp | 10,5 | 23,0 | 30,0 |
Thuốc lá phổ thông | 62,5 | 45,0 | 35,0 |
Tổng số | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
Đến năm 2010:
Thuốc lá đầu lọc đạt 100%, thuốc lá trung cao cấp tăng dần và đạt tỷ lệ 37,5% trong sản lượng tiêu thụ nội địa. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đạt 64%.
Đến năm 2020:
Thuốc lá đầu lọc trung cao cấp là chủ yếu, chiếm tỷ trọng 65%. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đạt 70%.
d) Lộ trình giảm Tar và Nicotine
Thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2000 - 2010, Công ước khung FCTC đã được Việt Nam tham gia ký kết và phê chuẩn, lộ trình giảm Tar và Nicotine cho thuốc lá điếu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 quy định như sau:
Chỉ tiêu | 2005 - 2010 | 2010 - 2015 | 2015 - 2020 |
Tar (mg/điếu) | ≤ 16 | ≤ 12 | ≤ 10 |
Nicotine (mg/điếu) | ≤ 1,4 | ≤ 1,0 | ≤ 1,0 |
đ) Sản xuất nguyên liệu
- Sản xuất nông nghiệp:
Đến năm 2010:
Diện tích trồng thuốc lá khoảng 39.200 ha, năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha, sản lượng 78.400 tấn/năm.
Đến năm 2020:
Ổn định diện tích trồng thuốc lá khoảng 40.300 ha, năng suất bình quân 2,2 tấn/ha, sản lượng 88.660 tấn/năm. Nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác nông nghiệp đạt mức tiên tiến trên thế giới, sản xuất phần lớn các loại nguyên liệu cho thuốc lá trung cao cấp.
- Chế biến nguyên liệu:
Năm 2010 sử dụng 80% nguyên liệu qua chế biến và trên 30% nguyên liệu trong nước thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc lá cao cấp. Từ năm 2015, tất cả các đơn vị sản xuất thuốc lá sử dụng 100% nguyên liệu thuốc lá qua chế biến.
e) Sản xuất phụ liệu
Sản xuất phụ liệu thuốc lá các loại như cây đầu lọc, giấy sáp các loại, giấy vấn điếu, giấy nhôm, các loại bao bì (nhãn, thùng carton) đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.
g) Hợp tác quốc tế
Tiếp tục hợp tác với các tập đoàn thuốc lá quốc tế lớn là các đối tác chiến lược để sản xuất các nhãn thuốc quốc tế dưới các hình thức liên doanh, hợp tác gia công và li-xăng để tăng khả năng cạnh tranh, đẩy lùi thuốc lá nhập lậu nhưng không tăng sản lượng tiêu thụ trong nước; từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các nhãn thuốc lá có giá trị cao.
Hợp tác đầu tư và liên doanh nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm thuốc lá phải phù hợp với các nguyên tắc chung của hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế của Việt Nam và bảo đảm các điều kiện:
- Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nhưng không làm tăng năng lực sản xuất thuốc lá tiêu thụ trong nước.
- Đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá phải trên cơ sở liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá; phù hợp với Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá; Nhà nước chiếm phần vốn chi phối; phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất.
- Giảm thiểu độc hại, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tuân thủ Công ước khung FCTC, tuân thủ các quy định về quản lý sản xuất sản phẩm thuốc lá.
- Khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thuốc lá gắn liền với đầu tư vùng nguyên liệu, sử dụng phụ liệu sản xuất trong nước.
h) Đầu tư
- Đầu tư chiều sâu
Cải tạo và nâng cấp các nhà máy thuốc điếu hiện có theo hướng hiện đại hóa dây chuyền thiết bị công nghệ, bổ sung máy móc thiết bị có công suất cao và tự động hóa nhưng không tăng năng lực sản xuất. Thanh lý, tiêu hủy các thiết bị cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm. Đến năm 2015, máy móc thiết bị hiện đại chiếm 40%; năm 2020, máy móc thiết bị hiện đại chiếm 55% năng lực sản xuất của toàn ngành.
- Di dời một số nhà máy theo quy hoạch
Di dời một số nhà máy sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch như: Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Thuốc lá Thăng Long, Công ty Thuốc lá Bến Thành...
- Các lĩnh vực khác
Đầu tư nâng năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, giảm thiểu chất độc hại và gây ô nhiễm môi trường.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
1. Giải pháp tổ chức sắp xếp lại ngành thuốc lá
a) Giải pháp sắp xếp, sáp nhập
- Xác định các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thiếu khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
- Tiến hành tổ chức sắp xếp vào các doanh nghiệp mạnh hoặc sáp nhập thành doanh nghiệp mới, đủ mạnh, sản xuất kinh doanh đa ngành.
b) Giải pháp thành lập Tập đoàn thuốc lá Việt Nam
- Tập trung còn 4 đầu mối sản xuất kinh doanh thuốc lá chủ đạo của ngành là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai.
- Thành lập Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp đầu mối, hoạt động kinh doanh đa ngành.
