QUYếT địNHQUYẾT ĐỊNH
Về những nội dung chủ yếu của chương trình xây dựng Trung tâm Y tế chuyên sâu Hà Nội
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định luận chứng kinh tế - kỹ thuật cấp Nhà nước số 3712 UB/VPTĐ ngày 9-12-1994 về chương trình Trung tâm Y tế chuyên sâu Hà Nội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay phê chuẩn chương trình xây dựng Trung tâm Y tế chuyên sâu Hà Nội với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu chương trình:
Mục tiêu chung:
Xây dựng và phát triển các cơ sở y tế - y học ở Hà Nội thành một trung tâm mạnh, từng bước hiện đại hoá để theo kịp trình độ khu vực và thế giới, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân với chất lượng ngày càng cao.
Mục tiêu cụ thể:
Đổi mới và bổ sung các trang thiết bị để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.
Đầu tư xây dựng và sửa chữa để nâng cấp cơ sở hạ tầng phù hợp với trang thiết bị và phục vụ tốt cho người bệnh.
Tăng cường đào tạo, bổ túc cán bộ có trình độ cao về chuyên môn và quản lý.
2. Phạm vi lựa chọn đầu tư Trung tâm Y tế chuyên sâu Hà Nội:
a) Giai đoạn 1: năm 1995-1996:
Đầu tư tập trung cho 5 cơ sở: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Quân y Viện 108, Bệnh viện Hữu nghị và Trường Đại học Y Hà Nội.
b) Giai đoạn 2: từ năm 1997 đến năm 2000:
Tiếp tục triển khai đầu tư một số đơn vị mũi nhọn đầu ngành của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
3. Nhiệm vụ của các đơn vị trong Trung tâm Y tế chuyên sâu Hà Nội:
Thực hiện các kỹ thuật cao thuộc chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.
Là cơ sở thực hành của Đại học Y, Dược Hà Nội, bảo đảm chất lượng đào tạo đại học và sau đại học cho ngành Y tế.
Tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học ở trình độ kỹ thuật cao.
Chỉ đạo về khoa học kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm một bước phát triển mới về y tế và y học.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế - y học.
4. Các bước thực hiện nội dung chương trình:
a) Giai đoạn 1 (1995-1996): Đầu tư nâng cấp trang thiết bị và cơ sở vật chất cho bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Việt - Đức và Trường Đại học Y Hà Nội trên các cơ sở chủ yếu sau:
Các Labo chẩn đoán,
Các phòng xét nghiệm,
Các đơn vị điều trị,
Khoa Quốc tế,
Các phương tiện giảng dạy hiện đại,
Xây dựng mới và sửa chữa cơ sở hạ tầng để đáp ứng với trang thiết bị hiện đại.
b) Giai đoạn 2 (1997-2000):
Tiếp tục đầu tư cho các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Hữu nghị, Quân y viện 108 và Trường Đại học Y Hà Nội.
Mở rộng đầu tư cho các đơn vị mũi nhọn chuyên sâu của các đơn vị đầu ngành trên địa bàn Hà Nội.
5. Kinh phí:
a) Nguồn kinh phí bao gồm:
Ngân sách Nhà nước cấp theo dự án cụ thể cho từng bệnh viện và đơn vị mũi nhọn ghi trong chương trình.
Nguồn viện trợ (viện trợ không hoàn lại của các Chính phủ và các tổ chức Quốc tế).
Vốn vay với lãi suất thấp để xây dựng Trung tâm Y tế chuyên sâu.
b) Cơ cấu đầu tư:
50% dành cho trang thiết bị y tế chuyên dùng, bảo đảm tính hiện đại, nhằm chẩn đoán và điều trị có hiệu quả cao, đồng thời cân đối giữa trang thiết bị hiện đại với khả năng quản lý vận hành, phù hợp với khả năng tài chính. Trong quá trình đổi mới trang thiết bị y tế, phải có biện pháp sử dụng thật tốt các trang thiết bị đã có.
10% phụ tùng thay thế và các loại vật tư khác.
20% cho đào tạo cán bộ.
20% cho xây dựng cơ bản.
c) Thu hồi vốn:
Bộ Y tế chỉ đạo 5 cơ sở: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Việt - Đức, Quân y Viện 108, Trường Đại học Y Hà Nội và các đơn vị khác được đầu tư có biện pháp thu hồi một phần vốn đầu tư theo các quy định của Nhà nước để tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Điều 2. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm thành lập và trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng Trung tâm Y tế chuyên sâu Hà Nội để thực hiện chương trình theo quy định của Nhà nước.
Điều 3. Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí và cấp kinh phí hàng năm cho Trung tâm Y tế chuyên sâu Hà Nội theo đề nghị của Bộ Y tế.
Điều 4. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các Bộ trưởng Y tế, Tài chính, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.