Các giải pháp tổ chức sắp xếp ngành thuốc lá dựa trên cơ sở tự nguyện, được bàn bạc, thống nhất giữa các địa phương, doanh nghiệp liên quan.
2. Giải pháp tổ chức tiêu thụ sản phẩm thuốc lá
- Củng cố và tổ chức lại hệ thống phân phối hợp lý, nắm vững thị trường bán buôn, tiến tới kiểm soát được hệ thống bán lẻ, xây dựng hệ thống bán lẻ với điểm bán cố định có quản lý. Chủ động kiểm soát và điều tiết giá cả thị trường theo hướng tăng thu ngân sách và giảm lượng tiêu dùng thuốc lá.
- Tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu thuốc lá điếu, hợp tác hoặc gia công cho nước ngoài.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu. Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách và đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá để ngăn chặn, đẩy lùi thuốc lá nhập lậu và hỗ trợ trang bị phương tiện, nhân lực cho lực lượng chống buôn lậu.
3. Giải pháp về đầu tư và nghiên cứu khoa học
a) Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ
Tập trung đầu tư nâng cấp các thiết bị chủ yếu theo hướng hiện đại hoá.
- Thiết bị vấn điếu đóng bao: thay thế và bổ sung các dây chuyền vấn ghép đầu lọc có công suất từ 6.000 - 10.000 điếu/phút; các dây chuyền đóng bao 250 - 400 bao/phút.
- Thiết bị dây chuyền sợi: tiếp tục bổ sung nâng cấp, hiện đại hóa phân xưởng sợi các nhà máy đạt mức trung bình tiên tiến và hiện đại.
- Đầu tư phát triển vùng trồng nguyên liệu, nâng cao chất lượng nguyên liệu, đầu tư thay thế 01 dây chuyền chế biến nguyên liệu 3 tấn/giờ. Đầu tư 1 dây chuyền sản xuất thuốc lá tấm 5.000 tấn/năm.
- Trang bị mới dây chuyền trương nở sợi, đổi mới công nghệ trong chế biến tách cọng, chế biến nguyên liệu, chế biến sợi, sử dụng hương liệu, phụ liệu theo hướng giảm các chất độc hại, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xu hướng quốc tế.
- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hoá các nhà xưởng; tự động hóa hệ thống kho tàng, vận chuyển phù hợp với máy móc thiết bị hiện đại.
- Hiện đại hóa một số cơ sở sản xuất phụ liệu.
b) Nghiên cứu khoa học
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực: nguyên liệu, thuốc điếu, quản lý chất lượng sản phẩm, phụ liệu...
- Đầu tư xây dựng Viện Kinh tế - Kỹ thuật Thuốc lá trở thành cơ quan nghiên cứu R&D của ngành.
c) Nguồn vốn
Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ Quỹ đầu tư trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp, vốn vay thương mại, vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
4. Các giải pháp về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá
- Đầu tư trọng điểm vùng nguyên liệu chất lượng cao như Cao Bằng, Bắc Sơn (Lạng Sơn), Ninh Thuận, Tây Ninh, Gia Lai, Đắk Lắk...
- Nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc: tuyển chọn giống thuốc lá, quy trình kỹ thuật canh tác, sơ chế, sấy thuốc lá, phân cấp nguyên liệu thuốc lá.
- Quản lý sản xuất kinh doanh nguyên liệu: tạo nguồn vốn từ Quỹ đầu tư trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá. Xây dựng chính sách giá hợp lý, triển khai phương thức thu mua thích hợp. Phát triển các hình thức xây dựng trang trại, liên doanh liên kết kể cả hợp tác liên doanh nước ngoài đầu tư trồng, chế biến nguyên liệu thuốc lá.
5. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Tiếp tục hợp tác với các Tập đoàn BAT, Philip Morris, Imperial, Japan Tobacco sản xuất các nhãn thuốc lá quốc tế đã được cấp phép dưới hình thức liên doanh, hợp tác và li - xăng. Hợp tác sản xuất thêm một số nhãn mác quốc tế để thay thế thuốc lá nhập lậu.
- Phát triển liên doanh trồng nguyên liệu và chế biến sợi phục vụ nhu cầu thị trường.
- Hợp tác với các tập đoàn BAT, Sampoerna, Universal, Dimon... trong các chương trình: nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng nguyên liệu trồng trong nước, xuất khẩu nguyên liệu, phụ liệu thay thế nhập khẩu.
- Nghiên cứu khả năng hợp tác liên doanh các ngành nghề khác theo định hướng kinh doanh đa ngành của ngành thuốc lá Việt Nam.
6. Các giải pháp về nguồn nhân lực và đào tạo
Đa dạng hóa hình thức đào tạo, gắn liền đào tạo với thực tế sản xuất. Bố trí sắp xếp lại lao động sản xuất. Tinh giảm bộ máy quản lý, có cơ chế, chính sách bồi dưỡng nhân tài, động viên phát huy sáng kiến, sức sáng tạo của người lao động. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyển giao kỹ thuật, công nghệ.
7. Giải pháp bảo vệ môi trường và sản xuất sạch
- Thực hiện việc di dời các đơn vị sản xuất thuốc lá theo quy hoạch đúng tiến độ và đầu tư cơ sở mới có hiệu quả.
- Đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm và khắc phục gây ô nhiễm môi trường. Kết hợp công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại để xử lý có hiệu quả: khí thải, chất thải rắn, nước thải, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn.
8. Giải pháp đa dạng ngành nghề kinh doanh
Thực hiện đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, chuẩn bị phương án đầu tư vào các ngành nghề khác để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng thu cho ngân sách, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.
a) Chính sách về sản xuất
- Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho các vùng trồng cây thuốc lá: hệ thống thủy lợi, đường giao thông,...; hỗ trợ vay vốn bằng hiện vật cho nông dân trồng thuốc lá như phân bón, thuốc trừ sâu, than sấy... Duy trì Quỹ đầu tư trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá, có chế tài xử phạt khi xảy ra tranh chấp, không thực hiện hợp đồng.
- Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có giá trị và chất lượng cao; chính sách hỗ trợ cho ngành thuốc lá để giải quyết lượng lao động mất việc làm, giải quyết lao động dôi dư phù hợp với lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của Nhà nước.
b) Chính sách quản lý chuyên ngành
- Đối với sản xuất:
+ Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm thuốc lá, bao gồm sản xuất và nhập khẩu.
+ Quản lý năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của từng doanh nghiệp và của toàn ngành thuốc lá, trên cơ sở năng lực của máy móc thiết bị có tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 08 năm 2000 của Chính phủ do Bộ Công nghiệp công bố, được xác định 3 ca/ngày.
+ Quy định sản lượng sản xuất: sản lượng sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp cung cấp ra thị trường trong nước hàng năm (bao gồm cả sản xuất và nhập khẩu) không được vượt quá năng lực sản xuất được ghi trong giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá. Bộ Công nghiệp quy định sản lượng sản xuất sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu trong nước, nước ngoài của các doanh nghiệp trong từng thời kỳ (quy định sản lượng nhãn thuốc lá quốc tế theo các hình thức nhượng quyền, hợp tác sản xuất, liên doanh).
Quản lý việc cung cấp tem thuốc lá theo đúng hạn mức sản lượng sản xuất, hạn mức nhập khẩu sản phẩm thuốc lá quy định cho các doanh nghiệp theo từng thời kỳ.
- Đối với nhập khẩu:
+ Đối với nhập khẩu sản phẩm thuốc lá:
Đưa vào danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành và quản lý nhập khẩu theo hình thức thương mại Nhà nước kết hợp với các biện pháp phi thuế quan.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là đầu mối duy nhất nhập khẩu sản phẩm thuốc lá. Sản lượng thuốc lá nhập khẩu đảm bảo không làm tăng tổng sản lượng thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam.
Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu phải đáp ứng các quy định: ghi rõ nơi sản xuất, hàm lượng Tar và Nicotine, dán tem nhập khẩu phân biệt với tem thuốc lá sản xuất trong nước, ghi lời cảnh báo sức khoẻ...
Ngoài các loại thuế theo quy định, thuế nhập khẩu thuốc lá có lộ trình phù hợp (thuế %, thuế tuyệt đối) nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh của ngành thuốc lá.
+ Đối với mặt hàng thuốc lá lá nguyên liệu:
Tiếp tục duy trì biện pháp quản lý hạn ngạch thuế quan như kết quả đàm phán gia nhập WTO.
+ Đối với mặt hàng máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá, sợi thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá:
Máy móc thiết bị, nguyên liệu, giấy cuốn điếu thuốc lá là hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm soát chặt chẽ trong sản xuất, nhập khẩu và sử dụng đảm bảo không tăng năng lực sản xuất thuốc lá, hạn chế tình trạng sản xuất thuốc lá trốn thuế, thuốc lá giả nhãn mác, kém chất lượng.
- Các chính sách khác:
+ Hoàn thiện khung pháp lý:
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan phù hợp với quy định của WTO, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) về các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư,... theo nguyên tắc "Đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngành thuốc lá Việt Nam, Nhà nước có thể kiểm soát được sản xuất, tiêu thụ thuốc lá và thực hiện được các cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế".
+ Chống buôn lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả:
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, kém chất lượng...; dành một khoản kinh phí cần thiết trên cơ sở trích một phần kinh phí ngân sách và đóng góp của ngành thuốc lá để tiêu hủy thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ trang bị đầu tư phương tiện thông tin, giao thông, nhân lực... cho lực lượng chống buôn lậu; quan tâm hỗ trợ, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào vùng biên giới.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Bộ Công nghiệp: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược này.
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thương mại, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn hóa - Thông tin, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo thẩm quyền chức năng được giao, phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược này.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành cụ thể hoá Chiến lược trên địa bàn tỉnh, thành phố cho phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với Bộ Công nghiệp thực hiện chủ trương sắp xếp các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá do tỉnh, thành phố quản lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.